An Giang Dấu ấn Tứ giác Long Xuyên - Kỳ 2: Những quyết sách táo bạo

tymkp1225

Quy ẩn gian hồ
Joined
Mar 23, 2011
Messages
1,182
Points
83
Từ thời vua Gia Long, vị trí quan trọng của vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) đã được chú ý khi ông nhận định: “Xứ này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên thì 2 đàng nông-thương đều lợi. Trong tương lai, dân đến ở càng đông, đất mở càng rộng sẽ thành một trấn to vậy”. Mục đích của Thoại Ngọc Hầu khi đào kênh Vĩnh Tế (1819-1824) đã tính toán đến việc xây dựng “phòng tuyến mềm” dọc theo biên giới và mở rộng nông thương. Tuy nhiên, phải mất gần 180 năm sau, vùng đất này mới thật sự được đánh thức bởi những con người dám nghĩ, dám làm.

80t6.jpg
Người dân TGLX luôn ghi ơn quyết định táo bạo của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.


Tìm cách mở “túi phèn”:
Từng giữ vai trò Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình TGLX thuộc tỉnh An Giang, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Nhị (bảy Nhị) đã có hình dung về vùng đất này: Về mùa mưa, toàn bộ lượng nước mưa trên hơn phân nửa lãnh thổ Campuchia như một mái nhà, mà dãy Dangreak (nằm sát biên giới Thái Lan) là nóc. Một lượng nước khổng lồ nhưng là nước xấu, không có phù sa, đổ về vùng trũng. Khi gặp lượng nước lớn gấp hàng chục lần từ thượng nguồn sông Mekong đổ về qua nhánh sông Tiền và Biển Hồ - sông Hậu thì dội lại chứa trong lòng chảo TGLX, qua 7 cây cầu (từ Châu Đốc đến Nhà Bàng, Tịnh Biên) với áp lực mạnh từ 2.000 – 2.400 m3/giây. Lượng nước qua 7 cầu chẳng những gây ngập úng nặng nề mà còn chảy ngược ra sông Hậu theo kênh Mặc Cần Dưng làm cho phù sa không vào được vùng TGLX. “Như vậy, kênh Vĩnh Tế gợi ý cho ta như là một máng xối. Nếu ta bịt kín 7 cầu thì khối lượng nước khổng lồ sẽ đổ ra biển Tây. Vùng TGLX sẽ rước phù sa màu mỡ từ sông Hậu đổ về. Đồng thời, lại giảm độ ngập sâu trong vùng”, ông bảy Nhị nhận định.
Cũng theo ông Bảy, ý tưởng thoát lũ ra biển Tây cho vùng TGLX đã được một số nhà khoa học đề xuất từ lâu nhưng phải đợi đến năm 1996, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Quyết định số 99/TTg, ngày 9-2-1996, về công tác thủy lợi, kiểm soát lũ, xây dựng giao thông, bố trí lại dân cư… cho toàn vùng ĐBSCL, trong đó có TGLX. Dù còn không ít lời ra tiếng vào về công trình thoát lũ ra biển Tây nhưng chính niềm tin của nhân dân, của những cán bộ tâm huyết cộng với hiệu quả thấy rõ chỉ sau một thời gian ngắn thi công cho thấy tính đúng đắn của công trình”.
Chân lý được chứng minh:
Trước khi có Quyết định số 99/TTg thì công trình thoát lũ ra biển Tây đã gặp không ít khó khăn. Ông bảy Nhị cho biết, công trình này là một phần trong kế hoạch thủy lợi toàn vùng TGLX. Khởi đầu, theo quy hoạch là hệ thống kênh cấp II-B với đáy 8m, gồm các kênh: T6, T5, T4, T3… theo thứ tự An Giang qua Kiên Giang. Tuy nhiên, năm 1988, khi khởi động chương trình TGLX, chính vị Bộ trưởng Thủy lợi lúc này tỏ ra e ngại: Khi nối các kênh này vào kênh Vĩnh Tế thì sẽ bị mất nước ngọt và mặn xâm nhập vào.
