Sóc Trăng Nét đặc sắc của ẩm thực sóc trăng

Joined
Oct 27, 2010
Messages
73
Points
8
Nét đặc sắc trong ẩm thực Sóc Trăng
Người dân các dân tộc ở Sóc Trăng từ xưa đã biết ăn bồn bồn, năn, bông súng… cuộc sống khẩn hoang nghèo khổ buộc con người phải thử nghiệm. Họ ăn bồn bồn thử thấy ngon, mà bồn bồn lại nhiều, mọc hoang dã, có thể làm dưa hoặc xào.
Vùng này cũng có những cánh đồng năn mọc hoang, do đó từ rất sớm, người Việt và Khmer cũng đã biết tận dụng nguồn thức ăn này. Người ta xào năn đổ bánh xèo, làm lẩu mắm,… Năn có nhiều vào tháng 4, 5 âm lịch.

Vùng này nhiều trăn, nưa, rắn hổ, rắn mai gầm. Người dân bắt trăn rừng nấu cháo đậu xanh hoặc khìa. Tháng 10 ở vùng này rất nhiều trăn, người dân gọi là “trăn hội tháng 10” gồm những loại trăn nghệ, trăn gấm tụ gom lại vì mùa này trời lạnh trăn phơi da, do đó người dân tụ tập về bắt trăn ăn thịt.
Môi trường sinh thái Sóc Trăng nhiều loại rau củ, phụ nữ ở đây giỏi tài chế biến các loại rau củ thành những món ăn đặc trưng. Ví dụ xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) phụ nữ nổi tiếng về tài khéo léo, đặc biệt khéo trong nghệ thuật ẩm thực. Rau củ nào họ cũng tận dụng làm dưa chua, vì vừa bảo quản được lâu, vừa dùng làm món ăn kèm theo món mặn. Ví dụ làm chua các loại dưa cải, cải bắp, củ cải, lớp vỏ trắng của dưa hấu, dưa leo, dưa chuột, trái dưa hấu non, cải xanh, bông điên điển, trái chuối hột… để ăn kèm với thịt heo luộc, vị rất ngon.

Ở Sóc Trăng có những nơi thiên nhiên còn hoang sơ như Cù lao Dung. Về sinh thái xưa kia Cù lao Dung nhiều bần, cành đu nhau kéo dài hai bên bờ sông rạch, nhiều đến đỗi bần mọc lan ra lòng rạch, có khi xuồng không đi được. Bần chỉ mọc ở vùng nước mặn và lợ. Cù Lao Dung nhiều bần mọc tự nhiên hai bên bờ sông, rạch. Trái bần chín thường dùng dầm nấu canh chua sẽ cho vị chua rất thanh.

Trái bần còn sống cắt lát mỏng ăn với mắm sống rất ngon. Đọt bần non thường hái ăn như rau sống, còn rể bần dùng làm nút chai. Ở đây có 2 loại bần: bần dĩa và bần vỉ, ngoài ra còn có loại bần sẻ (trái nhỏ).

Vùng đất Sóc Trăng có nhiều cá ngát, cá khoai vảy trắng, cá chẽm, cá sặc bướm. Đặc biệt nhất ở đây là cá tra bần là loại cá tra tự nhiên ở sông rạch, nguồn thức ăn chính của cá là trái bần chín rụng xuống sông nên gọi là cá tra bần. Cá này thịt rất ngon, nhất là “Canh chua nấu cá tra bần”. Đặc biệt, Sóc Trăng còn có nhiều cá thác lác, người ta để cho mềm xương rồi ướp muối chiên với sả ớt.

Về mắm, cư dân địa phương có món mắm rất ngon là “mắm chao cá sặt”. Mắm này làm như sau: Cá sặt đánh vảy, ướp muối, thính, đậy kỹ, đổ nước màu (nước đường chảy nấu từ nước dừa). Các món ăn từ mắm sặt như:

+ Chưng mắm trong tô với đường, mỡ, tỏi.
+ Mắm ăn sống trộn gia vị, đường, giấm. Nên với bần sống cắt lát.
+ Mắm kho (lẩu mắm).

Đặc sản Cù lao Dung còn có món tép rang cháy mỡ tỏi. Người khẩn hoang làm món này để ăn cơm giữa đồng, chặt cây và cắp làm đũa, chan cơm bằng nước dừa xiêm thay canh.

Sóc Trăng còn có nhiều nghêu, người dân có món canh chua nghêu lá me non rất ngon.

Sóc Trăng có dưa hấu ngon ngọt nổi tiếng. Đất ở Phú Tâm (Mỹ Tú) thích hợp trồng dưa hấu. Người dân địa phương phân biệt dưa ở Đại Tâm (Mỹ Xuyên) cũng ngon ngọt nhưng chủ yếu dưa ruột vàng, còn Phú Tâm (Mỹ Tú) dưa vỏ đen, ruột đỏ, trái to rất chắc và nặng.

Món ăn của người Việt ở Sóc Trăng đã đi vào văn học dân gian qua những câu ca dao độc đáo như:

“Bánh canh trắng cọng dài cọng ngắn
Cải tần ô gãy dọc gãy ngang
Trái dưa gang sọc dài sọc ngắn
Cọng rau đắng trong trắng ngoài xanh
Anh có thương em thì bưng kỹ để đầy
Không bưng thì để xuống cho người ngoài nó bưng”

Ẩm thực Sóc Trăng thể hiện đặc tính ẩm thực truyền thống riêng của các dân tộc Việt, Khmer, Hoa.

Vùng Mỹ Xuyên có địa danh Vu Gia, mắm tép ở đây ngon nổi tiếng. Người Việt thích ăn rau nhút, rau ngổ, rau đắng với mắm kho, thích ăn canh chua cá kho (cá trong môi trường tự nhiên như cá lóc, cá rô… không to, nhưng thịt ngọt, chắc).

Món ăn đặc trưng của người Việt ở Sóc Trăng là bánh xèo. Bánh làm bằng bột gạo, thịt, tép và năn, hương vị rất ngon và lạ. Bánh xèo ở đây còn làm nhân bằng thịt gà, thịt vịt hay tép, ăn với lá cát lồi, lá cách, lá bông súng non, lá bồ đề, lá sung, lá điều (là các loại rau rừng). Thường mùng 5/5 Tết Đoan Ngọ người Việt thường thích ăn bánh xèo “để xuống mạ” chứ không ăn cơm.
 
Top Bottom