Truyện đồng quê - Trần Văn

tymkp1225

Quy ẩn gian hồ
Joined
Mar 23, 2011
Messages
1,182
Points
83
CÂU RÊ

Câu rê không phải là câu dê hoặc thả dê o mèo. Một cách câu độc đáo khác của người dân quê. Câu rê chỉ câu được cá bông và cá lóc. Cách câu cá nầy chỉ dành riêng cho giới mày râu vì phải dùng sức, phái yếu và trẻ con khó mà đứng câu lâu được. Cái cần câu vừa dài vừa nặng, bằng cây tầm vông tròn bằng nắm tay, thon dài đến năm, sáu thước, ngọn cần câu nhỏ, mềm, cong và dẻo. Lựa được một cây tầm vông làm cần câu rê mất nhiều thì giờ. Tìm cho được một cây cần câu như ý muốn rất khó, cây phải già lại dẻo nữa và có kích thước lý tưởng. Người ta phải đi xa để tìm mua cho được một cây tầm vông vừa ý. Róc hết mắt, chặt ngọn, ngắm nghía kỹ, chọn lựa chiều dài thích hợp, dùng cưa nhỏ cắt bỏ phần gốc. Dùng lửa ngọn, hơ và uốn cây cần câu theo ý muốn của người thợ câu. Hơ lửa, xông khói làm cháy hết những lông non của cây tầm vông cũng vừa uốn, vừa phòng ngừa mối mọt. Cây xông khói, một cách trừ mối mọt rất hiệu nghiệm mà người dân quê thường làm cho bất cứ loại cây nào.
Người câu rê quý cần câu như một món gia bảo. Hết mùa câu rê, cần câu được đưa lên gác ở cạnh chuồng bò hoặc trên giàn nhà bếp cất giữ, hai nơi nầy cũng thường có khói nên sự bảo quản được an toàn hơn. Một cần câu rê được bảo quản kỹ có thể dùng năm, mười năm. Có người còn đánh bóng, đánh vẹc-ni cần câu rê và nâng niu như một đứa con cưng.
Ở chuôi cán cần câu rê, người ta lắp vào một cái đế có "chảng" hai. Cái chảng hai phải lựa, tìm kỹ để sao cho vừa với bắp vế (đùi) của người thợ câu); nhỏ quá, bắp vế không lọt vào chảng hai, rộng quá, khi rê cần câu không vững hay xê dịch cũng không thuận lợi. Cái chảng hai thường chọn những cây lồng mứt, cây me chua hoặc những cây chắc mà mối mọt ít dòm ngó tới để dùng được lâu bền.
Nhợ câu, chỉ thường se to và chọn loại dây chỉ thật chắc, đủ sức chịu đựng giựt những con cá bông to ba, bốn ký lô. Dây câu dài trên dưới mười mét. Người thợ câu giỏi dùng nhợ câu dài vì câu khó hơn, nhưng có cái lợi là rê lưỡi câu được một khoảng dài có nhiều hy vọng được cá táp mồi hơn. Lưỡi câu rê cũng làm đặc biệt hơn, khác hơn lưỡi câu giăng, dài ba, bốn phân.
Địa điểm câu rê thích hợp nhứt là những vùng nước đọng, không chảy, có cỏ nhiều nhưng lại có những mảng trống mà cỏ không rậm, không cao. Không có cỏ, cá bông cá lóc không trú ngụ hoặc làm ổ đẻ, mà cỏ rậm lại cao, không có mảng trống làm sao lưỡi câu khi rê qua rơi xuống mặt nước được. Địa điểm dùng để câu rê phải chọn kỹ mà là nơi có nhiều cá nữa. Có nhiều chỗ câu cả nửa tiếng đồng hồ, không được con cá nào, người ta lại xách giỏ và vác cần câu đi tìm nơi khác. Giờ câu lý tưởng nhứt là lúc chạng vạng đến nửa khuya hoặc sáng sớm, trời còn lờ mờ. Buổi tối lại có mưa lất phất là thời điểm tốt nhứt để câu rê.
Từ ngữ "rê" đi sau chữ câu cũng cho ta hình dung được cách câu nầy. Rê là kéo từ bên nầy sang bên kia, kéo qua kéo lại từ từ, không nhanh lắm mà không chậm lắm. Sau từ ngữ câu, có nào: câu rê, câu cắm, câu giăng, câu quăng. Chỉ thiếu có câu khách mà các ả giang hồ hay các tay buôn thường sử dụng.
Câu giăng là cách bắt cá ăn câu được nhiều nhứt. Những thẻ câu dài chừng hai chục mét có đến mấy chục lưỡi, người ta móc mồi bằng con trùn hoặc cá linh con để bắt cá lóc, cá bông, cá trê, cá leo, cá trèn, cá lăn... Một người dân quê có thể một đêm thả đến gần một chục thẻ câu ở ven bờ sông, bờ rạch hoặc trong đồng nội. Hai đầu thẻ câu được buộc chặt vào cây sào bằng cây tầm vông rồi người ta mới móc mồi. Một đêm, thăm câu chừng hai, ba lần để bắt cá còn sống, nếu để lâu quá, cá chết bán không được giá, chỉ có để làm khô, làm mắm. Thăm câu còn có mục đích, lưỡi câu nào hết mồi móc mồi tiếp.
Người ta còn giăng câu bằng mồi dừa để bắt tôm. Dừa cứng cạy, xắt từng miếng nhỏ chừng một, hai phân vuông móc vào lưỡi câu, cách chừng một hay hai tiếng đồng hồ, bơi xuồng đến chỗ sào cắm giăng câu tôm. Nhờ ánh sáng của trăng sao, người ta dùng bàn tay trái giở nhẹ sợi dây câu, thấy tôm từng bầy hoặc từng con đang bu ăn mồi dừa. Tay phải cầm vợt lưới to bằng miệng cái thúng, xúc thật nhanh nhưng rất nhẹ nhàng không làm động mạnh để tôm đang ăn mồi các lưỡi câu khác kế cận không sợ mà lặn đi.
Chừng vài thẻ câu, gặp chỗ có tôm nhiều, một đêm cũng có thể bắt đến chục ký lô như chơi. Nhưng giăng câu tôm rất mệt vì phải thức cả đêm vừa lạnh vừa tốn rất nhiều sức. Còn giăng câu cá, người ta chỉ thăm câu chừng hai lần lúc chập tối và lúc khuya, sau đó để tới sáng mới đi cuốn câu.
Cá chết thì làm mắm làm khô. Cá sống rộng để bán ở chợ. Còn quăng câu, cũng dùng những thẻ câu giăng, nhưng người ta thường làm ban ngày hoặc sáng sớm, hay chiều tối ở ven sông trước cửa nhà. Ở một đầu nhợ câu cột nửa cục gạch hoặc một thanh sắt nhỏ đủ để ném dây câu ra sông và nhận chìm xuống mặt đất. Câu quăng dùng mồi trùn, đôi khi người ta cũng dùng mồi mắm xé nhỏ. Câu quăng chủ yếu là bắt cá chốt, cá lăn, cá trê và các loại cá nhỏ. Câu quăng chỉ dùng bắt cá để ăn, không nhiều để đi bán.
Câu cắm, dùng những cành tre nhỏ, buộc nhợ câu độ chừng tám tấc, lưỡi câu lớn loại lưỡi câu cá lóc, người ta thường móc mồi bằng một con cá linh nhỏ còn sống, bơi lội để nhử cá lóc cá bông ăn mồi. Câu cắm thường là ban đêm. Ở nhà quê, một nhà cũng có chừng một chục cần câu cắm, đôi khi cũng dùng mồi trùn, loại trùn hổ to con để bắt cá trê. Cần câu được cắm chặt xuống đất, cá dính câu khó vùng vẫy lôi cần câu đi được. Câu cắm cũng để bắt cá ăn trong gia đình; nếu nhiều, cá lại chết chỉ có làm khô làm mắm. Câu cắm, trẻ nhỏ, phụ nữ, người lớn tuổi đều làm được.
Trở lại cách câu rê, người thợ câu đứng chàng hảng hoặc đứng cách nào đó đỡ mỏi chân, đế cần là một cái chảng hai đặt lên bắp vế vừa vặn. Lưỡi câu thường dùng một lưỡi, có người dùng đến hai hoặc ba lưỡi kết thành một chùm. Mồi là một con nhái mén (nhỏ), lọt sâu vô khỏi ngạnh, người ta còn dùng một đoạn cỏ ống nhỏ móc vào mũi lưỡi câu nhằm mục đích khi rê, lưỡi câu không bị dính, vướng mắc vào cỏ hay cây nghể, lục bình, sậy, lác có rất nhiều ở những nơi câu rê.
Người ta quăng lưỡi câu thật xa hết tầm của sợi nhợ, người khỏe mới quăng xa được, thường quăng sang bên trái vì tay phải dùng vào việc này. Tay trái nắm chặt cần câu và nghiêng ngọn cần câu vào hướng trái để tiếp sức cho sợi nhợ câu được căng tối đa. Từ điểm xuất phát đó, người ta rê lưỡi câu từ từ và điều khiển thế nào cho lưỡi câu rơi vào những chỗ có lỗ trống hoặc cỏ thưa để cá có thể táp mồi được. Mắt nhìn chăm chú quan sát sự di chuyển của lưỡi câu, hai tay cũng nhịp nhàng rê cần câu đi từ trái sang phải rồi lại từ phải sang trái, miệng thì làm thành tiếng "bặp bặp" dụ cá, nhử, nhái tiếng cá táp mồi.
Câu rê rất mệt, dùng nhiều sức, tay chân mắt miệng đều làm việc nhịp nhàng với nhau. Người ta thích câu rê, cũng là một cách tìm cảm giác mạnh. Câu rê được toàn là cá bông hoặc cá lóc to bành ky vì chúng đang làm ổ đẻ. Thời điểm cá bông lâm bồn thì phải biết, dữ lắm, lại có đủ cặp. Lưỡi câu rê qua rê lại và có những tiếng kêu bặp bặp, chúng tưởng đồng bọn đang ăn, chúng háo hức táp mồi, thế là toi mạng. Người thợ câu giựt nhanh lên bờ, có khi con cá chưa dính sâu vào ngạnh rơi xuống đất.
Cá mà không có nước thì chỉ có chết thôi, cá được bỏ vào giỏ lẹ làng và người thợ câu tiếp tục câu, rê lại chỗ vừa mới câu được một con. Chỉ một thời gian phù du ít ỏi thế nào cũng bắt được con cá thứ hai cho đủ cặp lứa đôi. Một địa điểm câu rê được chừng một cặp cá, người ta dời lại một chỗ khác. Đặc tính của loài cá lóc cá bông, nhứt là cá bông quá dữ, không thích ở gần láng giềng hàng xóm mà phải ở đơn lẻ từng cặp, cách nhau chừng một hai chục mét để chia vùng hoạt động, trị vì các loài cá trắng nhỏ khác.
Đi câu rê không được nhiều cá, lại cực nhọc vất vả, bị muỗi mòng châm đốt, nhưng có nhiều nông dân mê thích. Giống như nghề đi "gác" cu, một việc làm mất nhiều thời giờ chẳng có lợi là bao, mất cả buổi cả ngày cũng chỉ bắt được vài con cu. May mắn gặp con cu gáy hay, nghe tiếng cu gáy cũng đỡ ghiền. Còn cu gáy dở chỉ có làm thịt nhậu.
Câu rê và gác cu của người dân quê như là một đam mê, ghiền, khó bỏ được. Âu cũng là một cái "ngu" thứ ba theo nghĩa thông thường, không có lợi lộc cao.
Người đời có câu :
Trên đời có bốn cái ngu
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu !
 

tymkp1225

Quy ẩn gian hồ
Joined
Mar 23, 2011
Messages
1,182
Points
83
BẮT CÁ CHỐT

Cá chốt là một loài cá có rất nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Xin lỗi bà con ở miệt Bạc Liêu, mà người Triều Châu gọi là xứ Bồ Líu. Có một câu, ca dao, phương ngôn cũng không phải, mà là câu nói chọc ghẹo, phá chơi cho vui vậy thôi, đó là câu:
Bạc Liêu là xứ quê mùa
Dưới sông cá chốt, trên bờ Tiều Châu (Triều Châu)
Khi ở Sài Gòn đi học, nghe hai chữ quê mùa, nhiều sinh viên gốc Bạc Liêu cũng đổ quạu, cự ngay, xứ tôi là xứ quê mùa, còn xứ của anh của chị ở Châu Đốc, Cà Mau, không quê mùa à ? Các bạn trẻ đổi lại câu sáu chữ ở trên thành: "Bạc Liêu là xứ ruộng mùa", hoặc "Bạc Liêu là xứ vui đùa" hay đổi thành "Bạc Liêu nước chảy lờ đờ" có vẻ đúng âm vận thơ lục bát hơn, nhưng câu tám, trong hai câu lục bát này : "Dưới sông cá chốt, trên bờ Tiều Châu" thì mọi người đều thừa nhận sự mô tả dưới sông cá chốt trên bờ Tiều Châu lại là đúng hoàn toàn trăm phần trăm ở xứ Bồ Líu này.
Cuối năm 62 và đầu năm 63, khi Ngọc vừa tốt nghiệp khóa 13 sĩ quan của Trường Bộ Binh Thủ Đức về trình diện Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh, chờ được chuyển ra đơn vị cơ hữu của Sư Đoàn. Cả tuần lễ, ăn chực nằm chờ tại nhà vãng lai sĩ quan của Sư Đoàn. Con người ăn vào rồi thế nào cũng phải tống ra những chất thừa thải. Thời bấy giờ, khu câu lạc bộ, nhà vãng lai cũng gần bờ sông, cầu tiêu được dựng lên ở ven sông. Lần đầu tiên, xổ của nợ vừa đến mặt nước, hàng chục hàng trăm cá chốt ngoi lên đưa râu quơ qua lắc lại, đớp mồi lia lịa, Ngọc sực nhớ đến câu thơ lục bát :
Bạc Liêu nước chảy lờ đờ,
Dưới sông cá chốt, trên bờ Tiều Châu
Cá chốt sao mà nhiều thế, câu tám chữ đúng quá cỡ thợ mộc, dân Bồ Líu không còn cãi vào đâu được. Bạc Liêu là một tỉnh giàu có, nổi tiếng về nhiều phương diện, nào ruộng lúa, tôm cá và đặc biệt là trái nhãn Vĩnh Châu, như là một lọai nhãn nổi tiếng ở tỉnh Hưng Yên Bắc Việt, ngon thơm ngọt thanh. Cái đặc biệt và quan trọng nhứt mà nhiều dân xứ khác biết đến Bạc Liêu là Công Tử Bạc Liêu, Bạch Công Tử, Hắc Công Tử nổi tiếng trong những thập niên 30, 40.
Về văn hóa, xứ Bạc Liêu với ông Sáu Lầu cha đẻ của Vọng Cổ Hoài Lang, tiền thân của Cải Lương sau nầy. Nếu so sánh Bạc Liêu với Châu Đốc về mặt có nhiều cá chốt thì Bạc Liêu chắc chắn là thua xa. Bạc Liêu có nhiều vùng nước mặn và nước lợ vì ở ven biển. Còn Châu Đốc nơi nào cũng nước ngọt quanh năm. Phải nói Bạc Liêu có rất nhiều người Tàu mà đa số là người Triều Châu. Triều Châu chỉ là một huyện của tỉnh Quảng Đông bao la, có tiếng nói riêng. Người Triều Châu, tiếng nói khác một trăm phần trăm với người nói tiếng Quảng, Hẹ, Hải Nam, Phước Kiến... và tiếng quan thoại Bắc Kinh còn gọi là tiếng phổ thông. Tỉnh Bạc Liêu có ba giống dân hòa hợp chung sống đó là người Việt, người Tiều và người Miên (Khờ Me, Cam Bốt). Con cái lai gọi là "đầu gà đít vịt", nhiều thiếu nữ xứ Bồ Líu mặn mà, đẹp, hấp dẫn.
Xứ Bạc Liêu quả có nhiều cá chốt mà có một cách bắt cá chốt độc đáo nhứt lại ở xứ Châu Đốc, có thể nói không nơi nào có cách bắt cá chốt này. Bắt cá chốt có hàng chục cách nhưng bắt cá chốt chỉ sử dụng ba ngón tay, nắm râu mới là lạ. Trước hết phải có một chiếc xuồng ba lá, cho nước vào khoang mũi để mép xuồng thấp xuống "lé đé" mặt nước, nghĩa là cách mặt nước chừng vài phân. Mép xuồng càng gần nước càng tốt miễn xuồng không bị chìm là lý tưởng nhứt.
Tại sao phải để mép xuồng quá sát mặt nước, lý do giản dị là bắt cá chốt chỉ có ba ngón tay: cái, trỏ và giữa mà lại nắm râu, không phải một con cá chốt mà nhiều khi có đến hai ba con dính cùng một lúc lại phải đưa nhanh vào xuồng. Nếu mép xuồng cách xa mặt nước, cá chốt có thể bị rớt lại xuống nước. Râu cá chốt trơn dễ vuột ra khỏi ba ngón tay nắm không được chặt, lại cần tốc độ nhanh cho cá chốt vào xuồng. Nếu chậm có thể bị ngạnh cá chốt đâm vào tay và cũng dễ để cá rơi rớt xuống nước.
Người bắt cá chốt cũng thường là phụ nữ vì tính kiên nhẫn chịu đựng được lâu hơn đàn ông. Trẻ nhỏ cũng bắt cá chốt rất tài. Hơn nữa công việc này rất nhẹ nhàng và cũng dễ nên đàn ông thường ít làm.
Mồi bắt cá chốt là cá nướng mà những con cá nướng đó thường là cá chết hoặc cá ăn không ngon như cá éc, một loài cá vẫy, kỳ vi có một màu đen lợt, ăn có vị hơi hôi hoặc cá ngựa, một loại cá thịt bở lại nhiều xương. Hai loài cá này lớn hơn cá linh nhiều, dùng làm mồi nhử cá chốt được lâu. Vì vậy người ta lựa những con cá này đem nướng chín vàng thơm phức để làm mồi nhử cá chốt.
Mỗi người ngồi trên một xuồng riêng biệt, cách nhau năm mười thước nếu có hai người cùng bắt cá chốt. Con cá nướng nằm gọn trong lòng bàn tay, bóp nhẹ vào cá để thịt và mỡ cá loang ra, cá chốt bắt mùi bu tới càng ngày càng nhiều, râu nhô lên khỏi mặt nước tua tủa lắc qua lắc lại rất vui mắt. Người ta không nhả mồi nhiều, nếu mồi nhiều quá cá ăn no lại lặn đi mất. Một con cá nướng làm mồi để bắt cá chốt cũng dùng được nửa tiếng hoặc hơn. Một lần bắt cá chốt chỉ tốn chừng hai con cá nướng là đủ. Người ta ngồi thật yên, chỉ sử dụng một tay mà chủ yếu chỉ có ba ngón tay cái, trỏ và giữa làm việc cật lực thoăn thoắt. Khi nắm được râu cá chốt, có khi đến hai ba con lận, đưa nhanh vào xuồng.
Cá chốt không kịp giẫy giụa, giẫy giụa nhiều thế nào cá cũng rơi lại xuống nước, làm sao mà nắm chặt được râu cá chốt. Bắt cá chốt bằng cách này, không ai ngồi lâu quá được. Ngồi phải thật yên, không nhúc nhích nhiều làm xuồng nghiêng lắc cá chốt sẽ sợ lặn đi. Một tay làm việc liên tục với tốc độ nhanh cả tiếng đồng hồ không ngơi nghỉ một giây phút nào tay cũng sẽ rũ riệt. Hơn nữa bắt được cá chốt nhiều đã mệt, còn phải làm cá và lại ban đêm nữa, có nhiều muỗi, mất nhiều thời giờ. Vì những lý do đó, người ta thường bắt cá chốt chừng một thùng thiếc thì tạm nghỉ để ngày hôm sau bắt tiếp.
Bắt cá chốt thường lúc trời mát hoặc chạng vạng tối là lý tưởng nhứt. Cùng họ hàng với cá chốt có cá lăn, một loại cá lớn ngon, nhứt là nấu canh măng chua thêm gia vị sả phi vàng, ăn ngon hết ý. Làm cá chốt bằng cách dùng dao chấn từ kỳ trên, kỳ này rất nhọn và dùng dao cắt đến hai ngạnh to dính với đầu, móc hết ruột ra. Cá rửa sạch đem muối để làm mắm. Cá chốt nhỏ con người ta làm mắm. Món mắm cá chốt ăn rất ngon, một con mắm vừa một miếng ăn. Mắm cá chốt thường dùng để ăn sống, nghĩa là không kho như mắm cá linh, cá sặc. Ở nhà quê, người ta thường ăn mắm sống với cơm. Ăn mắm sống nên có nhiều rau lại thêm có chuối chát, khế, khóm và có thêm ớt nữa ăn mới ngon. Ở quê Bà Bài vào mùa có nhiều khoai lang, mùa bắp, người ta thường nấu khoai lang hoặc bắp trái nấu chín ăn với mắm cá chốt, ngon tuyệt, ăn no bụng mới thôi. Khoai mì nấu chín, người ta lại không ăn với mắm cá chốt mà ăn với đường thốt nốt. Ngoài ra mắm cá chốt còn ăn với ổi chua rất bắt, cũng là một món nhậu bình dân.
Món ăn ngon nhứt của cá chốt, ngoài làm mắm ra, cá chốt làm sạch rửa kỹ, cá chốt có nhiều nhớt, loại cá không vẫy như cá trê, kho khô rắc nhiều tiêu hoặc kho tộ thật sắc nước ăn với cơm nóng hổi, vừa thổi vừa ăn, ngon quá xá là ngon. Cá chốt kho lạt hoặc kho còn nhiều nước ăn không ngon, có thể nói là dở ẹc. Cá chốt cũng được làm món cá chiên tươi hoặc chiên muối.
o
Bắt cá chốt bằng cách nắm râu rất độc đáo kéo dài cũng gần cả tháng giữa tháng chín đến giữa tháng mười, mùa nước xuống nước giựt, cá chốt nhiều và lớn bằng ngón tay. Bắt cá chốt bằng cách này vào lúc chạng vạng tối, mới được nhiều cá mà lại phải thức với ngọn đèn dầu cá linh sáng lù mù, lại ngồi chịu đựng cho muỗi đốt. Dù cổ, lưng mỏi đau cũng phải làm cho hết số cá chốt mới bắt được, lại còn rửa đem đi muối để làm mắm và lựa cá lớn kho khô kho quẹt để sáng sớm ăn mà ra đồng làm lụng. Cá chốt làm mắm để đuôi, không cắt bỏ, không có đủ thì giờ để cắt đuôi. Những loại cá nhỏ như cá chốt, cá linh, cá sặc, cá trèn nhỏ, người ta làm mắm để nguyên đuôi. Còn những loại cá lớn như cá lóc, cá bông, cá trê khi làm mắm mới cắt bỏ đuôi và kỳ vi.
Một cách bắt cá chốt khác, mấy ông thích làm việc nầy. Khoét một cái hố ở ven bờ sông, bờ rạch, dài chừng tám tấc, miệng rộng chừng bốn tấc, phần còn lại rộng hơn có hình gần
như tròn. Cái hố nầy đào để nước lớn, thủy triều lên, ngập chừng bốn tấc.
Người ta dùng đầu, ruột cá chốt vừa làm tối hôm trước, đem nấu có rất nhiều nước để làm mồi nhử cá chốt vào hố đào sẵn để xúc bắt. Múc nước mồi cùng với xương đầu cá chốt rả ra đổ vào phần rộng tròn phía trong cái hố nhử cá chốt vào ăn. Việc nầy cũng thực hiện vào buổi tối hoặc sáng sớm, còn lờ mờ. Nhìn thấy râu cá chốt quơ qua quơ lại trong hố ăn mồi, càng lúc càng nhiều. Người ta dùng một cái rổ thưa, miễn sao cá không bị lọt là được, để xúc cá. Dùng rổ chận miệng hố, một tay giữ rổ, một tay cầm một miếng tre, dẹp ngang chừng ba phân, dài bảy, tám tấc, khua khuấy nước để cá chạy ra miệng hố. Trong lúc đó, cái rổ chận ở miệng hố được ấn nghiêng xuống về phía ngoài để cá chạy vô rổ, người ta lấy rổ lên nhanh.
Mỗi lần xúc rổ như thế có thể bắt được vài trăm gram hoặc nửa ký cá chốt. Người ta thường đào ba bốn cái hố để bắt cá chốt, hố nầy vừa nhử mồi xúc bắt xong, qua hố khác cũng làm y chang như vậy. Khi giáp vòng, trở lại nhử xúc cá ở cái hố thứ nhứt. Mỗi tối xúc cá chốt chỉ ba vòng cũng có hàng chục ký lô cá chốt làm mệt nghỉ. Mỗi hố cách khoảng chừng năm mét.
Mấy bà mấy cô thì lo đi nắm râu cá chốt, cánh mấy ông đi xúc cá chốt tại những cái hố, rồi cả nhà già trẻ cùng xúm làm cá chốt đến khuya lơ khuya lắc rất cực. Sáng hôm sau còn ra đồng, làm việc đồng áng. Sức chịu đựng cực khổ của người dân quê xứ mình thật tuyệt diệu rất đáng bái phục.
Ai chưa ăn mắm cá chốt, thử ăn xem vừa ngon vừa khoái khẩu, khi nào mê món mắm này cũng như các thứ mắm khác mới thấm thía câu nói của dân quê: Ăn mắm thấm về lâu, và tình nghĩa của người dân quê cũng thấm về lâu vậy đó.
 

