An Giang Dấu ấn Tứ giác Long Xuyên - Kỳ cuối: Những trăn trở hôm nay

tymkp1225

Quy ẩn gian hồ
Joined
Mar 23, 2011
Messages
1,182
Points
83
Từ một “túi phèn” lớn, sản xuất đói ăn, ngày nay, vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) đã đạt sản lượng lúa hơn 4,73 triệu tấn/năm, chiếm gần 20% lượng lúa của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bên cạnh quyết sách táo bạo của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, kết quả ấn tượng này còn có công đóng góp rất lớn của những nông dân đi khai hoang, mở đất, không chịu khuất phục trước khó khăn. Tuy nhiên, so sánh với mặt bằng chung của miền Tây Nam Bộ thì dân TGLX vẫn chịu rất nhiều thua thiệt. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết phức tạp, khí hậu biến đổi vẫn đang từng ngày đe dọa cuộc sống của họ.
Đóng góp nhiều nhưng đời sống chưa cao:
Tuy có diện tích hơn 470.000 héc-ta, gồm 7 đơn vị hành chính của tỉnh An Giang (245.083 héc-ta), 6 đơn vị hành chính của tỉnh Kiên Giang (216.306 héc-ta) và một phần huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) nhưng vào năm 1988, sản lượng lương thực toàn vùng chỉ đạt chưa tới 600.000 tấn. Trong đó, An Giang đạt gần 445.000 tấn, Kiên Giang khoảng 126.000 tấn. Toàn vùng còn hơn 50.000 héc-ta bỏ hoang do đất bị nhiễm chua phèn, diện tích còn lại năng suất không cao.
Giáo sư-Viện sĩ (GS-VS) Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật (KHKT) Việt Nam, cho biết, trải qua quá trình khai thác tích cực, đến năm 2011, có nhiều huyện đã đạt sản lượng lúa cao hơn sản lượng toàn vùng TGLX vào năm đầu mới khai thác (1988). Điển hình như huyện Hòn Đất - Kiên Giang (876.867 tấn) và các huyện thuộc tỉnh An Giang, như: Thoại Sơn (692.259 tấn), Châu Phú (585.974 tấn), Tri Tôn (524.601 tấn). Riêng huyện Châu Thành (An Giang) đạt 448.842 tấn, Giang Thành (Kiên Giang) đạt 343.172 tấn cũng được coi là sản lượng rất cao so với hơn 20 năm trước. Sau cây lúa, thủy sản cũng trở thành thế mạnh của vùng TGLX khi đến năm 2011, dân trong vùng đã nuôi trồng được 10.669 héc-ta cá và tôm, tạo ra sản lượng 226.830 tấn, tạo ra giá trị xuất khẩu gần 555 triệu USD. Nếu tính chung cả lúa và cá, năm 2011, toàn vùng TGLX xuất khẩu đạt hơn 1,7 triệu tấn với gần 1.276 triệu USD. Trong đó, An Giang chiếm gần 53% giá trị, còn lại là Kiên Giang.

82t6.jpg
Thực trạng lúa lấn rừng khiến độ che phủ vùng TGLX bị sụt giảm.


