An Giang Những “cảnh tiên” vùng Bảy Núi - Kỳ 1: Núi Cậu, nhiều giai thoại thuyền bí

Status
Not open for further replies.

diemhoang124

Active member
Joined
Oct 11, 2010
Messages
701
Points
28
Một ngày cuối năm, tôi theo chân đoàn khách vượt qua ngàn dốc đá cheo leo đến tận đỉnh núi Cậu tọa lạc tại xã An Phú (Tịnh Biên). Tuy ngọn núi không cao chỉ khoảng 250m so với mực nước biển nhưng cảnh thiên nhiên vẫn còn nguyên vẹn. Vào những ngày lễ, Tết, rằm lớn trong năm, núi Cậu thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến hành hương và ngắm “cảnh tiên”…

Chinh phục núi Cậu:

Con đường mòn độc đạo dẫn đoàn khách lên núi toàn đá hòn, đá cục được chất thành dãy quanh co, uốn lượn, khiến cho du khách càng thấy thích thú và cố hết sức chinh phục tận đỉnh. Leo được một đoạn, mệt đừ, đầu toát mồ hôi, tôi liền bẻ một nhánh tầm vông ven đường dùng làm gậy tiếp sức cho hành trình leo núi. Đến tảng đá lớn, dừng lại nghỉ chân, ông Đoàn Văn Đương, một du khách ở Bạc Liêu cho biết: “Hôm nay, đoàn 25 người đến đây khoảng 8 giờ sáng. Chúng tôi ghé cúng chùa Đông Lai Thiền Viện (phật tử thường gọi là chùa Phật Nằm). Sau đó, cả đoàn rủ nhau leo núi Cậu cho biết “cảnh tiên”. Cũng nghe những người đi trước về kể, ở đây núi non cảnh đẹp nên cả đoàn cùng đi. Leo núi tuy mệt nhưng bù lại hít thở được không khí trong lành, toàn thân như nhẹ nhõm…”

Thật lạ mắt, ven theo tuyến đường mòn, những hòn đá xếp từng bậc toàn là đá cỡ lớn. Người lớn tuổi sống gần đó cho biết, lúc mới về đây lập nghiệp đã có những hòn đá to như thế. Trong lúc lên rừng đốn củi, hái trái cây, người dân đi riết thành đường mòn. Từng đoàn khách nối bước nhau đi qua những hòn đá to tướng, mất khoảng 40 phút mới chinh phục được đỉnh núi.

“Cảnh tiên” kỳ bí:

19t6a-bancotien.jpg

Sân Tiên núi Cậu rộng khoảng 2.000m2, cạnh đó có cái quán cóc bán nước giải khát cho du khách. Tấp vào bên trong, một số người chọn cho mình chiếc võng để nghỉ lưng hứng gió núi lộng vi vu, thật dễ chịu. Số còn lại quanh quẩn sân Tiên nghiền ngắm những dấu tích thiên nhiên từ thuở sơ khai còn in lại.

Ông Võ Văn Tuấn, chủ quán cho biết: “Một năm, khách đi đông nhất là vào ngày 16 và ngày 19 tháng giêng. Khách đến đông nghẹt, quán không còn chỗ để ngồi. Nhiều đoàn ở Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu còn mang heo quay, trái cây, bánh… đến đây cúng trăng vào ban đêm. Mấy năm trước, bà Bảy ở Châu Đốc thuê người khuân vác gạch, xi măng lên xây ngôi miếu thờ ông Cậu, chứ trước đây chỉ có một cái miếu nhỏ, với chiếc lư hương đìu hiu hoang vắng đặt cạnh cây bồ đề”.

Điều độc đáo và huyền bí ở đây là tại giữa sân Tiên có một chiếc bàn bằng đá ngang khoảng 1,5m, dài hơn 2m được kê kích bởi 5 chân bằng những tảng đá nhỏ. Không biết ngày trước, ông bà dùng cách nào để chẻ đá thành một mảnh lớn và kê kích được như vậy? Trước đó là bàn chân tiên (chân phải) khổng lồ gấp 10 lần chân người bình thường vẫn còn in rõ mồn một trên mặt đá. Đồng thời cạnh bàn thờ ông Cậu và quanh sân Tiên còn có 11 hang tích trữ nước quanh năm… Quá nhiều điều kỳ bí đối với du khách!

