tymkp1225
Quy ẩn gian hồ
- Joined
- Mar 23, 2011
- Messages
- 1,182
- Points
- 83
CHƯƠNG I
THUẾ MÁU
I- Chiến tranh và "người bản xứ"
I- Chiến tranh và "người bản xứ"
Trước năm 1914, họ chỉ là những tên da đen bẩn thỉu, những tên "Annamít" bẩn thỉu, giỏi lắm thì cũng chỉ biết kéo xe tay và ăn đòn của các quan cai trị nhà ta. Ấy thế mà cuộc chiến tranh vui tươi vừa bùng nổ, thì lập tức họ biến thành những đứa "con yêu", những người "bạn hiền" của các quan cai trị phụ mẫu nhân hậu, thậm chí của cả các quan toàn quyền lớn, toàn quyền bé(2) nữa. Đùng một cái, họ (những người bản xứ) được phong cho cái danh hiệu tối cao là "chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do". Nhưng họ đã phải trả bằng một giá khá đắt cái vinh dự đột ngột ấy, vì để bảo vệ cho cái công lý và tự do mà chính họ không được hưởng một tí nào, họ đã phải đột ngột xa lìa vợ con, rời bỏ mảnh ruộng hoặc đàn cừu của họ, để vượt đại dương, đi phơi thây trên các bãi chiến trường châu Âu. Trong lúc vượt biển, nhiều người bản xứ, sau khi được mời chứng kiến cảnh kỳ diệu của trò biểu diễn khoa học về phóng ngư lôi, đã được xuống tận đáy biển để bảo vệ tổ quốc của các loài thuỷ quái. Một số khác đã bỏ xác tại những miền hoang vu thơ mộng vùng Bancăng, lúc chết còn tự hỏi phải chăng nước mẹ muốn chiếm ngôi nguyên phi trong cung cấm vua Thổ, - chả thế sao lại đem nướng họ ở những miền xa xôi ấy? Một số khác nữa thì đã anh dũng đưa thân cho người ta tàn sát trên bờ sông Mácnơ, hoặc trong bãi lầy miền Sămpanhơ, để lấy máu mình tưới những vòng nguyệt quế của các cấp chỉ huy và lấy xương mình chạm nên những chiếc gậy của các ngài thống chế.
Cuối cùng, ở hậu phương, những người làm kiệt sức trong các xưởng thuốc súng ghê tởm, tuy không phải hít hơi ngạt của bọn "bôsơ"(3), nhưng lại nhiễm phải những luồng khí độc đỏ ối của người Pháp; đằng nào cũng thế thôi, vì những kẻ khốn khổ ấy cũng đã khạc ra từng miếng phổi, chẳng khác gì đã hít phải hơi ngạt vậy.
Tổng cộng có 700.000 người bản xứ đã đặt chân lên đất Pháp; và trong số ấy, 80.000 người không bao giờ còn trông thấy mặt trời trên quê hương đất nước mình nữa!
II- Chế độ lính tình nguyện
Một bạn đồng nghiệp nói với chúng tôi: dân lao khổ bản xứ ở Đông Dương từ bao đời nay bị bóp nặn bằng đủ mọi thứ thuế khoá, sưu sai, tạp dịch, bằng cưỡng bức phải mua rượu và thuốc phiện theo lệnh quan trên, từ 1915-1916 tới nay, lại còn phải chịu thêm cái vạ mộ lính nữa.
Những biến cố trong mấy năm gần đây là cái cớ để người ta tiến hành những cuộc lùng ráp lớn về nhân lực trên toàn cõi Đông Dương. Những người bị bắt đều bị nhốt vào trại lính với đủ thứ tên: lính khố đỏ, lính thợ chuyên nghiệp, lính thợ không chuyên nghiệp, v.v..
Theo ý kiến của tất cả các cơ quan có thẩm quyền không thiên vị được giao cho sử dụng ở châu Âu "vật liệu biết nói" châu Á, thì vật liệu này đã không đưa lại kết quả tương xứng với chi phí rất lớn về chuyên chở và bảo quản.
Sau nữa, việc săn bắt thứ "vật liệu biết nói" đó, mà lúc bấy giờ người ta gọi là "chế độ lính tình nguyện" (danh từ mỉa mai một cách ghê tởm) đã gây ra những vụ nhũng lạm hết sức trắng trợn.
Đây! Chế độ lính tình nguyện ấy được tiến hành như thế này: vị "chúa tỉnh"- mỗi viên công sứ ở Đông Dương quả là một vị "chúa tỉnh"- ra lệnh cho bọn quan lại dưới quyền, trong một thời hạn nhất định phải nộp cho đủ một số người nhất định. Bằng cách nào, điều đó không quan trọng. Các quan cứ liệu mà xoay xở. Mà cái ngón xoay xở kiểu D(4) thì các ông tướng ấy thạo hết chỗ nói, nhất là xoay xở làm tiền.
