Thăm những ngôi làng độc đáo của Việt Nam

tymkp1225

Quy ẩn gian hồ
Joined
Mar 23, 2011
Messages
1,182
Points
83


(PL&XH) - Vẫn tha thiết với nghề truyền thống song người dân làng Lai Xá cũng không thể cưỡng lại sự chuyển mình của thời cuộc. Một thợ ảnh gia truyền 4 đời ở Lai Xá cho biết các con ông vẫn theo nghề ảnh, nhưng là làm ảnh màu.


Giống như tất cả những người nông dân chất phác, chân lấm tay bùn trên mọi miền đất nước, chỉ khác khi gác cuốc, gác cày là họ có thể hóa thân thành những nghệ sĩ tài hoa nâng cây đàn vĩ cầm kéo những bản nhạc réo rắt, vác máy ảnh săn những khoảnh khắc đời thường hay trổ tài chọc giận… Hãy cùng PV đến thăm những ngôi làng độc đáo và khám phá cuộc sống của những người nông dân đặc biệt này…

Những làng quê “thế giới cũng phải trầm trồ”
1. Làng vĩ cầm (xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang)
Có mặt tại làng Then, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Quang Khoa, đội trưởng của 1 trong 2 dàn nhạc vĩ cầm độc đáo ở đây. Ông Khoa cho biết, người khởi xướng phong trào “quý tộc” này là ông Đỗ Hữu Bài, người duy nhất thời đó học ở Nhạc viện Hà Nội. Ông Bài đã đem kiến thức được học về truyền thụ cho người làng. Trong kháng chiến, tiếng vĩ cầm làng Then đã réo rắt cất lên tại những chiến hào, thời bình tiếng đàn lại véo von trong những buổi nông nhàn.

Vậy mà có những thời kì tưởng như xóa sổ thú chơi nhạc, đàn bị xếp vào xó, mốc meo, xộc xệch. Năm 2000, ông Khoa đã đứng lên gây dựng lại phong trào chơi vĩ cầm, 2 dàn nhạc được thành lập: một của 11 vị bô lão trong làng do cụ Nguyễn Văn Bìa làm đội trưởng, dàn nhạc còn lại của 11 nông dân trung niên, do ông Khoa làm chỉ huy. Làng Then là ngôi làng duy nhất trên thế giới có tới 2 dàn nhạc không chuyên, nhưng những bản nhạc nổi tiếng như: Thiên Thai, Du kích sông Thao, Tình ca Tây Bắc, Đa-nuýp xanh, Phiên chợ Ba Tư… được cất lên bởi “những nhạc công chân đất” cũng đủ làm nức lòng người hâm mộ trong và ngoài nước.

2. Làng nhiếp ảnh (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội)

Làng nhiếp ảnh Lai Xá hình thành từ năm 1892, do ông Nguyễn Đình Khánh truyền dạy. Năm 18 tuổi, ông Khánh đã mở được hiệu ảnh Khánh Ký ở phố Hàng Da (Hà Nội), sau 2 năm học nghề của một người Hoa. Ông đã dùng kiến thức học được, dạy lại cho người dân trong làng. Với nghệ danh Khánh Ký, ông Khánh trở thành một trong 4 danh nhân nhiếp ảnh có tên trong Bách khoa thư Việt Nam gồm: Đặng Huy Trứ, Khánh Ký, Võ An Ninh và Đinh Đăng Định.

Những năm 1940 – 1950 là thời kì đỉnh cao của làng nhiếp ảnh Lai Xá. Hà Nội có trên 40 hiệu ảnh thì người làng Lai Xá làm chủ 33 hiệu. Tại TP HCM, người làng Lai Xá cũng làm chủ 33 hiệu ảnh, và khắp các vùng Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai..., rồi cả ở Trung Quốc, Nga, Mỹ. Bằng bí quyết pha chế màu, kỹ thuật chấm, sửa ảnh riêng của người Lai Xá, ở đâu có dấu chân người Lai Xá đến gây dựng, làm nghề, ở đó sự tài hoa của họ đều nức tiếng.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh, làng Lai Xá, kể cho chúng tôi nghe về lịch sử làng nhiếp ảnh với tâm trạng vừa tự hào vừa tiếc nuối. Theo ông Thắng, trước đây làng Lai Xá còn thành lập được trường dạy nhiếp ảnh, vậy mà qua “bảy nổi ba chìm”, nghề ảnh được gây dựng lại vào những năm 2000, nhưng hiện mai một.

3. Làng nói tức (xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh)

Anh bạn đồng nghiệp kể cho tôi nghe chuyến “mục sở thị” đến làng Can Vũ, vùng đất “lừng danh thiên hạ” với biệt tài nói khiến người nghe tức “lộn mề, lộn mật”. Vừa đến đầu làng, ngơ ngác hỏi đường, bị một bà cụ móm mém “chém”: “Anh đi xe còn chẳng đếm được bao nhiêu cây, tôi đi bộ làm sao đếm được?”. Anh bạn giật mình, biết đã đặt chân đến làng Can “tức”.