Theo cụ Trần Văn Mẹo (85 tuổi), nhà dưới chân núi Cậu, những người già ở đây hay kể sân Tiên trên núi ngày xưa là nơi để các vị tiên đến vui chơi, trong đó có trò chơi chọi gà. Cạnh sân Tiên có nhiều giếng nước tự nhiên dùng để tắm gà, vỗ gà… Còn bàn thờ ở giữa sân tiên đó chính là bàn cờ để các tiên ông giải trí. Phía trước có bàn chân tiên, hồi xưa ông Cậu bước qua năm non, bảy núi nên vẫn còn in dấu chân trên đá. Điều này càng làm núi Cậu thêm kỳ bí!

Bài, ảnh: THÀNH CHINH
 

diemhoang124

Active member
Joined
Oct 11, 2010
Messages
701
Points
28
Những “cảnh tiên” vùng Bảy Núi - Kỳ 2: Giếng Tiên giữa trời

Ở núi Dài nhỏ (Ngũ Hồ Sơn), trên tảng đá lớn khoảng chục mét vuông nhưng có đến 5 giếng nước trong vắt. Do giếng ăn sâu và có đường thông vào các ngõ ngách nên nước đọng quanh năm, sơn dân gọi là giếng Tiên giữa trời.
Căn chòi giữa lưng chừng núi:


20t6-giengtiengiuatroi.jpg

Từ thuở xa xưa, người dân sống dưới chân núi đã đặt tên cho ngọn núi Dài nhỏ để phân biệt với núi Dài lớn (Ngọa Long Sơn) ở huyện Tri Tôn. Núi Dài nhỏ, ngọn núi cao thứ tư trong dãy Thất Sơn, với 265m, chu vi khoảng 8.700m, có năm giếng nước trên núi, nên còn gọi là Ngũ Hồ Sơn, thuộc thị trấn Nhà Bàng, vách phía tây và đông thuộc địa phận xã An Phú, Văn Giáo (Tịnh Biên). Núi Dài nhỏ không như các ngọn núi khác dốc đứng cheo leo mà có độ dốc thoai thoải. Men theo con đường đất khoảng 3km, chúng ta sẽ bắt gặp những vườn cây rợp bóng với đủ các loại cây ăn trái như xoài, mít, chuối, hồng quân… cho trái quanh năm.

Tấp vào căn chòi của Nguyễn Văn Quang (Quang liều) hớp ca nước mưa trong vắt, ngọt lịm để giải khát mới biết, người dân đặt cho ông cái tên Quang liều là bởi tính khí ông ngang ngạnh, liều lĩnh, một mình lại dám che lều sống ở lưng chừng núi chống chọi với thiên nhiên hà khắc và tiềm ẩn nhiều thú rừng hung dữ. Vào ban đêm, ông cũng chẳng ngại chuyện một mình lội bộ xuống núi mỗi khi có chuyện gấp. Ông đi rừng như “ăn cơm bữa”, chẳng sợ thứ gì cho dù là rắn độc.

Gặp chúng tôi, Quang liều kể: “Hồi trước khu vực núi Dài có nhiều hổ, beo, mển, khỉ, tôi lên đây khai phá nương rẫy, lập vườn ai cũng cho là mình liều. Đặc biệt là rắn hổ mang, hổ chuối, hổ sơn thì khỏi phải nói, nhiều người đi rừng lâu lâu bị “phập” vào chân chết không kịp đến bệnh viện. Sống ở đây lâu năm nên có kinh nghiệm, muốn đi rừng vào ban đêm phải mang đôi ủng ngang gối đề phòng giẫm phải rắn, bị rắn mổ vào chân. Nếu lỡ bị rắn độc cắn tốt nhất dùng bật lửa đốt ngay vết cắn cho nọc tụ lại một chỗ không để chạy về tim thì mới mong giữ được mạng sống…”.

5 giếng nước trên một tảng đá:

Từ chòi của ông Quang, chúng tôi tiếp tục đi khoảng 400 mét đường rừng nữa là tới giếng Tiên. Thật lạ kỳ, trên một tảng đá lớn lại có đến 5 miệng giếng lớn nhỏ, cái to nhất bằng mặt bàn, còn nhỏ nhất bằng miệng thau. Nước giếng trong xanh, mát lạnh. Dùng một thanh cây cắm xuống một miệng giếng, khi rút lên đo độ sâu khoảng 1,5m. Cạnh đó, người dân có xây một ngôi miếu thờ sơn thần. Theo người dân cho biết, 5 cái giếng ăn sâu vào vách đá đã có từ lâu. Trước đây, bộ đội cũng nước từ 5 cái giếng này mới có thể bám trụ trên núi... Cây trái ở khu vực này xanh tốt cũng nhờ có nguồn nước giếng tưới.

