Miền Tây ăn tết "hết mùng hết mền"

MinhThy

<marquee behavior="alternate" scrollamount="1"><fo
Joined
Nov 17, 2011
Messages
3,907
Points
113
Người dân miền Tây thường vui Tết kéo dài đến Rằm tháng Giêng, nhiều người gọi vui là “ăn Tết hết mùng hết mền”. Được dịp về miền Tây để “sảng khoái” cùng Tết, để thấy được những nét đón Tết đặc trưng văn hóa riêng của họ.

Ngay từ ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), người dân miền Tây đã bắt đầu ăn Tết. Mọi công việc mưu sinh thường ngày được họ tất bật làm từ đầu tháng Chạp nên những ngày cận Tết họ chủ yếu lo chuẩn bị đồ dùng để đón Tết. Ngày đưa ông Táo đã thấy người dân tụ họp ăn uống chào mừng mùa xuân mới về.
Năm nay không có 30 nên người dân có phần ăn Tết sớm hơn. Từ chiều ngày 29 tháng Chạp, nhà nhà đã hối hả chuẩn bị đồ ăn, thức uống để làm tiệc chờ đợi giao thừa. Do đó, từ khoảng 8 giờ tối, không khí Tết đã tràn ngập mọi nhà. Đúng thời khắc giao thừa, sau khi cúng ông bà tổ tiên, mọi người trong gia đình cùng chúc nhau năm mới. Sau đó, họ qua nhà hàng xóm chúc mừng.
Hinh-9-e9096.jpg
Nhiều nhà dân ở Bạc Liêu có bàn thờ nhớ ơn Bác Hồ trước cửa nhà vào những ngày Tết.

Chúng tôi có dịp cùng với một số gia đình sinh sống ở tỉnh Bạc Liêu đi ăn Tết mới thấy được người miền Tây phần nào đó ăn Tết rất “sảng khoái”. Ngày mùng 1 đầu năm, cả gia đình (cha, mẹ, con, cháu, anh chị em…) cùng mặc áo trắng mới đi thắp hương cho ông bà, người thân. Hầu như ngày mùng 1, người dân ở đây chỉ dành cho bà con họ hàng dù ở cách xa nhau mấy chục cây số. Họ đến từng nhà thắp hương, chúc mừng gia chủ năm mới sức khỏe, phát tài…Gia chủ đáp lại bằng những ly rượu xuân đã chuẩn bị sẵn từ trước.
Hinh-3-4375b.jpg
Thắp hương cho ông bà tổ tiên là việc làm không thể thiếu vào ngày Tết cổ truyền.

Có mặt tại nhà ông Nguyễn Văn Sơn (ngụ ấp 22, xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai), PV Dân trí ghi nhận không khí tại đây vào ngày mùng 1 Tết khá sôi nổi. Có nhiều gia đình là bà con của ông Sơn cùng đến thắp hương cho người đã khuất. Một mâm rượu thịt đã được ông Sơn chuẩn bị sẵn trên bộ ván để tiếp đón. Sau khi khách thắp hương xong, ông Sơn rót rượu mời những người đàn ông trong uống mừng năm mới, còn những chị em phụ nữ được vợ con ông Sơn mời nước ngọt, ăn bánh kẹo…gọi là lấy lộc đầu năm.
Hinh-2-de747.jpg

Ly rượu đế mừng xuân không thể thiếu đối với người dân miền Tây.

Hinh-1-d5cf1.jpg

Nhiều nhà chơi sang đón khách bằng bia.
Điều ấn tượng mà chúng tôi ghi nhận được là chủ nhà không mời quá 2 ly rượu vì khách còn phải đi nhiều nơi nên hầu như không ai ép nhau trong ngày đầu năm. Khách đến chỉ cần nhấp một ngụm nhỏ thì chủ nhà cũng đã thấy vui nên ai cũng vui vẻ, sảng khoái khi đi vui Tết trong ngày này.

Hinh-6-1c2c5.jpg

Cùng chúc nhau năm mới.
Còn tại nhà của ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ xã Phong Thạnh A), không khí đầu năm còn nhộn nhịp hơn bởi được biết ông Dũng có nuôi mẹ già là cụ Trần Thị Sáu đã hơn 80 tuổi. Cụ Sáu cũng đã là bà cố, bà nội, bà ngoại nên rất đông con cháu tề tựu về đây mừng tuổi cho cụ. Cụ Sáu được cho ngồi ở bàn giữa, sau đó thứ tự con cháu đến mừng tuổi và lì xì. Được biết, cụ Sáu đã lẫn nên không nhớ nhiều đến con cháu nhưng khi nghe lời con cháu chúc sống lâu, lì xì lấy lộc cho cụ, trông cụ Sáu rất mừng. Nhìn cảnh con cháu mừng tuổi bà cụ già 80 tuổi khiến chúng tôi không khỏi xúc động.
Hinh-4-73f89.jpg
Con cháu tề tựu mừng tuổi lì xì cho ông bà...

Hinh-7-93085.jpg
...hay ông bà lì xì cho con cháu lấy lộc đầu năm thường thấy ở miền Tây.

Những gia đình ở miệt vùng sâu, vùng xa ở đất Bạc Liêu rất hiếu khách. Ngày Tết họ chuẩn bị rất nhiều thứ để đãi khách đến thăm. Từ cơm nước đến cá mắm, rượu thịt…tất tần tật bày sẵn trên bàn để khách đến là có ngay để mời ăn uống mừng năm mới. Dù những gia đình nào nghèo thì cũng có rượu, khô cá, thịt kho để đãi khách nên việc ăn Tết luôn tràn ngập tiếng cười sảng khoái dù gia cảnh họ có khó khăn đến mấy.
Hinh-10-120a1.jpg
Người dân miền Tây rất hiếu khách. Họ thường làm những món ăn ngon để đãi khách đến thăm vào ngày Tết. Trong ảnh là một hộ dân đang làm cá nấu canh chua đón khách.

Hinh-12-905a1.jpg
Giới trẻ miền Tây từng bừng sảng khoái cùng Tết.

Với người dân miền Tây, thường ngày mùng 2 là họ đi thăm hàng xóm với nhau. Vẫn là đến nhà thắp hương cho người đã khuất rồi sau đó uống ly rượu mừng với gia chủ. Còn ngày mùng 3 là ngày họ ở nhà để đón khách đến thăm, đáp lại tấm lòng hiếu khách.
Hinh-11-bdef6.jpg
Một đại gia đình xôm tụ ngày Tết.

Hinh-5-52f7c.jpg
Trẻ con miền Tây vui Tết.

Từ ngày mùng 4 trở đi, người dân, đặc biệt là giới trẻ mới bắt đầu đi chơi xa. Từ Bạc Liêu, họ đổ lên Sóc Trăng, Cần Thơ, thậm chí là TPHCM để chơi Tết. Có người đi chơi đến hết mùng 10, có khi đến Rằm tháng Giêng mới trở về nhà.
Còn những người trung niên bắt đầu đi ăn Tết ở những nhà thân thiết, từ đây họ thường ăn tiệc tại một chỗ chứ không đi nhiều như 3 ngày đầu năm. Cứ thế, hết ngày này qua ngày khác, họ ăn Tết trong không khí ấm áp, nghĩa tình. Khi họ không là công nhân viên chức, khi không có nhiều công việc thì họ đón Tết rất dài, như họ gọi “ăn cho hết mùng hết mền” là vậy.
Hinh-8-91b51.jpg
Miền Tây vui Tết hết "mùng mền". (Ảnh: Huỳnh Hải)
(Theo dantri)
 
Top Bottom