Duyên Tình Một Miếng Trứng Chiên

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28
u4_mat2.jpg


Có một cô gái không may bị mù, quen biết một chàng trai, hai người cùng yêu nhau, đến một ngày cô gái nói với chàng trai:

- Khi nào em nhìn thấy được thế giới, em sẽ lấy anh.

Rồi đến một ngày kia cô gái được phẫu thuật mắt và cô đã nhìn thấy được ánh sáng. Chàng trai hỏi:

- Bây giờ em đã thấy được cả thế giới, em sẽ lấy anh chứ?

Cô gái bị sốc khi thấy chàng trai cũng bị mù như mình. Cô ta từ chối anh.

Chàng trai ra đi trong nụ cười "Hãy giữ gìn cẩn thận đôi mắt của mình em nhé! Vì đó là món quà cuối cùng anh có thể tặng em! Cầu mong em hạnh phúc" ...
 

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28
Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách lạ, có thể đoán là một người cha và một người con. Người cha bị mù, người con trai đi bên cạnh ân cần dìu cha. Cậu con trai trạc mười tám, mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học, dường như cậu vẫn đang là một học sinh.

50900714_Untitled-12.jpg


Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi. Cậu nói to: “Cho hai bát mì bò!”. Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, phía sau lưng tôi, khẽ bảo với tôi rằng chỉ làm một bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi thắc mắc, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, tôi đoán cậu không đủ tiền, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười thông cảm với cậu.


Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, thương yêu chăm sóc: “Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!”. Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. “Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội”. Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt sạm nắng, nhăn nheo lại sáng lên nụ cười ấm áp và mãn nguyện. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên là người con trai không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, anh điềm nhiên nhận miếng thịt, rồi anh lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về bát mì của cha.


Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. “Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt”. Ông lão cảm động nói. Đứng bên cạnh họ, tôi chợt thấy tim mình thắt lại, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: “Cha à, cha ăn mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này”. “Ừ, ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò là bổ dưỡng lắm đấy con ạ”.


Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai thực khách đặc biệt. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò thơm phức, bà chủ đưa mắt ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: “Anh để nhầm bàn rồi thì phải?, chúng tôi không gọi thêm thịt bò.” Bà chủ dịu dàng bước lại chỗ họ: “Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỉ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng”. Cậu con trai không hỏi gì thêm. Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa.


Chúng tôi âm thầm quan sát hai cha con ăn xong, tính tiền, rồi dõi mắt tiễn họ ra khỏi quán. Mãi khi cậu Trương đi thu dọn bát đĩa, chúng tôi bỗng nghe cậu kêu lên khe khẽ. Hoá ra, bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy xếp gọn, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò được viết trên bảng giá của cửa hàng./.


Ta vẫn gặp trong cuộc đời nhiều người rất nghèo về vật chất nhưng lại giàu lòng tự trọng. Lòng tự trọng giúp ta có thêm nghị lực để ngẩng cao đầu, vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, sống hạnh phúc vì luôn vững tin vào chính mình.
Lòng tự trọng với ánh hào quang chói lọi của nó sẽ trở thành lương tri con người.
 

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28
Đây là 1 câu chuyện có thật tại Indonesia

Trong phòng xử... án, chủ tọa trầm ngâm suy nghĩ trước những cáo buộc của các công tố viên đối với một cụ bà vì tội ăn cắp tài sản.

Bà bị buộc phải bồi thường 1 triệu Rupiah. Lời bào chữa của bà lý do ăn cắp vì gia đình bà rất nghèo, đứa con trai bị bênh, đứa cháu thì suy dinh dưỡng vì đói.



Nhưng ông chủ quản lý khu vườn trồng sắn nói bà ta cần phải bị xử tội nghiêm minh như những người khác.

Thẩm phán thở dài và nói :” Xin lỗi, thưa bà...” Ông ngưng giây lát, nhìn ngắm bà cụ đói khổ “Nhưng pháp luật là pháp luật, tôi là người đại diện của Pháp luật nên phải xử nghiêm minh. Nay tôi tuyên phạt bà bồi thường 1 triệu Rupiah cho chủ vườn sắn. Nếu bà không có tiền bồi thường, bà buộc phải ngồi tù 2 năm rưỡi.”

Bà cụ run run, rướm nước mắt, bà đi tù rồi thì con cháu ở nhà ai chăm lo. Thế rồi ông thẩm phán lại nói tiếp:

“Nhưng tôi cũng là người đại diện của công lý. Tôi tuyên bố phạt tất cả những công dân nào có mặt trong phiên toàn này 50.000 Rupiah vì sống trong một thành phố văn minh, giàu có này mà lại để cho một cụ bà ăn cắp vì cháu mình bị đói và bệnh tật.”Nói xong , ông cởi mũ của mình ra và đưa cho cô thư ký “Cô hãy đưa mũ này truyền đi khắp phòng và tiền thu được hãy đưa cho bị cáo”

Cuối cùng, bà cụ đã nhận được 3,5 triệu Rupiah tiền quyên góp, trong đó có cả 50.000 Rupiah từ các công tố viên buộc tội bà, một số nhà hảo tâm khác còn trả giúp 1 triệu Rupiah tiền bồi thường, bà lão run run vì vui sướng. Thẩm phán gõ búa kết thúc phiên toà trong hạnh phúc của tất cả mọi người.

