Bác Ba Phi

Pearly

Moderator
Staff member
Joined
Aug 19, 2010
Messages
199
Points
18
Pearly mở topic này để pà con mình cùng nhau sưu tầm về những chuyện kể về Bác Ba Phi nhé.
 

Pearly

Moderator
Staff member
Joined
Aug 19, 2010
Messages
199
Points
18
Mở đầu cho những mẩu truyện về bác ba,Pearly xin đuợc giời thiệu đôi nét về ông cho mọi nguời cùng biết nhé...

bac-ba-phi.jpg

Bác Ba Phi là một nhân vật trong văn học dân gian. Ông là nhân vật chính trong những câu chuyện kể về cuộc sống sinh hoạt thường ngày nhưng được cường điệu quá đáng (như rắn tát cá, chọi đá làm máy bay rơi, leo cây ớt té gãy chân...) và được trình bày một cách tự nhiên khiến người nghe hoàn toàn bất ngờ và bật cười. Ông là nhân vật cận đại nhất trong lịch sử kho tàng truyện trạng (nói dóc) của văn học Việt Nam.


Nguyên mẫu cuộc đời

Nhân vật nguyên mẫu của Bác Ba Phi là nghệ nhân Nguyễn Long Phi (1884-1964). Ông vốn là một nông dân tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, vốn có khiếu kể chuyện rất phong phú và đặc sắc, được nhiều người ưa thích.

Ông sinh năm 1884 tại tỉnh Đồng Tháp, do gia đình quá nghèo nên từ nhỏ ông phải đi cày thuê để nuôi tám người em nhỏ. Khi 15 tuổi, mẹ ông qua đời, ông trở thành một lao động chính trong gia đình. Tuy cuộc sống cơ cực, ban ngày phải đi khẩn hoang, cày cuốc ruộng vườn, nhưng đến ban đêm, ông thường tham gia tụ họp đờn ca, và được bà con trong xóm mê tiếng ca và nể trọng tính tình vui vẻ, bộc trực, khẳng khái, đặc biệt là những câu chuyện kể và cách kể truyện lôi cuốn người nghe của ông.

Vốn làm tá điền cho Hương quản Tế - một địa chủ giàu có vùng Bảy Ghe, ông được Hương quản Tế hứa gả cô con gái là Ba Lữ với điều kiện phải làm công trong ba năm. Nhờ sức chịu thương chịu khó, nên sau ba năm thì ông cưới được vợ. Cũng do điều này mà Hương quản Tế rất yêu thương người con rể này và đã cắt chia cho vợ chồng Ba Phi khá nhiều đất. Cộng với sự cần cù sẵn có, ông đã ra sức khai khẩn phần đất được chia thành đồng ruộng cò bay thẳng cánh.

Hai người lấy nhau một thời gian mà không có con, vì vậy bà Ba Lữ đã đứng ra cưới vợ hai cho chồng. Bà này sinh được một người con trai là Nguyễn Tứ Hải. Không rõ vì lý do gì mà khi Nguyễn Tứ Hải mới ba tuổi, bà đã gửi con cho chồng rồi về quê ở Mỹ Tho cho đến lúc qua đời. Ông Nguyễn Tứ Hải về sau lập gia đình với bà Nguyễn Thị Anh, sinh hạ một người con trai – cháu đích tôn của bác Ba Phi – tên là Nguyễn Quốc Trị. Trong những câu chuyện của bác Ba Phi thì đây chính là nhân vật thằng Đậu nổi tiếng. Và cũng có thành ngữ "Tệ như vợ (thằng) Đậu" được dùng để chỉ những người vụng về.

Về sau bác Ba Phi cưới thêm vợ ba. Bà tên Chăm, là người dân tộc Khmer. Bà sinh được hai đứa con gái.

Bác Ba Phi qua đời ngày 3 tháng 11 năm 1964 tại rừng U Minh Hạ, nay là ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Phần mộ của ông được đặt giữa hai ngôi mộ của bà Ba Lữ và bà Chăm tại ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải nằm ở một góc rừng U Minh Hạ.

Hiện nay, khu nhà và mộ phần của bác Ba Phi được xây dựng thành tuyến du lịch văn hóa của tỉnh Cà Mau.

1.jpg

Những nét đặc sắc văn học

Bác Ba Phi thuộc lớp hậu duệ của những tiền nhân đi khai mở đất rừng U Minh. Cả quãng đời, mà đặc biệt là thời tuổi trẻ của bác Ba Phi, là quá trình khai phá đất rừng U Minh nguyên sinh, vốn rất hào phóng mà cũng lắm khắc nghiệt. Với tinh thần khai phá, tính lạc quan yêu đời, thế giới quan của ông hiện ra thật sinh động và đáng yêu.

