Những chuyện tình một đêm của vua chúa Việt

*yEsTeRdAy*

Well-known member
Joined
Dec 2, 2011
Messages
1,019
Points
113
Các vị vua chúa với chốn hậu cung vô vàn mỹ nữ đã khiến không ít giai nhân phải sống trong cô quạnh cả đời. Tuy nhiên, cũng có không ít người chỉ một lần được sủng hạnh với rất nhiều nguyên do mà sinh ra quý tử, làm thay đổi lịch sử.

Bà Dương Thị Ngọc Hoan trải qua một đêm mặn nồng với Chúa Trịnh Sâm liền có thai, sinh ra Trịnh Khải. Và rồi chính Trịnh Khải – người con bị Trịnh Sâm ghét bỏ cùng với những cuộc tranh quyền đoạt vị đã khiến nhà Trịnh diệt vong.

Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm là vị chúa Trịnh thứ 9, thời Lê Trung Hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá, Việt Nam. Trịnh Sâm là con trưởng của Minh Đô Vương Trịnh Doanh.

Năm 1745, ông được lập làm Thế tử. Trịnh Doanh tỏ ra cẩn trọng việc nuôi dạy con, bổ dụng hai tiến sĩ là Dương Công Chú và Nguyễn Hoàn làm tư giảng cho Trịnh Sâm.

Tháng 10 năm 1758, Trịnh Doanh phong cho ông làm Tiết chế thuỷ bộ chủ quân, Thái uý Tĩnh Quốc Công mở phủ Lượng Quốc và hết thảy công việc triều chính được giao cho Trịnh Sâm làm.

Mùa xuân năm 1767, Trịnh Doanh qua đời, Trịnh Sâm lên nối ngôi, tiến phong là Nguyên Soái Tổng Quốc Chính Tĩnh Đô Vương. Trịnh Sâm là người cứng rắn, thông minh, quyết đoán.

Từ nhỏ, ông đã học được đến nơi đến chốn. Chính vì vậy, Trịnh Sâm có đủ tài văn võ, đã xem khắp kinh sử và biết làm thơ. Lên ngôi chúa, từ kỷ cương triều nội đến chính sự cả nước, Trịnh Sâm cho sửa đổi lại vì cho rằng phép tắc triều trước là nhỏ hẹp, nay Trịnh Sâm muốn làm to rộng hơn, nên nhiều phần tự quyết đoán, không theo lệ cũ.

Trong đời sống hậu cung, Trịnh Sâm có hơn 400 phi tần mỹ nữ. Chính bởi thế mà không phải phi tần nào cũng có cơ hội được diện kiến chúa. Trong số phi tần của Trịnh Sâm có một người tên là Dương Thị Ngọc Hoan.

Dương Thị Ngọc Hoan là người làng Long Phúc, huyện Thạch Hà. Chị của Ngọc Hoan vốn là ái phi của chúa Trịnh Doanh, cha của Trịnh Sâm. Chính vì vậy mà Ngọc Hoan cũng được đưa vao cung để phục vụ chúa Trịnh Sâm.

images670164_Cung_phi_Duong_Thi_Ngoc_Hoan_Phunutoday.vn.jpg
Cung phi Dương Thị Ngọc Hoan đã trải qua tình một đêm
với chúa Trịnh Sâm. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, không được may mắn như chị của mình, lại cũng không có nhan sắc quá mặn mà nên Ngọc Hoan không được chúa Trịnh Sâm đoái thương. Ngọc Hoan thường phải sống trong cảnh cô quạnh, đơn độc.

Vào một đêm, Ngọc Hoan nằm mơ thấy một vị thần đưa cho một tấm đoạn vẽ hình đầu rồng. Không hiểu là điềm gì, nàng hỏi hoạn quan Khê Trung hầu.

Ông này nói, đó là điềm sinh chúa. Hôm sau, Trịnh Sâm cho vời người vợ yêu có tên là Ngọc Khoan vào hậu hạ. Tuy nhiên, viên hoạn quan lại cố ý nghe lầm, đưa Dương Thị Ngọc Hoan đến. Thấy Dương Thị Ngọc Hoan, chúa Trịnh Sâm tỏ vẻ không thích.