Đây là một phiên tòa xử nghiêm minh và cảm động nhất mà tôi được biết, vì tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm với cuộc sống xung quanh chúng ta, vị thẩm phán đã không chỉ dùng luật pháp mà còn dùng cả trái tim để phán xét.

 

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28
Chăn bông…

Cô vốn là một người con gái xinh đẹp. “Vệ tinh” xung quanh cô nhiều không kể xiết, nhưng cô bỏ ngoài tai tất cả để chọn anh – một công nhân làm việc ở nhà máy, thu nhập còn không đủ cho 3 bữa ăn hàng ngày. Cô chấp nhận từ bỏ cả gia đình, thậm chí là công việc đầy tương lai của mình để cưới anh.

love-glitter-pictures-611.jpg


Sau khi kết hôn, anh và cô mượn được nhà kho của một người bạn, họ sắp xếp lại thành một tổ ấm giản dị. Mùa đông đến, căn nhà kho trống trải hút gió lại càng trở nên lạnh giá. Khi ấy chưa đủ tiền mua chăn, cô thường bị giật mình tỉnh dậy giữa đêm vì lạnh.

Những lúc đó, anh chỉ biết ôm chặt cô vào lòng, dùng hơi ấm của cơ thể sưởi ấm cho cô. Một ngày cô trở về nhà với vẻ mặt thất thần nhợt nhạt, anh lo lắng hỏi cô có phải bị bệnh rồi không? Cô chỉ mỉm cười nói: “Em hơi mệt thôi!” rồi hân hoan rút từ trong túi ra một tờ bạc nhét vào tay anh:

“Chúng mình có tiền rồi anh ạ, mình đi mua một chiếc chăn thật ấm để đắp nhé.”

Anh sững người ngạc nhiên nhìn tờ tiền trong tay cô, giọng run run: “Làm sao em lại có nhiều tiền vậy?” Cô vui vẻ kể lại cho anh tiền là do cô kiếm được khi đi phát tờ rơi. Cô phải đứng từ sáng đến tối mới được trả ngần ấy tiền. Nói rồicô vội vàng kéo anh ra khỏi nhà, không cho anh hỏi thêm điều gì nữa.

Họ mua môt cái chăn vừa tầm tiền. Từ đó, giữa đêm cô không còn bị giật mình thức giấc nữa. Vài năm sau, anh tìm được công việc tốt hơn, rồi kiếm được nhiều tiền, tự mở công ty. Không bao lâu anh đã xây cho cô một ngôi nhà khang trang, mua ô tô cùng rất nhiều đồ dùng đắt tiền khác. Anh nói muốn dành cho cô một cuộc sống ấm no đầy đủ bù đắp lại những tháng ngày khó khăn vất vả trước đây. Cuộc sống bỗng vụt thay đổi khiến cô có phần bàng hoàng chưa kịp thích nghi với điều kiện mới.

Ngày chuyển nhà, anh bảo những đồ đạc cũ trong căn nhà kho của họ trước đây anh đều muốn vứt đi không giữ lại bất cứ cái gì. Nhưng cô khăng khăng nói muốn giữ lại cái chăn để đắp. Và rồi một thời gian dài nữa họ vẫn dùng cái chăn cũ ấy, giờ đây nó đã trở nên xù xì cũ kĩ, còn bị rách khá nhiều chỗ. Anh không ngừng phàn nàn với cô:

“Thôi bỏ cái chăn cũ này đi em, mình có thể mua một cái chăn mới ấm áp và tốt hơn rất nhiều. Em xem cả nhà mình toànnhững đồ đắt tiền, nhìn cái chăn cũ này trong nhà trông thật chướng mắt”.

Nhưng cô vẫn cố chấp nhất quyết giữ lại cái chăn cũ ấy, vì chỉ khi đắp nó cô mới cảm thấy ấm áp và được che chở. Một hôm, anh về nhà mang theo một cái chăn mới và nhất quyết bảo cô bỏ cái chăn cũ đi.

Lần này dù không nỡ nhưng cô vẫn nghe theo lời anh. Từ đó, hàng đêm cô ngủ không còn ngon giấc nữa, trong lòng cô lúc nào cũng cảm thấy thấp thỏm lo lắng khiến cô lại không ngừng giật mình giữa đêm. Và mỗi lần tỉnh dậy như thế, hai mắt cô lại đầm đìa nước.

Anh vốn không biết rằng để mua được cái chăn đó cô đã phải đi bán máu lấy tiền chứ không phải đi phát tờ rơi như cô nói với anh. Lần đầu tiên bán máu, biết bao đau đớn, cũng chỉ vì muốn có cái chăn này. Vậy mà anh lại nỡ vất bỏ nó.

Cô dần cảm thấy anh không còn yêu cô như xưa nữa. Một ngày anh có việc gấp phải ra ngoài, quên mang theo máy tính xách tay quen thuộc. Trên màn hình của anh vẫn hiện lên trang blog anh viết hàng ngày. Và cô bất chợt đọc được dòng chữ anh hình như mới viết không lâu.