Những câu chuyện kể của ông, truyện nào cũng mang lại cho người nghe trước hết là tiếng cười sảng khoái, mượt mà âm sắc trào lộng, rất đặc hiệu Ba Phi, đồng thời nó còn ẩn chứa tính hào hùng của lớp người đi mở đất, tính cách đặc trưng Nam Bộ, lòng yêu thương thiên nhiên và con người.

Cho đến tận ngày ông qua đời, không có một văn bản nào chính thức có ghi chép lại những câu chuyện do ông kể, kể cả người trong thân tộc ông. Những câu chuyện kể của bác Ba Phi là những câu chuyện truyền miệng. Tuy nhiên, nó cũng đầy đủ hình thức cấu trúc văn học: mở đề, thắt nút và kết thúc. Một mặt, nó cũng hao hao một loại tiểu thuyết chương, hồi rút gọn, dù có đảo lộn trật tự thế nào cũng giữ được ý nghĩa và tính xuyên suốt của những câu chuyện kể độc lập.

Những câu chuyện của bác Ba Phi, do tính chất "truyền miệng", vì vậy thường bị “biên tập” hoặc “hiệu chỉnh” lại trong quá trình câu truyện “lưu lạc”. Thêm vào đó, cũng có không ít những câu chuyện do người khác sáng tác, nhưng vẫn lấy danh xưng bác Ba Phi.
 

MinhThy

<marquee behavior="alternate" scrollamount="1"><fo
Joined
Nov 17, 2011
Messages
3,907
Points
113


Hihi, để em mở đầu choa ^^

Câu ếch


“Năm rồi, trời sa mưa đầu mùa, ếch kêu khắp bốn phía, đâu đâu cũng có tiếng “uệch uệch”. Chỉ riêng trong vườn nhà tôi có một tiếng ếch rất đặc biệt, nó kêu đến cảm thấy thèm ăn thịt ếch mà ngủ không yên. Tôi biết đây là loại “ếch bà”.

Sáng hôm sau, tôi bắt một con vịt mới nở làm mồi, trong khi tôi thả con mồi chưa tới mặt nước thì con ếch từ trong hang ló ra; nó lắc đầu lia lịa rồi ngồi chờ ở miệng hang.

Tôi biết con ếch này đòi ăn mồi lớn, tôi bắt con vịt mái đẻ ra câu. Vừa trông thấy con mồi, con ếch gật đầu liên tiếp mấy cái rồi hớp nước súc miệng. Xong, ếch khoát tay ra hiệu cho tôi thả con vịt mái xuống. Thế là ếch đưa hai tay ra đón con mồi đưa thẳng vào mồm.

Đợi cho ếch nuốt mồi xong, tôi giật mạnh một phát. Té ra, hàng cau của tôi gãy liền một lúc đến 3 cây, con ếch thì vẫn nằm yên tại chỗ. Còn sợi nhợ câu lúc này căng thẳng tối đa. Thấy vậy, tôi ngồi xuống khảy vào sợi nhợ ấy mà ca luôn 6 câu vọng cổ”.

(ST)
 

Pearly

Moderator
Staff member
Joined
Aug 19, 2010
Messages
199
Points
18
Sọ đầu cá trê


Ông Tư khẽ đưa tay vuốt chòm râu bạc đang bung trắng trước ngực. Ông say sưa kể tiếp chuyện cái “sọ đầu cá trê” của bác Ba Phi cho con cháu nghe. Cái búi tóc sau ót của ông từng lúc cứ như nhúc nhích, nhúc nhích :

- Nè... tụi con ngồi yên, đừng chồm tới nữa, để ông kể nữa cho nghe. Nhà bác Ba hồi đó có nuôi bầy heo nái... Ờ... ờ... chuyện này mấy con nghe chưa? Số là hôm nọ, tới ngày bán đàn heo rồi, mà bầy heo đi đâu chẳng thấy héo lánh về. Bà con lối xóm tới bắt heo con, đứng chờ đông nghẹt, chật cả nhà. Sốt ruột quá, bác Ba lội đi lùng kiếm khắp vườn mà chẳng thấy.

Chắc là bị cọp ăn hết rồi ! Bác ba thất vọng than thở, vừa lê từng bước nặng nhọc trở về nhà.

Vừa tới sàn trước, bác giật mình thấy vật gì cứ làm nhúc nhích, nhúc nhích cái sọ đầu con cá trê trông hình như cái sọ đầu muốn “bò” đi mà “bò” không được. Trời đất! Lại quỷ ma ám ảnh nữa rồi, hay là...