Ông Nguyễn Hữu Huy, một bậc nói “tức” có tiếng trong làng, cho biết: “Theo truyền thuyết, làng Can Vũ đã có lịch sử hàng nghìn năm. Từ thời Thánh Gióng đi đánh giặc Ân, đã đem mấy người dân Can Vũ đi phò tá, ông Gióng dùng sức khỏe, người Can Vũ giở ngón nghề nói tức khiến quân giặc tức lộn ruột, bối rối tâm trí, không biết ứng phó thế nào nên bị đánh tan tác”.

Chẳng biết truyền thuyết thực hư thế nào nhưng rảo một vòng quanh làng, anh bạn tôi đã thấm tài nói tức đến nghẹn cổ của người Can Vũ. Thấy anh bạn tôi gặp đâu cũng hỏi, mấy cô gái làng trêu “ngửi mùi cũng biết không phải người làng mình”…

Ông Nguyễn Văn Định, một “cao nhân” khác cho biết thêm, người Can Vũ còn nói tức với cả chó, mèo, gà qué… Chuyện có một ông sang chơi nhà hàng xóm, hàng xóm chẳng ra mời vào, chẳng xua chó, thấy chó cứ sủa ông ổng thì bảo với con chó: “Mày ra sân mà sủa sao cứ đứng ở hiên mà kêu ca thế, nếu sợ ra sân ướt chân tao cho mượn guốc”.

Theo các bậc cao nhân, người Can Vũ dùng sự hóm hỉnh, sâu sắc, ngôn ngữ hình ảnh để nói tức, giống một cách “giao duyên”. Ngoài nói tức, người Can Vũ còn biết “hát tức”. Nói với phong thái điềm đạm, nét mặt thật thà, nói như hát, hát như nói, khiến người nghe tức lộn ruột gan vẫn phải cười trừ. “Đó là truyền thống rồi, ai cũng một cách ăn, cách nói ấy, nhưng phải biết nói sao cho người nghe thấy tức mà vui, xua tan mệt mỏi, làm phong phú tâm hồn, chứ không phải kiểu nói “chọc ngoáy” để gây thù chuốc oán”, ông Định giải thích.

3fdLX.jpg

Đình Lai Xá xưa. Ảnh: Nghệ nhân Phạm Thành


Nỗi niềm những người quê…


Đi dọc Tổ quốc, còn rất nhiều làng quê với những nét văn hóa độc đáo nhưng độc đáo như ở những vùng đất kể trên, là sự độc đáo mà “thế giới phải nghiêng mình”. Tuy nhiên, cơ chế thị trường cuốn những người nông dân tại những ngôi làng này vào vòng xoáy “cơm áo gạo tiền”, lớp thanh niên bị cuốn theo những trào lưu bên ngoài, chỉ có người già đau đáu giữ gìn những nét văn hóa độc đáo và xót xa nghĩ đến mai này, những nét văn hóa độc đáo ấy sẽ mất đi…

Theo cụ Bìa, người làng Then, giờ chẳng có thanh niên nào chơi vĩ cầm giỏi, ngoài những người trong 2 dàn nhạc. “Mấy đứa trẻ giờ chẳng thiết học đàn, vì mải với những trò vui khác. Người lớn thì “tay làm hàm nhai” nên nhiều người muốn cũng không thể bỏ thời gian để học. Những người trong dàn nhạc cũng chỉ chơi với niềm đam mê, chứ không vì lợi lộc. Từ việc mua sắm đàn, duy trì dàn nhạc, tàu xe đi lại biểu diễn chúng tôi toàn bỏ tiền túi ra… Bọn trẻ không mặn mà với tiếng vĩ cầm cũng không thể trách được chúng. Chỉ tiếc một nét đẹp văn hóa độc đáo đến thế lại có nguy cơ mai một…”, cụ Bìa xót xa chia sẻ.

Vẫn tha thiết với nghề truyền thống song người dân làng Lai Xá cũng không thể cưỡng lại sự chuyển mình của thời cuộc. Một thợ ảnh gia truyền 4 đời ở Lai Xá cho biết các con ông vẫn theo nghề ảnh, nhưng là làm ảnh màu. “Ai người ta cũng làm vậy, vừa nhanh vừa dễ kiếm tiền, mình cứ làm theo lối cũ lấy gì mà ăn”, ông thẳng thắn.

Theo ông Lê Ngọc Toàn, Chủ tịch UBND xã Kim Chung, do không có hướng phát triển và quy hoạch cụ thể nên làng nhiếp ảnh Lai Xá đang dần mai một. Những người dân đam mê nghề nhiếp ảnh ở Lai Xá mong muốn có thể thành lập một bảo tàng, lưu giữ những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc cuộc sống, dấu ấn lịch sử họ đã chụp. Họ cũng rất mong Lai Xá sẽ trở thành điểm du lịch văn hóa làng nghề, ghi dấu ấn đẹp trong lòng người yêu nghệ thuật.
Chia tay những làng quê ấy, chúng tôi thầm mong ao ước của người dân Lai Xá sẽ thành sự thật. Mong tiếng đàn Then sẽ không bao giờ tắt. Và mong những nét văn hóa độc đáo ở các làng quê Việt Nam sẽ mãi trường tồn.


Nguyễn Hạnh
 
Top Bottom