“Ngày hôm ấy em từ đâu về khuôn mặt tái xanh nhợt nhạt khiến cho tôi lo lắng vô cùng. Rồi em nói em đi phát tờ rơi để mua chăn cho hai đứa. Tối hôm đó chúng tôi nằm ngủ ấm áp trong chiếc chăn mới, thấy em nằm cuộn tròn trong lòng tôi say trong giấc ngủ, tôi thương em biết bao. Đã bao đêm rồi em không được ngủ ngon đến vậy. Và rồi tình cờ tôi nhìn thấy trên tay em có một vết sưng nhỏ, dường như bị kim tiêm đâm vậy. Tôi bỗng hiểu ra tất cả.

Hóa ra em nói dối tôi em đi phát tờ rơi, thực ra em đã đi bán máu để có tiền mua chăn, chỉ vì một cái chăn mà em đã phải khổ sở đau đớn đến vậy. Đêm đó tôi đã khóc vì thương em và cũng thầm hứa sẽ cố gắng làm việc, phấn đấu trở thành một người thành đạt, để có thể bù đắp lại những ngày tháng khốn khó này cho em. Và giờ đây tôi đã thực hiện được lời thề đó.

Hôm qua tôi quyết định đến trạm hiến máu, tôi chỉ muốn cảm nhận một chút nỗi đau em từng trải qua. Khi chiếc kim tiêm đâm vào mạch máu, một cảm giác nhói buốt lan dọc khắp cơ thể. Nhưng tôi không thấy đau, ngược lại rất hạnh phúc. Tôi lấy tiền bán máu và đi mua chiếc chăn mới này. Tôi muốn nó là món quà bất ngờ dành cho em…”

Nước mắt cô đã ướt đẫm tự độ nào. Hóa ra tình yêu của anh dành cho cô vẫn sâu đậm và lớn lao đến vậy. Mùa đông năm nay anh đã đổi máu của mình tặng cho cô chiếc chăn ấm, có lẽ đó cũng sẽ là chiếc chăn ấm áp nhất cô có trong đời.


 

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28
Anh Phải Sống

Trên đê Yên Phụ, một buổi chiều mùa hạ.

Nước sông Nhị Hà mới bắt đầu lên to, cuồn cuộn chảy, tưởng muốn lôi phăng cái cù lao ở giữa sông đi.

Theo dòng nước đỏ lờ lờ những thân cây, những cành khô trôi từ rừng về, nổi lềnh bềnh như một dẫy thuyền nhỏ liên tiếp chạy thực nhanh tới một nơi không bờ không bến.

Đứng trên đê, bác phó nề Thức đưa mắt trông theo những khúc gỗ ấy tỏ ra ý thèm muốn, rồi quay lại, đăm đăm nhìn vợ, hỏi thầm ý kiến. Người vợ, ngắm sông, ngắm trời lắc đầu thở dài nói:

- Gió to quá, mà đám mây đen kia ở chân giời đùn lên mau lắm. Mưa đến nơi mất, mình ạ!

Người chồng cũng thở dài, đi lững thững. Rồi bỗng đứng dừng lại, hỏi vợ:

- Mình đã thổi cơm chưa?

Vợ buồn rầu đáp:

- Đã. Nhưng chỉ đủ cơm cho hai con ăn bữa chiều hôm nay.

Hai vợ chồng lại im lặng nhìn nhau... Rồi hình như cùng bị một vật, một định kiến nó thôi miên nó kiềm áp, hai người đều quay lại phía sông: Những thân cây vẫn phăng phăng trôi giữa dòng nước đỏ.

Chồng mỉm cười, cái cười vơ vẩn, bảo vợ:

- Liều!

Vợ lắc đầu, không nói. Chồng hỏi:

- Mình đã đến nhà bà Ký chưa?

- Đã.

- Thế nào?

- Không ăn thuạ Bà ấy bảo có đem củi vớt đến, bà ấy mới giao tiền. Bà ấy không cho vay trước.

- Thế à?

Hai chữ "thế à" rắn rỏi như hai nhát bay cuối cùng gõ xuống viên gạch đặt trên bức tường đương xây. Thức quả quyết sắp thi hành một việc phi thường, quay lại bảo vợ:

- Này! Mình về nhà, trông coi thằng Bò.

- Đã có cái Nhớn, cái Bé chơi với nó rồi.

- Nhưng mình về thì vẫn hơn. Cái Nhớn nó mới lên năm, nó trông nom sao nổi hai em nó.

- Vậy thì tôi về... Nhưng mình cũng về, chứ đứng đây làm gì?

- Được, cứ về trước đi, tôi về sau.

Vợ Thức ngoan ngoãn, về làng Yên Phụ.

ooOoo​

Tới nhà, gian nhà lụp xụp, ẩm thấp tối tăm. Chị phó Thức đứng dừng lại ở ngưỡng cửa, ngắm cái cảnh nghèo khó mà đau lòng.

Lúc nhúc trên phản gỗ không chiếu, ba đứa con đương cùng khóc lóc gọi bụ Thằng Bò kêu gào đòi bú. Từ trưa đến giờ, nó chưa được tí gì vào bụng.