Bà con đứng chờ bắt heo trong nhà nghe tiếng bác Ba kêu la, liền chạy ra. Một tốp đứng cầm cây, dao mác vây quanh chực sẵn. Số bà con còn lại thì ráp nhau cùng bác khiêng lật ngược sọ đầu cá trê lên. Hổng ngờ bầy heo con từ trong vù chạy ra. Con heo nái mẹ vú lòng thòng cũng chạy vụt ra theo.

Mọi người mới bật ngửa, cười ồ. Thì ra lúc nãy, heo nái mẹ dẫn đàn heo đến sân lăn ủi tìm cái ăn, nhưng nó ủi phá thế nào làm sọ đầu cá trê của bác Ba lật úp lại nhốt gọn lỏn bầy heo, cả mẹ lẫn con vào bên trong.

Kể tới đây, ông Tư đưa tay lên nắn nắn sửa lại cái búi tóc sau ót. Ông cười hề hề :

- Cái sọ đầu con cá trê của bác Ba thời đó bự cỡ vậy lận đó, các con!
 

Pearly

Moderator
Staff member
Joined
Aug 19, 2010
Messages
199
Points
18
Khỉ đi phát cỏ ruộng

khi_votinh.jpg

Hồi mới khai phá vùng này, khỉ nhiều vô kể. Mỗi bầy đông tới hàng trăm con, con lớn bằng đứa trẻ lên bốn, lên năm. Chúng phá ác lắm. Tui trồng được thứ gì là nó vặt trọi thứ đó. Năm nọ, tui trồng rẫy khoai rộng lắm. Tới chừng khoai có củ, khỉ móc ăn sạch sành sanh. Tức mình quá, tui tìm kế trị chúng một trận cho tởn.

Suy nghĩ hoài mà chưa có cách, giống khỉ khôn có hạng, đâu phải dễ dàng gì gạt được nó. Một hôm, nghĩ ra một kế. Cứ mỗi lần đi làm ruộng là nó bu lại ngồi trên đọt tràm dòm ngó. Tui chợt hiểu: À ! Đám này là chúa bắt chước. Vậy là tới bờ, tui kéo xuồng lên, múc nước trong xuồng uống rồi rửa mặt. Nước trong xuồng tui pha mật ong ngọt lịm. Khi về, tui lội bộ, giả bộ bỏ quên xuồng. Vắng người, bọn khỉ xuống vừa uống vừa tắm đã đời. Cầm đầu bầy có một con khỉ đột, đứng tới ngực. Nó khôn lắm, mấy lần đầu, nó đâu có chịu xuống. Thấy bầy khỉ con ăn, tắm đã đời, nó bèn mon men xuống làm thử; thấy êm re hổng có sao hết, vậy là nó vô khâu. Tui mới làm cái bẫy trong xuồng, con nào nặng tới năm mươi ký mới bị sập. Cho nên, mấy con khỉ con bò qua đâu có sao, còn nó nhào xuống thì bẫy sập. Bắt được nó về, tui đâu cho ở không, tui bắt nó đi phát ruộng. Cũng phảng, cù nèo đàng hoàng. Nó phát giỏi lắm, tui rồi một công thì nó cũng xong một công.

- Vậy, đám khỉ con đâu hết, bác Ba ? – Có người hỏi.

- Ờ, thấy chúa tể bị lao xiềng, lại bắt làm ruộng, lũ nhỏ tởn ông tởn cha nó, chừng nào mới dám tới, dám quậy nữa. Nói cho ngay, hồi đó khỉ chỉ có bắt chước thôi, chớ tay chân đâu có khều móc, chụp giật như bây giờ. Tụi bây biết tại sao không ?

Thấy lớp trẻ ngơ ngác, bác Ba Phi cười :

- Thì, tại nó tắm ba cái mật ong mà tao gạt chúng đó. Lâu ngày dài tháng, mật dính vô lông đi tới đâu kiến bu theo tới đó, ngồi đâu có yên, chúng quào móc riết thành tật, tới bây giờ làm sao sửa được.
 

Pearly

Moderator
Staff member
Joined
Aug 19, 2010
Messages
199
Points
18
Rùa U Minh

189.jpg

“Ai làm gì mà khói lên trong hậu đất vậy cà ?” - Đứng sau hè, thấy khói lên trong hậu đất, tui lẩm bẩm như vậy rồi bỏ vô nhà. Mới bưng chén trà lên hớp một ngụm, thì thằng Sáu hào hển chạy qua kêu :

- Bác Ba ơi ! Ai đốt cháy Lung Tràm, rùa qua hậu đất bác lểnh nghểnh. Hai bác cháu mình ra ví bắt ít con, chiều rang muối nhậu lai rai chơi.