Nhưng chúa cũng không nỡ đuổi đi. Đêm đó, Dương Thị Ngọc Hoan được chúa sủng hạnh. Sau đó, Chúa Trịnh Sâm đòi Khê trung hầu vào trách mắng. Khê Trung hầu cúi đầu tạ tội, đoạn thuật rõ đầu đuôi chuyện Ngọc Hoan nằm mơ cho Chúa nghe, Chúa nín lặng không nói sao cả.

Mặc dù chỉ được sủng hạnh một lần nhưng Dương Thị Ngọc Hoan đã may mắn có thai rồi sinh ra Trịnh Khải vào năm 1763. Mặc dù khi Trịnh Khải lớn lên vô cùng khôi ngô, tuấn tú nhưng chúa Trịnh Sâm vẫn không hề yêu quý.

Câu chuyện về giấc mộng của Dương Thị Ngọc Hoan chúa Trịnh Sâm lại cho rằng dù giấc mơ rồng là điềm làm vua chúa, nhưng rồng vẽ không phải là rồng thật, lại không có đuôi, ắt là cơ nghiệp không bền. Chính bởi vậy, chúa Trịnh Sâm không muốn phong cho Khải làm thế tử.

Việc học tập của Trịnh Khải được giao cả cho các quan. Ngay cả đến khi Khải đủ tuổi ra ở riêng, chúa cũng lờ luôn việc lập Trịnh Khải làm thái tử. Trong khi không yêu thương Dương Thị Ngọc Hoan cũng như người con trai là Trịnh Khải thì chúa Trịnh Sâm lại hết mực sủng ái Tuyên Phi Đặng Thị Huệ cũng như người con trai mà Đặng Thị Huệ sinh ra.

Chính bởi vậy mà từ đây rất nhiều biến cố của phủ chúa đã diễn ra từ phía người con Trịnh Khải – kết quả của chuyện tình một đêm của chúa Trịnh Sâm.

Khi vào phủ chúa, Đặng Thị Huệ vốn chỉ là nữ tỳ. Một hôm, Tiệp dư Trần Thị Vịnh sai bà bưng một khay hoa đến trước nơi chúa Trịnh Sâm ngồi. Trịnh Sâm nhìn thấy bà rất bằng lòng, bèn ân ái với bà.

Từ đó bà ngày càng được Trịnh Sâm yêu quí. Năm 1777, Đặng Thị Huệ lại sinh hạ một người con trai, tên là Trịnh Cán. Chính vì thế, Đặng Thị Huệ ngày càng được chúa sủng ái, lập làm Tuyên Phi.

Được chúa yêu, Đặng Thị Huệ bèn hỏi con gái chúa là Công nữ Ngọc Lan cho em trai mình là Đặng Mậu Lân, vốn là người có tính hung bạo, dâm ô và càn rỡ.

Mặc dù vậy, chúa Trịnh Sâm cũng nghe theo, khiến Sử trung hầu trong lúc bảo vệ Ngọc Lan đã bị Mậu Lân chém chết. Không những thế, vì biết chúa rất sủng ái mình, Đặng Thị Huệ ngày đêm mưu tính việc giành lấy ngôi vị thái tử cho con trai mình.

Về vấn đề ngôi vị thái tử này, sách Hoàng Lê nhất thống chí có đoạn viết: “Theo lệ cũ, người con trai nối ngôi chúa hễ đến 12 tuổi thì phải ra ở Đông cung. Bấy giờ các quan cũng có tâu trình việc ấy; song chúa không cho, chỉ cho thế tử (Trịnh Khải) đến ở nhà riêng của Hân quận công (Nguyễn Đĩnh).

Như vậy, ngôi Đông cung vẫn bỏ trống, như có ý chờ đợi người khác. Đến năm thế tử 15 tuổi, thì con nhỏ là vương tử Cán ra đời, chúa hết sức yêu dấu đứa con nhỏ đó.

