An Giang quê tôi: Chiến thắng Cổ Hủ (1834)

Biển

Người về từ lòng đất
Joined
Apr 16, 2011
Messages
450
Points
18
Lịch sử An Giang từ khi thành lập đã là lịch sử mở đất và giữ đất. Là một tỉnh địa đầu, An Giang thường xuyên phải chống đỡ những cuộc xâm lăng của quân Xiêm, khi thì theo đường Chân Lạp tới, lúc thì theo ngả Hà Tiên sang. Không ít địa danh ở An Giang đã từng ghi dấu chiến công hiển hách của quân dân ta dưới thời các chúa Nguyễn rồi đến các vua Nguyễn. Bài viết này đề cập đến chiến thắng tiêu biểu nhất trong thời Nguyễn: chiến thắng Cổ Hủ.

1. Nhanh tay chiếm địa lợi:

Năm 1833, Lê Văn Khôi khởi binh chiếm thành Phiên An, liên lạc với quân Xiêm để cầu viện, hứa khi thành công sẽ cắt đất đền ơn. Vua Xiêm Rama III vui mừng liền sai Chậu Phi Nhã Chất Tri (Chao Phya Chakri, tên thật là Rajasuwapadi) và Chậu Phi Nhã Phật Lăng (Phra Klang) đem vài vạn quân sang xâm lược. Quân Xiêm chia làm bốn đạo: hai đạo nghi binh đánh vào Nghệ An và Quảng Trị, còn hai đạo quân chủ lực của Xiêm thì đánh thẳng vào Gia Định: Rajasuwapadi đem bốn vạn quân thủy bộ theo đường Chân Lạp sang đánh vào Nam Vang, Phra Klang đem một vạn quân thủy theo đường biển Chân Bôn (Chantaboun) tới đánh úp Hà Tiên, sau đó hai đạo quân cùng giáp công thành Châu Đốc. Minh Mạng nghe tin liền sai Bình khấu tướng quân Trần Văn Năng, Tham tán Trương Minh Giảng, Nguyễn Xuân cùng hàng tướng Thái Công Triều đem một số quân đang vây thành Phiên An đi chặn đánh. Minh Mạng dặn dò “phải điều động cho kín, đừng động tiếng tăm mà dân gian lường được hư thiệt mình”.

Bấy giờ về chiến lược chống giặc, các tướng có sự bất đồng mà chia quân ra thì mỗi đạo không đầy một nghìn người. Tham tán Trương Minh Giảng mời Thái Công Triều đến hỏi kế sách. Công Triều trả lời: “Quân giặc tới đây gấp, quân cứu viện của ta đang còn hoãn, không đầy vài ba ngày nữa đây những tỉnh Nam Vang, Hà Tiên, Châu Đốc phải thất thủ, như vậy tiến quân lên cũng không kịp nữa. Nay phải đi, gấp giữ lấy Thuận Cảng cho mau, giặc dầu đông cũng không dám thẳng tới Tiền Giang, phải theo Hậu Giang do Thuận Cảng mà lại. Ta chiếm trước chỗ hiểm ấy thì nó không thể tung hoành được, cũng là một chước kỳ để thắng trận. Nếu không thì hãy đợi đại binh, hợp lại mà đánh mới được vạn toàn, nếu để họ vượt Thuận Cảng mà qua Chiến Sai của mình thì dân Vĩnh Long, Định Tường chưa quen đánh trận, lòng người dao động khó thể cậy nhờ”. Trương Minh Giảng nghe xong, nhưng vẫn chưa quyết định.

Ngày 28-11, Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân phát quân đi, vừa qua Định Tường đã nghe tin Nam Vang, Hà Tiên nối nhau thất thủ. Tham tán Nguyễn Xuân muốn đợi tuyển thêm quân ở Vĩnh Long nhưng Trương Minh Giảng không đồng ý, muốn đem quân đi gấp chiếm giữ Thuận Cảng. Đến Tân Thành (An Giang) thì gặp Tuần phủ Đặng Văn Bằng chạy đến báo tin An Giang thất thủ. Trương Minh Giảng cấm nói tình hình của giặc để yên lòng quân. Sớm ngày mồng 4 tháng chạp, quân ta đến tấn Chưởng Lễ, cử người đi do thám Thuận Cảng, thấy hai bên bờ sông đều có lũy không, hỏi ra mới biết quân Xiêm ban đêm đến đắp lũy đến gần sáng lại về. Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân bèn cho quân tiến lên, khoảng giờ Thân giờ Mùi (khoảng 3-6 giờ chiều) thì đến Thuận Cảng, nhưng thuyền của quân Xiêm đã ở sẵn trong cửa sông rồi.
 