Cái Nhớn dỗ em không nín cũng mếu máo, luôn mồm bảo cái Bé:

- Mày đi tìm bu về để cho em nó bú.

Nhưng cái Bé không chịu đi, nằm lăn ra phản vừa chửi vừa kêu.

Chị phó Thức chạy vội lại ẵm con, nói nựng:

- Nao ôi! Tôi đi mãi để con tôi đói, con tôi khóc.

Rồi chị ngồi xuống phản cho con bú. Song thằng Bò, ý chừng bú mãi không thấy sữa, nên mồm nó lại nhả vú mẹ nó ra mà gào khóc to hơn trước.

Chị Thức thở dài, hai giọt lệ long lanh trong cặp mắt đen quầng. Chị đứng dậy, vừa đi vừa hát ru con. Rồi lại nói nựng:

- Nao ôi! Tôi chả có gì ăn, hết cả sữa cho con tôi bú!

Một lúc, thằng bé vì mệt quá lặng thiếp đi. Hai đứa chị, người mẹ đã đuổi ra đường chơi để được yên tĩnh cho em chúng nó ngủ.

Chị Thức lẳng lặng ngồi ôn lại cuộc đời đã quạ Bộ Óc chất phác của chị nhà quê giản dị, không từng biết tưởng tượng, không từng biết xếp đặt trí nhớ cho có thứ tự. Những điều chị nhớ lại chen chúc nhau hỗn độn hiện ra như những hình người vật trên một tấm ảnh chụp. Một điều chắc chắn, chị ta nhớ một cách rành mạch, là chưa bao giờ được thư nhàn, được hưởng chút sung sướng thư nhàn như những người giàu có.

Năm mười hai, mười ba, cái đĩ Lạc, tên tục chị phó Thức, xuất thân làm phu hồ. Cái đời chị, nào có chi lạ. Ngày lại ngày, tháng lại tháng, năm lại năm...

Năm chị mười bảy, một lần cùng anh phó Thức cùng làm một nơi, chị làm phu hồ, anh phó ngõa. Câu nói đùa đi, câu nói đùa lại, rồi hai người yêu nhau, rồi hai người lấy nhau.

Năm năm ròng, trong gian nhà lụp xụp ẩm thấp, tối tăm ở chân đê Yên Phụ, không có một sự gì êm đềm đáng ghi chép về hai cái đời trống rỗng của hai người khốn nạn, càng khốn nạn khi họ đã đẻ luôn ba năm ba đứa con.

Lại thêm gặp buổi khó khăn, việc ít công hạ, khiến hai vợ chồng loay hoay, chằn vặt suốt ngày này sang ngày khác vẫn không đủ nuôi thân, nuôi con.

Bỗng mùa nước năm ngoái, bác phó Thức nghĩ ra được một cách sinh nhai mới. Bác vay tiền mua một chiếc thuyền nan, rồi hai vợ chồng ngày ngày chở ra giữa dòng sông vớt củi. Hai tháng sau, bác trả xong nợ, lại kiếm được tiền ăn tiêu thừa thãi.

Vì thế năm nay túng đói, vợ chồng bác chỉ mong chóng tới ngày có nước to.

Thì hôm qua, cái ăn, trời đã bắt đầu đưa đến cho gia đình nhà bác.

Nghĩ đến đó, Lạc mỉm cười, se sẽ đặt con nằm yên trên cái tã, rồi rón bước ra ngoài, lên đê, hình như quả quyết làm một việc gì.

ooOoo​

Ra tới đê, Lạc không thấy chồng đâu.

Gió vẫn to, vù vù gầm hét dữ dội và nước vẫn mạnh, réo ầm ầm chảy nhanh như thác. Lạc ngước mắt nhìn trời: da trời một màu đen sẫm.

Chị đứng ngẫm nghĩ, tà áo bay kêu bành bạch như tiếng sóng vỗ mạnh vào bờ. Bỗng trong lòng nẩy một ý tưởng, khiến chị hoảng hốt chạy vụt xuống phía đê bên sông.

Tới chỗ buộc thuyền, một chiếc thuyền nan. Lạc thấy chồng đương ra sức níu lại các nút lạt. Chị yên lặng đăm đăm đứng ngắm đợi khi chồng làm xong công việc, mới bước vào thuyền, hỏi:

- Mình định đi đâu?

Thức trừng trừng nhìn vợ, cất tiếng gắt:

- Sao không ở nhà với con?

Lạc sợ hãi ấp úng:

- Con... nó ngủ.

- Nhưng mày ra đây làm gì?

- Nhưng mình định đem thuyền đi đâu?

- Mày hỏi làm gì?... Đi về!

Lạc bưng mặt khóc. Thức cảm động:

- Sao mình khóc?

- Vì anh định đi vớt củi một mình, không cho tôi đi.

Thức ngẫm nghĩ, nhìn trời, nhìn nước rồi bảo vợ:

- Mình không đi được... Nguy hiểm lắm!

Lạc cười:

- Nguy hiểm thời nguy hiểm cả... Nhưng không sợ, em biết bơi.

- Được!

Tiếng "được" lạnh lùng, Lạc nghe rùng mình. Gió thổi vẫn mạnh, nước chảy vẫn dữ trời một lúc một đen. Thức hỏi:

- Mình sợ?