tymkp1225

Quy ẩn gian hồ
Joined
Mar 23, 2011
Messages
1,182
Points
83
GIĂNG CÂU TRỜI

Miền Tây Nam Phần Việt Nam, một vùng đồng bằng mênh mông, sông rạch chằng chịt. Màu xanh của ruộng lúa, vườn cây ăn trái chạy dài đến tận chân trời. Mọi người ngất ngây trước sự giàu có, một nơi được thiên nhiên ưu đãi nhứt của đất nước Việt Nam.
Ấp Bà Bài thuộc xã Vĩnh Nguơn, dọc theo hai bờ kinh Vĩnh Tế. Một con kinh lịch sử được đào vào những năm đầu của triều đình nhà Nguyễn khi an định được đất nước từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Kinh Vĩnh Tế nối liền hai tỉnh Châu Đốc và Hà Tiên bằng đường thủy. Mãi cho đến bây giờ (1998) đường bộ để cho xe hơi chạy được thông thương giữa Châu Đốc và Hà Tiên vẫn chưa có. Từ Châu Đốc vào quận Tịnh Biên 24 cây số, xe chạy thêm đến xã Lạc Quới và chỉ ngoặt lên đến Núi Tượng, thánh địa của Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, một hệ phái của Bửu Sơn Kỳ Hương do Phật Thầy Tây An sáng lập. Từ hướng tỉnh Hà Tiên, đường bộ cũng chỉ đến địa phận quận Giang Thành còn một quãng vài chục cây số đến địa phận Châu Đốc, người ta chỉ dùng phương tiện xe hai bánh và gặp nhiều trở ngại kinh, rạch mà chưa có cầu cống lớn chắc chắn. Đây là một con đường chiến lược về quân sự và kinh tế rất quan trọng mà bao thế hệ, chế độ chưa làm được.
Ấp Bà Bài, một ấp cuối cùng của xã Vĩnh Nguơn thuộc quận Châu Phú, tiếp giáp với xã Nhơn Hưng thuộc quận Tịnh Biên, Châu Đốc. Tịnh Biên có nghĩa là vùng biên thùy an tịnh, một vùng trước đây do triều đình Thủy Chân Lập (Cambodia) trị vì. Dấu tích của người Miên còn lại của vùng nầy là có nhiều ấp, làng (phum, sóc) toàn người Miên sinh sống như trên đất Chùa Tháp. Nào chùa, trường học và những vòm cây thốt nốt cao vút, biểu trưng của dân tộc Khờ Me (Miên).
Thời Pháp thuộc, cả ba nước Việt Miên Lào trong Liên Bang Đông Dương. Mọi người dân của ba nước được quyền đi lại tự do, đầu tư, buôn bán, khai thác tài nguyên bất cứ ở nơi nào của cả ba xứ Đông Dương. Trước năm 1945, ông Hương Tuần ở ấp Bà Bài, một gia đình có thế lực nhứt trong vùng hợp tác với một ông thông phán tòa án Châu Đốc khai khẩn hàng mấy ngàn mẫu tây đất hoang trên xứ Chùa Tháp thuộc tỉnh Tà Keo tiếp giáp với ấp Bà Bài, cách bờ kinh Vĩnh Tế chừng 8 cây số. Đây là một vùng đất trũng thấp phẳng phiu, mênh mông, không có rừng tràm hay rừng đước như nhiều nơi vùng đất trũng thấp khác. Riêng đất của ông Hương Tuần có trên một ngàn mẫu tây. Chim cá ở nơi nầy có vô số, không biết bao nhiêu mà kể. Ấp Bà Bài có nhiều cá chim thuộc loại nhứt nhì của tỉnh Châu Đốc nhưng so với đồng ruộng ở vùng Cả Hàn này, không thấm thía vào đâu cả.
o
Ăn cá, lươn, rùa, rắn, chuột mãi cũng ngán, mùa nào có mồi của mùa đó, món ăn đặc biệt của từng mùa.
Ông Hương Tuần có sáng kiến giăng câu trời bắt chim để thay đổi món nhậu.
Những thẻ câu đã giăng bắt cá vào mùa nước nổi. Nay đồng ruộng khô, những thẻ câu đó lại được sử dụng để giăng bắt chim trời vào tháng mười một âm lịch. Địa điểm để giăng câu trời thường là những thửa ruộng lúa chín vàng, cạnh bên những vũng nước, đầm lầy có nhiều cá.
Người ta chọn nơi có lúa chín, có nước, có cá để giăng câu trời. Chim, có loài chỉ ăn cá, tép, có loài ăn lúa, ăn côn trùng hay cỏ non, các loại củ... Và cần có nước để uống nữa. Thẻ câu dài mười lăm, hai chục mét, những lưỡi câu, cách khoảng nhau trên dưới năm tấc được buộc vào dây câu. Lưỡi câu nhọn hoắc, có ngạnh, lòng thòng dưới dây câu. Người ta dựng ba bốn cây sào bằng cây tầm vông già, dài căng buộc dây câu và cắm chặt sâu xuống đất. Chim khi dính, mắc vào lưỡi câu cố vùng vẫy mạnh, nếu cây sào không chắc, cả đường dây câu bị giựt sập xuống thì kể như thất bại. Vì vậy, người ta rất chú ý khoảng cách của mỗi cây sào đủ sức chịu đựng giữ đứng được dù có nhiều con chim lớn mắc câu.
Đọc truyện Phong Thần, nghe nói đến pháp thuật hô phong hoán vũ, sái đậu thành binh, thiên la địa võng. Giăng câu trời, quả thậût là một trận thiên la, lưới trời nay đổi thành những thẻ câu để bắt chim. Những sợi dây câu được giăng khắp bao vùng lúa chín vàng và có nước có cá. Người ta thường giăng câu hai hoặc ba tầng chênh chếch nhau, cách mặt đất hơn một mét và cao hơn nữa nhằm đạt được hiệu quả cao. Chim bay từ trên cao xuống hay cất cánh bay xéo lên hay bay là đà đều có thể dính vào lưỡi câu.
Không phải đêm nào cũng giăng câu trời được. Theo kinh nghiệm, lựa những đêm có trăng non, trăng khuyết, hoặc trời có nhiều sao có ánh sáng lờ mờ, không sáng tỏ lắm để giăng câu trời. Trời tối om thì không thể nào bắt chim bằng cách này được. Sáng quá chim thấy "thiên la" và nhứt là những cây sào cao, chúng sợ không dám đáp xuống ăn mồi uống nước, còn trời tối quá chúng cũng không thấy rõ đường mà tìm thức ăn.
Chim trời có nhiều chủng loại, thói quen. Con thì thích đi tìm thức ăn vào lúc chạng vạng, tối, khuya hoặc sáng sớm, lúc trời còn lờ mờ.
Chim trời ở miền Tây có nhiều vô số kể, các vùng có nhiều cá, lúa, có nhiều chủng loại như nhan sen, chân màu vàng, cao, mồng đỏ, lông xám đen; một loài chim thịt ngon nhứt trong các loài chim. Nhan sen thuộc nhóm chim quý của thế giới, nay còn rất ít ở miền Tây. Ở Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Kiến Phong, hiện nay (1998) cơ quan bảo vệ thú quí hiếm của hành tinh do Liên Hiệp Quốc tài trợ có thiết lập một vùng bảo vệ loại chim quý này. Đặc tính, nhan sen chỉ moi tìm ăn củ, cỏ năng, mà ở vùng Đồng Tháp Mười có nhiều cỏ năng hơn bất cứ vùng nào của miền Tây. Trên sách báo, nhan sen có tên gọi là sếu, chân vàng mỏ đỏ, loài chim quý hiếm của thế giới ngày nay mà chỉ ở Việt Nam mới còn. "Chim trời, cá nước", một cụm từ chỉ cho ta biết loài chim sống ở giữa trời, cá thì ở trong nước. Cả hai loài đều nhiều và khó bắt. Chim trời lớn có: chàng bè có cái đải dài ở dưới cổ dùng để chứa cá khi chúng bắt được. Chàng bè thả trôi trên nước khi cá lội lại gần chúng dùng mỏ chọt (mổ) sâu xuống nước, mỗi lần mổ cũng được một con cá. Chàng bè xốc vô miệng, cá vào cái đải để đó, sau mới đưa vào dạ dày. Cái đải của con chàng bè có thể chứa đến hàng chục con cá linh nhỏ, hoặc vài con cá "trọng trọng". Vịt trời, còn gọi là vịt nước, cò, diệc, le le... những chủng loại có nhiều nhứt ở miền Tây. Các loài chim dù ăn cá, côn trùng, củ cỏ năng hay ăn lúa đều phải uống nước. Chúng bay qua, lượn lại tìm mồi, tìm nước, bay lên, đáp xuống, hàng trăm hàng ngàn lượt, tiếng kêu chíu chít. Thế nào cũng có con chẳng may, tới số, vỗ cánh bay vướng mắc vào lưỡi câu có thể bị móc dính vào cánh, vào đầu, cổ, mình...
Đặc tính chung của chim muông, thú vật và ngay cả con người khi bị dính mắc vào cạm bẫy đều cố gắng vùng vẫy để thoát ra. May ra, ba con chim dính vào lưỡi câu chỉ còn một con không bị sẩy, vì chúng bị dính ngập vào ngạnh lưỡi câu những chỗ yếu huyệt như da thịt, hoặc cánh. Càng vùng vẫy, lưỡi câu càng ăn sâu thêm làm cho chúng "chịu trận" không thoát được. Với hàng trăm hàng ngàn lưỡi được bủa giăng bao quanh mục tiêu chọn lựa và với số chim hàng trăm con, hết đàn chim nầy đến đàn chim khác ăn tối khuya, sáng sớm đều có đủ. Một đêm giăng câu trời, có đến hàng chục con chim lớn nhỏ dính câu trời đủ làm mồi cho vài bữa ăn của lạ.
Ở đồng quê, người ta thường ăn chim trời bằng cách nhổ lông khô rồi thui sơ qua cho cháy lông măng. Khi có chim nhiều quá hoặc chim lớn, người ta cũng dùng nước sôi trụng nhổ lông như nhổ lông gà, lông vịt. Những món ăn chim đơn giản nhứt là nướng, chiên, rô ti hoặc muối sả ớt để nướng, chiên. Món ăn thông dụng nhứt của dân quê là luộc, nấu cháo đậu xanh cà, món gỏi chim tha hồ mà nhậu với rượu đế được nấu cất tự biên, tự diễn mà người làm công của ông Hương Tuần rất rành sáu câu. Chim trời còn được xào, kho mặn để ăn cơm, đôi khi người ta còn phơi khô như là khô gà, khô vịt.
Thời gian giăng câu trời ngắn ngủi, một vùng chọn lựa giăng câu trời cũng chỉ được vài đêm, phải chuyển đổi chỗ khác. Chim rất khôn, chúng tránh cạm bẫy này nhưng gặp nguy hiểm khác đang chờ đón chúng như bẫy, rập, lưới chim kể cả ngồi rình đập chim, một cách bắt chim khác rất độc đáo.
 