Ông Huỳnh Văn Thông (70 tuổi) người đã lên núi Dài lập vườn hơn 20 năm cho biết, lúc mới lên đây đã thấy 5 cái giếng có đầy nước, bà con rất mừng vì nó là nguồn sống của những người làm vườn. Có lẽ mạch nước ngầm trong đá luôn rỉ ra nên nguồn nước giếng vô tận.

“Theo truyền thuyết, ngày xưa 5 cái giếng đầy nước quanh năm, các nàng Tiên trên trời thường hay xuống tắm… Cũng có giai thoại cho rằng, hồi mới khai sơn lập địa, ở 5 miệng giếng mọc 5 đài hoa sen rực rỡ cùng năm con thú quý canh giữ. Chính vì sự huyền bí ấy mà đã thu hút đông đảo du khách đến đây chiêm ngưỡng, cúng viếng. Mỗi lần chinh phục núi Dài, khách đến viếng 5 giếng đầu tiên, rồi leo qua cúng điện Bà, điện Ông…” – ông Huỳnh Văn Thông kể.

Lúc lên đây, tôi chọn những khu đất gần giếng tiên để khai khẩn trồng trọt cây trái kiếm cơm. Mỗi lần dọn cỏ là thấy rắn hổ sơn nằm trước mặt. Đứa con gái 16 tuổi của tôi không gặp may, trong một lần giẫy cỏ bị rắn hổ chuối bổ ngay bắp chưn, sùi bọt mép chết tại chỗ. Bởi vậy, dân làm rẫy trên rừng tụi tôi ví von “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Có nhiều kinh nghiệm dạy cho mình chống chọi với thiên nhiên để từ đó mới biến nơi sỏi đá thành cơm…”- ông Thông kể.

Bài, ảnh: THÀNH CHINH
 

diemhoang124

Active member
Joined
Oct 11, 2010
Messages
701
Points
28
Những “cảnh tiên” vùng Bảy Núi - Kỳ 3: Chuyện người tiều phu ở chốn bồng lai

Vượt hàng ngàn bậc thang lên đỉnh núi Két (Anh Vũ Sơn) để tìm chủ núi Nguyễn Văn Sơn (Sơn Đào, 60 tuổi ngụ thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên), người mà tôi đã từng nghe danh trước đây để tìm hiểu thực hư về gã tiều phu lên rừng gánh mướn, đốn củi lại quyết định lên núi sống “ẩn dật” khi kinh tế gia đình đã khá hơn.
Chọn non cao…


21t6b-ongsondao.jpg

Hôm leo núi Két được một đoạn dốc thẳng đứng khoảng 1km, chúng tôi đã thấy cảm giác ngán ngẫm, bỗng gặp gã tiều phu Sơn Đào tay cầm thanh tre lội bộ băng băng xuống núi, trông dáng vẻ gấp gáp lắm. Ông nói: “Hổm rài trời nắng gắt, cộng hưởng với gió bấc làm cây rừng khô dần nên Kiểm lâm mời đến UBND thị trấn Nhà Bàng họp triển khai kế hoạch PCCC rừng mùa khô. Xuống núi dự khoảng chiều mới lên…”.

Ngồi trên tảng đá lớn, trò chuyện chưa được 5 phút thì ông Sơn Đào đã lội nhanh xuống núi cho kịp giờ. Ông nói, các chú cứ leo lên gặp vợ tui cũng đang cư ngụ trên đỉnh Bồng Lai. Nằm cặp Tỉnh lộ 948, thuộc thị trấn Nhà Bàng, núi Két là một trong những ngọn núi cao (gần 230 mét) trong dãy Thất Sơn huyền bí, với nhiều dốc dựng đứng, hang núi ăn sâu. Sở dĩ có cái tên núi Két là do ở giữa lưng chừng núi có tảng đá khổng lồ giống như cái đầu con két. Ngoài ra, cũng có giai thoại cho rằng xưa kia ở nơi này có vô số loài két rừng trú ngụ nên được người dân gọi là núi Ông Két. Chia tay ông Sơn Đào, chúng tôi tiếp tục leo lên tới đỉnh.

