An Giang Những sản phẩm độc đáo ở An Giang

tymkp1225

Quy ẩn gian hồ
Joined
Mar 23, 2011
Messages
1,182
Points
83
An Giang không chỉ là mảnh đất sông nước hữu tình, địa linh nhân kiệt, mà nơi đây còn ẩn chứa nhiều huyền thoại gắn liền với tên đất, tên người theo dấu tích cha ông. Đặc biệt, đây còn là địa bàn sản sinh ra nhiều sản phẩm độc đáo, lạ mắt,…
* Sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc:





48t10d.jpg

Nghệ nhân Võ Văn Tạng bên những bức tranh “độc nhất vô nhị” được làm từ lá thốt lốt.


Làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống dệt thổ cẩm Chăm Châu Phong với 161 hộ tham gia. Trong đó, chủ lực là Hợp tác xã Dệt thêu Châu Giang là nơi sản xuất sản phẩm truyền thống của người Chăm với số lượng lớn, mỗi năm cho ra hàng chục ngàn sản phẩm. Điểm nổi bật của sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm là dệt thủ công bằng tơ sợi, được nhuộm bằng chất liệu tự nhiên như Klet (mủ cây), Pahud (vỏ cây), mặc nưa (trái cây). Từ trước năm 1975, sản phẩm dệt của người Chăm có mặt hầu hết các nước Đông Nam Á như: Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma, Malaysia, Indonesia… Sản phẩm thu hút nhờ tính chất hoa văn kết hợp màu sắc tự nhiên, mình vải đẹp tinh xảo với độ bóng và mềm mại.
Quyết tâm giữ gìn nghề truyền thống của đồng bào Chăm, ông Mo-Ha-Mad, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt thêu Châu Giang cho biết, năm nay Hợp tác xã sẽ mở 1 lớp dệt và 1 lớp thêu cho 40 lao động trẻ, để các em có thể tiếp nối giữ gìn nghề truyền thống, cũng như giữ gìn và phát triển sản phẩm độc đáo của dân tộc mình.
Nếu như các sản phẩm của làng Dệt thổ cẩm Châu Giang được thổi hồn bởi đôi tay khéo léo của các cô gái Chăm, thì thổ cẩm Văn Giáo lại mang nét đặc sắc rất riêng. Đó là những tinh túy trong văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Khơ-me. Thổ cẩm Văn Giáo (Làng dệt thổ cẩm Văn Giáo thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên) có màu sắc hài hòa, hoa văn sắc xảo, có thể sánh vai với thổ cẩm của đồng bào Tây Nguyên. Để làm được những tấm thổ cẩm như thế, do các nghệ nhân biết kết hợp giữa phương pháp truyền thống và kỹ thuật hiện đại. Đó là kỹ thuật nhuộm bằng phương pháp cổ truyền có nguồn gốc từ thiên nhiên giúp cho lụa óng ả, mượt mà, trang nhã và bền, không bị xùi lông. Công đoạn nhuộm cho một tấm thổ cẩm có khi cả tháng trời mới xong. Sau công đoạn nhuộm là đến công đoạn dệt cũng rất phức tạp. Mỗi loại thổ cẩm có kiểu dệt khác nhau. Thổ cẩm làm xà-rông, khăn trải bàn, may áo… phải dệt khác nhau. Đặc biệt, đối với những tấm thổ cẩm dùng trang trí có hoa văn dựa theo một truyền thuyết, câu chuyện sống động thì dệt càng phải tỉ mỉ, đòi hỏi kỹ thuật càng cao. Một tấm thổ cẩm như thế phải mất cả năm trời mới hoàn thành.
Thổ cẩm Văn giáo ngày càng được ưa chuộng, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước: Mỹ, Úc, Pháp, Thái Lan, Campuchia với thương hiệu “Silk Khmer”.
* Quà tặng từ thiên nhiên:





39208.jpg

Dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm Châu phong.


Cây thốt lốt gắn chặt với đời sống người Khơ-me như cây dừa của người Kinh. Ở đồng bằng sông Cửu Long, nó vừa là biểu tượng của dân tộc Khơ-me, vừa là nguồn lợi kinh tế đáng kể. Nhắc đến cây thốt lốt, ai đã một lần nghe qua cũng nghĩ đến sản phẩm đường thốt lốt. Và cây thốt lốt không chỉ có đường, mà thân và lá của nó còn được dùng làm nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo. Ngoài chuyện lấy lá lợp nhà, thân cây thốt lốt còn được dùng xẻ gỗ đóng tủ, giường, bàn ghế, làm đồ nội ngoại thất… Một sản phẩm độc đáo được làm từ cây thốt lốt ít ai nghĩ tới, đó chính là: Tranh ghép lá thốt lốt. Nói đến sản phẩm “độc nhất vô nhị” này phải kể đến “cha đẻ” của hàng chục ngàn bức tranh ghép lá thốt lốt- Nghệ nhân Võ Văn Tạng ở thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn).
Ông cho biết, mỗi bức tranh được tiến hành qua nhiều công đoạn. Chọn lá còn búp khi cây độ khoảng 20 năm tuổi. Sau khi mang về, phơi lá khoảng một tuần, xử lý rồi cắt thành từng phiến thẳng, tùy theo kích cỡ của những họa tiết trong bức tranh. Các họa tiết này đã được vẽ chi tiết trên khuôn, sau đó dán các phiến lá đã cắt sẵn đúng vị trí của từng chi tiết trên bức tranh. Sau cùng là công đoạn khó nhất, đòi hỏi tay nghề cao, đó là dùng mũi hàn điện (bút lửa) để vẽ tranh. Nét độc đáo ở đây là vẽ tranh không bằng sơn, màu, mà chỉ dùng tông màu nâu, đen. Với cách nhấn nhá đường nét đậm nhạt của mũi hàn điện, người thợ sẽ khắc họa nên những chi tiết làm sống động bức tranh.
Chính nét độc đáo, mới lạ, mang giá trị nghệ thuật cao đã khiến cho sản phẩm tranh ghép lá thốt lốt Võ Văn Tạng được các nhà mỹ thuật đánh giá cao và được giới chơi tranh trong, ngoài nước ưa thích. Đặc biệt, UBND tỉnh, các sở, ban ngành cũng thường chọn loại tranh này để làm quà tặng ngoại giao. Bởi ngoài giá trị nghệ thuật, nét độc đáo, thẩm mỹ còn mang mang nét đặc trưng là sản phẩm từ cây thốt lốt của vùng Bảy Núi.
Hơn 12 năm gắn bó với nghề làm tranh ghép bằng lá thốt lốt, nghệ nhân Võ Văn Tạng đã cho ra đời trên 10.000 sản phẩm với nhiều kiểu dáng, mẫu mã, kích cỡ khác nhau. Chính vì thế, năm 2010, ông được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập 2 kỷ lục là: “Nghệ nhân làm tranh bằng lá thốt lốt nhiều nhất Việt Nam” và kỷ lục bức tranh “Di chúc Bác Hồ làm bằng lá thốt lốt lớn nhất Việt Nam”…

Bài, ảnh: HỮU HUYNH
 
Top Bottom