tymkp1225

Quy ẩn gian hồ
Joined
Mar 23, 2011
Messages
1,182
Points
83
ĐẬP CHIM

Đồng ruộng của ông Hương Tuần, chim bay suốt không ngơi nghỉ chắc gãy cánh chớ không phải mỏi cánh như người ta thường nói, ám chỉ những người có ruộng đất nhiều. Đến mùa gặt lúa, khu trại ruộng của ông Hương Tuần, một dãy nhà lá dài chừng hai mươi căn nằm trên bờ kinh số 1 gần rạch Cả Hàn bên phía Việt Nam, thuộc xã Vĩnh Hội Đông, quận An Phú, Châu Đốc, phía bên kia thuộc tỉnh Tà Keo của Cao Miên. Khu vực này, những cây cao to chỉ có chừng năm cây gáo, tràm ở cách khoảng xa nhau hàng trăm mét, còn những cây cà na, cò ke, trâm bầu, cây hoang mọc thấp lè tè ở bờ sông bờ rạch và ở vùng đất cao. Vùng đất trũng thấp đến mùa nước lớn, cây cỏ đều bị nhận chìm dưới làn nước phù sa nhiều tháng, không thể sống được.
Những đêm trời lờ mờ, chim trời loại lớn con như chàng bè, gà đải, nhan sen, diệc thường chọn những cây cao, to để ngủ qua đêm. Còn loài cò, le le, vịt nước hay các loài chim nhỏ khác như trích, cúm núm thường tìm cây thấp hoặc lùm bụi để nghỉ ngơi. Biết rõ thói quen của loài chim, khi trời lờ mờ, người ta bố trí trên mỗi cây to, một anh thợ cày, khỏe, nhanh nhẹn thủ (cầm) một cây tầm vông chừng một mét rưỡi, dài quá dễ vướng vào cành cây và khó xoay trở. Người rình đập chim phải chọn lựa nhánh cây nào thuận tiện nhứt mà trên mặt đất có nhiều cứt chim, chắc mẽm, nơi đó chim thường đậu. Họ còn phải lựa chỗ có cành lá che ngụy trang, vì chim rất khôn, chúng nghe thấy động tĩnh trên cây, có người ngồi ở đó thì chúng bay đi nơi khác ngay.
Sau khi đi ăn về, như thường lệ, chim đi có cặp, chim trống chim mái rất chung tình cùng đáp xuống cành cây, cánh còn "vấp với", chưa thu hết lại, thình lình chúng bị một cái đập trời giáng vào mình rơi tõm xuống đất. Thường bị đập đầu tiên là chú chim trống, chim mái chậm chạp hơn cũng đáp xuống chậm hơn trong tích tắc, chưa kịp có phản ứng, cũng lãnh thêm một cây tầm vông đập mạnh xuống cùng đi tàu suốt với chồng. Cây nầy động tĩnh, chim hoảng sợ bay qua lượn lại một chập tìm cây khác đậu rồi cũng bị lãnh những cú đập trời giáng khác. Chim thì nhiều mà cây to ít quá, bốn năm người thợ cày rình đập chim mất chừng hơn một tiếng đồng hồ cũng có hàng chục con chim lớn tha hồ mà nhậu quắc cần câu. Một điều đáng quý của người dân quê, họ chất phác, khi đập bắt được chim đủ ăn một ngày là họ thôi không sát sanh nữa. Lúc lên bảy lên tám tuổi, Ngọc có tài làm bẫy cò ke, một loại bẫy chỉ cần một cành tre nhỏ với một sợi dây chắc có cái thòng lọng, để một miếng mồi bên trong thòng lọng trên cái cần bật như một con cá con, trùng, dế, cào cào. Bẫy cò ke chỉ bắt được chim nhỏ thường từ cò ma trở lại. Người ta phân biệt hai loại cò, cò trắng và cò ma; cò trắng lớn con hơn cò ma. Cò trắng lớn hoặc những con chim lớn mổ mồi cái thòng lọng của bẫy cò ke không đủ kích thước siết cổ được chúng. Dù thòng lọng có siết được cổ, chúng cũng bay đi mất, cành tre nhỏ dù có cắm sâu xuống đất cũng không đủ sức giữ được chúng. Bẫy nhỏ bắt chim nhỏ, bẫy lớn mới bắt được chim to. Khi chim mổ ăn mồi, thòng lọng bật lên siết đúng vào đầu, cổ, chim bị treo tòn teng khỏi mặt đất, nếu chúng chạm đất, chúng có thể đủ sức làm cho sẩy, thoát được. Trại ruộng của ông Hương Tuần có hàng chục cái bẫy chim bằng sắt để bắt chim lớn. Cái bẫy có hình vòng bán nguyệt, hai lưỡi sắt tua tủa như lưỡi cưa mà người ta dùng cưa nước đá. Bẫy sắt được đặt ở "men" rìa vũng nước, thường có chim lớn kiếm mồi, đi qua lại tới lui. Bẫy sắt có khi cũng có đặt mồi để nhử chim, nhưng thường không cần mồi, vì chim quá nhiều, những con chim nhỏ không đủ trọng lượng đạp sập bẫy sắt được, chỉ những con chim lớn mới dính vào bẫy sắt. Đặt bẫy sắt thường chọn những vũng nước, xa trâu bò, vì nếu trâu bò và con người đạp phải bẫy sắt có thể cũng què chân.
Một kỷ niệm khó quên Ngọc nhớ rất rõ, như mới ngày nào, dù nay đã hơn năm mươi lăm năm. Một ngày trời mưa nặng hạt, gió giật mạnh từng cơn, trời lạnh mà Ngọc nổi hứng, lén mẹ, mẹ của Ngọc rất cưng thằng con trai thuộc loại con cầu con khẩn, khó nuôi, ra đồng đi săn bắt le le. Ngọc dẫn theo hai con chó, một chú Vện, một thím Phèn, trang bị thêm một khúc cây tầm vông dài chừng tám tấc vừa nắm tay và một cuộn dây nhỏ. Trời ngã về chiều, mưa cũng giảm, Ngọc đội cái nón lá cũ, dầm mưa đi săn le le. Lúc này khoảng đầu tháng năm âm lịch, nước đã mấp mé nhảy bờ, lúa lên xanh tươi tốt cũng là lúc le le thay lông. Chim le le hình dáng giống vịt xiêm nhưng nhỏ hơn nhiều, thịt ăn rất ngon, le le bơi lội cũng như vịt. Mùa này chúng thay lông và làm ổ đẻ, thường ở đủ đôi trống mái. Ngọc vừa ra khỏi nhà, còn ngoái cổ lại xem mẹ có hay biết gì không, không đời nào bà cho Ngọc đi săn bắt chim trong lúc trời đang mưa vì bà sợ con trai út yêu quý của bà bị ấm mỏ ác.
Cách nhà chừng hai trăm mét, ruộng lúa xanh rì, cao quá đầu gối, những cánh đồng cỏ cũng lên cao mơn mởn, le le làm ổ ở những chỗ rậm nhứt. Hai con chó Phèn, Vện ve vẫy đuôi chạy lăng xăng đánh hơi, lùng sục làm động anh chị le le đang âu yếm tâm tình giựt mình bay lên. Mới thay lông và mưa ướt, le le không bay được xa, có con chỉ sập sận rồi chui lại xuống lúa, cỏ để trốn. Hai con chó tinh khôn tìm rượt đuổi, trong khi đó Ngọc sẵn sàng "phang" khúc tầm vông đang cầm, không trúng đầu, trúng mình, cánh thì le le cũng không bay xa được. Chúng lẩn quẩn bay lên đáp xuống, chỉ trong vài phút hai anh chị le le thế nào cũng lãnh một khúc tầm vông hoặc hai con chó cũng tóm được tha lại cho Ngọc, buộc vào dây máng lên cổ, hai con hai bên. Chỉ trong vòng một, hai tiếng đồng hồ hôm đó, nhờ sự tiếp sức của hai con chó, Ngọc bắt được cả chục con le le. Bắt le le bằng cách săn nầy chỉ được mấy ngày, và có mưa càng lớn càng tốt. Khi chúng đủ lông đủ cánh bay vù vù rất khó rượt phang, bắt. o
Ở Bà Bài, vào mùa dông bão, người ta không đi đặt lọp, giăng câu, giăng lưới hoặc câu cá được thì người ta ăn khô, ăn mắm và cũng lúc nầy người ta thích ăn thịt chim.
Ở phía sau hè và cạnh bên hông nhà của Ngọc, có vài bụi tre nhỏ, thấp. Những cây tràm, me chua, me nước và tre to, cao; khi gặp gió mạnh, mưa to, chim không đậu vững được, nên chúng phải bay xuống đậu những bụi tre hoặc những cây thấp, bị gió đưa đẩy nhiều có khi nhánh lá tre chạm mặt đất. Lúc nầy là lúc thuận tiện nhứt để bắt chim chỉ bằng tay thôi, không cần phải có đồ nghề gì cả. Ba của Ngọc đang uống trà, nhìn thấy qua ánh sáng sấm chớp nhiều chim đang kêu la chíu chít trên những cành cây. Gió đang đưa đẩy chúng chới với bay lên rồi đáp xuống, bấu víu vào cành cây. Ông sai hai người làm công thân tín nhứt và cũng là người khỏe mạnh nhứt, chịu lạnh giỏi trong số hơn một chục người làm công cho ông.
- Búp, Ất, hai đứa bây đi bắt chim về ăn nghe.
- Làm sao bắt anh Hai, Chú Búp hỏi.
- Ậy, tụi bây không thấy gì hết sao? Trời dông bão và mưa to như thế nầy,chim không đậu trên cây cao được, chúng đậu ở những cây thấp gần nhà mình đó, tụi bây có nghe thấy tiếng chim kêu chíu chít không?
- Dạ có, anh Hai. Chú Búp nhanh nhẩu đáp.
- Búp, mầy lại đây, nhìn xem coi chim nhiều quá, chúng bám theo cành cây đang rạp xuống đến mặt đất. Ba của Ngọc vừa nói vừa chỉ, cả nhà nhìn ra bên hông nhà cũng vừa lúc có ánh sáng của sấm chớp, mọi người thấy màu trắng của chim chiếm hết màu xanh của cành lá. Trời gầm, sấm chớp liên hồi, mưa lại nặng hạt, gió thổi mạnh, Ngọc lạnh buốt. Nhưng chú Búp và anh Ất chuẩn bị đi bắt chim.
Chú Búp, Ngọc gọi bằng chú vì lớn tuổi và có bà con xa. Còn Ất, Ngọc gọi anh vì nhỏ tuổi và cũng là người mồ côi cha mẹ từ hồi còn bé mà ba Ngọc đã nuôi từ lúc lên 5 tuổi. Cả hai cũng trang bị một khúc tầm vông ngắn và một cuộn dây. Đầu đội nón lá, choàng một cái áo tơi được trầm bằng lá thốt nốt. Hai người đi hai hướng. Nhờ sấm chớp mới thấy được chim đang cố bám chặt trên những cành tre, cành cây nhỏ bị gió thổi mạnh rạp xuống gần đụng mặt đất, hai cánh chớp lia lịa gượng sức bám chặt vào cành cây. Chú Búp và anh Ất chỉ chờ đợi có sấm chớp và gió mạnh là ra tay "thộp" nắm bắt từ con một, đôi khi bắt một lúc hai con, buộc dây cẩn thận để nằm trên mặt đất. Khi thì cò ma, khi thì con diệc, cò trắng. Thỉnh thoảng họ mới dùng khúc tầm vông đập một cái là có một con chim rơi xuống đất. Hai người chỉ dầm mưa khi ba của Ngọc hút được nửa điếu thuốc thứ hai, có trên hai mươi con chim đủ đại gia đình Ngọc ăn buổi tối đó và ngày hôm sau. Người dân quê ít tham lam, gặp đêm giông bão mưa lớn như thế nầy, người ta có thể bắt hàng trăm con chim dễ dàng, những ngày khác không dễ gì săn bắt được chim như thế. Họ bắt đủ ăn một hai bữa là đạt yêu cầu, không bắt nhiều để dự trữ.
Quê Bà Bài quả có nhiều cái nghe như chuyện khó tin nhưng có thật. Đó là một dấu ấn kỷ niệm của một vùng có nhiều chim trời, cá nước với cuộc sống đơn giản và gần gũi với thiên nhiên nhất của nhiều nguời.
 

tymkp1225

Quy ẩn gian hồ
Joined
Mar 23, 2011
Messages
1,182
Points
83
VƯỜN CHIM

Năm 1963, khi Ngọc đi hành quân ở vùng U Minh Hạ, bộ chỉ huy Trung Đoàn 33 thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh đóng ở Giá Ngựa, có tên khác là "Chà Là", cách khoảng mười cây số ở phía bên phải là quận Đầm Dơi, bên trái là quận Cái Nước. Bộ chỉ huy hành quân của Trung Đoàn 33 được che dấu dưới vườn dừa, cau sum xuê, cạnh bờ kinh số một. Từ tỉnh lỵ Cà Mau vào đến đây trên hai mươi cây số và từ đó xuống Năm Căn khỏang vài chục cây số,có một địa danh khác cũng là nơi nổi tiếng, Cộng quân khiếp sợ, do Cha Hóa cai quản với một tổ chức dân quân do chính Cha Hóa tuyển chọn và chỉ huy.
Trong khoảng chừng mười cây số từ Giá Ngựa đến khu Cha Hóa, dọc theo bờ kinh số một, có ba vườn chim lớn và vài vườn chim nhỏ. Vùng Giá Ngựa, Chà Là, theo các vị bô lão kể lại, xưa kia vua Gia Long bôn tẩu khi bị quân Tây Sơn rượt đuổi, Đức Vua có tạm nghỉ chân nơi đây. Như vậy, Giá Ngựa là Giá Ngự mới phải, có lẽ dân chúng vì lâu quá có thể đã nói trại từ Ngự sang Ngựa chăng ?
Chủ vườn chim có thể nói là người giàu có nhứt trong vùng.
Vườn chim là gì ? Một miếng vườn lớn có thể cả năm ba mẫu tây, nhỏ cũng được nửa mẫu có nhiều cây dừa, cau, chuối, cây ăn trái và những cây tạp khác. Vườn càng rậm, sum xuê, chim trời càng thích, tập trung nhiều chủng loại, làm tổ và trú ngụ.
Vùng U Minh có tiếng là muỗi kêu như sáo thổi, rừng đước và cây cối nhiều cũng như có nhiều đầm lầy kinh, rạch, đìa bàu là nơi sinh sản muỗi và các loài thủy tộc, quanh năm. Mùa nào cũng có cá và cũng có trồng lúa nữa nên chim trời các nơi khác đều bay về khu nầy làm tổ, sinh cư. Ban ngày chim đi ăn, ban đêm về ngủ, chủ vườn chim giữ gìn cẩn thận, không cho người khác phá phách, săn bắn chim. Đủ mọi thứ chim trời, người chủ vườn, thường khai thác lấy phân chim làm phân bón, bán được giá cao hơn các loại phân khác.
Nghe nói phân chim là loại phân thượng hảo hạng bón cây xanh tốt nhứt. Phân chim cũng như phân dơi rất thích hợp cho cây thuốc lá, dưa hấu và các loại rau dưa, kể cả cây ăn trái nữa. Thỉnh thoảng người chủ vườn cũng bắt chim đãi khách nhưng rất cẩn thận vì không phải chỉ một người có vườn mà nhiều người có vườn chim gần nhau, nếu để chúng sợ, chúng sẽ di cư đi nơi khác, thì người chủ sẽ mất lợi. Vườn chim còn là nơi qui tụ nhiều rắn, nhất là rắn hổ mang. Đó cũng là một nguồn lợi cho chủ vườn bắt bán quanh năm.
Ngọc là Trưởng Ban 5 (Chiến Tranh Tâm Lý) của Trung Đoàn 33 cũng thường len lỏi thăm dân cho biết sự tình, nhất là công tác dân sự vụ vì "chinh tâm vi thượng, chinh thành thứ chi", như binh pháp Tôn Tử đã dạy. Ngọc lân la đến làm quen với mấy ông chủ vườn chim và được tiếp đãi rất nồng hậu. Các vị chủ vườn cũng muốn lấy lòng lính, sợ lính đến bắn chim, chim hoảng sợ sẽ bay đi vườn khác. Đôi khi các ông chủ vườn cũng bấm bụng tặng cho Trung Đoàn cả chục con chim vì chim là món ăn lạ của vùng nầy. Cá thiếu chi, cá lóc vùng này hay nói cách khác cả vùng U Minh, cá lóc, cá trê, cá rô lớn nhứt miền Tây, cá ở đây sống lưu niên, năm này sang năm khác nên có rất nhiều "cá biết nói", to tổ chản. Các ông chủ vườn thường biếu Trung Đoàn thơm (khóm), dừa tươi ăn chết bỏ. Ngọc còn kiêm Trưởng Ban hỏa thực của Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn, nước dừa dùng kho cá, nấu canh, đôi khi nước dừa tươi dùng nấu cơm nữa, nước ngọt ở vùng nầy rất quí hiếm. Còn thơm khóm, ăn nhiều rát lưỡi, anh em than trời.
Thật tình mà nói, dân chúng vùng nầy rất cởi mở, hào hiệp, không phải họ sợ nhà binh làm ẩu. Họ dư ăn dư để tặng cho Trung Đoàn đủ thứ cá, tôm, cua, rắn, rùa vì Trung Đoàn bảo vệ an ninh vùng nầy. Có bác sĩ khám bịnh phát thuốc cho dân nhứt là Chloroquine trị sốt rét, một thần dược lúc bấy giờ. Đôi khi có nhiều người dân cũng xin Chloroquine rồi giấu gởi cho con cháu của họ đang là du kích trốn ở trong bưng.
Sau nầy, 1985, khi ra tù cải tạo, Ngọc có hỏi bà con vùng Cà Mau lên thăm ở Sài Gòn, được biết các vườn chim ở Giá Ngựa, vùng sông Ông Đốc, Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn vẫn còn nhưng rất ít, vì cán bộ Việt Cộng thường hay săn bắn nên chim càng ngày càng ít, không nhiều như từ năm 1975 hoặc năm 1963 trở về trước.