Thoạt tiên, chúng tóm những người khoẻ mạnh, nghèo khổ, những người này chỉ chịu chết thôi không còn kêu cứu vào đâu được. Sau đó, chúng mới đòi đến con cái nhà giàu. Những ai cứng cổ thì chúng tìm ngay ra dịp để sinh chuyện với họ hoặc với gia đình họ, và nếu cần, thì giam cổ họ lại cho đến khi họ phải dứt khoát chọn lấy một trong hai con đường: "đi lính tình nguyện, hoặc xì tiền ra".
Những người bị tóm đi như thế còn hào hứng gì nữa với cái nghề cột vào cổ họ. Cho nên, bước chân vào trại lính là họ liền tìm mọi cơ hội để trốn thoát.
Còn những người nào thấy không thể thoát khỏi số phận hẩm hiu, thì tìm cách tự làm cho mình nhiễm phải những bệnh nặng nhất, mà thông thường hơn cả là bệnh đau mắt toét chảy mủ, gây ra bằng cách xát vào mắt nhiều thứ chất độc, từ vôi sống đến mủ bệnh lậu.
*
* *
Ấy thế mà trong một bản bố cáo với những người bị bắt lính, phủ toàn quyền Đông Dương, sau khi hứa hẹn ban phẩm hàm cho những lính sẽ còn sống sót và truy tặng những người sẽ hy sinh "cho Tổ quốc", đã trịnh trọng tuyên bố rằng:
"Các bạn đã tấp nập đầu quân, các bạn đã không ngần ngại rời bỏ quê hương xiết bao trìu mến để người thì hiến dâng xương máu của mình như lính khố đỏ(5), kẻ thì hiến dâng cánh tay lao động của mình như lính thợ".
Nếu quả thật người An Nam phấn khởi đi lính đến thế, tại sao lại có cảnh, tốp thì bị xích tay điệu về tỉnh lỵ, tốp thì trước khi xuống tàu, bị nhốt trong một trường trung học ở Sài Gòn, có lính Pháp canh gác, lưỡi lê tuốt trần, đạn lên nòng sẵn? Những cuộc biểu tình đổ máu ở Cao Miên, những vụ bạo động ở Sài Gòn, ở Biên Hoà và ở nhiều nơi khác nữa, phải chăng là những biểu hiện của lòng sốt sắng đầu quân "tấp nập" và "không ngần ngại"?
Những vụ trốn đi lính và đào ngũ (tính ra có đến 50 phần trăm trong hàng ngũ quân dự bị) đều bị đàn áp không gớm tay và những cuộc đàn áp lại gây ra những cuộc binh biến bị dìm trong biển máu(6).
Bản bố cáo của phủ toàn quyền còn cẩn thận nhắc thêm rằng, tất nhiên muốn xứng đáng với "lòng tốt rõ rệt" và "độ lượng lớn lao" của chính phủ thì "các anh (binh lính Đông Dương) cần phải cư xử đúng đắn và không được làm một điều gì cho người ta phải phàn nàn cả".
Viên chỉ huy tối cao quân đội Đông Dương còn có một lối đề phòng khác: ông ta bắt thích vào lưng hoặc cổ tay của từng người lính mới mộ một con số không thể nào tẩy xoá được bằng một dung dịch nitơrát bạc.
Ở đây cũng giống như ở châu Âu, sự khốn khổ của những người này là nguồn lợi nhuận của những kẻ khác: nào là bọn đeo lon chuyên nghiệp may mắn vớ được công việc tuyển mộ và quản lý lính mới bản xứ mà lánh xa được càng lâu càng tốt những cuộc giao chiến nguy hiểm ở châu Âu; nào là bọn chủ thầu lương thực làm giàu vùn vụt bằng cách bỏ đói những lính mộ khốn khổ; nào là bọn độc quyền tiếp liệu thông đồng với bọn quan chức để gian lận, đầu cơ.
Về chuyện này, cần nói thêm là còn một loại chế độ tình nguyện khác nữa: tình nguyện mua công trái. Biện pháp tiến hành thì cũng như thế. Ai có máu mặt là phải bỏ tiền ra. Kẻ nào khó bảo thì người ta dùng cách dụ dỗ và cưỡng bách đến phải mua mới thôi.
Phần đông những người mua công trái ở Đông Dương không hiểu gì về thể thức tài chính cả; họ coi việc mua công trái cũng như đóng một thứ thuế mới và coi các phiếu công trái không khác gì những biên lai nộp thuế.
*
* *
Bây giờ thử xem chế độ mộ lính tình nguyện đã được tổ chức ở các thuộc địa khác như thế nào.
