MinhThy
<marquee behavior="alternate" scrollamount="1"><fo
- Joined
- Nov 17, 2011
- Messages
- 3,907
- Points
- 113
XÓM ĐĨ
Tác giả: Nguyễn Ngọc Thạch
Người ta làm đĩ đã vào hệ thống, có quản lý, có thâu ngân, có cả người đứng ra xếp lịch tiếp khách cho những con đĩ đắt tiền, còn son sắc, có luôn những đứa làm nghề thu dọn, chuyên vứt đi bọn con đĩ đã hết rồi thời dung nhan hồng hoa, đại loại như người ta quẳng bịch rác ra đường mà chẳng cần nhìn lại coi nó bung bét cỡ nào.***
Hắn dọn đến xóm đó một buổi trưa nắng gắt. Đặt chân vào con hẻm quanh co đã thấy xồng xộc mùi nước hoa rẻ tiền, chớt nhã. Thứ nước hoa như làm dựng dậy dục tính thấp hèn luôn luôn nằm sẵn ở hạ bộ bọn đàn ông. Ban đầu khi nghe bà môi giới tìm chỗ ở nói ngon nói ngọt, hắn ưng lòng lắm.- Cậu yên tâm, chỗ này bảo đảm giá rẻ mà quan cảnh tốt. Dù ở cuối hẻm cụt, nhưng xung quanh toàn mấy em chân dài, chiều chiều quần jean sát háng cho cậu dòm no con mắt.
Nghe hấp dẫn, hắn gật đầu cái rụp rồi dọn vào, ngờ đâu khi đến mới biết cái xóm này còn có một cái tên khác: Xóm Đĩ.
Ờ thì y chang cái mọi người đang nghĩ trong đầu, người ta gọi đây là xóm đĩ sở dĩ cả cái xóm từ trên xuống dưới, đều làm đĩ.
Đĩ cứ như cái nghề danh giá mẹ truyền con nối mà người ta cần phải vinh danh ở mấy cuộc họp cấp nhà nước. Chẳng ai biết cái xóm oái oăm này từ đâu mọc lên, nhưng nghe kể, ban đầu có một ả đàn bà mỏ đỏ mắt xanh mua lại dãy nhà trọ trong hẻm rồi ngăn thêm mấy phòng, chia cho “mấy đứa con gái nuôi” ở. Mà đám con bà ta, đứa nào cũng đẹp. Thế nên chuyện chúng có bạn bè kéo đến chơi là bình thường, có bận chúng gặp bạn liên tục, ngày năm sáu người đến, toàn đàn ông con trai, già có, trẻ có, cao to đen hôi cũng có.
Lịch sự khi tiếp khách, mấy đứa con gái bà chủ nhà luôn đóng kín cửa phòng, khép luôn cửa sổ, sợ người ta qua lại nhìn vào không hay. Chẳng biết hai đứa làm gì bên trong mà có lúc cười hí há vui vẻ, có lúc như tập thể dục cho nhau hay sao mà nghe tiếng thở hồng hộc đến tội. Lần đó ông già đầu xóm còn nói.
- Tội nghiệp tụi nhỏ, bây giờ công viên người ta lấy làm bãi giữ xe hết, nên tụi nó phải ráng vô phòng tập thể dục.
Chắc ông già gần hết xí quách cũng muốn tăng cường sức khỏe nên có bữa ráng len lén cập vách coi bên trong tụi nhỏ tập thể dục tư thế gì. Rồi không biết sao tự dưng lên cơn tăng xông, khổ cho bà vợ thuốc thang mấy tháng trời mới khỏe lại được.
Từ đó, người ta dọn đi khỏi xóm càng lúc càng đông, đa phần người già, người trí thức quyết định không ở được, còn lại bọn choai choai thì vẫn bám trụ, một phần vì si mê nhan sắc mấy đứa con gái, một phần vì bắt đầu đánh hơi được ở cái xóm này rồi đây tiền tài sẽ đến. Có người ra thì sẽ có người vô, người ta dọn vô cũng nhiều, nhìn một lượt khắp những gương mặt phấn son be bét, cũng hiểu ông bà ta dạy “trâu cùng trâu, ngựa tìm ngựa” quả thật chẳng sai.