Chim rô ti
Từ Sài Gòn về Tây Đô của miền Tây là Cần Thơ, chúng ta phải đi qua hai cái bắc mà có người gọi là phà. Đó là bắc Mỹ Thuận, thuộc Tiền Giang; bắc Cần Thơ còn gọi là bắc Cái Vồn, Hậu Giang. Còn từ Sài Gòn về hướng Long Xuyên mà không đi ngả bắc Cần Thơ thì phải qua bắc Vàm Cống, gần hơn. Đi hướng nào về các tỉnh xa của miền Tây cũng phải qua hai bắc, đầu tiên là bắc Mỹ Thuận, bắc thứ hai là bắc Cần Thơ hoặc bắc Vàm Cống. Bắc Vàm Cống cũng đưa chúng ta qua sông Hậu về các tỉnh Long Xuyên (An Giang), Châu Đốc, Rạch Giá, Hà Tiên; bắc Cần Thơ ngược xuôi về tỉnh Phong Dinh, Chương Thiện, Ba Xuyên, Bạc Liêu, Cà Mau. Bắc Vàm Công vào tháng ba tháng tư âm lịch thậm chí đến tháng năm bày bán nào ốc gạo, ốc bươu, ốc lát, củ ấu và các loại trái cây.
Điều làm cho mọi người du khách ngạc nhiên lạ mắt và những người đi Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc trố mắt nhìn vì ở bắc Vàm Cống bán chuột rô-ti rất nhiều, bán kèm với bánh mì ổ ăn rất ngon. Bắc Mỹ Thuận là bắc quan trọng nhứt trên quốc lộ 4 về miền Tây; lúc nào, ngày cũng như đêm tấp nập người và xe cộ qua lại. Ở miền Tây, vùng đồng bằng sông Cửu Long, còn gọi là Vùng 4 Chiến Thuật hay Quân Khu 4, bao gồm mười sáu tỉnh, trong đó từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho (Định Tường) không qua một cái phà nào cả. Đi Bến Tre phải qua bến phà Rạch Miễu nơi giữa sông có Cồn Phụng, giang sơn của ông Đạo Dừa. Các tỉnh: Định Tường, Gò Công, Bến Tre, Kiến Tường không phải qua bắc Mỹ Thuận, các tỉnh còn lại đều phải qua bắc Mỹ Thuận, một bến phà chiến lược quan trọng vào bậc nhất của miền Tây.
Có ai đi qua bắc Mỹ Thuận mà không thấy lòng mình rộn rã và gợi hứng thòm thèm những món ăn đặc sản quê hương. Người qua kẻ lại, xe cộ tấp nập, tiếng chào mời bán đủ thứ trái cây ngon: xoài, mận, cam, quít, vú sữa, ổi, khóm, sầu riêng, dừa... Mùa nào cũng có trái cây mùa ấy. Nhưng những thức ăn món nhậu đặc sản của địa phương còn hấp dẫn hơn nhiều.
Những con ốc gạo trắng, no tròn được bán bằng lít vào tháng hai, tháng ba; ốc gạo thường sống ở vùng cồn cát, con lớn bằng đầu ngón tay cái, thịt trắng ngần trộn gỏi với đu đủ chín mỏ vịt, có thêm đậu phọng rang và rau răm rắc trải lên mặt hấp dẫn vô cùng, ngon tuyệt. Muốn qua bắc Mỹ Thuận, tất cả hành khách trên xe đò phải xuống đi bộ để được an toàn hơn vì sợ rủi xe chạy lọt xuống sông. Bộ hành đi qua lại các gian hàng bán thịt nướng mùi thơm nực mũi, ai cũng chảy nước bọt khi bắt gặp những chảo chiên chim, gọi là chim rô-ti được bày bán mời mọc.
Nhiều loại chim nhỏ như vò vẽ, ốc cao, lớn hơn một chút thì có cúm núm, mỏ nhác, chằng nghịch, trích, le le. Thỉnh thoảng cũng có bán chim se sẻ rô-ti nữa. Người ta có thể ăn chim rô-ti với cơm trắng tại gian hàng, có thể ăn với bánh mì và cũng có thể mua từng con hoặc từng chục con đem về Sài Gòn làm món nhậu lạ. Người bán chim rô-ti thường có kèm thêm gói muối tiêu để khi hành khách ngồi trên xe đò thèm, cầm lòng không đậu ăn lai rai cho vui, khi về đến Sài Gòn thì cũng hết sạch. Món chim rô-ti rất hấp dẫn, chim nhỏ như vò vẽ, ốc cao, người ta có thể nhai ăn luôn cả xương rất mềm.
Ở bắc Cái Vồn, cũng có bán chim hoặc chuột rô-ti nhưng chuột thì không nhiều bằng bắc Vàm Cống, còn chim thì cũng ít hơn ở bắc Mỹ Thuận. Cần Thơ là thủ phủ, còn gọi là Tây Đô của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây, trước 75 có Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4 Vùng 4 Chiến Thuật, sau đổi là Quân Khu 4 và Tòa Đại Biểu Chính Phủ Miền Tây Nam Phần. Cần Thơ nổi tiếng với trái vú sữa Cái Răng to mà thơm ngọt, lại có nem Cái Răng, nấm rơm lớn có nhiều dọc theo kinh Trà Nóc, gần phi trường quân sự Trà Nóc. Cần Thơ còn có vườn Thầy Cầu rất đẹp, một người thuộc dòng họ giàu có quyền thế của Tây Đô từ thời xa xưa.
Dòng sông Hậu chạy ngang qua bắc Cần Thơ, lúc nào cũng lững lờ, chầm chậm, chỉ có mùa nước đổ từ miệt Châu Đốc Long Xuyên đưa xuống mạnh, dòng nước đượm màu hồng lợt, màu đất phù sa, dòng nước chạy mạnh và siết hơn. Nói đến Cần Thơ mà không nói đến bến Ninh Kiều là một điều thiếu sót, có vườn hoa cây cỏ xanh tươi đẹp mắt, từ bên hông tư dinh ông Tỉnh Trưởng, Bộ Tư lệnh Vung 4 Sông Ngòi chạy dài đến cầu tàu và tiếp đến là khu lộ thiên dẫn đến khu chợ cá và chợ chính của thị xã Cần Thơ.
Nói đến bến Ninh Kiều là phải nói đến món đặc sản bất hủ, món chim rô-ti. Chiều chiều lại nhớ chiều chiều, nam thanh nữ tú dập dìu ra bến Ninh Kiều hóng mát, nhìn qua bên kia sông, Xóm Chài im lìm như đang ngon giấc. Những giề lục bình hững hờ trôi xuôi theo dòng nước, gió mát nhè nhẹ làm cho mọi người cảm thấy thích thú ngây ngất trước vẻ đẹp thiên nhiên của trời đất ở Tây Đô. Ngồi trên những cái băng xi-măng mãi cũng chán, người ta thả bách bộ dọc theo bờ sông, băng qua khỏi bến tàu, đến khu lộ thiên. Thôi thì đủ thứ, từ chim rô-ti, bánh xèo, bánh cống, tôm càng nướng, hột vịt lộn, cháo gà, mì, hủ tíu, ốc lát ốc bươu luộc hoặc hấp rượu ăn với bánh tráng rau sống thật hấp dẫn nhậu rất bắt. Món chuột rô-ti cũng không thiếu tại bến Ninh Kiều. Nơi đây, chủ yếu là món chim rô-ti có bán nhiều loại chim như ở bắc Mỹ Thuận. Ăn chim rô-ti nóng hổi lại có ghế đẩu ngồi tán gẫu với cô bán hàng. Nhìn khách nhàn du, làm thêm vài chai bia, hoặc rượu nếp than thì món chim rô-ti sao ngon quá, ăn hoài không chán, no bụng mới thôi. Ăn đã đời món chim rô-ti, người ta còn mua mang về nhà để làm quà cho gia đình hoặc cho bà xã và sắp nhỏ. Bến Ninh Kiều là nơi hò hẹn, làm quen, tán tỉnh và yêu nhau cũng vì mấy món ăn đặc sản chim rô-ti, tôm càng nướng...
Sông nước hữu tình, món ăn khoái khẩu làm sao mà tâm hồn không mở rộng, tình yêu nẩy nở thành hình. Ở Tây Đô, trước năm bảy lăm, dân Sài Gòn về công tác hoặc đi thăm bà con bạn bè, thế nào cũng có người mời, đãi một chầu ở quán ăn đặc sản Vĩnh Ký. Nằm cạnh bờ sông, cách nhà thờ Chánh Tòa đạo Công Giáo chừng một trăm mét. Quán ăn Vĩnh Ký nổi tiếng với nhiều món ăn, trong đó cũng có món chim se sẻ hay các loại chim khác rô-ti. Món cơm tay cầm của quán ăn Vĩnh Ký thật độc đáo nào thịt gà, hoặc thịt chim với kim châm, nấm mèo, rưới mỡ phi hành thơm phức. Cơm cháy cơm tay cầm ăn vừa dòn, vừa thơm, vừa béo, ngon quá xá. Những món ăn đặc sản nổi tiếng của miền Tây hầu như đều có ở quán ăn nầy: chim rô-ti, cá lóc nướng, hấp, rùa khìa, rùa rang muối, cháo và gỏi rắn hổ mang (hổ đất), ếch chiên bơ, tôm càng nướng ướp với bơ Bretagne của Pháp. Rắn ri voi ri cá bằm xào xúc bánh tráng, lươn um rau ngổ, cá rô kho tộ, canh chua cá ba sa (như cat fish ở Mỹ). Ở miền Tây có hàng trăm món ăn khoái khẩu, còn món đuông chà là nữa ở vùng Bảy Xào, Sóc Trăng cùng với món bún nước lèo nêm mắm bò hóc nữa. Món nào cũng ngon cũng đặc biệt, ăn một lần chúng ta sẽ nhớ hoài nhớ mãi.
Ở Mỹ, làm sao chúng ta có món chim rô ti của quê hương, đành ăn chim cúc rô ti trong các bữa tiệc cưới, thay thế vậy.
 

tymkp1225

Quy ẩn gian hồ
Joined
Mar 23, 2011
Messages
1,182
Points
83
NHỮNG THÚ TIÊU KHIỂN Ở THÔN DÃ

Cảnh vật thiên nhiên gần gũi, dính liền với cuộc sống ở thôn dã. Những đêm trăng thơ mộng, tiếng chày giã gạo, giã bàng vang vang khắp chốn. Trên dòng nước, tiếng hò khi khoan khi nhặt, ghe xuồng xuôi ngược, ngược xuôi. Sau những ngày mùa, cấy, gặt lúa hay những đêm thức trắng đánh bắt tôm cá, người nông dân cũng cần có những giây phút nghỉ ngơi, vui chơi giải trí.
Chiều chiều, từ đồng áng trở về, những bữa tiệc nhậu đơn sơ hay linh đình cùng gia đình, bà con, bạn bè với nhiều câu chuyện vui, tiếu lâm, châm biếm, những tuồng tích, truyện Tàu được mọi người tham gia đóng góp hay lắng nghe thưởng thức. Những khi rỗi rảnh một chút, sau tiệc nhậu là tới màn ca hát cổ nhạc mà người ta thường nói là ca Vọng Cổ. Sự thật, Vọng Cổ chỉ là một tên gọi của một bài ca, lớp ca dài còn cổ nhạc nói chung những bài hát không những ở ngành Cải Lương mà ngay cả bên ngành Hát Bộ, còn gọi là Hát Bội nữa.
Cải Lương được đại chúng hóa ở thôn dã. Làng, ấp nào cũng có những thầy đờn, luyện tập cho đám đệ tử cổ nhạc những bài dài như Vọng Cổ. Hồi xưa, cách vài thập kỷ trước, Vọng Cổ có đến hai mươi câu và Vọng Cổ từ khởi thủy do ông Sáu Lầu sáng tạo có tên gọi là "Dạ Cổ Hoài Lang" có nghĩa là nhớ chồng đêm xưa hay là đêm khuya nhớ chồng! Sau nầy, Vọng Cổ được cách tân từ hai mươi câu xuống còn sáu câu, rồi bốn câu. Ngoài bản dài Vọng Cổ, còn hàng mấy chục bản vắn như: Hoài tình, trăng thu dạ khúc, thủ phong nguyệt, tân sái phỉ, xàng xê, nam xuân, nam ai...
Đa số người nông dân mê thích Cải Lương, Hát Bộ, tuồng tích kết cuộc rất có hậu. Người lành, quân tử, sau bao thăng trầm, sóng dập gió dồi, họ vượt qua con đường hầm tăm tối sẽ đến được chân trời trong sáng, giàu sang hạnh phúc. Còn người dữ, kẻ tiểu nhân sẽ có một hậu vận bi thảm, lưới trời lồng lộng, quả báo nhãn tiền vì "có đức không sức mà ăn".
Người nông dân còn nhiều thú tiêu khiển khác rất độc đáo như đua xe bò, đua ghe, xuồng, thi đua hò giã gạo, giã bàng, xay lúa, hò tát đìa, cắt, gặt lúa... Người nông dân, chân lấm tay bùn nhưng tâm hồn thơ thới rộng mở và rất nhạy bén trong mọi sinh hoạt. Trong lãnh vực hò huê tình đối đáp, chọc ghẹo trao duyên giữa trai gái trong những lúc làm lụng cực nhọc vất vả, để tạm quên thời gian và vui với công việc. Đó cũng là thú tiêu khiển làm say sưa nhiều người và cũng làm giàu cho kho tàng văn chương nước nhà. Những thú tiêu khiển khác như đá gà, đá cá lia thia, chơi bài, hốt me, đề, đi gác cu... người dân ở nông thôn thường mê nhưng họ mê chơi sau mùa cày, mùa lúa hay sau những ngày lạnh lẽo cực nhọc bắt cá bắt tôm. Còn đám trẻ nhỏ con nít có nhiều thú tiêu khiển khác, như chơi: hú tìm, nhảy dây, thả diều, chơi đá dế, bắt ong bầu hát, thảy lỗ lạc, mổ de, chơi trái tràm v.v... Người nông dân còn thích nghe hát máy.
Những dàn hát máy hiệu Con Gà (Pathé), Columbia, Con chó nghe kèn (La voix de son maitre) quay tay, những dĩa hát dầy cộm nặng chình chịch, không phải nhẹ nhàng đẹp đẽ như ngày nay. Giọng đọc truyện Tàu, đọc thơ : Tấm Cám, Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn, Trần Minh Khố Chuối... Giọng đọc ngập ngừng ê a dưới ngọn đèn dầu mù u, dầu cá, dầu dừa hiu hắt và được các cụ say mê thưởng thức
Chơi đá gà, hay còn gọi là chọi gà. Ở nhà quê những nơi có hai mùa: nước ngập và mùa khô. Mùa nước nổi lêu bêu có nhiều thời giờ rảnh hơn mùa khô nhưng người ta không chơi đá gà vì không có đất để làm trường đá gà còn gọi là đấu trường. Môn chơi đá gà ở Mỹ bị cấm kỵ, nhưng người sắc dân gốc Á Châu, đặc biệt là H'Mong, Lào, Việt Nam rất đam mê và cũng thường bị cảnh sát bắt, có thể bị tòa kết án đến sáu tháng tù ở và một ngàn đô la tiền phạt.
Trường gà, nói chung là chỗ tập trung chơi đá gà. Một cái trường gà được vây quanh trên một mảnh đất phẳng phiu bằng một loại bồ, cót hoặc lá, cao từ mặt đất lên chừng năm tấc, đường kính năm, mười thước, đủ để một cặp gà quần thảo nhau, mổ, cắn, đâm rượt nhau.
Từ xưa tới nay, môn đá gà rất ít thấy có phụ nữ tham gia. Đây cũng là một cách chơi có nhiều cảm giác mạnh, rất hung dữ, những người yếu bóng vía hay thương loài vật không đành lòng ngắm nhìn chúng đâm, cắn nhau dữ dội.
Trường gà là một cái vòng tròn, xung quanh trường gà, người ta cũng thường xếp ghế để cho những tay chơi ngồi theo dõi. Đa số dân mê xem đá gà không chịu ngồi ghế mà thích đứng xem chỉ chỏ mới đã. Chẳng khác dân ghiền xem đá banh, dù khán đài có ghế có số đàng hoàng, khán giả cũng thích đứng la hét hoặc tràn ra sân cổ võ. Buổi khai mạc tại một trường gà là một thủ tục mở đầu mùa đá gà ngắn ngày hay dài ngày.
Thời xưa, đá gà được làng nước cho phép, chấp thuận, hay sau này nhiều nơi muốn mở cuộc đá gà phải xin phép trước chính thức hoặc bán chính thức hay chơi lén đều có buổi khai mạc. Buổi khai mạc là buổi chơi gà đầu tiên có nhiều người tham dự kể cả những người có chức có quyền chứng kiến.