21t6-giengtiennuiket.jpg

Tấp vào trong quán, tiếp chúng tôi bà Nguyễn Thị Hòa Liên, vợ ông Sơn Đào cho biết, hồi trước, còn ở dưới chân núi gia đình sống nghèo khổ, ổng thường lên núi gánh su, gánh điều mướn cho nhà vườn. Thi thoảng, ông còn kiếm củi về bán, kiếm sống lây lất qua ngày. Về sau, tích lũy được số vốn, ông Sơn Đào đã chuyển sang mở doanh nghiệp khai thác đá. Làm ăn ngày càng khấm khá, Sơn Đào đã lên núi sang đất lại từ những chủ vườn đang bỏ trống do trồng trọt không hiệu quả. “Ban đầu ổng mua được 7 công nằm gần mỏ ông Két. Hễ nghe ai bán là đến đặt cọc. Đến nay, ông xã tôi đã sang được hơn 20 héc-ta đồi núi tại núi Ông Két. Lúc đó, ổng đầu tư ai cũng chê…”- bà Liên kể về cách làm táo bạo của chồng.

Đầu tư du lịch

Bà Liên nói rằng, hồi còn trẻ làm lụng cật lực vì con cái. Lúc trở về già muốn tìm nơi yên tĩnh, tạm gác lại chuyện bon chen ngoài đời để sống thoải mái hơn. Ngoài xây nhà ở, ông Sơn Đào còn đầu tư xây dựng nhiều điểm du lịch hấp dẫn y như chốn bồng lai tiên cảnh. Người dân dưới chân núi thường ví von, ông Sơn Đào giống như một tu sĩ sống ẩn dật. Nói là “cảnh tiên” cũng không sai, bởi khu vực này có khí hậu mát mẽ, còn có những tảng đá tự nhiên chồng chất lên nhau, cứ như có một bàn tay siêu nhiên dựng lên từ thời sơ khai. Bước lên điện A Di Đà nhìn quanh đỉnh núi là một quần thể kiến trúc đá trông rất kỳ bí.

Đến sân Tiên, nếu không tận mắt nhìn giếng Tiên nằm ẩn mình trong hang núi thì thiệt uổng. Theo vợ ông Sơn Đào kể lại, giếng này có nước trong vắt mát lạnh quanh năm, cũng nhờ đó mà ông có nước sinh hoạt và xây dựng những điểm du lịch trên núi Két. Ngoài ra, giếng Tiên còn đem lại nguồn nước uống quanh năm cho các loài thú rừng trên núi như: Khỉ, rắn, chồn… Đặc biệt, hiện nay trên núi Két vẫn còn một số lượng quần thể khỉ khá nhiều, với khoảng 60 con được ông Sơn Đào bảo vệ nghiêm ngặt không cho ai léng phéng săn bắt. “Những ngày rằm lớn, khách mang trái cây lên đây cúng, cả bầy lũ lượt kéo về lấy trái cây trong miếu để ăn…

Tay cầm chiếc đèn pin, ông Hai (người giữ các miếu thờ trên núi Két) dẫn chúng tôi đến tham quan điện U Minh- thờ Diêm Vương. Theo ông Hai đi xuống vực, cảnh đầu tiên làm chúng tôi hãi hùng là ở 2 miệng hang có cặp rắn hổ mang chúa bằng đá phùng mang, miệng đang nuốt thi thể con người. Đi qua một đoạn nữa đến điện U Minh tối mịt, thờ Diêm Vương, rồi cảnh Phán Quan đang tra sổ sinh tử, tranh Mục Liên đi tìm mẹ…

Vợ chồng gã tiều phu Sơn Đào sống trên núi Két đang góp phần bảo tồn thiên nhiên và làm kỳ bí thêm những câu chuyện núi non…

Bài, ảnh: THÀNH CHINH
 

diemhoang124

Active member
Joined
Oct 11, 2010
Messages
701
Points
28
Những “cảnh tiên” vùng Bảy Núi - Kỳ cuối: Tiềm năng du lịch núi Trà Sư

22t6b-nuitrasu.jpg

Núi Trà Sư nằm ở độ cao khoảng 200m, từ lâu được khách hành hương các tỉnh ĐBSCL biết đến với nhiều điểm du lịch tâm linh khá hấp dẫn. Đây được xem là nơi có nhiều tiềm năng để đầu tư phát triển du lịch…
Từ con đường nằm cặp tuyến Quốc lộ 91 đối diện với Cửu Trùng Đài, chúng tôi theo chân đoàn khách hành hương Kiên Giang leo qua con đường mòn toàn đá hòn, đá cục. Theo người dân cho biết, con đường này trước kia vào mùa mưa, nước từ trên cao đổ xuống len lỏi bào mòn những tảng đá hình thành con đường quanh co uốn lượn xuống tận chân núi. Vào mùa khô, người dân chọn con đường này leo tắt lên núi trồng trọt và buôn bán. Cũng chính vì vậy, du khách xa gần đã chọn con đường này để leo núi, rút ngắn được thời gian.