Biển

Người về từ lòng đất
Joined
Apr 16, 2011
Messages
450
Points
18
2. Đánh Thuận Cảng, giữ Thuận Cảng, thua chạy ở Thuận Cảng:

Về địa hình vùng Thuận Cảng, Trương Quốc Dụng mô tả: “Thuận Cảng là đường sông nhánh Tiền Giang chảy vào Hậu Giang, chính giữa ngã sông cát bồi cạn, thuyền không tới được”. Xem bản đồ hiện tại thì đó chính là khúc sông Vàm Nao ngày nay. “Gia Định thành thông chí” còn cho biết bên bờ tây sông Vàm Nao có sở thủ ngự của triều đình, ven sông có người Việt khai khẩn còn vùng rừng rậm phía sau là sóc sách của người Khmer. Cả quân ta lẫn quân Xiêm đều nhận rõ vị trí xung yếu này nên đều quyết tâm “tranh nhau lấy thượng lưu”. Quân ta men theo bờ bắc, quân Xiêm men theo bờ nam tiến ngược chiều nhau. Quân ta hẹn hễ nghe hiệu trống mới xông lên đánh. Bất ngờ gió đông thổi mạnh, một chiếc thuyền biển của ta bị gió dạt vào bãi cát, chống cạy không ra. Quân Xiêm liền đưa thuyền nhỏ xúm lại bắt. Quân trên thuyền của ta hốt hoảng không đợi hiệu lệnh, mở đại bác bắn trả, giết chết tiên phong Xiêm là Liêm Cầm Hen. Quân Xiêm lui vào trong cửa vàm cố thủ. Canh tư đêm ấy, quân ta tập kích trại giặc. Đến khi đạn bắn vào dinh thì quân Xiêm mới phát hiện. Quân Xiêm thua to, bỏ chạy. Quân ta bèn giữ Thuận Cảng.

Trương Minh Giảng, Nguyễn Xuân giữ Thuận Cảng cầm cự với quân Xiêm sáu bảy ngày thì viện binh của Tả tướng quân Tống Phúc Lương và Quản vệ Phạm Hữu Tâm tới. Quyền tổng chỉ huy được trao cho Tống Phúc Lương. Tống Phúc Lương hỏi Trương Minh Giảng xem nên đánh thế nào. Giảng nói: “Đã định ngày đánh rồi, phải chia hai đường thủy bộ cùng tiến”. Tống Phúc Lương lại hỏi Phạm Hữu Tâm. Hữu Tâm nói: “Giặc nhiều ta ít, chia quân ra thì sức mỏng, chẳng bằng tập trung quân phá quân thủy của giặc, thì quân bộ sẽ tự tan vỡ thôi”. Tống Phúc Lương nghe theo kế của Phạm Hữu Tâm, hẹn canh ba bày trận, nửa canh tư nghe hiệu thì tiến đánh. Quân ta đánh nhau từ sáng đến trưa không thắng được. Phạm Hữu Tâm chạy đến chỗ Trương Minh Giảng xin chia quân đánh bộ. Trương Minh Giảng cho nhưng sắc mặt nghiêm khắc. Quân ta vừa đến dinh giặc đánh được vài hiệp thì “tả tướng lui trước” tức bỏ chạy trước. Các cánh quân khác cũng tan vỡ theo. Phạm Hữu Tâm bị kẹt lại trong vòng vây, may có Trương Minh Giảng đem quân chặn đường liều sức cứu Phạm Hữu Tâm ra. Quân ta tháo chạy đến chiều thì đến sông Cổ Hủ. Tống Phúc Lương thân là đại tướng lại đem lính của mình và đội lính Trung Bảo chạy trước. Các toán quân không có thống thuộc cũng nối gót chạy theo, chỉ tội cho “dân hai bên bờ sông chạy giặc van khóc như ri”. Trương Minh Giảng sai người đuổi theo ngăn Tham tán Nguyễn Xuân và Thống chế Trần Văn Tri lại. Nhờ đó, các toán quân lục tục quay về, sắp xếp lại đội ngũ đến canh năm thì xong. Quân ta bèn giữ sông Cổ Hủ.

Trận này quân ta thua chạy nhưng quân Xiêm không dám đuổi tràn vì còn e ngại trận thua mới rồi, chỉ trách Tống Phúc Lương làm đại tướng mà bé gan, ra trận sợ giặc để cho binh bại như núi lở.
 

Biển

Người về từ lòng đất
Joined
Apr 16, 2011
Messages
450
Points
18
3. Hỏa công trên sông Cổ Hủ:

Địa điểm Cổ Hủ theo nhà văn Sơn Nam đoán là Chiến Sai (Chợ Thủ). “Vè Lái Rổi” định vị Cổ Hủ ở giữa vàm Sở Thượng và Đất Sét. Sơn Nam phỏng định là vùng rạch Trà Thôn, chúng tôi không có tài liệu nói khác.