Truyền thống, tập tục chơi đá gà thường là trong những ngày xuân. Người ta vui xuân có đá gà, chọi trâu để tạo thêm không khí tưng bừng cho những ngày đầu năm, một dịp để dân quê vui chơi giải trí, nhưng càng ngày môn đá gà càng trở thành nơi sát phạt ăn thua làm cho nhiều người tán gia bại sản.
Trường gà được lựa chọn cẩn thận, nếu làm ở khu đất rộng trống trải, người ta làm mái che để tránh nắng. Nhiều khi dân ghiền còn chơi vào mùa mưa nữa, nên mái che rất cần thiết. Đó là nơi chơi đá gà có tổ chức hẳn hòi, ăn thua lớn. Còn những nơi đá gà ăn thua nhỏ hoặc chỉ đá một hay hai cặp rồi nghỉ, hôm khác chơi tiếp ít khi họ làm mái che, ngay cả đâú trường, võ đài gà đá nhau cũng không có.
Một trường gà có tổ chức như là một hội chợ, có thể ở trong một khu vườn lớn có nhiều cây cối mát mẻ hoặc một khu đất trống rộng thênh thang. Ở miền Tây, tỉnh nào cũng có nhiều trường gà lớn, thường chơi vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ và những ngày Tết. Còn ở nhà quê cũng thường chơi đá gà vào dịp Tết hoặc những khi có cáp độ trước từ xã nầy sang xã kia chơi, không nhất thiết phải là ngày thứ bảy, chủ nhựt. Ở nhà quê ngày nào cũng làm việc, khi hết việc ngày nào cũng có thể hẹn nhau chơi đá gà hay chơi cờ bạc, không cần phải là nghỉ cuối tuần như dân thành thị.
Đúng nghĩa một trường đá gà, có ghế ngồi, có mái che, có bán buôn đủ thứ từ cà phê, hủ tíu, bún thịt nướng, bún nước lèo, cơm phần, cơm dĩa nghĩa là có đủ thức ăn để cho người
chơi đá gà ăn uống vui chơi thoải mái. Còn có đủ chỗ để gởi xe hoặc ở sông rạch phải có chỗ để ghe xuồng cập bến, đậu.
Trường gà còn gọi là võ đài, nơi gà đấu chọi nhau, người ta không tráng xi măng mà chỉ là sân đất đổ thêm một ít cát để được phẳng phiu mịn màng, hoặc nơi có cỏ thật thấp, gà không bị vướng khi nhảy đá vào nhau.
Tại trường gà có đặt một cái bàn, gọi là bàn tổ. Bàn đủ rộng để bày nhang đèn, một dĩa trái cây, bánh, nước trà, rượu để cúng tổ. Người ta thường có quan niệm, ngành nào, môn nào, trò chơi gì cũng đều có tổ, đến nghề làm điếm, các cô ả giang hồ cũng có cúng tổ Thần Bạch Mi. Hồi xưa, bàn tổ cũng là bàn trọng tài. Người chủ trường gà còn kiêm trọng tài tuyên bố con gà nào thắng, con gà nào thua, đồng thời họ lấy xâu nữa. Họ ngồi tại bàn này để điều hành các độ đá gà đúng với qui tắc được mọi người chấp nhận.
Cuộc chơi đá gà thường bắt đầu từ chín hay mười giờ sáng, chấm dứt vào khoảng bốn, năm giờ chiều. Một chủ lò nuôi gà đá có đến hàng chục con, họ tập luyện, vô nước, vô nghệ, coi chân coi cẳng, coi cựa, xem vẩy, xem tướng, xem lông. Nghĩa là họ chọn lựa gà đá rất kỹ, theo dõi từng li từng tí, từng thói quen của mỗi con gà, đánh giá xếp loại vào hạng nào để đưa chúng ra trận đấu ăn thua lớn hay nhỏ. Con gà trống nào mà chủ gà chê thì chỉ có nước làm thịt nhậu thôi.
Nuôi một con gà đá rất công phu. Trước hết phải lựa giống cha mẹ ngon lành mới sanh được con giỏi, gà cha vô địch chốn trường đá, gà con hy vọng nối tiếp được bản lãnh, tài sức của gà cha. Chăm sóc từ miếng ăn, nước uống, khi gà có đủ lông, cựa nhú dài ra. Người chủ lò gà hay cá nhân nuôi vài con cũng phải có chương trình tập luyện gọi là quần gà mỗi sáng sớm bắt chúng phải éc-xẹt-xai.
Chưa hết, người chủ gà hoạch định chương trình thực tập đấu đá để gà quen trận mạc. Trở thành một con gà đá hẳn hòi, chúng phải trải qua nhiều tháng luyện tập thân thể, huấn nhục, đấu thử, vô nghệ để được chắc da chắc thịt, không mập bệu như đám gà thịt. Gà đá phải có ít nhứt ba trận đấu thử với một đối phương mà người chủ gà chọn lựa. Mỗi trận đấu thử thường cách nhau gần một tuần lễ. Danh từ của giới đá gà, đấu thử, thực tập trận mạc, gọi là xổ. Khi xổ gà, điều trước nhứt là phải bịt lại đôi cựa đáng giá của nó. Gà đá mà cựa ngắn hoặc cựa bị gãy hay một lý do gì đó, cựa gà không nhọn không bén, không vừa ý, con gà đó dù tướng tá có ngon lành, nhảy có cao, cắn mổ có giỏi, dai sức cũng bị loại mà thôi. Tuy nhiên, sau này gà đá còn trồng thêm cựa bằng thép thiệt hoặc bằng cựa tốt của những con gà đàn anh đã bị làm thịt để lại, người ta lại dùng các con gà có cựa ngắn, không vừa ý đó để đi đá miễn chúng đá hay là được.
Sau mỗi lần xổ, thế nào gà cũng bị thương tích, đầu cổ thường chảy máu, chân nách cũng bị xây xát, da thịt bị rách dùng kim chỉ khâu vá lại. Món thuốc thần là nghệ được mài ra thoa lên những vết thương chỉ một vài ngày là lành mà lại chắc da thịt thêm. Lông đầu được cắt trụi, con gà đá nào có cái đầu trọc lóc, đối phương dùng mỏ cắn vào đầu gặp đầu trọc cũng dễ bị tuột hơn đầu có lông. Đặc tính của gà đá là nó lựa thế cắn chặt vào đầu dùng sức mạnh nhảy lên, cựa sẽ đâm vào da thịt đối phương.
Lông chân cũng được tỉa sạch, đầu chân, chỗ nào không có lông, người ta vô nghệ thường xuyên. Vào buổi trưa trời có nắng, nghệ được mài trong những cái nắp khạp có nước sền sệt, dùng lông gà nhúng nước nghệ phết vào chỗ da thịt đỏ tươi không có lông bao phủ, những chỗ đó thêm rắn chắc. Gà đá chỉ có hai loại chọn để chơi, gà nòi và gà tre. Đám con nít hay những người chơi đá gà cho vui không có tính cách sát phạt ăn thua đậm có thể chơi đá gà tre vào những buổi trưa rỗi rảnh.
Gà tre nhỏ con nom y chang như gà rừng; còn gà nòi to con, lớn nhứt trong họ nhà gà, da thịt lúc nào cũng đỏ au. Người nào thường xuyên mặt đỏ hồng hào được gọi là người có mặt gà nòi, nghĩa là người khỏe mạnh, anh hùng, có nhiều đàn ông tính. Còn ông nào có cái mặt tai tái được mệnh danh là mặt gà mái, nhát như thỏ đế, hạng người tầm thường như gà mái chỉ có làm thịt, đâu có đấu đá gì được. Nơi trường gà có tổ chức hẳn hoi, chỉ có đá gà nòi ít khi nào đá gà tre. Hơn nữa gà tre ít người nuôi hơn vì chúng nhỏ con làm thịt chẳng được là bao mà chúng cũng không kiên cường chiến đấu đá nhau cho tới chết mới thôi như gà nòi.
Trên bàn trọng tài thường có một cái đèn dầu loại đèn bánh ú, có ống khói, nhiều nhang, một cái dĩa, một chai rượu đế, một bình nước trà cùng vài cái chung nhỏ, một cuộn chỉ, một đồng xu có lỗ. Đó là dụng cụ của người trọng tài cầm chịch cuộc đá gà.
Hai chủ gà và phe nhóm của mình, sau khi quan sát so sánh tỉ mỉ từng li từng tý kể cả dáng dấp, cựa, sức nặng. Mỗi bên đều phải có lợi điểm theo con mắt chủ quan của mình. Cáp được một độ gà rất lâu. Có nhiều chủ gà hoặc một lò nuôi gà nòi nào đó mang đến hàng chục con nhốt vào những cái bội để gần trường gà.
Người tham dự cuộc chơi cũng giới thiệu với người chủ gà những con gà của đối phương để hai bên xem xét tính toán cáp độ với nhau. Nhờ có hàng trăm con gà ở những trường đá lớn nên việc cáp độ cũng tương đối gặp thuận lợi hơn. Ai cũng muốn gà của mình có nhiều ưu thế hơn gà đối phương nên việc cáp độ thật là khó nhưng nhờ có nhiều gà, nên lắm lúc hai ba cặp gà cũng được cáp độ xong xuôi, lần lượt vào trường đấu. Mỗi bên lên danh sách những người đi tiền theo con gà nào nghĩa là ủng hộ con nào thì theo, có sổ sách đàng hoàng do trọng tài giữ.
Đây là danh sách chánh thức, nhưng danh sách này không thấm vào đâu với những cuộc "quăng bắt" bằng miệng với nhau, bằng những cái "nghéo" tay danh dự. Nhiều độ gà chưa lâm trận, có bên đã "chấp" trước. Họ có nhiều lợi thế hơn, như gà lớn hơn một chút, hoặc cựa dài hơn hay con gà đã nổi tiếng có nhiều trận thắng oanh liệt trước rồi, nên họ phải chấp đối phương mới chịu theo. Có lúc chưa vào độ chánh thức, người ta đã "quăng" ăn bảy, ăn năm. Nghĩa là một trăm đồng chỉ ăn bảy chục, năm chục, khi thua họ chung đủ một trăm. Còn những người không theo con gà mà mình thích khi lập danh sách tiền độ, những người đó cũng được tham gia trận đấu gọi là đá "hàng xáo", nghĩa là họ rủ rê người nầy người nọ chơi một bên, họ chơi một bên ăn thua ngang nhau hoặc chấp trước mười phân, hai mươi phân, năm mươi phân. Tại trường đấu gà, quang cảnh lúc nào cũng náo nhiệt, tiếng bàn luận hoặc cãi vã thật rôm rả ồn ào. Vào trường gà, xem gà đá hoặc quyết lòng ăn thua, mọi người có cái cảm giác vui vui, kích thích, nhanh nhẩu, hoạt bát hơn. Nơi trường gà, sòng bạc, đều có ma lực thu hút con người mặc dù ai cũng biết:
Cờ bạc là bác thằng bần
Cửa nhà bán hết, đưa chân vào cùm.
Người ghiền chơi đá gà, mê chết bỏ, ăn thua lớn thì cũng từ chết đến bị thương. Nhưng họ nào có ngán vì khi mê đá gà ăn tiền như ma dẫn lối quỉ đưa đường, còn chuyện mê cờ bạc chỉ là trò chơi lẻ tẻ. Cờ bạc thiếu những giây phút hồi hộp say sưa theo dõi từng cái nhảy, cái đâm, cái cắn vào đầu vào cổ rất kích động lòng người. Cũng như ngày nay nhiều người Việt mình mê cá độ foofball đến nỗi phải bán nhà, bán xe, mất dốp, mất vợ. Khi nhìn lên màn ảnh rộng, foofball làm cho mọi người thật hào hứng theo dõi từ đường banh, cú chuyền tuyệt vời của cầu thủ. Mê và say sưa theo dõi, xem từng trận đấu và họ chơi cá độ thua hồi nào cũng không hay.
Cá độ đá gà hay cá độ football cũng đều có tác động tương tự. Vật thể trước mắt, trước mặt kích thích sự hiếu thắng, cái tôi của mỗi người nên thua nhẵn túi và mang nợ lút đầu.
Cuộc đấu gà cũng như võ sĩ thượng đài, chia ra nhiều hiệp mà dân chơi gọi là nước. Sau mỗi hiệp, chủ gà lại cho nước gà bằng cách lau khô máu và khâu vá lại những đường rách da thịt. Dùng một cái khăn nhúng vào nước vắt vài giọt cho gà uống. Săn sóc viên gà phải là người chuyên môn có kinh nghiệm, họ dùng miệng hút máu ở vết thương. Họ còn dùng rượu đế phun vào các vết thương, một hình thức sát trùng và làm cho vùng chấn thương được mát mẻ. Một hiệp hay là một nước. Người ta dùng một cây nhang chia ra nhiều đoạn, mỗi đoạn chừng hai ba phân. Một sợi chỉ xỏ qua lỗ giữa của đồng xu buộc lại thành một cái vòng, chỉ máng (treo) nơi chỗ ghi, khắc trên cây nhang chia hiệp.
Trận đấu gà bắt đầu cũng là lúc trọng tài đốt nhang. Khi nhang cháy đến chỗ có vòng chỉ, đồng xu nặng tòn teng, sợi chỉ đứt, đồng xu rơi xuống dĩa nghe một cái keng. Trọng tài hô lớn: Hết hiệp. Chủ gà nhanh tay bắt gà nghĩa là gà ai nấy bắt để săn sóc. Chừng năm phút sau, trận đấu lại tiếp tục. Nước tiếp theo mà cũng chưa phân thắng bại lại tiếp tục nước thứ ba... đến khi nào một trong hai con thua chạy lòng vòng trong đấu trường hoặc nằm chết hay nằm gục tại đấu trường. Trọng tài đếm từ một đến tiếng thứ mười mà gà đối phương không đá tiếp, trọng tài tuyên bố gà thắng gà thua. Tiền bạc giải quyết xong. Trận đấu gà khác lại tiếp tục.
Ngày xưa, cách vài thập niên trước, người ta chơi đá gà, không có gắn thêm cựa, nghĩa là cựa nguyên thủy có sao để vậy, họ chỉ o bế, vuốt cựa cho nhọn là đủ. Sau này, để mau ăn thua, độ gà sớm kết thúc, người ta gắn thêm cựa còn gọi là trồng thêm cựa bằng thép hoặc có trường gà chỉ cho phép dùng cựa gà thật lấy từ những con gà có bộ cựa tốt trồng vào.
Xem đá gà với đôi cựa sắt, trồng thêm cựa, một người yếu bóng vía nhiều khi thấy chóng mặt vì con gà nào cũng bị đâm máu me đầm đìa thật khủng khiếp. Cuộc đấu sớm kết thúc, mỗi ngày có thể đá bốn, năm trận. Còn gà để cựa nguyên thủy có khi từ sáng đến xế trưa chỉ đá được có một trận. Cuộc chơi cũng đành tạm nghỉ, nếu đá thêm trận thứ hai e rằng đến trời tối, mà chưa chắc phân định được sự ăn thua.
Câu nói của ông bà mình rất đúng trong mọi trường hợp: "Cờ gian, bạc lận". Chỗ nào đánh bạc, đánh bài ăn tiền, người ta thường vận dụng tính gian tham trong đó. Đá gà cũng vậy. Người chủ gà luôn đề cao cảnh giác, sợ đối phương đến xem gà của mình tại lồng, tại bội cho thức ăn bậy bạ làm cho gà mình bị bịnh thình lình khi vào trường đấu sẽ thua cuộc. Trọng tài còn cho phép hai chủ gà được lau cựa gà của đối phương trước khi đấu vì sợ rằng chủ gà tẩm ngải hay thuốc độc làm cho gà đối phương bị bịnh hay chết ngay khi bị thương. Cẩn tắc vô áy náy. Môn cờ bạc nào cũng có nhiều cách ma mảnh, gian xảo, nó lại có nhiều ma lực thu hút người chơi, mê đến đỗi không còn kể gì đến gia đình, danh dự. Những nơi nào có cuộc đỏ đen, muốn chắc ăn, hồn mình, mình giữ, chúng ta nên lánh càng xa càng tốt. Đó là cách tránh thần cờ bạc rủ ren mê hoặc hay nhất.
 