Có người sẽ thắc mắc, cơ quan chức năng đâu mà để cho cái xóm này hoành hành dữ. Xin thưa, hai vị có thế lực ở đây là anh Chính Văn Quyền cùng ông Địa Văn Phương dạo này sức khỏe suy yếu lắm, bệnh tật liên miên nên cũng mắt mờ, tai điếc, có cái biết, có cái không. Thấy thương tình, bà chủ nhà vội vàng bưng vài ba tĩnh rượu ngâm mấy chục con rắng hổ mang qua tặng, cùng lời chúc đon đả nghe bùi lỗ tai.
- Em chúc hai anh sức khỏe dồi dào, càng ngày càng trẻ, càng sung sức như trai tráng hai mươi đặng còn qua chỗ em ủng hộ.
Hai ông nghe thấy cái tuổi già của mình được tán dương thì mừng như bắt được vàng, hỉ hả bảo bà chủ về đi, lúc nào trên Quận trên Thành phố có xuống kiểm tra thì sẽ báo cho biết trước một tiếng.
Nhờ vậy mà cả xóm có trật tự hẳn ra, người đi về lúc nào cũng ngăn nắp, gọn gàng. So với mấy con hẻm cạnh bên lúc nào cũng sực mùi rác rưởi, thì con hẻm này khi nào cũng ngào ngạt mùi nước hoa chẳng phải cao cấp hơn sao. Thế nên năm rồi đạt danh hiệu Khu phố Văn hóa cũng chẳng có gì đáng bàn cãi. Ngày nhận thưởng, anh Quyền với ông Phương cứ luôn mồm.
- Khu phố ta được vinh dự này, ấy là nhờ vào ý thức của mỗi người dân địa phương.
Bên dưới nghe, vội vàng lấy tay khỏi miệng đang ngáp, vỗ lộp bộp, không biết tán dương hay đập muỗi.
Lại nói về hắn.
Hắn ôm hai vali nhỏ, dắt cái xe cà tàng vào xóm trọ mà hoảng hồn hoảng vía. Ngay từ đầu hẻm đã có vài em chân không dài lắm nhưng được cái chịu khó xẻ cao quần liếc mắt chào mời. Nhưng hình như người ta sớm nhận ra cái nét nhà quê, cái sự nghèo khắc hằn trên gương mặt nên đã nhanh chóng quăng cho hắn cục lơ bự chảng, để hắn lọ dọ xách đồ về căn phòng ọp ẹp ở cuối hẻm.
Ban đầu khi biết mình dọn vào cái động gì, hắn đã tính nói bà môi giới cho lấy lại tiền, nhưng thấy con mắt mẻ long lên sòng sọc lúc chửi một thằng cha nào đó dám giỡn mặt quỵt tiền nhà, hắn biết thôi thì cứ ngậm bồ hòn làm ngọt cho qua cơn.
Vừa cất xong mớ đồ đạc cho ngăn nắp, gọn gàng, bên ngoài đã có tiếng la hét um sùm.
- Thằng chó đẻ! Tao đi làm đĩ đem tiền về cho mày đi hút chích phải không?
- Bà đẻ tui ra, giờ bà nói vậy khác nào tự chửi mình hả?
Nhòm qua cái ô cửa sổ chấn song ngang như ô cửa tù, hắn thấy thằng thanh niên loai choai tóc nhuộm vàng nhuộm đỏ chạy vụt ra khỏi căn phòng trọ cách hắn vài bước chân. Người đàn bà vừa chửi xong cũng nhanh chóng xuất hiện vào khung hình cho xôm tụ. Hắn áng chừng bà ta chắc ngoài bốn mươi, thằng con thì chừng mười sáu, mười bảy… Chửi đổng coi bộ chả si nhê, bà gái hết thời cuối xuống cầm chiếc dép lên phóng hùa theo thằng quý tử, chẳng may sao trúng con chó già đang nằm tắm nắng, nó ẳng lên một tiếng, rồi nhướn mắt nhìn, thấy chừng con mẹ kia chẳng đáng cho mình tức giận nên lại nằm xuống phơi nắng tiếp.
Tấn bi hài kịch ấy người ta diễn để đón chào hắn tới nơi ngụ cư.