Năm 1991, khi công tác khai hoang theo kiểu “cuốn chiếu” từ phía Tây sông Hậu vào cuối phần đất An Giang, giáp ranh với Kiên Giang thì đụng vào “túi phèn” giữa TGLX. Bộ Thủy lợi lúc này tiến hành nạo vét kênh Tám Ngàn, đào các kênh phía Nam Tám Ngàn và năm 1996, đào xong kênh T6 (Bắc Tám Ngàn, nối vàm vào kênh Mới, còn gọi là kênh Ngô Đình Diệm). Thời gian này, An Giang cũng tự lực đào mới các kênh trong vùng nhưng sản xuất nhiều năm liền mất trắng do không thoát được phèn ra biển Tây. “Một mình kênh Tám Ngàn và kênh T6 không thông tuyến nên không rửa phèn hiệu quả. Những năm này ngập lụt diễn ra cũng rất phức tạp”, ông bảy Nhị phân tích. Thế là mùa khô năm 1996, đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào khảo sát toàn vùng TGLX, cùng đi có lãnh đạo địa phương và các nhà khoa học như: Nguyễn Văn Hiệu, Hồ Chính, Nguyễn Sinh Huy, Tô Văn Trường, Nguyễn Văn Thượng… để tìm cách thoát lũ, rước ngọt, rửa “cái rốn phèn” của 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang.
Ngày 25-7-1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định phóng tuyến kênh T5 – Tuần Thống. Ngày 22-4-1997 khởi công và ngày 30-8-1997 hoàn thành công trình kênh T5 với chiều dài 36,7km, kinh phí gần 98 tỷ đồng. Năm 1998, khởi công kênh T4 cùng với nạo vét kênh Vĩnh Tế và làm tuyến đê ngăn lũ bờ Nam kênh Vĩnh Tế, từ Châu Đốc đến Hà Tiên, và các công trình cống, đập trên tuyến. Đồng thời, bịt kín 7 cầu. Năm 1999, đào tiếp đoạn kênh T6 nối dài, mở vàm từ kênh Vĩnh Tế nối vào đoạn đã đào năm 1976 để thoát lũ tốt hơn. Cuối tháng 9-1999, khi 2 đập cao su Tha La và Trà Sư xây dựng hoàn thành thì lũ cũng xuất hiện gần điểm đỉnh. “Khi mực nước ở Tân Châu đạt báo động 3 (4,2m vào ngày 4-10-1999) thì phần lớn vùng TGLX vẫn còn rất cao ráo, việc học hành, đi lại vẫn bình thường như không có lũ lớn xảy ra. Phù sa từ sông Hậu chảy mạnh vào kênh Mặc Cần Dưng chứ không như mọi năm là ngược lại. Hiệu quả của công trình thoát lũ ra biển Tây ai cũng thấy rõ”, ông bảy Nhị nhớ lại.
Ông Bảy khẳng định, chính nhờ cái tâm, cái tầm và bản lĩnh Võ Văn Kiệt mà công trình thoát lũ ra biển Tây được hoàn thành trong thời gian rất ngắn, chỉ trong vòng 3 năm sau Quyết định số 99/TTg. Chân lý cũng sớm được chứng minh vì nhờ công trình này, hơn 10.000 héc-ta hoang hóa, nhiễm phèn nặng nhất lúc bấy giờ trở thành đất sản xuất 2-3 vụ/năm ổn định, trên 100.000 héc-ta còn lại cũng nhờ ảnh hưởng của công trình thoát lũ ra biển Tây tác động mà trở thành đất màu mỡ, sản xuất không thua các huyện phù sa nước ngọt. Hạt gạo nhiễm phèn từ màu trứng cút (bạc bụng) năm nào đã thành gạo xuất khẩu 5% tấm. Những nông dân khắc khổ năm nào đã trở thành tỷ phú, triệu phú…
 
Top Bottom