tymkp1225

Quy ẩn gian hồ
Joined
Mar 23, 2011
Messages
1,182
Points
83
MỘT TRẬN ĐÁ GÀ LỊCH SỬ

Vào khoảng tháng hai năm 1941. Vừa ăn Tết Nguyên Đán xong, không khí Tết còn phảng phất, những sòng bài ăn thua lớn sát phạt nhau dữ dội, nay không còn đánh công khai lộ thiên như mấy ngày xuân, mà rút vào nhà, thường chơi vào đêm tối hoặc khởi sự vào xế trưa. Đồng ruộng phẳng phiu sau mùa lúa và mùa dưa hấu bán vào dịp Tết, lúc nầy người nông dân của xứ Bà Bài và các vùng khác hoàn toàn rảnh rỗi, họ chăm chú vào việc đá gà ăn tiền, hốt me, chơi đề mười hai con.
Khí trời của tháng giêng âm lịch vẫn còn mát mẻ, khô ráo, lại không có công việc gì đáng làm. Thời điểm nầy các trường gà mọc lên khắp nơi. Ông Hương Tuần ở ấp Bà Bài mở một trường gà đồ sộ, nói là trường gà, thật sự là một cái "xẹt" có đủ thứ môn chơi cờ bạc, mà chủ yếu là ban ngày chơi đá gà mà là gà đòn. Chín mười giờ sáng đến ba bốn giờ chiều mới chấm dứt. Sau khi ăn cơm chiều xong, thiên hạ gây vào đánh bạc. Có hai thứ đánh bạc tạm gọi là thanh lịch không ồn ào, không chụp giựt, đó là hốt me và đánh đề mười hai con.
Cái Tết năm 41, xứ Bà Bài trúng mùa lúa lại trúng luôn mùa dưa hấu gọi là trúng cá cặp. Chưa hết mấy tháng trước, mùa nước nổi lêu bêu dân cư ở đây lại trúng luôn mùa thủy lợi, đánh bắt được cá nhiều bán không hết đến đổi phải đổ thành đống phơi làm phân. Hèn chi cái Tết năm đó huy hoàng, cờ bạc và nhậu thả cửa không còn kể trời đất là gì. Trọn tháng giêng ăn chơi xả láng, lại kéo sang tháng hai nữa.
Trong một chuyến viếng thăm xã giao và đưa đội banh sang đấu giao hữu với quận Gòi Tà Lập thuộc tỉnh Tà Keo của xứ Chùa Tháp. Ông Hương Tuần của xứ Bà Bài đem chuông đi đấm xứ người rất thành công, đội banh của ông đấu hai trận đều thắng cả.
Ông Quận Trưởng Gòi Tà Lập thết đãi linh đình và hỏi ông Hương Tuần :
- Xứ của anh có chơi đá gà không ?
- Lúc nầy là mùa đá gà ở xứ tôi. Ông Hương Tuần đáp.
- Ông tổ chức trường gà, tôi sẽ hướng dẫn dân tôi đến chơi đá gà với dân của ông nhá ?
Ông Hương Tuần đồng ý ngay. Ông vừa khai mạc trường gà mới có mấy ngày lại lên đây chơi đá banh giao hữu. Hai bên hẹn ước, nửa tháng sau sẽ có cuộc đá gà lịch sử của hai dân tộc ở vùng biên giới.
Ấp Bà Bài cách Gòi Tà Lập chừng hai mươi cây số đường ruộng, cách biên giới chỉ có một cây số rưỡi. Đường ruộng phẳng phiu, thuận tiện cho việc dùng xe bò làm phương tiện di chuyển.
Ông Hương Tuần cho người thông báo các lò nuôi gà nổi tiếng ở khắp nơi trong tỉnh đưa gà về ấp Bà Bài quyết ăn thua đủ với dân Miên Gòi Tà Lập. Ông Sáu Thiện, em rể của ông Hương Tuần ở Nhà Bàng, nổi tiếng là ông thầy, ông tổ của môn đá gà, đá cá lia thia. Ông Sáu Thiện còn là một thầy bùa, thầy ngải, ông cũng đã luyện thành công thiên linh cái để chửa bệnh cứu nhơn độ thế mà không khi nào lấy tiền của ai. Danh tiếng của ông Sáu Thiện cả vùng bẩy núi và nhiều nơi khác đều biết. Ông đem ba con gà chiến nhứt của ông ra ấp Bà Bài trước ngày đấu đá đúng một tuần lễ. Ông Sáu Thiện cưng nhứt là con gà chuối, lông dài mướt, mồng đỏ trông khí phách như ông Quan Vân Trường thời Tam Quốc. Con gà thứ hai là con gà ô, chân vàng rất dữ tợn như Trương Phi mỗi khi nó lâm trận đá. Con gà thứ ba, xám tro, mỏ vàng, chân vàng, con gà nầy từng đá thắng năm trận, đầu cổ, nách chân đều có thương tích.
Bây giờ con gà xám tro cũng như một lão tướng có nhiều kinh nghiệm trận mạc, nhưng sức dai không bằng con gà chuối non vừa mới lớn rất ư là sung sức. Hơn nữa, người ta chỉ vô nghệ phun nghệ cho các con gà nòi, đàng nầy ông Sáu Thiện còn phun thêm ngải trắng nữa cho các con gà chiến. Ông chăm sóc nó còn hơn là lo cho vợ con. Ông chăm sóc từng li từng tí một, từ miếng ăn thức uống, ông lại cho gà ăn thêm lá ngải, loại ngải trắng trị bá bịnh, đặc biệt là bịnh tức, đau nhức, ngải trắng trị rất tài. Người nào khi lâm trận đánh đấm với đám có võ nghệ mà lại có vô bùa, vô ngải hoặc vô cà tha, nếu có ngậm ngải trong miệng thì không sợ đối phương thôi miên hay dùng bùa ngải làm mê hoặc, choáng váng, mắt nhảy đom đóm. Có ngậm ngải trắng sẽ hóa giải mọi thứ bùa ngải của đối phương và rất vững tâm lâm trận đấm đá. Ông Sáu Thiện còn cho đám đệ tử và những người hâm mộ ông biết ông là bậc sư tổ của các loại ngải bùa, kể cả bùa Lỗ Ban ông Sáu Thiện cũng không ngán chút xíu nào.
Trước khi đem ba con gà chiến ra ấp Bà Bài. Ông tuyên bố như đinh đóng cột, lần nầy chắc ăn như bắp dù gà bọn Miên có vô bùa ngải, cà tha thì gà ông cũng vẫn thắng.
Người ta quần gà thường có một buổi sáng, đàng nầy ông Sáu Thiện quần gà chiến của ông sáng, chiều và đôi khi cả buổi trưa nữa. Thỉnh thoảng ông ngậm nước ngải ngâm rượu, đọc thần chú rồi phun vào nách, chân và sau cùng vào đầu gà. Các con gà nòi nầy thịt da rung rung và lắc đầu qua lại, sau đó chúng như hăng tiết gáy vang, cánh vỗ bành bạch. Ai xem ông Sáu Thiện tập luyện gà đá mà không mê.
Mấy chục người của xã Thới Sơn, vùng Cầu Sắt, gần nhà ông Sáu Thiện biết tin ông đem ba con gà tham chiến với dân Miên lần nầy. Họ xin ghi vô danh sách đá độ, kẻ nhiều người ít cộng chung cũng được vài trăm đồng bạc Đông Dương. Lúc bấy giờ một mét vải chỉ có mấy cắc, một con bò cũng có vài chục đồng thôi. Thế mà danh sách theo đá con gà chuối lên hơn hai trăm. Còn con gà ô, cũng được một trăm hai. Con gà xám tro cũng xấp xỉ một trăm. Mọi người phải lên danh sách trước được ưu tiên ăn thua. Mỗi trận đấu, có khi bên nầy đá nhiều tiền hơn bên đối phương, hai bên phải thảo luận làm sao cho danh sách tiền độ bằng nhau. Vì vậy, ai ghi tên vào danh sách trước được ưu tiên, những người ghi sau sẽ bị rút ra.
Ông Sáu Thiện đem gà ra Bà Bài sớm để có thời giờ tập luyện chúng cho quen chỗ, khí hậu. Ông Hương Tuần che thêm rạp. Ghe xuồng tấp nập tới lui, đậu san sát nhau. Từ những vùng xa như miệt Long Khánh, Hồng Ngự đi phải mất trọn một ngày mới tới được ấp Bà Bài. Cách ngày đá gà chánh thức hai ba ngày, dân chúng tứ xứ tụ tập về đây. Ông Hương Tuần cho làm vài con bò đãi khách. Ai nấy cùng mong cho mau đến ngày quan trọng nhứt của vùng nầy.
Đây là lần đầu tiên, trường gà ở nhà ông Hương Tuần có tính cách thật đại chúng, qui tụ đủ mọi bộ mặt, loại sư tổ của nghề đá gà. Trước một ngày, từ Gòi Tà Lập với hai thớt tượng, hơn hai chục người ngồi trên lưng tượng cùng với hàng chục túi bàng đựng gà đá trong đó đi xuống ấp Bà Bài. Dân Bà Bài có dịp chiêm ngưỡng hai con voi to với hai cặp ngà dài cong vút. Người ta tin tưởng rằng voi là thần linh mang đến điềm lành. Ông bà mình đã xếp loại, voi là con vật lớn đứng hàng thứ tư trong trời đất: nhứt điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng. Ở vùng Châu Đốc có nơi gọi Ông Tượng, có nơi gọi là Ông Voi, không ai dám gọi là con voi, con tượng bao giờ.
Vùng Thất Sơn, bảy núi, có núi Tượng mà lại cũng có núi Voi nữa. Núi Tượng thuộc xã Ba Chúc, từ vùng kinh Vĩnh Tế, xã Lạc Quốc đi bộ lên chừng bốn cây số. Núi Tượng là thánh địa của Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, một hệ phái của Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo dạy mọi tín đồ phải có hiếu nghĩa với tổ quốc, đồng bào, báo đền tứ ân. Vì vậy mới có tên gọi là Đạo Hiếu Nghĩa hoặc là Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Nơi đây, năm 1979, Khờ Me Đỏ đã tàn sát đồng bào tín hữu Đạo Hiếu Nghĩa lên đến gần một ngàn người. Còn gần Nhà Bàng cách chừng hơn một cây số, có một cái núi nhỏ gọi là núi Voi ở khu vực nầy, hồi thời chiến tranh, du kích Việt Cộng thường phục kích khi xe quân đội di chuyển vào Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng hoặc quận Tri Tôn.
Người dân quê tin tưởng rằng hễ ai đạp được "cứt" voi thì bàn chân nứt nẻ sẽ lành hoặc phòng ngừa được bịnh nầy. Dân quê chỉ đi chân đất không có giày guốc nên ở lòng bàn chân và gót chân thường bị nứt nẻ. Có nhiều người còn tin rằng những đứa trẻ hay đau ốm, còm cõi, bụng ỏng, da méc tái xanh được chun qua bụng voi cũng trừ được các thứ bịnh ấy. Những đứa trẻ thuộc loại con cầu con khẩn "khó nuôi" và những bà bụng mang dạ chửa mà chun qua bụng voi cũng rất tốt xua đuổi được tà ma, bịnh tật.
Khi hai con voi của toán tiền đạo người Miên đi xuống trước, cả ấp Bà Bài như là ngày đại hội. Sáng hôm sau, từ Gòi Tà Lập hàng chục chiếc xe bò bóng loáng, tiếng lạc vang rền, ông Quận Trưởng cùng bà Quận và mấy chục người nữa lại mang theo nhiều con gà nòi chiến, tuyển lựa kỹ quyết ăn thua đủ. Mới hơn tám giờ sáng có đến trên hai trăm người tấp nập tề tụ về trường gà.
Ông Hương Tuần và một vị Thông Phán, một ông Cò ngồi một bên, ông Quận Trưởng với vài vị Chức Sắc của phía Miên và có một ông Lục, Sư của người Miên, ngồi một bên các vị nầy. Họ ngồi tại bàn danh dự chứng kiến ngày đá gà lịch sử.
Trong khi chờ đợi cáp độ giữa gà của người Miên và người Việt. Một độ đá mở màn giữa con gà nòi của đất Long Khánh với con gà của xứ Núi Sam. Trận đấu diễn ra rất hào hứng ngay từ hiệp đầu, danh sách đánh cá lên đến gần một trăm đồng. Trước đây những độ đá thường chỉ chừng năm, ba chục. Thiên hạ quăng bắt, đá "hàng xáo" ào ào tạo không khí vui tươi tưng bừng. Hai ông bà Quận Trưởng và các người Miên nói cười líu lo, tỏ vẻ thích thú, hài lòng trong cuộc đá gà lịch sử nầy.
Vừa hết hiệp hai, hai bên bắt gà cho nước và hiệp ba vừa bắt đầu con gà Long Khánh nhảy cao chém một nhát cựa vào đúng mắt trái của con gà Núi Sam, gục đầu lầm lũi, máu chảy ròng ròng và cuối cùng nó chạy vòng vòng không đá nữa, thế là thua. Trận mở màn chấm dứt. Trận thứ hai lại đúng con gà xám tro đá với con gà chuối của người Miên, mà con gà chuối nầy kể như là con gà trắng trông rất hung dữ, ông Lục người Miên, đọc kinh hay niệm chú gì đó. Bên nầy, ông Sáu Thiện cũng niệm thần chú bắt ấn và thổi nước ngải "phèo phèo" vào con gà xám tro, nó đứng lắc mình vươn đôi cánh như muốn gáy rồi lại thôi. Danh sách đánh cá lên gần năm trăm đồng Đông Dương. Riêng danh sách xã Thới Sơn Nhà Bàng của ông Sáu Thiện cũng lên đến hai trăm rồi. Hôm qua một người bạn thân của ông Sáu Thiện mê con gà xám tro nầy, ông đem bán một cặp bò được đâu sáu chục, ông theo hết với con gà ruột mà ông rất mê thích. Ông Hương Tuần cũng ghi vào danh sách một trăm, tờ giấy bộ lư tổ chản móc bóp lấy ra. Bên Miên gom góp lại chỉ có bốn trăm năm chục đồng, ông Hương Tuần rút bớt gần năm mươi đồng để cho độ đá được tiến hành ngay.
Mọi người như nín thở, chờ xem hai con gà chiến nầy tượng trưng cho trận đấu của hai sắc dân có máu mê đá gà ăn thua lớn.
Không biết ông Sáu Thiện đọc chú hay thì thầm điều gì đó với con gà xám tro đã từng ăn năm trận rồi. Trọng tài ra lệnh chuẩn bị. Hai bên vuốt lại lông gà nhắp nhắp vài cái để chúng nhìn gườm gườm nhau rồi cả hai buông gà ra nhẹ nhàng.
- Róc, róc, róc.
Con gà xám tro vừa xáp lá cà là nhảy cao nã ba phát liền vào mình, vào đầu và vào cổ con gà trắng chới với, nhưng nó là loại gà chịu đòn giỏi và còn lì lợm nữa. Nó nhanh nhẹn xỉa đầu vào nách con gà xám tro tránh sự tấn công của đối phương, chúng quần nhau, có thời giờ nghỉ ngơi, lấy lại phong độ. Mất mấy chục giây nó lựa thế quặp lưng vào đầu con gà xám tro nhảy tưng lên đá một phát như trời giáng. Nhưng may cho con gà xám tro, vì bị vướng vào nách, cái cựa dài của con gà trắng đâm rách sướt một đường dài chỉ đủ rướm máu, không gây thương tích trầm trọng cho đối phương. Có lẽ con gà xám tro như biết người biết ta, con gà trắng nầy không phải thứ dễ ăn như năm con gà trước đây. Hai con quần nhau lựa thế đá. Hết hiệp hai vẫn bất phân thắng bại.
Ông Sáu Thiện có vẻ lo, vì nếu trận đãu kéo dài e rằng con gà xám tro không đủ sức chịu đựng, nó thuộc vào loại lão tướng. Ông phun nước ngải, nước nghệ vào đầu, cổ, nách và chân cho mát. Ông dùng cái khăn thấm một chút nước banh mõ con xám tro cho uống vài giọt nước. Ông vẫn thì thầm với nó, mọi người xung quanh không biết ông nói gì. Ông lau lại đôi cựa. Sau một phút chăm sóc con xám tro coi bộ khỏe ra, khí thế hơn hiệp hai.
Mới vào hiệp ba, con gà trắng tấn công liền, con xám tro né kịp và nhanh như chớp, xoay mình mỏ quặp đúng vào cái đầu trọc lóc của con gà trắng, nhảy thật cao. Mọi người nghe một cái "bựt", con gà trắng lăn đùng xuống đất, máu me đầy cổ nó cố cựa quậy, muốn đứng lên nhưng không làm sao đứng lên được. Đôi mắt của nó nhìn trừng trừng vào con gà xám tro như trút bao hận thù. Trong khi đó, con xám tro tỉnh bơ đứng cạnh bên, đợi con gà trắng đứng lên là giáng đòn tấn công khác. Giống gà nòi rất có tinh thần anh hùng mã thượng không bao giờ tấn công thêm vào kẻ bại trận đang thoi thóp.
Trọng tài đếm đến tiếng thứ mười mà con gà trắng vẫn còn nằm dù chưa chết. Thế là con xám tro thắng trong vinh quang.
Trận đá thứ ba, một con gà ở Hồng Ngự đấu với con gà ở Cây Mít, chỉ có hai nước kết thúc trận đấu, con gà Hồng Ngự rượt con gà Cây Mít chạy có cờ.
Độ thứ tư giữa một con gà của dân Miên và một con gà của ông Năm Giỏi ở xã Mỹ Đức. Qua đến hiệp thứ tư con gà của ông Năm Giỏi bị con gà Gòi Tà Lập đâm chết giẫy đành đạch. Độ thứ tư này bên phía Việt Nam thua trên hai trăm.
Ông Hương Tuần đang nói chuyện với ông Quận Trưởng, ông Sáu Thiện khều nói nho í:
- Anh hai ơi ! Con gà chuối có độ rồi, nó đá với con gà cưng của ông Xã Trưởng ở Gòi Tà Lập. Danh sách lên đến tám trăm.
Ông Sáu Thiện hỏi tiếp :
- Anh hai đá độ nầy bao nhiêu ?
- Tao thêm cho đủ một ngàn nghe.
Ông Sáu Thiện gật đầu, lui ra, chuẩn bị trận đấu then chốt cuối ngày hôm đó.
Cả trường gà sôi nổi lên, ai cũng bàn tán. Với số tiền đá độ kỷ lục, trị giá bằng mấy chục con bò. Ông Quận Trưởng ngồi cũng không yên, đứng lên đi tới đi lui, xí xô với mấy người Miên đang làm danh sách trận đấu. Ông cũng móc bóp đưa mấy tờ giấy bạc, có lẽ cũng một hai trăm gì đó. Cả hai bên cho biết số tiền đánh cá ngang nhau rồi. Trận đấu sắp bắt đầu, khóa sổ, không lên danh sách nữa. Ai có đá thì đá "hàng xáo" ở ngoài.
Mặt ông Sáu Thiện như ngây như dại, nhìn đăm đăm vào con gà chuối, miệng nói thì thầm mà người ta nói ông Sáu đọc thần chú, khích tướng con gà chuối trước khi ra trận mạc. Ông vuốt đầu, vuốt lông, hôn nó. Con gà chớp mắt tỏ vẻ xúc động, nó lắc mình xù lông, chớp cánh liền mấy cái, cất tiếng gáy thanh tao. Ông Sáu Thiện sung sướng ra mặt, thấy con gà chiến số một của mình ngon lành, hiên ngang gáy vang. Mọi người lại bàn tán, trận đấu chưa bắt đầu mà con gà chuối đã gáy vang làm cho nhiều con gà khác cũng gáy tiếp theo. Con gà ghét tiếng gáy là như vậy đó.
Cả trường gà tăng thêm không khí sôi động. Bên phía ông Sáu Thiện quăng mười ăn bảy. Nhiều người Việt cũng như người Miên bắt liền vì họ cũng nhận biết con gà của ông Xã Trưởng ở Gòi Tà Lập có cái dáng đứng oai phong, lông màu xám pha lẫn với màu đen, chân vàng nghệ, mỏ vàng. Trông sắc diện, lông cánh, chân, vẩy, cựa, đầu cổ chỗ nào người ta cũng thấy ngon lành, vừa ý. Những cái móc nghéo giao ước, quăng bắt thật rộn rịp.
Trọng tài ra lệnh trận đá bắt đầu. Ông Xã Trưởng ở một góc trường gà, ông Sáu Thiện ở một góc đối diện. Cả hai niệm chú, một thứ tiếng mà không ai hiểu gì hết. Một tay chận ngực con gà, một tay nắm ngay chỗ đuôi gà, thủ thế. Trọng tài nói hai thứ tiếng, cấm không ai được đẩy gà của mình tấn công trước gà đối phương vì đó là lợi thế, ăn gian những người đá gà. Cái đẩy mạnh đó rất nguy hiểm, nhiều khi con gà đối phương chưa buông ra, chưa sẵn sàng con gà được đẩy tới đá liền. Vì vậy, cho công bình, hai bên giữ chặt gà lại chỉ để cho chúng nhìn nhau chuẩn bị xáp trận. Cả hai buông tay ra nhẹ nhàng, không ai được đẩy con gà mình tới tấn công trước. Khi hai bên buông gà ra, lẹ làng bước ra khỏi trường đá ngay. Tiếng Miên tiếng Việt nói qua nói lại rộn rã, cuộc đá hàng xáo và quăng bắt vẫn tiếp tục dài dài.
Hết hiệp một, hai con gà như chưa nóng máy chỉ lừa thế, tránh né nhau nên không có con nào bị thương tích gì cả. Trận đấu hơi chìm xuống, nhưng mới vào hiệp hai, con gà chuối của ông Sáu Thiện tấn công liền, nã hai ba phát tới tấp một cú "xí mứng" như một võ sĩ đánh thẳng vào mặt bằng cả hai tay, đàng nầy con gà chuối dùng hai chân với hai cựa dài giáp công lại nhảy đâm thẳng vào đầu vào cổ con gà xám đen, nó cũng rất nhanh né tránh nhưng không còn kịp nữa, một cái cựa phải đâm thẳng vào cổ máu phọt ra có vòi.
- Đổ máu rồi, đổ máu rồi. Con gà chuối ngon lành quá.
Mọi người nhao nhao lên. Vừa mới thấy con gà xám đen máu me tùm lum; như lấy bình tĩnh, nó dùng hết sức tàn của mình nhảy tưng lên thật cao đá hai chân cùng một lúc. Một cựa trúng vào mặt, một cựa trúng vào cổ, con gà chuối chới với té lăn nằm một đống nhưng vẫn còn cục cựa. Con xám đen cũng hết xí quách, máu me ra quá nhiều cũng nằm bất tỉnh một góc. Cả hai con không tài nào đứng dậy tiếp tục trận đấu.
Trọng tài đếm tới tiếng thứ mười, hai con không còn sức lực, ngất ngư thoi thóp, trọng tài xử huề, không bên nào thắng cả. Hai bên bắt gà ra. Lấy khăn thấm nước lau các vết thương, dùng miệng hút hết máu bầm, máu độc ra,dùng kim chỉ khâu lại vết thương, xoa nghệ.
Sau đó ông Sáu Thiện phun rượu có tẩm ngải trắng. Chỉ vài phút sau, con gà chuối đứng vững được. Mọi người thở phào nhẹ nhõm, cũng may vết đâm trên trên mặt rất sâu nhưng không trúng vào mắt. Người ta hy vọng con gà chuối sẽ còn tiệp tục cuộc đấu đá oai hùng sau nầy.
Còn gà ô của ông Sáu Thiện cũng thắng một trận oanh liệt với một con gà của ông đại điền chủ người Miên ở Gòi Tà Lập, dù trận đấu kéo sang đến hiệp thứ năm mới kết thúc.
Ông Sáu Thiện mang theo ba con gà, hai thắng một huề. Một kỷ lục của thầy gà, tiếng tăm của ông vang dậy như sóng cồn. Hôm đó đá được tất cả bảy trận. Chiều đến mọi người ăn nhậu no say. Ông Quận Trưởng xin kiếu về trước. Còn lại đám đệ tử và dân địa phương sát phạt nhau bằng đánh me và đánh đề suốt đêm tới sáng.
Hôm sau, vừa ăn cơm trưa xong, chưa tới mười giờ thiên hạ lại tiếp tục cáp độ đá gà tiếp. Trận đá gà lịch sử năm ấy kéo dài cả một tuần lễ, một dấu ấn nhớ đời của người dân xứ Bà Bài.
 