- Không.

ooOoo​

Hai vợ chồng bắt đầu đưa thuyền ra giữa dòng, chồng lái, vợ bơi. Cố chống lại với sức nước, chồng cho mũi thuyền quay về phía thượng du, nhưng thuyền vẫn bị trôi phăng xuống phía dưới, khi nhô khi chìm, khi ẩn khi hiện trên làn nước phù sa, như chiếc lá tre khô nổi trong vũng máu, như con muỗi mắt chết đuối trong nghiên son.

Nhưng nửa giờ sau, thuyền cũng tới được giữa dòng. Chồng giữ ghì lái, vợ vớt củi.

Chẳng bao lâu thuyền đã gần đầy, và vợ chồng sắp sửa quay trở vào bờ, thì trời đổ mưa... Rồi chớp nhoáng như xé mây đen, rồi sấm sét như trời long đất lở.

Chiếc thuyền nan nhỏ, đầy nước nặng trĩu. Hai người cố bơi, nhưng vẫn bị sức nước kéo phăng đi...

Bỗng hai tiếng kêu cùng một lúc:

- Giời ôi!

Thuyền đã chìm. Những khúc củi vớt được đã nhập bọn cũ và lạnh lùng trôi đi, lôi theo cả chiếc thuyền nan lật sấp...

Chồng hỏi vợ:

- Mình liệu bơi được đến bờ không?

Vợ quả quyết:

- Được!

- Theo dòng nước mà bơi... Gối lên sóng!

- Được! Mặc em!

Mưa vẫn to, sấm chớp vẫn dữ. Hai người tưởng mình sống trong vực sâu thẳm. Một lúc sau, Thức thấy vợ đã đuối sức, liền bơi lại gần hỏi:

- Thế nào?

- Được! Mặc em!


Vợ vừa nói buông lời thì cái đầu chìm lỉm. Cố hết sức bình sinh nàng lại mới ngoi lên được mặt nước. Chồng vội vàng đến cứu. Rồi một tay xốc vợ, một tay bơi. Vợ mỉm cười, âu yếm nhìn chồng. Chồng cũng mỉm cười. Một lúc, Thức kêu:

- Mỏi lắm rồi, mình vịn vào tôi, để tôi bơi! Tôi không xốc nổi được mình nữa.

Mấy phút sau chồng nghe chừng càng mỏi, hai cánh tay rã rời. Vợ khẽ hỏi:

- Có bơi được nữa không?

- Không biết. Nhưng một mình thì chắc được.

- Em buông ra cho mình vào nhé?

Chồng cười:

- Không! Cùng chết cả.

Một lát, một lát nhưng Lạc coi lâu bằng một ngày, chồng lại hỏi:

- Lạc ơi! Liệu có cố bơi được nữa không?

- Không!... Sao?

- Không. Thôi đành chết cả đôi.

Bỗng Lạc run run khẽ nói:

- Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!... Không!... Anh phải sống!

Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để chìm xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ.

ooOoo​

Đèn điện sáng rực suốt bờ sông. Gió đã im, sóng đã lặng. Một người đàn ông bế một đứa con trai ngồi khóc. Hai đứa con gái nhỏ đứng bên cạnh. Đó là gia đình bác phó Thức ra bờ sông từ biệt lần cuối cùng linh hồn kẻ đã hy sinh vì lòng thương con.

Trong cảnh bao la, nước sông vẫn lãnh đạm chảy xuôi dòng.

bthonghoahoadep.gif
 

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28
Cô Gái Đi Tìm Hạnh Phúc

Tác giả: Amanda Chong Wei Zhen - Dịch giả: Trang Anh
Vài dòng về tác giả: AMANDA CHONG WEI - ZHEN 15 tuổi. Cô bé người Singapore của Trường nữ sinh Raffles - đã nổi lên thành một hiện tượng trong làng văn chương của đảo quốc này. Cô vừa đoạt giải thưởng cao nhất trong cuộc thi viết truyện ngắn (bằng tiếng Anh) của Khối cộng đồng Anh sau khi vượt qua hơn 5.300 truyện ngắn dự thi từ 52 quốc gia trong khối. Truyện ngắn Cô gái đi tìm hạnh phúc nói về sự mâu thuẫn thế hệ và mâu thuẫn giá trị trong một đất nước Singapore đang chuyển đổi nhanh chóng thành một quốc gia phát triển.
(Xin được nhắc lại, tác giả truyện ngắn này chỉ mới... 15tuổi)




Bà cụ ngồi ở băng sau chiếc xe mui trần đang băng băng trên xa lộ, ghì chặt bịch nilông trên áo như sợ một cơn gió đến cuỗm mất. Bà không quen với tốc độ cao như thế. Cánh tay run run siết lại chiếc dây an toàn, song bà vẫn lưu ý không để các ngón tay sần sùi chạm vào chiếc ghế da bóng lưỡng. Con gái bà đã dặn bà đừng làm bẩn ghế: "Má à, trên nền màu trắng dấu tay coi lộ liễu lắm đó".