Nghe nói nhậu rùa rang muối, tui chép nước miếng, lật đật với cái bao bố rồi dông theo thằng Sáu liền. Hai bác cháu tui vừa ra khỏi mé vườn thì thấy từ phía Lung Tràm rùa bò qua thật nhanh. Chúng còn ở ngoài kia, nhưng dường như thấy tụi tui nên nghểnh cổ nhìn. Đi tới chút nữa, bỗng bầy rùa ấy chụm đầu ngay vào chúng tui mà khẹt lửa. Liền đó, mấy trái đạn ĐK.57 nổ ầm ầm trên đầu. Hai bác cháu tui phóng xuống mương, bươn chạy một bữa muốn phờ râu. Biết sao không ? Xe lội nước chớ rùa gì.

Sau đó không lâu, cũng thấy lửa cháy ven lung như vậy, cũng thằng Sáu hào hển qua, kêu :

- Bác Ba ơi ! Xe lội nước đốt sậy, càn qua tới hậu đất rồi kìa. Chạy trốn mau đi !

Hai bác cháu tui chạy một mạch qua tới Lung Bùn, chém vè cho tới chiều. Về chưa tới nhà, thì thằng Ba Lùn chặn lại rủ vô nhà nhậu thịt rùa rang luối. Nó bảo là hồi trưa nó đốt giang sậy ven Lung Tràm, bắt được vài chục con rùa. Nó còn nói có mấy con bò qua hậu đất tui, bắt không được. Nghe nói mà tui tiếc hùi hụi. Hồi trưa thấy bầy rùa bò đó mà tưởng đâu xe lội nước, bỏ chạy trốn. Thiệt tức !

Lại một lần sau nữa thấy lửa cháy giang sậy, cũng thằng Sáu chạy qua kêu :

- Bác Ba ơi ! Lần này đón bắt rùa thiệt đó !

Hai bác cháu tui cảnh giác, đứng núp trong bờ chuối nhìn ra. Tui thấy từ xa những chấm đen đang động đậy, nhích dần về phía mình. Thằng Sáu dợm chạy ra bắt.
Tui nắm tay nó, kéo lại :

- Chết mẹ ! Xe lội nước !

Xe lội nước thiệt. Chúng căng thành hàng ngang chạy ngang qua. Hai bác cháu tui chạy một mạch qua Lung Bùn, chém vè vô đám nga. Hai đứa chia nhau hai chỗ. Trốn trong con lung này đầy sình lầy, xe lội nước khó lòng mà chạy vô được.

Tui nằm chờ co ro trong một lùm nga, nghe tiếng xe chạy rù rù êm tai làm cơn buồn ngủ kéo ghị sụp mí mắt xuống. Trong mơ mơ màng màng, tui nghe xa xa có tiếng lửa cháy, sậy nổ rốp rốp, gần gần có tiếng rùa bò qua sột soạt.

Trước mắt tui, chập chờn hình ảnh những còn rùa vừa bò ngang vừa ngóng cổ lên như nòng súng ĐK trên mui xe lội nước. Lại tốp rùa phía sau bò tới nữa, tới nữa. Rùa nhả lửa, khạc đạn ầm ầm, ì ì... Có một con bò đến bên chân tui, thở phì phò, phì phò... Tui cứ nằm im, nói thầm trong bụng : Kệ cha mày ! Đừng gạt tao chạy ra bắt để gặp xe lội nước nữa. Nhưng con rùa đó thật kỳ cục, cứ nhắm chân tui mà bò lên, mà thở phì phò nóng hổi. Hơi thở của nó hôi xăng tanh rình. Người ta nói không thèm bắt nó rồi mà cứ ủi ủi vào chân mãi. Tui nổi xung, tống cho nó một đạp thật mạnh. Con rùa văng bổng lên khỏi đọt nga, rớt ngửa ra giữa lung bùn một cái ùm, nước văng trắng dã. Tui giựt mình tỉnh dậy, vì bàn chân tui đau điếng. Đang ngồi xoa bóp, bỗng nghe ai đó bò xột xọt lại gần. Thằng Sáu ! Nó đến sát bên tai tui, thì thào :

- Chết rồi bác Ba ơi ! Tính sao bây giờ ? Có một chiếc xe lội nước đang bò vô chỗ này, bỗng nhiên nó văng bắn, lộn nhào ra giữa lung. Nó còn nằm ngửa bơi bơi như hai sợi dây xích lên trời như hai con cuốn chiếu lật ngược vậy đó.
 