tymkp1225

Quy ẩn gian hồ
Joined
Mar 23, 2011
Messages
1,182
Points
83
ĐÁ CÁ LIA THIA

Chim quyên ăn trái nhãn lồng,
Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi.
Câu hát dỗ con ngủ của mấy bà mẹ ở nhà quê miền Nam nói lên sự thân thương mặn nồng của tình nghĩa vợ chồng. Cái hơi hướm của tình "tào khang chi thê" khó có gì thay thế được. Còn cá lia thia, cái chậu nước mà nó quen vùng vẫy, sống tự tại, thoải mái cũng khó mà xa cách được. Khi cá lia thia đổi qua chậu khác, môi trường khác, nó sẽ gặp một vấn đề gay góc phải đương đầu để sinh tồn.
Cá lia thia trống mã rất đẹp, thân hình nhỏ, dẹp, kỳ, vi, vẩy màu sắc rực rỡ. Một loại cá luôn thích chiến đấu. Cá trống rất dữ, màu sắc đẹp hơn cá mái nhiều, cũng như gà trống mà lại là gà nòi, gà đòn còn gọi là đá thì phải biết cái mã tuyệt đẹp, lại có tính gan dạ kiên cường. Đặc tính của cá lia thia cũng như đặc tính của gà nòi là luôn tranh thắng với đối phương đồng loại.
Người ta nuôi cá lia thia trong các chậu, hũ, "quện" hay những lọ chao. Đá cá lia thia cũng là một hình thức chơi cá độ ăn tiền như đá gà đòn.
Con cá lia thia nhỏ xíu, không được dùng trong việc kho nấu làm thức ăn như các loại cá khác, mà nó chỉ để đá cho vui mắt như đá dế, đá gà của đám trẻ nhỏ và người lớn lại đá cá lia thia ăn tiền.
Ở nhà quê, tùy theo mùa chơi cá lia thia. Cá lia thia có nhiều là mùa nước lên và khi nước ngập lêu bêu nhận chìm đồng ruộng dưới làn nước phù sa cũng là lúc đá cá lia thia rầm rộ.
Cá lia thia được nuôi bằng nước mưa trong các chậu, hũ khạp lớn có thả vài giề lục bình nhỏ hoặc bèo tai tượng, loại bèo lớn. Hũ, khạp nhỏ thả một ít bèo cám, bèo nhỏ để cá lia thia trú ngụ nhả bọt. Sau một thời gian theo dõi, chăm sóc, chúng được tuyển lựa kỹ thả vào nuôi trong lọ, “quện", keo bằng thủy tinh, chúng sẵn sàng chiến đấu.
Người ta còn "ép" cá lia thia, nghĩa là lựa những con cá lia thia có thành tích chiến đấu thắng oanh liệt đối phương, hay những con trông gồ ghề, đẹp mã, cho chúng ân ái, sống chung với một nàng cá mái, loại tốt mái để sinh con nối dòng nối dõi hào hùng. Cặp cá nầy hưởng hạnh phúc tuyệt vời trong một cái lu hay cái khạp lớn có bèo, lục bình và thức ăn dồi dào như lăng quăng, trùn chỉ. Hơn nữa, tổ uyên ương của chúng được để trong những chỗ khuất, có ít ánh sáng, chúng tha hồ mà mơn trớn làm tình đều đặn. Nhiệm vụ của chúng là sản sinh ra thế hệ thứ hai và khi con cái chúng đủ lớn khôn tham gia trận chiến đá nhau được, đó cũng là thời điểm chấm dứt mùa đá cá lia thia.
Khi nước cạn dần, đồng ruộng khô ráo, người ta lại chơi đá gà nối tiếp. Không biết căn cứ vào đâu mà người dân quê gọi một loại cá lia thia là cá Xiêm, thân hình, kỳ vi màu xanh thẫm, hơi đen, rất dữ. Có phải màu đen đen là màu da người Xiêm (Thái Lan) nên gọi là cá Xiêm chăng? Như vậy, cá lia thia có hai giống, thân hình và kỳ vi màu sắc hồng nhạt là gốc bản xứ, còn màu xanh đen là cá của xứ Xiêm La du nhập vào Việt Nam? Chúng ta đã từng nghe biết vịt Xiêm, chuối lá Xiêm, có lẽ triều đình Thái Lan khi xưa triều cống Việt Nam các thứ nầy, không lẽ Thái Lan cũng triều cống cá lia thia nữa? Người sành điệu, dân chơi đá cá lia thia vào loại thượng thừa chỉ nhìn thoáng qua là biết cá nào có tính chịu đựng gan lì, chiến đấu cao dù đó là cá lia thia hồng nhạt hay cá lia thia màu xanh thẫm.
Thật tình mà nói, đa số cá Xiêm kiên cường, chịu đựng giỏi và rất lì trận mạc "oánh" nhau với đối phương. Vì thế, người ta thường lai giống cá Xiêm mái với cá lia thia trống có màu hồng nhạt.
o
Thế nào là một trận đá cá lia thia ?
Dân chơi đá cá lia thia, y như rằng họ cũng thích chơi đá gà đòn. Mùa nước ngập, không có trường gà thì có trường đá cá. Người dân quê làm việc quá cực nhọc vất vả, một nắng hai sương nhưng khi chơi, giải trí họ cũng "chơi cho lịch mới là chơi, chơi cho đài các cho người biết tay". Giờ đá cá lia thia thường sau bữa cơm trưa. Ở nhà quê, chín, mười giờ sáng đã ăn cơm trưa rồi, các trận đá có liền sau đó. Những người ở xa, muốn đến trường đá cá, không thể để những con cá lia thia trong hũ, trong chậu, trong quện đưa đi rất lỉnh kỉnh; chậu, hũ lớn làm sao bê, xách theo nhiều được. Chỉ khi nào dùng xuồng đi tới chỗ trường cá, họ mới để nguyên trong lọ nhỏ đem đi. Khi mang đi năm, mười con cá, người ta dùng những lá môn hoặc lá sen còn non, chưa già vì già dòn, khi túm lại dễ bị chảy nước. Túm lại những lá môn, lá sen có một ít nước trong đó cho cá lia thia vào buộc miệng lại. Cứ thế mà xách đi bao xa cũng được rất tiện lợi. Tuy nhiên, làm như vậy khi đến trường cá, các con lia thia nầy cũng sẽ cho vào lọ, hũ với nước mưa, đặc biệt là nước mà chúng đã quen sống trước đó.
Một kinh nghiệm nuôi cá lia thia hoặc bất cứ một loại cá kiểng nào. Nuôi từ cá con trong kế hoạch nuôi cá để ăn hoặc kinh doanh, phải có kỹ thuật. Chúng quen dần với môi trường sống mới, chúng không chết khi thay đổi môi sinh.
Chú ý câu hát trên, lia thia quen chậu, ở đây có nghĩa chính là môi trường sống của nó; nếu cá lạ nước dễ bị "sóc", ngất ngư hoặc chết. Còn cái chậu chỉ là một vật để chứa đựng nước, cũng có ảnh hưởng, nhưng không ảnh hưởng sự sinh tồn bằng môi trường nước. Muốn chắc ăn, khi nuôi cá kiểng, mua ở tiệm về. Trước khi thả vào hồ, cho cá vào cái chậu, cái thau, đã có ít nước lấy từ trong hồ, để cá quen nước dần với môi trường mới rồi mới thả cá vào hồ. Người chuyên nghiệp, thường dùng tỉ lệ một phần ba nước hồ với hai phần ba nước cá đang sống. Cá quen tiếp xúc với môi trường nước lạ từ từ, sau đó thêm nước hồ, khi thấy cá thật sự quen nước, người ta mới thả cá vào hồ. Như vậy cá không bị "chói" nước. Cá lia thia cũng vậy, khi đem cá đến trường đá người ta cũng múc một ít nước của cái quện to dùng làm trường đá đổ vào lọ đựng cá lia thia sắp lâm trận chiến. Mục đích, người ta pha nước trong quện dùng đá cá để cho chúng quen nước như người chiến sĩ quen địa thế vậy.
Cáp độ cá cũng như cáp độ gà. Tuy nhiên, cáp độ cá rất nhanh vì mỗi người mang theo nhiều cá. Chủ trường cá tỏ ra công bình, thường có qui định, ai cũng phải cho cá vào những lọ nhỏ, như hũ chao, cái ly nhỏ chẳng hạn, nước ít để hai bên dễ nhìn xem cáp độ. Nhìn từ trên miệng nhìn xuống, còn nhìn ở ngoài thành vách thủy tinh không chính xác bằng. Một trận đá cá lia thia y chang như trận đá gà. Cũng có làm danh sách, ai theo phe nào cũng được, miễn sao số tiền hai bên bằng
nhau là bắt đầu trận đá. Đá cá lia thia cũng "quăng bắt" như đá gà, cũng chấp, đánh cá ròn rã suốt trận và đá chỉ một hiệp, không như đá gà chia làm nhiều hiệp, mất nhiều thì giờ. Con cá nào thua là con cá đó chạy lòng vòng trong chậu, con cá thắng trận cứ rượt đuổi, chừng ấy người ta mới múc hai con cá ra, cá ai nấy bắt.
Muốn chuyển cá lia thia từ lọ hũ này sang lọ hũ khác, chủ cá dùng một cái vợt nhỏ, đường kính bằng miệng cái chung uống nước trà, dùng vải mùng may vào một cái vòng vợt có cán thường làm bằng dây kẽm nhỏ hoặc bằng mây hay cật tre già. Cái vợt cá thường có kích thước lớn nhỏ tùy theo cái miệng lọ hũ để xúc cá được nhanh chóng, dễ dàng.
Trường đá cá chỉ bằng một cái phòng ngủ là được nhưng phải sáng sủa. Cái quện nước mưa tổ chản làm nơi thi đấu đặt ở giữa phòng, để trên một cái ghế cao hoặc một cái bàn nhỏ đủ để người ta ngồi "trệt" nhìn xem, theo dõi trận đá cá được. Đá cá lia thia không ồn ào và đông người như đá gà. Cá lia thia nhỏ xíu, nên chừng mười, hai chục người tham dự là vừa. Nhiều người quá không thể quan sát rõ ràng được, sẽ mất hứng thú. Ai có xem đá cá lia thia không thể không có cảm giác lâng lâng, thích thú theo dõi từng động tác cắn, uốn cong mình, vẫy đuôi, phùng mang tấn công đối phương như vũ bão. Nhứt là đám trẻ nhỏ rất mê đá cá lia thia, tha hồ mà chúng la hét, và cũng ít khi đá ăn tiền như người lớn. Tại trường đá cá lia thia của người lớn thường rất yên lặng, họ chỉ xì xào, bàn luận hoặc quăng bắt vừa đủ nghe. So sánh về mức cá độ, đá cá lia thia ăn thua nhỏ không phải như đá gà, có người sạt nghiệp, tán gia bại sản. Đá cá lia thia còn là một dịp để giải trí, vui chơi, nhìn xem vui mắt. Ở nhà quê, nhứt là mùa nước, có gì để người ta giải trí lành mạnh. Đá cá lia thia là một hình thức giải trí lành mạnh nhứt hơn giải trí bằng cách đá gà hay đánh bạc.
Những con cá lia thia thắng trận dù có bị nhiều thương tích, thường cũng được nuôi lại, săn sóc rất cẩn thận hoặc thả ra ruộng. Theo kinh nghiệm, những con cá bị thương nhiều như kỳ vi, đuôi rách te tua, thân hình trầy trụa rướm máu, chúng sẽ được thả vào một chậu nước mưa trong đó có để thêm cục đất sét trắng nhỏ và gắn vào cục đất sét một hai hạt muối, nằm ở đáy chậu, trên thả nhiều bèo hoặc lục bình để "thương binh" tự chữa trị ở cái lọ nước hồi sức nầy. Đất sét trắng có nhiều chất kao-lanh làm cho vết thương mau lành cũng như muối dùng sát trùng trị thương? Nếu để muối nhiều, nước mặn cá lia thia sẽ "tiêu diêu" ngay vì nó chỉ quen sống nước ngọt.
Trò chơi rất lắm công phu. Nuôi gà đá cũng quần, vô nghệ. Nuôi cá lia thia cũng vậy. Tìm bắt, nuôi, săn sóc và xổ thử với cá khác thấy ngon lành mới chọn đá ăn tiền. Người ta thường quan sát, đánh giá cá nào hay cá nào dở bằng cách để những cái keo đựng cá sát nhau cho chúng "đá bóng" để chấm điểm. Những keo nuôi cá lia thia thường để trên một cái kệ dài sát tường nhà, giữa hai cái keo "cách ly" bằng một miếng giấy để chúng không nhìn thấy nhau. Nếu chúng thấy nhau thì "sửng cồ" ngay, phùng mang, vươn kỳ vi lên trông rất dữ tợn và cứ nhắm con cá đối phương ở bên lọ khác mà chỏ mỏ cắn, tấn công. Chỉ khi nào muốn quan sát xem coi trình độ cá như thế nào, người ta mới lấy miếng giấy cách ly đó ra. Nếu để chúng đá bóng cả ngày hoặc ngày này sang ngày khác, chúng cứ tấn công vào vách lọ hoài thì sẽ tà mỏ, bị thương tích không thể nào lâm chiến, thắng trận được.
Mùa đá "rô"ü cá lia thia không kéo dài, chừng hai ba tháng trở lại. Ở nhà quê hoặc ở vùng nửa quê nửa tỉnh người ta mới chơi đá cá lia thia. Ở thành thị, tỉnh lỵ không tìm bắt cá lia thia dễ dàng được. Nơi nào có đồng ruộng, ao, đìa, rạch nhiều mới có cá lia thia để người ta đi xúc bắt. Muốn xúc bắt cá lia thia, trước nhất trẻ con hay người lớn đi tìm kiếm những chỗ nước ngập ít, "xâm xấp", những cái bọt trắng cá lia thia làm dưới những bụi cỏ. Hễ thấy có bọt cá trắng nổi lên chắc chắn nơi đó có cá lia thia. Cá lia thia không sống và làm ổ ở những nơi nước sâu hoặc chảy xiết. Chúng chỉ trú đóng ở những nơi nước cạn mà thôi.
Chơi đá cá lia thia là thú tiêu khiển thanh lịch của người dân quê và của những đứa trẻ con thich cách chơi không ồn ào hiếu động.
 

tymkp1225

Quy ẩn gian hồ
Joined
Mar 23, 2011
Messages
1,182
Points
83
HỐT ME

Trong đổ bác có hàng trăm cách chơi ăn tiền bất cứ ở đâu, nhà quê hay thành thị ở nước ta hay nước khác. Hai môn chơi đánh bạc bây giờ đã mai một. Đó là hốt me và chơi đề - không phải đánh số đề căn cứ vào các cuộc xổ số.
Khởi thủy, hốt me, người ta dùng những hột me chua rửa lau bóng láng sử dụng trong môn chơi này nên gọi là hốt me, có nghĩa hốt hột me. Đó là cách chơi đánh bạc ăn tiền, sát phạt nhau không nương tay thương tiếc, không chạy làng, bỏ cuộc chơi giữa chừng như các môn đổ bác khác.
Những trái me chín, tách lấy hột, chừng một trăm đến hai trăm hột là đủ dùng trong lãnh vực hốt me. Dụng cụ dùng trong môn chơi cờ bạc này gồm có hột me, một cái chung nhỏ, loại chung uống trà, một cây "khều" và một cái túi vải nhỏ đựng ba thứ này mang đi đến các nơi tổ chức cờ bạc hoặc chỉ có hốt me.
Hốt me có bốn đường ăn thua gọi là nhứt, nhị, tam, tứ mà dân chơi gọi là yêu (nhứt = một), lượng (nhị = hai), tam (ba), túc (tứ = bốn). Người làm cái hốt me chuyên nghiệp, họ không dùng hột me, vì nó nhỏ, không đẹp lại không bằng nhau, mà họ dùng tiền bằng đồng đỏ, loại nửa xu màu đồng đỏ nhạt, lau chùi bóng láng rất đẹp mắt, gần giống như đồng cent của Mỹ nhưng đẹp hơn nhiều. Hơn nữa, khi người làm cái hốt me, đổ tiền đồng ra, âm thanh nghe rất hấp dẫn. Hai tay họ xốc tiền đồng lên, sự va chạm và màu sắc lấp loáng của tiền đồng tạo được cảm giác thích thú đam mê cho các anh chàng luôn tôn thờ thần đỏ đen.
Cuộc chơi hốt me rất yên tĩnh và thường ăn thua rất lớn, những tay có máu mặt, giàu có, những người chuyên nghiệp mới đứng ra làm cái để cho tay em mặc tình mà đánh ăn thua, không có giới hạn. Một xã, một ấp hay một vùng chỉ có một, hai người thích làm cái môn chơi này. Hốt me chơi ban ngày, còn chơi đề mười hai con chơi ban đêm. Địa điểm hốt me thường khuất dưới tàng cây to có bóng mát. Một chiếc đệm lớn hoặc vài chiếc chiếu trải trên một chỗ đất trống, bằng phẳng, người làm cái ngồi ở sát mép chiếc đệm hay chiếc chiếu, hai bên có hai người phụ tá, một người lo việc thu hoặc trả tiền ăn thua cho người chơi. Người kia, cầm cây khều gạt hột me hoặc tiền nửa xu thành từng khóm, cứ bốn hột me thành một khóm. Sau cùng còn lại, có khi lẻ một, hoặc hai hay ba và kể cả đủ bốn, cũng đều được tính điểm ăn thua.
Trên chiếc chiếu hay chiếc đệm, người làm cái hốt me thường trải thêm một cái mền xếp làm tư hoặc họ đã chuẩn bị trước một miếng vải nỉ vuông dài với kích thước năm bảy tấc. Muốn làm cái bao nhiêu, thí dụ, chơi đánh lớn tính bằng tiền ngàn, tiền trăm hoặc đánh nhỏ là tiền chục, họ phải để ra trước mặt rõ ràng để dân chơi liệu mà đánh ăn thua. Người làm cái, ngồi xếp bằng. Trước khi đổ hột me hoặc tiền đồng nửa xu ra, họ xốc, vò vào bao vải để tạo ra tiếng va chạm của đồng nửa xu, còn hột me ít có âm thanh tạo cảm thác hứng thú. Vì thế dân chơi đánh me chuyên nghiệp họ dùng tiền đồng nửa xu thay thế hẳn hột me. Có nhiều sòng me, họ dùng hột ô môi cũng màu vàng, đẹp nhưng lại quá nhỏ, thay thế cho hột me hoặc tiền xu đồng.
Người làm cái nhiều lần xốc, xoa, nắn cái túi tạo nhiều âm thanh gây cảm giác kích thích mạnh máu đỏ đen và đồng thời cũng làm cho tiền đồng sáng loáng thêm. Người ta mê đánh me, ngoài có máu cờ bạc trong huyết quản, nhìn theo dõi những động tác uyển chuyển, nhẹ nhàng của người làm cái cũng thấy sướng nữa. Tay phải cầm cái chung úp chụp xuống đống tiền đồng, có khi đầy chung, có khi nửa chung hay một phần ba chung tùy theo ý muốn của người làm cái.
Động tác rất nhanh, có kỹ thuật và cũng rất uyển chuyển đẩy cái chung ra xa đống tiền đồng còn lại, gạc gom những tiền đồng rơi rớt rải rác không nằm trong miệng chung cho lại vào đống tiền. Tay người làm cái có một động tác rất điệu nghệ, họ rút mấy ngón tay đẩy cái chung ra - khi nầy chỉ còn tiền đồng nằm gọn trong cái chung đưa ra trước mặt mọi người, đánh cửa nào tùy ý của khách chơi.
Thông thường những người đánh lớn nghĩa là có nhiều tiền mới được ngồi đối mặt với người làm cái, còn người có ít tiền chỉ đứng "ăn có", đánh theo người ngồi mà thôi. Chỉ có bốn cửa ăn thua: yêu, lượng, tam, túc.
Cái vui của đánh me là khi người làm cái giở cái chung lên, họ dùng cái mép chung gạc hoặc kéo nhẹ rất nghệ thuật để cho các tiền đồng nửa xu thành đống lài lài, nhiều khi thành một đường dài để tay em ở ngoài đoán coi me đi theo cửa nào mà đoán ăn thua trước. Người thì đoán là cửa yêu (một lẻ), người thì túc (bốn, chẵn) hoặc lượng (hai lẻ), tam (ba lẻ) v.v...
Dân chơi đặt tiền trước khi tay làm cái lấy chung lên. Thí dụ họ đặt năm đồng mà gọi là "cầu âu" nghĩa là họ chỉ đặt có một cửa, tay cái còn ba cửa để ăn. Có khi cũng chỉ có năm đồng đó mà họ đặt luôn hai cửa, tay cái còn lại hai cửa để ăn thì họ chỉ trúng một ăn một, nghĩa là đánh năm đồng chỉ được có năm đồng, nếu đánh "cầu âu", nếu trúng được đến mười lăm đồng, một ăn ba. Có những khúc que nhỏ và ngắn người ta để lên đống tiền khi đặt đánh. Một khúc que là cửa nhứt (yêu), hai, ba, bốn khúc que tùy tay em để lên tiền, không cần phải nói năng gì cả, người phụ tá của tay làm cái coi về tiền bạc ăn thua gọi là "phá quả", kiểm soát lại, coi xem những tay em có để những khúc que đầy đủ chưa để họ biết người chơi đánh cửa nào trong bốn cửa ăn thua. Tiếng đoán, bàn náo nhiệt của những tay em, người nói yêu, kẻ nói lượng.
Trong khi người làm cái hoặc phụ tá cầm cây khều chia ra từng khóm nhỏ bốn đồng xu và sau cùng là kết quả ăn thua. Những người có "khiếu" quan sát, tính nhẩm dù một đống tiền đồng đến mấy chục xu chồng lên nhau mà họ nói trước vẫn trúng phóc, dù họ dốt đặc không biết chữ nhứt (một).
Ở nhà quê, nhiều nhà nông mù chữ mà họ có khiếu tính toán, tính nhẩm đại tài. Thí dụ một đống lúa để giữa đồng, chiều cao gần ngang nóc nhà, đường kính năm mười mét, họ chỉ đi vòng đếm bước và ngước nhìn lên đỉnh cao nhứt của đống lúa cũng như họ tính thêm độ lài nữa. Họ ước đoán đống lúa đó có được bao nhiêu giạ để gọi ghe chài lớn hoặc ghe chài nhỏ đến chở đưa ra bán ở các chành lúa. Sự ước đoán theo kinh nghiệm, cha truyền con nối, sai số rất ít chỉ năm ba giạ lúa cho một đống lúa có hàng mấy trăm giạ. Dân quê Việt Nam, ít học thật nhưng họ thông minh lắm rất đáng phục.
Một sòng đánh me ăn thua rất lớn và rất đông người tham dự, kẻ đánh người ngồi. Kẻ thắng cuộc chơi không chạy làng như các môn đánh bạc khác, thường là ăn sạch túi tay em hoặc thua sạch tiền cái, tiền lán, tẩy mà người làm cái đã để ra hoặc họ móc túi thêm, đổ "hồ bao" ra chơi ăn thua đủ. Dân chơi hốt me có nhiều danh từ đặc biệt, như me "cò" nghĩa là me đi theo một trình tự mà tay em cho rằng đi đúng theo quĩ đạo của họ. Thí dụ lần hốt thứ nhứt là yêu; lần thứ hai là lượng; thứ ba, tam; thứ tư, túc... rồi nó tái diễn y chang hoặc gần giống như vậy, me mà "cò" như thế này chỉ chừng hai lần, hai nước, tay làm cái chỉ có từ chết đến bị thương.
Me còn đi theo một chu kỳ khác, đi chẵn lượng (hai) rồi túc (bốn), lại trở lại hai, bốn hoặc yêu (một) đến tam (ba) và tái diễn, tay làm cái cũng thua méo mặt. Trong môn đổ bác, có những sự lạ lùng mà chúng ta không thể giải thích được. Người ta nói hôm nay me cò thì y như rằng tay làm cái thua sạch túi. Còn me đi lung tung từ yêu nhảy sang tứ, trở lại lượng, rồi tam; cứ thay đổi không theo một thứ tự nào thì tay em "điếc con ráy" không biết "mò" vào đâu mà đánh, chỉ có thua mà thôi. Trong giới đánh me có một từ ngữ "chết cửa tứ" mới là lạ lùng, nhiều khi me chỉ đi một cửa tứ ba bốn lần liên tiếp thì chủ làm cái chỉ có cháy túi đầu hàng.
Ở nhà quê, từ bài cào, xì dách, cách tê, phé, đều ăn thua tương đối giới hạn, không ăn thua đậm như đánh me, người chơi có quyền chạy làng khi thắng, còn đánh me khi muốn nghỉ phải đến khi nào trời tối không còn thấy rõ hoặc người làm cái hay tay em thua sạch túi mới nghỉ được. Đó cũng là danh dự, uy tín của người chơi đánh me vậy.
 