Con gái của bà, Bee Choo, vừa lái xe vừa tuôn vào chiếc điện thoại di động màu bạc mảnh mai những từ ngữ to tát mà một bà cụ già giỏi lắm cũng chỉ hiểu được lờ mờ: "tài chính", "thanh toán", "tài sản", "đầu tư". Giọng nói của cô đanh, trầm và nghe là lạ. Bee Choo của bà ăn nói cứ như các cô gái nước ngoài trên truyền hình. Nó nói bằng giọng Mỹ cơ đấy.

Bà cụ tặc lưỡi, vẻ phật ý."Tôi dứt khoát không lấy. Bán quách nó đi!" - con gái bà giận dữ thốt lên, chân nhấn ga tăng tốc. Những móng tay cắt tỉa hoàn hảo bồn chồn bấu chặt vào tay lái. "Không giao dịch gì hết!" - cô quát lên, tắt máy di động rồi giận dữ quẳng nó ra băng sau. Chiếc điện thoại đập trúng trán bà cụ rồi trượt xuống vạt áo.

Bà cụ lặng lẽ nhặt lên, chìa trả cho con gái. - Con xin lỗi má - cô ta nói, bỏ hẳn giọng Mỹ, chuyển sang giọng Quan Thoại - con có một khách hàng lớn ở Mỹ. Có nhiều chuyện lộn xộn lắm. Bà cụ gật đầu vẻ am hiểu. Con gái bà làm ăn lớn và rất quan trọng. Bee Choo nhìn mẹ qua kính chiếu hậu, tự hỏi không biết bà cụ đang nghĩ gì. Bộ mặt nhăn nheo của mẹ cô luôn mang cái vẻ khó hiểu nào đó.

Chuông điện thoại lại reo. Một âm thanh nhân tạo vui nhộn kiểu kỹ thuật số làm vỡ tan sự im lặng nặng trĩu.
- Beatrice hả! Đúng rồi, Elaine đây. Elaine.

Bà cụ nhăn mặt. Mình đặt tên nó là Elaine hồi nào đâu? Bà sực nhớ con gái bà có nói rằng một cái tên Anh là rất quan trọng cho việc "hòa mạng", tên Trung Quốc người ta hay quên lắm.- Ồ, trưa nay tui gặp bồ không được đâu. Tui phải đưa bà cốt đi chùa làm mấy cái thủ tục lễ bái lẩm cẩm của bả.

Bà cốt. Bà cụ hiểu rõ lắm chứ, ấy là nói về bà. Con gái bà cứ tưởng rằng bà không nói ra thì có nghĩa là bà không hiểu gì.
- Ừ, biết rồi! Đệm xe tui sẽ lấm đầy tàn nhang chứ gì? Bà cụ dán mắt vào cặp môi cô con gái, tay bà bấu lấy bịch nilông đầy vẻ phòng thủ. Chiếc xe êm ả rẽ vào sân chùa. Trông nó có phần lòe loẹt bên sắc thái nhợt nhạt của nóc chùa cổ kính. Bà cụ bước ra khỏi băng sau, thả những bước không vội vã về phía chính điện.

Con gái bà cũng bước ra khỏi xe trong bộ y phục doanh nhân và giày cao gót. Cô rảo bước theo mẹ, vừa quệt lại son môi.
- Má, con đợi bên ngoài nhe. Con phải gọi điện thoại, có chuyện quan trọng lắm - cô nói, chẳng buồn che giấu sự ghê tởm mùi khói nhang.

Bà cụ rón rén bước vào chùa, châm nén nhang. Bà cung kính quì xuống, lẩm nhẩm những lời cầu nguyện hằng ngày mà giờ đây bà đã thuộc làu làu:

- Tạ ơn Trời Phật phù hộ độ trì cho con gái con mấy năm qua. Con cầu xin gì nó cũng đều được toại nguyện. Trẻ như nó mà đã có đủ mọi thứ trên đời. - Nó có một căn nhà lớn với cả bể bơi, còn có cả người giúp việc nữa vì nó hay vụng về lắm, chẳng khâu vá, cơm nước gì được cả. Chuyện tình duyên của nó cũng sáng sủa nữa. Nó đang yêu một ang moh (phương ngữ, chỉ người Kavkaz) giàu có và đẹp trai lắm. - Công ty của nó nay là công ty tài chính hàng đầu. Ngay đến đám đàn ông cũng phải tuân lệnh nó. Nó đang sống một cuộc đời hoàn hảo. Trời Phật đã ban cho nó mọi thứ, chỉ thiếu có mỗi hạnh phúc mà thôi. - Con cầu xin Trời Phật tha thứ cho nó dù nó có hơi mất gốc do mải mê chạy theo công danh. - Điều Người trông thấy không đúng chút nào đâu. Nó rất có hiếu với con. Nó cho con một căn phòng trong ngôi nhà lớn của nó. Nó cũng chu cấp đầy đủ cho con. Nó hơi hỗn với con là vì con làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của nó. Phụ nữ trẻ không muốn bị mẹ già quấy rầy. Đó là do lỗi của con mà ra.