Pearly

Moderator
Staff member
Joined
Aug 19, 2010
Messages
199
Points
18
Mê đá gà

75157809-111989_ga@.jpg

Hồi đó, ở vùng Lung Tràm này, tao luôn nổi tiếng chúa trùm trường gà. Đi tới đâu, thấy ai có nuôi gà nòi rặt là tao tìm cách mua hết cho bằng được, có khi còn khăn gói chèo chống nhiều ngày đường qua tận bên kinh Thứ Mười Một - Rạch Giá để lựa gà. Nhà tao lúc đó mấy trăm bội với hàng mấy chục con gà tử mị. Đám đệ tử theo học nghề tao cũng không ít. Nội vườn trồng ngải để “tẩm quất” cho gà thôi cũng đã hơn chục công, mỗi ngày phải đào cả chục gánh vô gọt vỏ, mài mịn, ngâm với rượu để tắm cho gà. Gần Tết, dân miệt Sài Gòn, Long An, Châu Đốc... kéo vô mở trường gà đông hơn đi trẩy hội Nghinh Ông.



Tao phải cất một hơi hơn mấy chục lán trại làm nhà trọ, rồi chỉ cách cho cả xóm cùng làm. Tiền vô như nước, đếm tê cả các đầu ngón tay. Hồi đó, tao giàu có tiếng, thế mà bây giờ... bây thấy đó, tao... nghèo có kém ai đâu. Đầu đuôi gốc ngọn cũng vì mấy con gà, không ở tù đã là may mắn lắm rồi.

“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn” mà. Tao chỉ là dân trùm miệt giồng, còn họ trùm miệt chợ thì chuyện sạt nghiệp là thường. Thật ra, tao cũng có những chiêu thật hiểm ác, vào trận, nếu gà của đối phương bị gà tao đá trầy sơ thì chỉ trong vòng chưa tàn cây nhang đã ngã ra giãy đành đạch, chết tại chỗ.

- Gà bác thuộc giống gà gì mà ghê vậy ?

- Cũng là gà nòi thường thôi, có điều trước khi cáp độ, tao lấy nọc rắn hổ thoa vô cựa gà.

Bởi vậy, tao bị tay thầy gà miệt Sài Gòn xuống cáp độ lớn tới mức phải bán hết mấy chục mẫu ruộng và trên chục công vườn, cầm luôn hai bầy trâu để ăn thua. Lần ấy, gà hai bên đá đến nước thứ ba rồi mà gà tao vẫn chưa hạ được gà người ta. Đã vậy, gà người ta càng đá càng hăng, còn gà của mình càng lúc càng xuống sức. Hai bên còn đang giằng co thì du kích xã xuống tới. Bị bao vây bất ngờ, tụi tao bỏ của chạy lấy người.

- Trời ! Tiếc quá nội hén. - Thằng Đậu chặc lưỡi tiếc rẻ.

- Tiếc gì chứ. Tối ngày cứ ba cái cờ bạc, số đề, đá gà... thì không bao giờ khá được đâu.
 

Pearly

Moderator
Staff member
Joined
Aug 19, 2010
Messages
199
Points
18
Thổi tù và gọi ba khía

1.jpg

Ba khía làm mắm, được chế biến với đủ liều lượng, gia vị, rau răm, quế, khế, thơm, chuối chát ăn với cơm nguội. Số dách !

Ở U Minh, ba khía có rất nhiều, tới mùa ba khía rộ, dân trong vùng và các nơi đổ về soi ba khía để làm mắm, nhưng bắt ba khía bằng cách đi soi, thộp cổ từng con bỏ vào thùng thiếc để đem về làm ra món mắm đặc sản mà đã có đông đảo dân mình ghiền, là xưa lơ xưa lắc rồi. Năm nay, tao có cách khác rồi vừa nhàn hạ, vừa nhiều ba khía và đảm bảo làm mắm ngay.

Nghe tao tuyên bố thế, chẳng mấy ai tin, tao đành phải “nói có sách, mách có chứng”.

Trời chập tối, tao đã kêu sấp nhỏ chuẩn bị bảy chiếc xuồng.

Thằng Đậu ngạc nhiên :

- Mình chỉ có ba ông cháu, một chiếc xuồng đã đủ, ông nội kêu chuẩn bị tới bảy chiếc để làm gì vậy ?

Tao cười tỉnh rụi :

- “Thiên cơ bất khả lậu”. Cứ làm theo ông nội chỉ, đâu sẽ vào đấy.

Tao còn bảo chúng nó đổ nước lưng lưng hai chiếc xuồng, năm chiếc xuồng còn lại đổ muối hột, muối dự trữ để sẵn trong thúng.