Tuy vất vả làm ra hạt lúa, đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước và đóng góp vào thành tích xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng so với những vùng miền khác, người dân TGLX vẫn chưa được “trả công” xứng đáng. Đến năm 2011, toàn vùng TGLX còn 32.378 hộ nghèo, chiếm 7,29% số hộ trong vùng, một tỷ lệ còn khá cao. Bên cạnh đó, trình độ dân trí, nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục đào tạo… được đánh giá là chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhiều chỉ tiêu xã hội của vùng TGLX còn thấp so với ĐBSCL và cả nước. Trong đó, số trường đạt chuẩn quốc gia không quá 5%, chỉ có 19,6% lao động qua đào tạo nghề, chưa đến 30% cán bộ - công chức cấp xã có trình độ đại học, mới đạt 4,44 bác sĩ/vạn dân (bình quân cả nước là 7 bác sĩ/vạn dân)… Bên cạnh đó là cơ sở vật chất, hạ tầng yếu kém, tỷ lệ bỏ học cao, thành quả phổ cập giáo dục không bền vững…
Thách thức biến đổi khí hậu:
Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng do Bộ Tài nguyên - Môi trường công bố thì trong vòng 100 năm tới, tùy theo mực nước biển dâng từ 65 – 100cm, ĐBSCL sẽ bị ngập từ 12,8 – 37,8% diện tích. Trong đó, vùng TGLX chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng. GS-VS Đặng Vũ Minh cho rằng, các tác động biến đổi khí hậu do nước biển dâng, nhiệt độ gia tăng, các hiện tượng khí hậu cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới, sẽ làm thay đổi các hệ sinh thái, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong vùng TGLX. Từ đó, tác động không nhỏ đến đời sống nhân dân.
Theo GS-TS Nguyễn Ngọc Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, độ che phủ ở TGLX đang sụt giảm vì ngoài diện tích rừng trên các núi và khu rừng tràm trong lòng sông cổ Trà Sư còn được giữ lại, hầu hết đất đai trong vùng đều đã chuyển sang canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng lốc xoáy và những tai họa khác gắn liền với tăng nhiệt độ mặt đất gần đây thường xảy ra ở TGLX. Tính đến năm 2009, khoảng 13% diện tích rừng ngập mặn ở Kiên Giang đã biến mất khiến tình trạng xói lở đê biển diễn ra nghiêm trọng. Riêng huyện Hòn Đất, mỗi năm có khoảng 24m bờ biển bị xói lở trong khi đai rừng ngập mặn phòng hộ ở nhiều đoạn rất hẹp. Nếu như Kiên Giang phải đối mặt với tình trạng mất rừng ngập mặn, xói lở và xâm thực thì An Giang lại đau đầu với tình hình sạt lở bờ sông Hậu diễn ra nghiêm trọng. GS-TS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, ngoài quy luật dòng chảy “bên lở, bên bồi” thì còn có nguyên nhân do khai thác cát quá mức, không đúng chỗ, tạo nên dòng chảy xoáy, móc “hàm ếch” sâu vào bờ gây sạt lở. “Trong tương lai, khi các đập được xây dựng ở thượng nguồn sông Mekong nhiều hơn, lượng trầm tích chảy về châu thổ sẽ giảm, sạt lở có nguy cơ sẽ còn nghiêm trọng hơn”, ông phân tích.
GS-VS Đặng Vũ Minh cho rằng, với vai trò là vùng lương thực trọng điểm của cả nước, trung ương cần ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế, văn hóa xã hội cho vùng TGLX nói riêng, ĐBSCL nói chung. Đồng thời, nghiên cứu các phương án đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, chủ yếu là phương án kiểm soát lũ hiệu quả, ngăn xâm nhập mặn, giữ nước ngọt trong mùa khô; nghiên cứu cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu canh tác nhằm “sống chung với lũ cao”, “sống chung với mặn”, “thích nghi với hạn”… GS-VS Đặng Vũ Minh cũng đề nghị cần đầu tư cho Trường đại học An Giang, các trường đại học và cơ sở đào tạo nghề trong vùng TGLX để tăng cường khả năng đào tạo nguồn nhân lực cho vùng. Bên cạnh đó, nên ưu tiên tăng cường vốn cho các chương trình mục tiêu về văn hóa, xã hội, nhất là chương trình giảm nghèo bền vững, các chương trình liên quan đến giáo dục – đào tạo, y tế, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số… Ngoài ra, trung ương cũng cần có cơ chế chính sách đặc thù đối với vùng trồng lúa trọng điểm nhằm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tính cạnh tranh cao và đảm bảo quyền lợi người trồng lúa, tạo sự công bằng đối với những đóng góp của nông dân TGLX cho an ninh lương thực cả nước và thành tích xuất khẩu gạo số 1 của Việt Nam.
 
Top Bottom