Bà cụ cầu nguyện thành khẩn đến mức nước mắt bà ứa ra. Cuối cùng, bà cúi đầu lạy rồi cắm nén nhang cháy phân nửa vào chiếc lư chứa đầy tàn. Bà cúi lạy thêm một lần nữa.
Bà cụ đã cầu nguyện cho con gái suốt 32 năm nay rồi. Khi bụng bà tròn lẳn như trái dưa, bà đã đến chùa cầu xin một đứa con trai. Rồi khi ngày sinh đến, đứa bé trượt ra khỏi bụng của bà. Nó khóc ré lên trông thật đáng yêu với những bắp chân bù bụ, đôi má hồng hào, nhưng... đó là một bé gái, không lầm lẫn vào đâu được nữa rồi. Chồng bà véo bà, đấm bà vì bà đã sinh ra một đứa bé vô dụng, không thể làm việc cũng như bảo tồn dòng họ.

Thế rồi người phụ nữ vẫn cứ trở lại chùa cùng với bé gái mới sinh bọc trong chiếc xà rông đeo trước ngực. Bà cầu nguyện cho con gái bà lớn lên sẽ có đủ mọi thứ mà nó muốn. Chồng bà đã bỏ bà và bà cầu nguyện cho con bà về sau sẽ chẳng bao giờ phải lệ thuộc vào đàn ông. Mỗi ngày bà cầu nguyện cho con bà trở thành một phụ nữ tuyệt vời, một phụ nữ mà chính bà không bao giờ vươn tới được do quá nhu mì và ít học. Một phụ nữ nengkan, tức có khả năng làm tất cả những thứ gì mình dự định. Một phụ nữ áp đặt sự ngưỡng mộ vào tận trái tim của mỗi người đàn ông. Khi con bé mở miệng nói, trân châu sẽ tuôn ra theo, và đàn ông sẽ phải lắng nghe nó. Nó sẽ không giống như mình, bà cụ vừa cầu nguyện vừa đắm đuối ngắm cô con gái đang ngày một lớn lên và tách xa khỏi bà, thường nói bằng một thứ ngôn ngữ mà bà khó khăn lắm mới hiểu nổi. Bà ngắm nghía con gái của bà chuyển từ một bé gái ngoan ngoãn thành một cô gái công khai thách thức bà, gọi bà là laotu (cổ hủ). Nó muốn mẹ nó phải "hiện đại", một từ quá mới không có trong tiếng Hoa.

Giờ thì con gái bà đã trở nên quá thông minh đối với bà và bà cụ tự hỏi cớ sao bà lại cầu xin như thế. Trời Phật đã luôn dễ dãi trước những lời cầu xin dai dẳng của bà nhưng của cải và công danh chảy vào như nước đã chôn đi cả cội nguồn của cô gái, và giờ đây cô đang đứng đó không khuôn mặt, không bản sắc, chỉ còn dính vào mảnh đất của tổ tiên bằng một sợi chỉ mong manh. Con gái bà đã quên mất các giá trị của người mẹ. Những điều nó muốn thật quá sức phù du... Những ước muốn của phụ nữ hiện đại. Quyền lực, của cải, các cửa hàng thời trang cao cấp... Thế mà con gái bà vẫn chưa thể tìm thấy được hạnh phúc thực thụ. Bà cụ biết rằng không cần có nhiều thứ như thế người ta vẫn tìm được hạnh phúc. Khi con gái bà từ giã cõi đời, tất cả những thứ mà nó có sẽ chẳng còn là gì nữa. Người ta sẽ nhìn lại những thành tích của nó và nói rằng nó là một phụ nữ tầm cỡ nhưng rồi nó sẽ bị quên lãng khi cơn gió đầu tiên lùa qua... giống như tro tàn còn lại của những chiếc xe mui trần và biệt thự bằng hàng mã.

Bà cụ mong sao nó sẽ quay đầu lại. Bà mong sao có thể xóa đi tất cả những hoài vọng lớn lao của mình và những lời cầu nguyện dành cho nó. Giờ đây bà chỉ còn mỗi một ước nguyện: làm sao cho con gái bà được hạnh phúc. Bà nhìn ra cổng chùa. Bà thấy con gái bà đang nói chuyện điện thoại, chân mày nó nhíu lại vì giận dữ và lo lắng. Trên đỉnh cao cũng chẳng phải tốt lành gì, bà cụ thầm nghĩ. Từ trên đỉnh thì chỉ có một con đường để đi: đi xuống.

Bà cụ tỉ mẩn tháo bịch nilông rồi đổ ra trước bệ thờ một bịch bee hoon (mì bột gạo). Con gái bà thường chế nhạo bà chuyện cúng bái các vị Phật bằng sứ. Sao bà có thể khấn vái thành khẩn như thế và chờ đợi những mảnh sứ ấy bay đến giúp đỡ? Nhưng bản thân con gái của bà cũng có những vị thần của nó: những thần tượng của giàu sang, thành đạt và quyền lực mà nó lệ thuộc và thờ cúng mỗi ngày trong cuộc đời. Mỗi ngày là một sự truy tìm các thần tượng, và những thần tượng mà nó tôn thờ lại chẳng là gì cả so với vĩnh hằng. Tất cả những thứ mà con gái bà mong ước sẽ dần dần hút lấy sự sống bên trong nó, bỏ lại cho bà một chiếc vỏ sò vô hồn và rỗng tuếch trước bệ thờ. Bà cụ lặng ngắm những que nhang. Hơi nóng bốc lên những xà cột ọp ẹp có nguy cơ sụp đổ bất cứ giây phút nào. Phụ nữ hiện đại ngày nay, bà cụ thở dài nhẫn nhục khi cúi lạy lần cuối cùng về hướng đông để kết thúc buổi cầu nguyện. Phụ nữ hiện đại ngày nay muốn quá nhiều thứ đến mức đánh mất cả linh hồn rồi lại tự hỏi tại sao mình không tìm được nó. Que nhang của bà tan ra thành lớp tro xám mịn.