Chờ cho đỏ đèn, mấy ông cháu tao ì ạch đẩy hết xuồng ra vàm để hứng luồng ba khía từ trong rừng U Minh bò ra. Tao sắp xếp xuồng thứ tự đâu đó cả : Hai chiếc chứa nước đậu phía trước, kế tới năm chiếc xuồng muối.

Tao dặn thêm thằng Đậu :

- Có lớp ba khía nào bò lên thì xếp một lớp muối hột lên trên, lớp trên cùng gài bằng sóng lá dừa cho chặt, sau phủ lớp lá chuối là xong.

Thằng Đậu đốt đèn cho ba khía thấy đường bò về, còn con Mè bắc cầu cho ba khía leo lên xuồng.

Đèn được đốt lên, mấy ông cháu tao bò lên gò đất ngồi chờ. Hút tàn điếu thuốc rê, tao liền rút trong túi áo bà ba ra cái sừng trâu bóng lộn đưa lên miệng.

Tu và... tu và... tu và...

Thằng Đậu thắc mắc

- Ông nội thổi sừng trâu chi vậy ?

Tao rung đùi, trả lời :

- Gọi ba khía chứ chi.

Thằng Đậu cười ré lên :

- Úy trời ! Nào giờ mới biết cái vụ này. Ngộ quá ta !

Thổi sừng trâu một chập thì ngưng, tao lại vấn thuốc, chưa xong đã nghe tiếng thằng Đậu la :

- Trời ơi ! Ba khía về, nó leo lên xuồng nước. Ôi ! hằng hà sa số tận luôn.

Y như vậy, từng đàn ba khía từ dưới rạch theo cầu và bò lên xuồng thứ nhất, sau đó bì bõm qua xuồng nước thứ hai, rồi từ xuồng nước thứ hai chúng bò sang xuồng chứa muối hột. Nghe thấy hơi muối, chúng liền nằm im, lớp này chồng lên lớp kia rất thứ tự, lớp lang.

- Bây thấy chưa ?

Thấy chúng nó không hiểu, tao giải thích :

- Tao đã tính kỹ, ba khía bò lên xuồng nước đầu tiên là để rửa càng, rửa ngoe cho sạch bùn, tiếp tục bò sang xuồng thứ hai cho sạch rong rêu, rồi cứ thế bò sang xuồng chứa muối để tự nguyện... làm mắm.

Trăng lên chưa tới đỉnh sào thì mấy ông cháu tao đã bắt đầy bảy xuồng ba khía, nước tát bỏ đi, để muối dự trữ vào.

Trên đường về, con Mè hỏi :

- Bộ... ba khía khoái nghe tù và lắm hả nội ?

Tao cười khà :

- Tao thổi tù và cho vui thôi. Chủ yếu là ba khía nó đánh hơi nghe mùi muối, hiểu chưa. Hổng tin, cứ hỏi bả thử coi.
 

Pearly

Moderator
Staff member
Joined
Aug 19, 2010
Messages
199
Points
18
Bài thuốc trị rắn

cartoon_snake_caricature.png

Hồi nẳm, xứ này có ông thầy bắt rắn hổ nổi danh. Thấy nghề bắt rắn của ổng kiếm ăn được lại thong dong nên tao quyết định đi theo học nghề. Nhưng nài nỉ cỡ nào ổng cũng không chịu dạy, tao xách nốp sang ngủ luôn nhà ổng, chờ khuya theo ổng, nhưng khi thức dậy thì thấy ổng biến mất.

Túng cùng, tao nghĩ ra một kế, chống xuồng qua, cột dây mũi sau lái xuồng của ổng, lỡ có ngủ quên thì không sao, nhưng khuya chống xuồng đi một lúc, phát hiện ra xuồng tao, ổng nhẹ nhàng mở dây bỏ tao giữa đường.

Có lẽ ổng thấy tao nhất quyết học nghề nên cuối cùng ổng cho theo. Theo một thời gian ngắn thì tao học được cách tìm hang cụt có rắn, rồi lấy tay vuốt miệng hang nhiều lần, sau đó vỗ vỗ lên miệng hang thì rắn sẽ tự động bò ra, ổng chỉ cần lấy cây có nạng chận đầu con rắn rồi nắm đầu nó, xong dùng mác cạo hai cái răng có chứa nọc độc rồi thả vô rọng, tới khi rọng quảy nặng thì về.

Học thêm một thời gian nữa, tao đã rút ra được kinh nghiệm : Rắn không biết nghe, nó chỉ phán đoán con mồi hay đối thủ qua độ rung mặt đất và nhận biết vật cản qua thăm dò nhờ cái lưỡi. Mình bị rắn cắn là do đạp phải nó hay làm động tác chống cự nó mà thôi.