tymkp1225

Quy ẩn gian hồ
Joined
Mar 23, 2011
Messages
1,182
Points
83
ĐÁNH ĐỀ

Trong giới bình dân, có một hạng người gọi là thầy đề, chuyên bàn ngang tán dọc, nói thần nói tướng, cái gì cũng bàn cũng nói được, thầy đề có "bà con" với thầy bói, bói ra ma quét nhà ra rác mà. Đánh đề cũng vậy, cái gì người chơi cũng bàn cũng giải thích được, có đủ lý lẽ theo ý của họ.
Bây giờ môn chơi đánh đề rất thạnh hành nhưng nó lại biến tướng như đánh vào các con số cuối của cuộc xổ số mà không phải như chơi đánh đề hồi thời cực thịnh, nguyên thủy của nó. Cuộc chơi đánh đề có lẽ có từ xa xưa, lâu lắm rồi.
Thời huy hoàng nhứt của đánh đề là thời mà có các sòng đánh bạc công khai như Kim Chung, Đại Thế Giới ở Sài Gòn, sau năm 1946-1947. Ở các tỉnh miền Tây, nơi nào có các đơn vị dân quân giáo phái mạnh thường có tổ chức chơi bạc mà đánh đề là chính yếu. Đó là một hình thức làm kinh tài để nuôi dân quân. Các sòng bài, trong đó có đánh số đề đều do người Tàu làm chủ. Về ăn chơi, cờ bạc người Tàu thuộc loại "dách lầu", người Việt mình bị ảnh hưởng lây ?
Thời chiến tranh, các môn chơi cờ bạc lớn cũng đều dựa vào các đơn vị có vũ trang bảo vệ. Người chơi được an toàn thua và đi đến tự tử nữa.
Có hai loại đề: đề bốn mươi con và đề mười hai con. Tại các khu cờ bạc có tổ chức chơi đề bốn mươi con. Nghĩa là bốn mươi con số, từ số một đến bốn mươi và mỗi con số lại tượng trưng bằng một con vật chẳng khác nào mười hai con giáp để tính tuổi, tính năm âm lịch. Thí dụ: Số 35 tượng trưng là con dê. Người đàn ông, con trai nào có máu dê gọi là máu 35. Con số 35 thực sự đi vào đời sống, sinh hoạt của người dân. Nói ra ai cũng biết, không cần giải thích dài dòng gì cả. Còn con số 21, tượng trưng cho một con người giang hồ, mại dâm, một con điếm làm tiền. Số 14 tượng trưng cho con mèo nhà. Số 18 tượng trưng cho con mèo rừng... Lâu quá, hơn nửa thế kỷ rồi, người viết quên và có thể nhớ sai. Con số chỉ về con cá lại có cá đen, cá trắng, thật lắm chuyện.
Buổi chiều, sau khi ăn thua xong, người chủ sòng cho một con số vào một cái hộp, niêm phong thật cẩn thận, buộc chặt vào cây tre, thượng lên tại trung tâm chơi bạc. Sau đó trung tâm này lại "ra thai" bằng những hình vẽ và nhiều khi có cả chữ Tàu, chữ Việt ngoằn ngoèo, hình vẽ mờ mờ ảo ảo in trên nửa tờ giấy trắng nhỏ, loại giấy rẻ tiền. Lúc bấy giờ, các sòng bài họ không in những cái "thai" này tại các nhà in mà họ tự in lấy bằng khuôn gỗ, hoặc bằng rau câu hay đất sét, nghĩa là cái thai rất mờ ảo, không rõ ràng để những tay chơi bàn ngang tán dọc mà lựa số đánh ăn thua. Hàng ngàn, hàng chục ngàn cái thai được phân phát công khai tại trung tâm xổ đề, các huyện đề đến lấy đem về phát lại, hang cùng ngõ hẻm nào cũng có.
Họ niêm phong số đề vào buổi chiều và phát thai, nhằm mục đích để đêm tối bà con có máu cờ bạc mặc sức mà "nằm chiêm bao" cầu khẩn cúng bái thần linh, những người khuất mặt khuất mày, ông bà tổ tiên để giúp họ đánh đề cho trúng. Nếu trúng lớn họ sẽ cúng tạ ơn hoặc xây am, xây miễu... Máu tham của người chơi bạc, lo lót cả người chết, hủ hóa các vị thần linh nữa...
Huyện đề bắt đầu làm việc vào sáng hôm sau. Một huyện đề thường trị vì ở một xóm, một khu. Rừng nào cọp nấy, huyện đề hoạt động sai địa bàn thì sẽ bị đánh u đầu sưng trán. Huyện đề là người trung gian đi bán những số đề cho dân ghiền, ăn tiền "cò", người luôn luôn thắng là huyện đề, nếu họ chỉ đi bán, ăn huê hồng mà không chơi đề.
Một vùng thường có một "đầu nậu" chuyên kinh doanh, làm chủ hàng bao nhiêu huyện đề dưới trướng. Tất cả những tờ "phơi", danh sách các số đề đã được đánh và tổng số tiền của mỗi con số, mỗi danh sách nạp lại cho chủ đầu nậu trước giờ xổ đề chừng hai, ba tiếng đồng hồ.
Thí dụ đề xổ ra tại trung tâm cờ bạc lúc bốn giờ chiều, các nơi xa, huyện đề đã "khóa sổ" từ lúc mười hai giờ hoặc một hai giờ để có đủ thời giờ đem tờ phơi nộp cho đầu nậu và lấy tiền cò, dù xổ con gì cũng mặc, họ đã hưởng hoa hồng trước.
Cách nay trên dưới năm mươi năm, biết bao gia đình ở nhà quê hay ở thành thị bị tán gia bại sản và nhiều vụ tự tử xảy ra cũng tại môn đề bốn mươi con mắc dịch này. Cái thai họ in phát ra và con vật, con số xổ ngày hôm đó thường có trời mới bàn đúng được.
Nếu có ai thắc mắc, tại sao cái thai, hình ảnh như thế đúng ra phải là con số này con vật kia mới hợp lý, mấy ông thầy đề hay chủ sòng nói: Nị không piết (biết), hình này, con số đó như thế nó mới đúng với con số xổ kỳ này. Cái gì họ nói, giải thích tào lao cũng được, chỉ có người chơi đề bàn thai, chiêm bao, cúng lo lót thần linh mà đường nào cũng tới nghĩa địa.

Đ Mười Hai Con

Đánh đề bốn mươi con như là một trò chơi "bình dân" còn đánh đề mười hai con "trí thức" hơn.
Đánh đề mười hai con thường chơi ban đêm, ban ngày chơi hốt me. Đề mười hai con gồm có : tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, ngựa màu xanh (trắng) và màu vàng (đỏ). Ai biết chơi cờ tướng, đánh tứ sắc, đánh "xệp" biết rõ các con bài này. Chỉ có con chốt trong bộ bài tứ sắc không có trong vụ đánh đề mười hai con. Tứ sắc có nghĩa là bốn màu : xanh, trắng, đỏ, vàng. Tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã (ngựa), chốt màu xanh và màu trắng chữ giống nhau, màu vàng và màu đỏ chữ giống nhau
Đề mười hai con gồm có sáu con từ tướng đến ngựa màu trắng hoặc xanh và sáu con kia màu đỏ hoặc vàng.
Người làm cái, xếp mười hai con bài theo một hàng ngang, màu trắng trước rồi kế là màu đỏ, hoặc màu xanh, màu vàng hoặc đổi lại màu đỏ, màu vàng trước kế đến là màu xanh, màu trắng. Không có qui luật nhất định, miễn sao phải đủ mười hai con bài với hai màu khác nhau của hai nhóm xanh, trắng và vàng, đỏ. Người làm cái xổ đề thiện nghệ, họ dán mười hai con bài hai màu khác nhau trên một miếng gỗ mỏng hoặc một miếng giấy cứng được cắt bằng với lá bài để sắp bài dễ dàng, trông đẹp mắt hơn. Lại nữa, khi người làm cái nhịp, gõ trên mỗi lá bài nó không bị xê dịch như các lá bài không được dán thêm lớp gỗ hay giấy cứng.
Sòng đánh đề rất yên lặng có vẻ "trí thức", mọi người suy tư, cặp mắt lim dim ra điều đang đào sâu suy nghĩ. Trên một chiếc chiếu hoặc một chiếc đệm, người làm cái còn trải thêm một cái khăn hoặc một cái mền nhỏ xếp tư gọn lại để mười hai lá bài lên rất thẳng, hàng ngang, sát nhau. Dụng cụ của người làm cái gồm có một cái khăn hoặc một miếng vải sạch, đẹp, một hộp con nếu không có hộp gỗ thì dùng cái hộp quẹt diêm thường để đựng lá bài mà người làm cái sắp xổ. Ngồi xếp bằng, một đống tiền làm cái được phơi bày ra công khai để dân chơi liệu mà đánh ăn thua, chỉ ăn thua bằng ấy tiền mà thôi, tay em không được đánh quá số tiền đó.
Người làm cái cũng có đủ mười hai lá bài y như mười hai lá bài xếp hàng ngang trước mặt. Hai tay được che kín dưới một tấm vải hoặc một miếng lụa, người làm cái lựa một lá bài cho vào hộp đóng kín lại, rút tay ra; đem cái hộp ra phía trước, miếng vải đậy kín mười một lá bài còn lại. Giờ căng thẳng bắt đầu, những tay em kẻ ngồi người đứng, mọi cặp mắt đều đổ xô nhìn vào tay làm cái, quan sát theo dõi từng động tác, hơi thở, nét mặt. Trên mặt người làm cái có bất cứ dấu vết, tàn nhang, nếp nhăn lang beng nhỏ xíu, tay em cũng đều biết. Tay em nhìn tay cái gọi là "bắt nhãn". Theo tâm lý có tịch thường nhúc nhích. Xổ con bài nào khi tay chạm vào con bài đó thường có động tác, cử chỉ khác lạ, tay em đoán mà đánh. Người làm cái dùng hai ngón tay trỏ và giữa khép lại gõ, nhịp từ con bài một đủ mười hai con, mặt nhìn thẳng ra phía trước hoặc nhìn theo nhịp tay. Cái gõ, nhịp đó đi từ trái sang phải, đủ ba lần, rồi thôi. Các tay em tính toán, lựa chọn đánh con bài nào tùy theo cái bắt nhãn của họ.
Chơi đề mười hai con là một cuộc chơi cân não, sử dụng môn tâm lý học tối đa nên các sòng đề này rất im ắng, không ồn ào như các sòng bạc khác. Cái gõ nhịp điệu nghệ của người làm cái. Trước hết họ gõ trên hộp đựng lá bài mà người cái muốn xổ để tính ăn thua, rồi tiếp tục gõ nhịp từng con bài đủ mười hai con, lấy tay về, lại gõ nhịp trên hộp, cứ thế làm đúng ba bận.
Người làm cái phải nhớ rõ con bài để trong hộp, nhớ sai, khi xổ ra thì phải kể tính ăn thua đến hai con bài. Thí dụ trong hộp là con bài tướng vàng, nhưng khi người làm cái chỉ trên mười hai lá bài là con sĩ vàng chẳng hạn. Tay em đánh tướng vàng, sĩ vàng đều trúng cả dù trong hộp chỉ có một tướng vàng. Người làm cái, trước khi khui hộp có đựng con bài trong đó, phải để cái hộp và ngón tay của họ chỉ đúng con bài sẽ xổ ra.
Khi một con bài đã xổ ăn thua rồi thì con bài đó được lấy ra cho vào phía cuối của dãy bài mười hai con. Đánh đề người ta cũng dùng lá bài tứ sắc để đặt ăn thua. Thí dụ muốn đánh con sĩ vàng, tay em phải dùng con sĩ đỏ hoặc con sĩ vàng để lên đống tiền hoặc để con sĩ vàng phía trên, tiền để phía dưới - con sĩ vàng phải úp xuống, đó là cách đánh "cầu âu" như đánh me, một đồng trúng mười đồng.
Cách đánh khác, một lá bài để đứng, phía trên ở giữa có một lá bài để nằm ngang và ở dưới lại có ba lá bài để đứng. Tùy theo cách để bài của tay chơi, người làm cái biết rõ tay em muốn ăn thua theo kiểu nào, cầu âu, một trúng mười. Còn đánh một lá ở trên, một lá giữa nằm ngang, dưới có ba lá để đứng, tổng cộng là có năm lá bài, ba lá ở dưới không tính ăn thua mà chỉ tính huề, khi tay cái xổ ra lại đúng vào một trong ba con đứng ở dưới. Nếu trúng con bài để nằm ngang, một ăn một, nếu trúng vào con bài để đứng ở trên thì một trúng năm, vì tổng số bài tính ăn thua là năm con về phần của tay em, tay cái còn lại bảy con, luôn luôn tay cái hơn hai con, gọi gác trước hai cửa. Vì vậy dù đánh cầu âu cũng chỉ có một ăn mười mà thôi. Con đề xổ ra không đúng vào một trong năm con của tay em thì tay cái ăn.
Đánh đề mười hai con gọi là "trí thức" nhứt trong các môn cờ bạc là như vậy, tính toán ăn thua rất nhiêu khê. Lâu quá tôi có thể nhớ sai cách ăn thua như giải thích trên. Tính ăn thua của đánh đề rất chậm, không sát phạt nhanh như đánh bài cào, phé, xì lác. Mỗi lần tính ăn thua mất nhiều thời giờ, nào là gõ nhịp trên cái hộp và trên mười hai con bài ba lần gọi là "sửa bài" để cho cho thiên hạ "bắt nhãn" rồi chờ tay em suy nghĩ đặt tiền và "gác bài" để tính ăn thua. Khi xổ đề xong, tay cái phải lật từng con bài và từng "tụ" tính ăn thua. Qua nhiều giai đoạn, chậm chạp rất yên lặng.
Bây giờ là thời đại văn minh cơ khí, đánh bạc cũng vậy, người ta muốn ăn thua nhanh nhưng gặp môn đánh đề mười hai con chậm chạp và tính toán phức tạp nên nó không được phổ quát.
Âu cũng là cái may vậy !
 

tymkp1225

Quy ẩn gian hồ
Joined
Mar 23, 2011
Messages
1,182
Points
83
LỜI KẾT

"Chuyện đồng quê", một câu chuyện dài bất tận.
Từ thuở ấu thơ cho đến ngày đầu bạc có biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, khi ẩn khi hiện trong cuộc sống, có đôi lúc tưởng đã tan biến theo thời gian... Nhưng không, những năm tháng trong lao tù "cải tạo", tác giả đã có dịp hồi tưởng lại những hình ảnh xa xăm êm đềm nơi thôn dã.
Những món ăn độc đáo, những thú vui mộc mạc nhớ đời nơi chôn nhau cắt rốn và trên bước đương lưu lạc. Trong buổi hoàng hôn của cuộc đời, hơn bao giờ hình ảnh quê hương xa xưa lại hiện về, rõ nét trong tâm tư kẻ tha hương...
Như "Lời bộc bạch" nơi phần mở đầu, tác giả chỉ muốn ghi lại những nét đặc thù đáng yêu của quê hương mình trên trang giấy khiêm tốn này... Chúng ta, mỗi người đều có một quê hương nho nhỏ trong cái tổng thể quê hương chung là Việt Nam thân thương. Trong cái cục bộ quê hương của riêng mình, cây đa cũ, bến đò xưa..., dù là mái tranh nghèo, là nơi mà người dân phải vất vả với cuộc sống lam lũ nơi đồng nội, những món ăn thô sơ đạm bạc... nhưng ai ai cũng cảm thấy đó là nơi chốn êm đềm, thân thương nhất. Tác giả, tất nhiên không sao tránh khỏi cái chủ quan muôn đời ấy.
"Chuyện đồng quê" ra mắt quý độc giả hôm nay chỉ là vài nét phác thảo phần đầu của những chuyện nhớ đời của tác giả.
Kính mong quý độc giả lượng tình thứ lỗi về những thiếu sót trong văn phong, kỹ thuật và những ngây ngô chân chất của một cây viết "nghĩ sao viết vậy".

Sacramento Thu 1999
Trần-Văn
 
Top Bottom