Bà gặp lại con gái ở ngoài cổng chùa. Vẻ bồn chồn, thất vọng vẫn nguyên vẹn trên khuôn mặt nó. Một biểu lộ rỗng tuếch, cứ như nó đang đào xới mảnh đất của những thèm muốn để tìm kiếm hạt mầm của hạnh phúc. Hai mẹ con lẳng lặng leo lên chiếc xe mui trần, rồi cô gái đưa xe ra xa lộ, lần này không phóng nhanh như lúc đến.

- Má à, - Bee Choo mở lời - con không biết nói sao với má đây. Mark và con đã bàn chuyện này rồi, tụi con định bán nhà lớn. Thị trường nhà đất đang có ăn thành thử tụi con muốn kiếm người bán nhà, cỡ 7 triệu (đôla Singapore - ND) là được. Tụi con định kiếm một căn hộ khang trang nào đó. Có một căn ở phố Orchard hạp ý con lắm. Khi nào về đó, tụi con sẽ cho con bé làm nghỉ việc để có chỗ rộng rãi hơn... Bà cụ gật gù vẻ am hiểu.

Bee Choo khó nhọc nuốt nước miếng. - Tụi con sẽ mướn người tới dọn dẹp và ăn uống ở ngoài, thế là ổn. Nhưng con bé làm nghỉ rồi thì không có ai chăm sóc má. Má ở nhà một mình chắc là buồn dữ lắm. Với lại căn hộ cũng chật chội nữa. - Tụi con suy nghĩ chuyện này lâu lắm rồi. Tụi con nghĩ tốt nhất là má đến sống ở chỗ mới. Có một căn nhà gần Hougang, một căn nhà của Giáo hội Công giáo. Nhà này tốt lắm, má à.

Bà cụ không hề ngước mặt. - Con đã đến đó rồi. Bà quản lý nói bả sẵn sàng nhận má. Nhà này vừa đẹp vừa có vườn tược, lại có cả đống người già để làm bạn với má! Con đâu có nhiều thời gian để gần gũi má, ở đó thế nào má cũng vui hơn. "Ở đó má vui hơn thật mà," cô gái lặp lại như để khẳng định với chính mình. Lần này bà cụ không còn bịch nilông đựng thực phẩm nào để mà ghì chặt trên áo nữa rồi. Bà bặm môi siết lại dây an toàn, cứ như nó bảo vệ được bà trước cô con gái đang muốn tống khứ bà đi.

Bà ngồi ngập vào trong chiếc ghế da, mặc cho đôi vai thõng xuống và các ngón tay in dấu trên lớp bọc ghế trắng muốt. - Má? - con gái bà cất tiếng gọi, tìm kiếm bà qua chiếc kính chiếu hậu - Má ổn không vậy má? Điều gì phải đến đã đến. - Ổn mà - bà cụ nói chắc nịch, giọng bà lớn hơn bà dự định - nếu điều đó làm con hạnh phúc - bà hạ giọng nói thêm. - Việc này là cho má cơ mà, má! Ở đó má sẽ hạnh phúc hơn. Mai má đến đó nhé! Con đã biểu con bé làm gói ghém đồ đạc cho má rồi - Elaine phấn khởi nói, chưa gì mà đầu óc đã hướng đến một đề mục mới trong lịch trình của cô. - Con biết mọi chuyện sẽ ổn thôi mà.


Elaine toét miệng cười, cô cảm giác như vừa được giải thoát. Có thể việc tống khứ bà mẹ sẽ giúp cô hạnh phúc hơn. Cô đã từng nghĩ đến điều đó. Hình như bà cụ là chướng ngại duy nhất trên con đường truy tìm hạnh phúc của cô. Giờ thì cô thấy sung sướng lắm. Cô đã có mọi thứ mà bất kỳ người phụ nữ hiện đại nào cũng thèm muốn: tiền tài, địa vị, công danh, tình yêu, quyền lực... và bây giờ là tự do, không có bà mẹ và không có những lề thói cổ hủ khiến cô bị luôn khó chịu. Phải, cô đã tự do! Chiếc điện thoại reo lên, khẩn trương. Cô nhấc nó lên và đọc mẩu tin nhắn. "Thị trường chứng khoán tăng 10%!". Tuyệt! Với cô, rõ ràng là mọi việc đang bắt đầu đi lên...

Và trong khi cô tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời qua ánh sáng chiếc màn ảnh điện thoại, bà cụ ngồi ở băng sau đã trở nên vô hình, và cô đã không thể trông thấy những giọt nước mắt của bà.



(ST)
 
Top Bottom