Sau đó, tao đi bắt rắn một mình, khi tìm thấy hang rắn, tao vội lấy thuốc ra vấn hút để nhả khói phun xuống hang coi có bao nhiêu ngách để ém chặt, chỉ chừa một cửa chính cho rắn chun lên như ông thầy từng làm. Chẳng dè, gặp hang có quá nhiều ngách, bối rối tao nằm dài ra lấy hai tay, hai chân bịt miệng hang lại hổng cho rắn chun lên. Con rắn nghe động, tưởng có mồi, nó bò lên chun vô ống quần tao, tao ráng trân mình mà chịu nhột. Con rắn chun lên tới lưng quần, hết đường, nó quây đầu trở xuống. Chờ nó bò ra xa, tao phóng cái rột định tháo chạy thoát thân, nào ngờ con rắn lẹ kinh hồn, nó rượt theo táp nghe cái “phập”, tao lẹ làng lăn ba vòng, nhảy ba bước, quơ mấy nắm cỏ nhai nuốt nước, còn xác thì đắp lên chỗ rắn cắn, đây là bài thuốc trị rắn cắn thuộc hàng độc chiêu của Ba Phi, nhưng phải là rắn cắn hụt đấy nhé.
 

Pearly

Moderator
Staff member
Joined
Aug 19, 2010
Messages
199
Points
18
Xẻ heo rừng

Hồi nẳm, dân U Minh trúng mùa bắp, nhà nào cũng có rẫy bắp mấy chục công.

Trong mấy mùa liền, bà con dư ăn, dư để.


xhr.jpg

Nhưng bận nọ, tao đi thăm rẫy. Từ đằng xa tao nghe tiếng gió ào ào, bắp gãy kêu rốp rốp, ngã la liệt. Tao lội tới, thì ra một bầy heo rừng ra ăn bắp của tao, chúng có cả hàng ngàn con chớ không ít, trong số đó có con heo cầm bầy coi bộ bặm trợn. Tao cầm cây tầm quơ, đuổi bầy heo tơ dông mất, chỉ còn mình con heo đực, “hắn” trụ lại nghinh chiến, tao còn thấy bộ nanh của nó nhọn hoắt.

Thấy nó nghinh, tao hơi ớn, nhưng cũng trân mình xốc tới nạt đùa. Tưởng nó sợ, nào ngờ nó phóng ào tới đánh tao cái vù, tao thất kinh né khỏi rồi dông tuốt một mạch về nhà.

Mấy hôm sau, tao mới hoàn hồn, và tao cũng đã nghĩ ra cách để trị nó. Trước hết, tao xách cây mác mài thật sắc bén để sẵn, sau đó trời vừa nhá nhem, tao lên đường ra ngoài chòi bắp. Chờ tới khuya, sương xuống nhiều để cho con heo đừng đánh hơi được tao, với lại trời khuya nó mê ăn không đề phòng.

Quả đúng y như vậy, khi nó phát hiện ra tao thì cả đôi bên chỉ còn cách nhau hơn một tầm đất. Con heo đực lên một tiếng báo động cho bầy heo bỏ chạy vô rừng, còn nó đứng lại. Thấy tao như vậy, nó tưởng tao sợ, chồm tới định dùng cặp nanh đánh tao một lần nữa. Còn tao, lúc đó đang ngồi chồm hổm, hai vế kẹp chặt cán mác, chờ con heo xông tới, tao hét lớn :

- Chết nè !

Con heo thoáng giật mình vèo tới, tao ngã người ấn mạnh lưỡi mác ngay yết hầu con heo. Do trớn phóng tới quá mạnh, con heo bị lưỡi mác vạch một đường dài từ dạ dưới lên tận sống lưng thành hai phần đều ran. Cái đầu còn nguyên nên máng trên cổ tao, tao lấy hết sức đứng dậy đi về một mạch, về tới xóm thì gà cũng vừa gáy sáng.
 

Pearly

Moderator
Staff member
Joined
Aug 19, 2010
Messages
199
Points
18
Thụt nòng ô-buýt

Mùa hạn năm đó, tôi đi rừng ăn mật ong. Mang gùi, xách mác, lội cả buổi vẫn chưa tìm thấy một tổ ong nào. Trong lúc thối chí, tui định quay về, bỗng gặp một tổ ong bự thôi là bự. Nó đóng trên một cây tràm bằng cổ vế, thân tràm cong xuống như một cần bẫy. Đứng xa nhìn lại, thấy những con ong già chớp cánh tợ có ai cầm một tấm vải gấm mà phất.

tnob.jpg

Tui nổi lửa đốt thuốc, rề vô thổi. Ổ ong đóng quá cao, lúc thổi, tui phải trèo lên ngồi trên đầu kèo. Ong già bay đi hết, tui dùng cây mác mà xeo mật. Thật cũng sơ ý, tôi vừa nạy sứt khúc mức với tấm tàn ong thì cây kèo tràm bỗng bật lên, bắn tui văng đi cái vèo. Ôi trời ! Tui nhắm mắt chịu trận. Bay đến mãn trớn, tui bị rớt xuống ngay một đám rẫy của ai ? Rẫy trồng bí đao, trúng quá sá kể!