Ba năm sau, Thế tử đúng 18 tuổi, đáng được mở phủ riêng; nhưng bấy giờ các quan chẳng ai dám tâu bày, mà chúa cũng không hề nhắc tới việc ấy. Như thế là người nối ngôi vẫn chưa định, nên lòng người rất phân vân.

Hễ ai thuộc về Thế tử Tông (tức Trịnh Khải) thì hùa theo Thế tử Tông, ai thuộc đảng Thị Huệ thì vào phe vương tử Cán.

Trong phủ chúa dần dần sinh ra bè nọ cánh kia”. Kể từ đó, một mặt Đặng Thị Huệ bí mật sai thuộc hạ thân tín, sớm tối thêu dệt đủ mọi chuyện xấu vu cho Trịnh Khải. Mặt khác, Đặng Thị Huệ liên kết với Huy Quận công Hoàng Đình Bảo để cùng mưu sự.

Về phía Trịnh Khải – người con bị bỏ rơi của chúa Trịnh Sâm cũng có những lực lượng hậu thuẫn và nỗ lực giành ngôi vị thái tử nhất định.

Tháng 8 năm 1780, lúc ấy có tin đồn rằng chúa Trịnh Sâm bị bệnh rất nặng, Trịnh Khải bèn bàn mưu với gia thần là Đàm Xuân Thụ, Thế Thọ, Thẩm Thọ và Vĩnh Vũ bí mật sắm sửa vũ khí, chiêu tập dũng sĩ, để chờ thời cơ.

Ngoài ra, Trịnh Khải còn ngầm liên kết với Trấn thủ Sơn Tây là Hồng lĩnh hầu Nguyễn Khản, Trấn thủ Kinh Bắc là Tuân sinh hầu Nguyễn Khắc Tuân để sẵn sàng hỗ trợ. Việc mưu sự, bị Cấp sự trung Nguyễn Huy Bá biết được, ngầm kể với Tuyên Phi Đặng Thị Huệ.

Chớp lấy thời cơ, Đặng Thị Huệ liền đem việc đó bàn với Quận Huy, tức Hoàng Đình Bảo. Quận Huy bảo Huy Bá viết bức kín, rồi Quận Huy tự ý bỏ vào tay áo, đi đến phủ chúa, đuổi hết những người chung quanh, đem thư ra trình. Đọc xong bức thư, chúa Trịnh Sâm nổi giận, phe Đặng Thị Huệ thắng thế.

Ba đại thần theo phe Trịnh Khải đều phải mất mạng. Khê trung hầu, Tuân sinh hầu Nguyễn Khắc Tuân đều uống thuốc độc tự tử, Nguyễn Quốc Tuấn - thuộc hạ của Khắc Tuân bị án chém.
 

*yEsTeRdAy*

Well-known member
Joined
Dec 2, 2011
Messages
1,019
Points
113
Trong khi đó, Trịnh Khải bị bị giáng xuống làm con út và bị quản thúc ngặt trong một ngôi nhà 3 gian. Ngay trong năm này, mặc dù Trịnh Cán chỉ mới 4 tuổi vẫn được Trịnh Sâm lập làm Thế tử.

images670166_Kieu_binh_noi_loan_Phunutoday.vn.jpg
Kiêu binh nổi loạn

Quận Huy được cử làm A phó để phò tá. Tháng 9 năm 1782, Trịnh Sâm mất, Trịnh Cán được nối ngôi chúa, hiệu là Điện Đô Vương.

Thuận theo lời tâu của Quận Huy, vua Lê Hiển Tông cho Tuyên Phi được tham dự việc quyết đoán chính sự. Kể từ đó, liên minh Tuyên Phi – Quận Huy nắm hết mọi việc trong ngoài.