22t6-nuitrasu.jpg

Sáng sớm, đoàn của ông năm Bé, khoảng 15 người, quê ở Kiên Giang đã lỉnh kỉnh xách trái cây, hoa huệ, nhang đèn lên điện Quan Âm cúng Phật. Ông nói, một năm đi núi Trà Sư cúng khoảng chục lần. Ngoài núi Cấm, ông rất thích leo núi Trà Sư, bởi nơi đây có nhiều điểm hành hương lý tưởng như: Điện Quan Âm, sân Tiên, hang Hổ, điện Huỳnh Long… Ông Bé bộc bạch: “Năm ngoái bị bệnh, tôi với bà xã rủ nhau leo núi vãn cảnh, sẵn tiện ghé ngang các điểm chùa chiền cúng Phật. Sau đó, về uống thuốc nam, thuốc bắc, bệnh đã thuyên giảm. Cho đến nay, bệnh đã bớt nhiều nên năm nào vợ chồng tôi cũng leo núi Trà Sư cúng Phật và tham quan chùa chiền nơi đây để hít thở không khí trong lành có một không hai ở khu vực đồng bằng…”.

Theo nhiều giai thoại mà những người sống trên núi Trà Sư kể lại, núi Trà Sư trước kia bà con thường gọi là núi Tà Sư, với nhiều vị đạo sĩ tu trên chót núi. Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, các điểm chùa chiền trên đỉnh núi bị đập phá, nhiều vị đạo sĩ đã rời núi chuyển sang núi Cấm tìm nơi thâm sơn cùng cốc sống cuộc đời tu hành. Một thời gian sau, người dân đã quen gọi là núi Trà Sư?

Trên đỉnh núi Trà Sư, hiện còn chứng tích của một ngôi chùa đổ nát. Cạnh đó là sân Tiên rộng khoảng 500m2, có một tảng đá khổng lồ nằm sừng sững giữa trời. Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, 50 tuổi, người sống trên núi Trà Sư, hằng ngày làm nhiệm vụ trông coi quyét dọn các am cốc tại sân Tiên: “Các ngôi miếu thờ Chánh Soái, Trăm Quan Cựu Thần, Cửu Huyền đã được các tiền nhân dựng lên từ rất lâu cạnh sân Tiên. Hồi đời ông cố, tôi lên đây trồng rẫy đã thấy có 3 ngôi miếu thờ các vị thần linh. Ông cố truyền lại cho cha tôi trông coi hương khói và đến nay tôi tiếp quản quét dọn, thắp nhang đèn phục vụ khách hành hương. Về sau, những người đi hành hương xin nơi có bàn chân tiên lập miếu thờ Thánh Mẫu phục vụ du khách đến viếng…”.

Đứng từ sân Tiên núi Trà Sư, chúng ta có thể nhìn thấy toàn cảnh Anh Vũ Sơn, Ngũ Hồ Sơn. Nhìn sang hướng tây là dãy đồng bằng cặp con kênh Vĩnh Tế mạ xanh mướt mắt, thật là một phong cảnh sơn thủy hữu tình ở vùng Thất Sơn. Sau giây phút ngắm cảnh ở sân Tiên, chúng tôi tuột dốc qua điện Ông Hổ, điện Huỳnh Long. Hiện nay, con đường xuống núi được bà con cùng chính quyền địa phương đóng góp xây những bậc thang có hẳn lan can tại những vách đá dựng đứng nhằm đảm bảo an toàn cho người tham quan. Qua điện Ông Hổ một đoạn có nhiều ngôi chùa, am, cốc khá khang trang dọc 2 bên đường. Theo nhóm người làm công quả tại các ngôi chùa, vào các ngày rằm lớn, hàng ngàn khách phương xa đến đây trước là để cúng Phật và cầu an, sau đó vãng cảnh núi non hùng vĩ nơi này.

Box: Mới đây, UBND huyện Tịnh Biên vừa thông qua dự án quy hoạch núi Trà Sư, thị trấn Nhà Bàng (Tịnh Biên) nhằm xây dựng một khu du lịch với diện tích 9,61 héc-ta, gồm các dịch vụ vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng. Tổng vốn đầu tư khoảng 98 tỷ 752 triệu đồng, dự kiến khởi công vào năm 2012 và hoàn thành năm 2014. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sao Mai. Dự án quy hoạch này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch của địa phương, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Bài, ảnh: THÀNH CHINH
 
Status
Not open for further replies.
Top Bottom