Sau trận bại binh ở Vàm Nao, quân ta giữ Cổ Hủ chờ viện binh. Ngày 16, quân Xiêm kéo đến. Hai ngày 18 và 19 giặc lại thêm nhiều, kéo đến thách đánh. Quân ta giao chiến vài mươi hiệp, không được nghỉ. Tống Phúc Lương thì đã cáo bệnh không chỉ huy được, rồi bỏ về Gia Định. Về những ngày này, “Minh Mạng chính yếu” viết: “Giặc Xiêm dẫn binh thuyền hơn 100 chiếc theo Thuận Cảng (Vàm Nao) xuôi xuống, bày ngang giữa dòng sông chống lại thuyền của quân ta, lại vây đánh đồn của ta đóng bên tả ngạn. Quản vệ giữ đồn là Phạm Hữu Tâm chống đánh, chém kẻ đầu mục là Phi Nhã Khổ Lạc, cùng hơn 20 tên giặc. Giặc lại dựng trại ngang đồn ngày đêm dùng đại bác bắn phá”. Ngày 20, quân Xiêm im lặng đến chiều. Ý giặc là quấy rối ta liên tục hai ngày, rồi ngừng một ngày thì quân ta sẽ tranh thủ nghỉ ngơi và lơ là phòng bị. Quân Xiêm sẽ thừa cơ hội đánh hỏa công.

Nhưng không may cho quân Xiêm là các Tham tán Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân đều là những tướng giỏi, nhanh nhạy và có mưu lược. Hôm đó, lính tuần tiễu của ta bắt được một cây chuối nổi giữa sông. Biết quân Xiêm sẽ dùng hỏa công, hai người bàn rằng: “Thủy chiến hỏa công là kỹ thuật sở trường của quân đội ta. Nếu giặc dùng bè lửa trôi xuống, ta sẽ lách vào những khoảng trống giữa các bè mà tiến lên. Nếu bè lửa của giặc kết lại từng mảng, ta đi hai bên bờ hoặc giữa dòng, dùng búa mà cắt dây sắt cho bè tan ra, hoặc dùng móc sắt kéo các bè cho dạt ra”. Bàn định đâu đấy, quân ta liền thu hết các chiến thuyền về đậu ở hai bên bờ sông. Đến canh năm, quân Xiêm phóng một bè lửa lớn ở giữa sông, lửa cháy ngất trời. Minh Mạng chính yếu chép: “giặc ở phía thượng nguồn bèn nhân đêm tối lúc nước ròng, noi theo hai bên tả hữu bờ sông, phóng hỏa đốt thuyền của ta, rồi giặc đem quân đến đồn phía tả ngạn mà đánh”. Quản vệ Phạm Hữu Tâm đốc quân đánh bắn, từ giờ Dần đến giờ Tỵ (khoảng 5 giờ sáng đến 12 giờ trưa), quân giặc chết nhiều, thây chồng nhau. Thủy quân ta thuyền chiến nối nhau, thành thử lửa ở giữa sông không bắt được sang hai bên bờ. Khi bè lửa trôi qua rồi, quân ta thủy bộ đánh giáp. Quân Xiêm đành thu quân về.
 

Biển

Người về từ lòng đất
Joined
Apr 16, 2011
Messages
450
Points
18
4. Đuổi quân Xiêm ra khỏi An Giang:

Quân Xiêm tuy hỏa công thất bại, nhưng vẫn còn cậy đông, khi đánh khi nghỉ. Một đạo quân khác theo đường bộ từ Quang Hóa (Tây Ninh) tiến công ta, bị quân Chân Lạp đánh bại. Rajasawapudi ắt cũng không có hy vọng tiến thêm nữa. Đêm 24, quân Xiêm lui. Bộ tướng Thái Công Triều đoán trước việc này, quân ta truy kích. Trương Minh Giảng dẫn quân tiến sát đến đồn Châu Đốc, cùng giặc bắn nhau, suốt ngày chưa lấy được đồn. Lão tướng Trần Văn Năng bèn chia quân theo đường kênh Vĩnh Tế đến đánh Hà Tiên. Tháng 1-1834, quân ta thu phục được đồn Châu Đốc, rồi tiếp đến Hà Tiên được giải phóng. Rajasawapudi lui quân về Chân Lạp. Quân ta truy kích, đại phá quân Xiêm ở Phủ Lật (Pursat).

Như vậy, bằng việc đánh giá chính xác tình hình địch ta, bằng sự quyết đoán của các tướng lĩnh, quân ta đã ngăn chặn được một cách có hiệu quả sự tấn công của chủ lực quân Xiêm vào Nam Bộ, làm tiêu hao một bộ phận quan trọng sinh lực địch, làm thất bại âm mưu can thiệp vào nước ta của phong kiến Xiêm. Thuận Cảng-Cổ Hủ đã ghi thêm vào lịch sử chống ngoại xâm Việt Nam một điểm son lấp lánh về sự mưu trí, dũng cảm của quân đội ta đầu thời Nguyễn. Nó cũng chứng tỏ rằng: mặc dù là một đội quân phong kiến đang bảo vệ cho quyền thống trị của một dòng họ nhưng khi Tổ quốc cần, những người lính ấy cũng có thể chuyển hóa thành một đội quân của dân tộc.

Người đăng: Huỳnh Long
Nguồn tin: Hoàng Vũ - agu.edu.vn
 
Top Bottom