Do chúa mới là Trịnh Cán hãy còn thơ ấu, sức khỏe lại ngày càng yếu. Trong khi đó, liên minh trên ngày càng chuyên quyền và mối quan hệ của họ có phần không minh bạch. Bởi thế, trong và ngoài triều có lắm người thầm ghét và có ý ngờ. Thậm chí, lúc bấy giờ, có câu ca dao được truyền miệng rằng: “Trăm quan có mắt như mờ? Để cho Huy quận vào sờ chính cung”.

Tuy nhiên, dù Trịnh Khải đã bị giáng xuống làm con út và bị quản chế chặt nhưng phe cánh ủng hộ Trịnh Khải vẫn rất nhiều.

Vậy nên, vào tháng 10 năm 1782, đúng 1 tháng sau khi chúa Trịnh Sâm mất và cũng đúng 1 tháng sau khi Trịnh Cán được đưa lên ngôi chúa. Lính kiêu binh ủng hộ Trịnh Tông cùng nhau mưu đảo chính lật đổ Trịnh Cán để lập Trịnh Khải.

Hôm việc biến xảy ra, Tuyên phi Đặng Thị Huệ khiếp sợ quá, phải thay đổi quần áo, nấp ở hậu cung. Trịnh Cán bị giáng xuống làm Cung quốc công, rồi hơn tháng sau thì bị bệnh qua đời. Ít lâu sau Cán qua đời.

Khi Trịnh Khải lên ngôi, bọn kiêu binh có công tôn phò trở nên lộng hành khắp nơi. Kiêu binh không chỉ đập phá cướp bóc nhà dân mà cả nhà các quan lại làm trái ý, khiến dân chúng vô cùng lo sợ.

Vậy nên, tướng Nguyễn Hữu Chỉnh không chịu theo Trịnh Khải, bỏ vào Nam theo Tây Sơn để mượn quân báo thù. Tháng 6 năm 1786, nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy kéo ra Bắc Hà, lấy danh nghĩa Diệt Trịnh phù Lê.

Quân Trịnh chỉ chống cự một cách yếu ớt, các tướng như Hoàng Phùng Cơ, Đinh Tích Nhưỡng, Nguyễn Lệ rút chạy lên phía Bắc. Trịnh Khải phải mặc nhung phục, ngồi lên voi, cầm cờ lệnh trực tiếp chỉ huy, song quân sĩ lúc đó đã mất hết nhuệ khí nhanh chóng tan rã. Trịnh Khải một mình chạy lên Sơn Tây, đến nhờ văn thần Lý Trần Quán ở xã Hạ Lôi.

Lý Trần Quán lại nhờ học trò Nguyễn Trang, nói dối là giúp tham tụng Bùi Huy Bích. Trong khi hành lễ, Trịnh Khải và Lý Trần Quán để lộ chân tướng chúa tôi, Trang nhận ra ngay là chúa Trịnh, bèn bắt trói, đem nộp cho quân Tây Sơn.

Lý Trần Quán ân hận vì đã làm chúa bị bắt liền tìm đến cái chết, tự chui vào quan tài, nhờ người nhà chôn cất. Về Trịnh Khải, trên đường bị áp giải dừng lại ở quán nước, Trịnh Khải vớ con dao trên bàn đâm cổ tự vẫn. Dao vừa đâm vào cổ, vết thương chưa sâu, người áp giải vội giằng lấy con dao.

Trịnh Khải bèn lấy ngón tay chọc vào cổ mà xé vết thương rộng ra để chết. Năm đó Đoan Nam vương Trịnh Khải 24 tuổi, ở ngôi chúa được 4 năm, đúng như dự liệu của Trịnh Sâm, cơ nghiệp không bền.

Sau khi Trịnh Khải chết, nhân lúc Tây Sơn rút về, phe cánh họ Trịnh bèn tìm lập bác Trịnh Khải là Trịnh Bồng làm chúa nhưng chẳng bao lâu thì lại bị Nguyễn Hữu Chỉnh đánh dẹp, chính thức chấm dứt nghiệp họ Trịnh.

  • Hùng Hoàng
 
Top Bottom