Sóc Trăng Chợ nổi ngã năm

Joined
Oct 27, 2010
Messages
73
Points
8
Chợ nổi Ngã Năm nằm tại thị trấn Ngã Năm
Ở đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều chợ nổi nhưng hiếm có nơi nào lại đông vui tấp nập, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ như chợ nổi Ngã Năm.
Chợ Ngã Năm nằm trên điểm giao cắt của 3 con kênh lớn là kênh Xáng, kênh Quản Lộ Phụng Hiệp và kênh Xẻo Chích tại thị trấn huyện Ngã Năm, cách Tp. Sóc Trăng chừng 60km. Vì có hình thù giống như con bạch tuộc vươn vòi về 5 ngã nên từ xa xưa, người dân đặt tên địa danh này là Ngã Năm. Từ ngã năm này, có thể tỏa đi nhiều huyện của Sóc Trăng tới Bạc Liêu, Hậu Giang, xa hơn nữa là các tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau... Do đó, nơi này trở thành đầu mối trung chuyển hàng hóa và giao thương lớn của cả khu vực đồng bằng Nam Bộ.

Mới 3h sáng, thuyền, ghe đã tấp nập từ các nhánh kênh đổ về Ngã Năm vui như ngày hội. Tiếng động cơ máy thủy hòa lẫn tiếng chào hỏi, nói cười làm rộn rã cả vùng sông nước. Qua ánh đèn pha, nhìn vào những "cây bẹo" treo lủng lẳng nào là cải bắp, khoai tây, cà chua, dưa, hành, tỏi, ớt... là những hàng hóa mà thuyền, ghe rao bán. Có thể nói, chợ nổi Ngã Năm có hầu hết các sản vật mà đồng bằng sông Cửu Long có, từ các loại gạo nổi tiếng của "vựa lúa" tới rau, củ, quả tươi ngon của miệt vườn, rồi tôm, cá, cua, ếch... nhiều vô kể, là tặng phẩm quý giá mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho khu vực hạ nguồn sông Mê Kông. Nhiều thuyền lớn còn chào bán cả những hàng điện tử, điện lạnh cùng nhiều vật dụng đắt tiền chẳng khác nào phố nổi. Chợ nhộn nhịp, tấp nập trong khoảng từ 3 đến 4 giờ đồng hồ, khi đã "no hàng", các ghe, thuyền bắt đầu rẽ đi các nẻo buôn bán.

Đối với người dân thị trấn Ngã Năm, đi chợ nổi mỗi ngày như là một thói quen không thể thiếu trong sinh hoạt và cuộc sống của họ. Có nhiều người vượt cả đoạn đường dài bằng xuồng, ghe tới chợ chỉ để ăn một tô cháo cá, bún mắm hay mua con cá, mớ rau. Mặc dù đã có đường, có cầu tới chợ nhưng bà con vẫn thích bơi xuồng để ngao du sông nước và thăm hỏi, giao lưu cùng thương lái. Tình người chợ nổi được thể hiện trong mỗi cử chỉ, lời nói mộc mạc, thân thiện cũng như trên những gương mặt rạng ngời và ánh mắt vô tư.

Nhiều người dân nơi đây có nhà trên bờ nhưng chẳng mấy khi về, cuộc sống của họ gắn chặt với ghe, thuyền và những chuyến đi. Anh Trịnh Hoài Thanh - một người buôn rau, quả trên chợ nổi cho biết: Nhà có 4 người, 2 vợ chồng, con trai và con dâu. Cô con dâu ở lại trông coi nhà cửa, còn 3 người chủ yếu sinh sống trên chiếc ghe trọng tải 9 tấn. Gia đình anh mua rau quả tận Cái Bè (Tiền Giang) về đây bán. Mỗi chuyến đi, về mất 2 ngày, thêm 2 ngày bỏ mối nên thỉnh thoảng chỉ có anh con trai ghé về thăm nhà. Bỏ ra 30 triệu đồng vốn, gia đình anh thu lãi khoảng 1 triệu đồng/chuyến.
Gia đình anh Lê Thanh Bảo có 4 người sinh sống, làm ăn trên chiếc ghe 6 tấn. Hàng hóa anh buôn bán cũng là trái cây và rau xanh, nhưng lại mua tại chợ nổi Ba Ngàn, Phụng Hiệp, Hậu Giang. Với số vốn từ 15 - 20 triệu đồng, mỗi tháng anh chạy 15 chuyến, lãi được từ 500.000 - 700.000 đồng/chuyến.

Các chị Mai, Trang thì sắm xuồng ba lá, hàng chục năm nay đưa đón khách tham quan, dạo chơi chợ nổi. Chồng 1 xuồng, vợ 1 xuồng, mỗi cặp vợ chồng thu nhập bình quân từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày.

Đến gần trưa, khi chợ vắng người cũng là lúc du khách cảm thấy đói lòng. Nhiều quán ăn, nhà hàng ở thị trấn Ngã Năm sẵn sàng phục vụ thực khách với nhiều món đặc sản như: ba ba sào lăn, lẩu mắm, mắm cá lóc cùng nhiều thức ăn chế biến từ tôm, cá, ếch đồng...

Tạm biệt Ngã Năm, lòng người còn bồng bềnh mãi cảm giác đi xuồng ba lá trên chợ nổi.
 
Top Bottom