Lấy Tây Phi làm thí dụ:
Ở đây, bọn chỉ huy quân đội kéo quân đến từng làng bắt bọn hào mục phải nộp ngay lập tức đầy đủ số người chúng muốn tuyển mộ. Để buộc những thanh niên Xênêgan bỏ trốn phải ra nhận đội mũ lính, chẳng phải một viên chỉ huy đã tra tấn, hành hạ các thân nhân của họ, và cho rằng làm như thế là tài giỏi đó sao? Chính hắn đã bắt các ông bà già, đàn bà có thai, con gái, đem lột trần truồng, rồi đốt hết quần áo trước mặt họ. Những nạn nhân khốn khổ đó mình trần như nhộng, tay trói cánh khuỷu buộc phải chạy khắp các thôn xã dưới làn roi vọt, để "nêu gương"! Một người đàn bà cõng con phải van xin mãi mới được cởi trói một tay để đỡ đứa bé. Trong khi chạy, hai cụ già đã ngã chết ngất đi; nhiều em gái khiếp sợ trước những hành vi bạo ngược đó, đã hành kinh trước tuổi; một người đàn bà truỵ thai, một chị khác đẻ một đứa con mù.
*
* *
Có rất nhiều thủ đoạn bắt lính.
Thủ đoạn sau đây đã tỏ ra nhanh và tiện nhất:
Lấy dây chăng ngang hai đầu con đường chính trong làng lại. Thế là tất cả những người da đen ở vào giữa đều coi như chính thức phải tòng quân.
Một nhân chứng đã viết cho chúng tôi như sau: "Giữa trưa ngày 3 tháng 3 năm 1923, bọn hiến binh vây ráp các bến cảng Ruyphixcơ và Đaca(7) rồi tóm tất cả những người bản xứ làm việc ở đó. Những anh chàng này vì không tỏ vẻ sốt sắng đi bảo vệ văn minh ngay, nên người ta rước họ lên ô tô cam nhông mời về nhà lao. Ở đấy, sau khi họ có đủ thì giờ để thay đổi ý kiến rồi, người ta mới đưa họ sang trại lính.
"Ở trại lính, sau những nghi lễ biểu dương tinh thần yêu nước, 29 lính tình nguyện được tuyên dương có thể trở nên anh hùng của cuộc chiến tranh cuối cùng nay mai... Bây giờ thì tất cả đều nóng lòng muốn lấy lại miền Ruya(8) cho nước mẹ.
Nhưng theo tướng Mănggianh(9), người hiểu rõ họ nhất, thì đó chỉ là những đội quân để đem nướng trước mùa đông".
Chúng tôi hiện có trong tay bức thư của một người Đahômây, vốn là cựu binh, đã từng làm "nghĩa vụ" trong cuộc chiến tranh "vì công lý". Một vài đoạn trích trong bức thư sẽ vạch rõ cho các bạn thấy người "Batuala"(10) đã được bảo vệ như thế nào và các quan cai trị thuộc địa nhà ta đã nặn ra lòng trung thành của người bản xứ như thế nào để tô điểm cho tất cả những bài diễn văn của các nhà cầm quyền và làm đề tài cho tất cả những bài báo của bọn Rêgixmăngxê và Hôde(11) thuộc đủ cỡ.
Bức thư viết: "Năm 1915, khi ông M.Nuphla, thống đốc Đahômây, ra lệnh bắt lính, thì làng tôi bị bọn cảnh sát cùng lính cơ cướp phá và đốt sạch. Tất cả tài sản của tôi đều bị mất hết trong các cuộc đốt phá đó. Tuy thế, tôi vẫn bị cưỡng bách nhập ngũ, và mặc dầu là nạn nhân của việc xúc phạm bỉ ổi đó, tôi đã làm nghĩa vụ của tôi ở mặt trận bên Pháp. Tôi bị thương ở trận Exnơ.
"Ngày nay, chiến tranh đã chấm dứt, tôi sắp trở về nước, nhưng không còn nhà cửa, của cải gì cả.
"Người ta đã cướp của tôi:
1000 phrăng tiền mặt;
12 con lợn;
15 - cừu;
10 - dê;
60 - gà;
8 tấm vải quấn mình;
5 áo mặc ngoài;
10 quần;
7 mũ;
1 dây chuyền bằng bạc;
2 hòm đồ vặt.
"Đây là tên những bạn cùng ở một xóm đã bị cưỡng bách nhập ngũ cùng ngày với tôi, và nhà cửa cũng đã bị cướp phá và đốt sạch. (Ghi tiếp theo tên bảy người).
"Còn nhiều nạn nhân nữa của những chiến công kiểu ấy của ngài thống đốc Nuphla, nhưng tôi không biết rõ tên những người đó để gửi cho các anh hôm nay...".
Chắc bọn "bôsơ" của vua Ghiôm cũng không làm được hơn thế.