Sau lúc định thần, tui xác định phương hướng. Đây là vùng rẫy Năm Căn. Và tui nghĩ cách để trở về nhà. Sẵn còn cầm cây mác trên tay, tui cắt một trái bí đao, bổ đôi ra theo chiều dọc, khoét bỏ ruột, làm xuồng. Tui quơ thêm một mớ củi khô, bỏ vô xuồng, đẩy ra sông, theo nước xuôi thả về biển, hướng về phía vàm Ông Đốc. Xuồng đi đến nửa đêm. Tiết tháng Chạp, trời lạnh quá, tui mới nhen lửa, chất củi vô đốt để hơ cho ấm. Nào ngờ, tui lại vô ý để lửa cháy làm chín mất một lỗ “chiếc xuồng vỏ bí” của tui. Nước xoi mội, chảy vô ào ào một hồi, chiếc xuồng chìm ngấm. Tui cứ nương theo ngọn sóng mà lội vô bờ. Nào ngờ lội một hồi, tui bị sóng đánh tấp vào một bè hạm đội nổi của bọn Mỹ mới là gay. Bốn bên trống hoang. Tụi nó cờ bạc gì ở trỏng, nói chuyện xí xô xí xào. Túng quá, tui phải chui vô họng một cây ô-buýt lớn nhất trên hạm mà nằm cù co chỗ ở cò súng. Nằm một hồi, nghe ấm quá, tui ngủ một giấc.

Tới chừng nghe có người rục rịch bên ngoài, tui giật mình thức dậy thì, trời ơi, bọn lính đã nạp đạn vô súng nghe một cái rốp. Chưa kịp chui ra, tui liền bị chúng nhấc cò cái bụp. Toàn thân tui bị bắn ra, cọ vào nòng súng kêu nghe cái “có...ét”. Mình mẩy tui nóng phừng. Gió rít hai bên lỗ tai tui vèo vèo. Đến mãn tầm, tui bị rớt xuống đất nghe một cái bịch. Thật bọn Mỹ ở hạm đội nổi tại sông Ông Đốc chơi ác quá, chúng lấy tui làm nùi giẻ lau nòng súng cho chúng.
Sáng ra, tui thấy mình được chúng bắn rớt nhằm vào vùng đất Khánh Bình Tây, ngay sau hè nhà mình.
 

Pearly

Moderator
Staff member
Joined
Aug 19, 2010
Messages
199
Points
18
Lúa nở ngầm

Năm đó, ruộng vừa cấy xong là trời chụp mưa xuống lu bù suốt nửa tháng liền, mấy cánh đồng như Lung Tràm, Kinh Ngang nước lên mênh mông lai láng. Ba ngày gió nổi, sóng bổ có vòi. Đồng lúa mới cấy, ngập lút mất tăm. Trên mặt ruộng chỉ còn số ít loại cây điên điển trổ bông vàng lơ thơ. Đêm đêm, bầy cúm núm phải đậu trên ngọn sậy mà gừ. Tiếng “cum cum”... “cóc cóc” trải vẳng trên mặt nước đồng nghe mà nẫu ruột ! Thôi thì ai cũng tính mùa ruộng năm nay đi theo bà thủy hết rồi, nên kẻ thì mua trúc về đan lờ, người thì đốn tre vô, cắt trúm định làm nghề bắt lươn kiếm ăn. Tui thì ngồi khoanh tay rế, than vãn thở dài với vợ con mà chịu trận.

Qua đợt mưa, nắng bắt đầu tốt lại. Tui lủi thủi chống xuồng đi thăm ruộng. Thì thăm cho có chừng vậy, chớ còn gì nữa mà mong. Đồng nước như biển, sóng ba đào, lúa thóc nào mà còn cho được ?

Lạ thay, lúc tui chống xuồng ra tới giữa đất, thì bỗng thấy nhiều đốm trăng trắng đang loi nhoi đằng xa. Chống riết lại, tui coi kỹ. A ! Những con chàng bè !

images

Tại sao chúng lại mắc kẹt đầu dưới nước, hai cẳng chổng lên và chòi đạp chới với vậy ? Lấy làm lạ, tui nhảy ùm xuống, mà coi. Úy trời đất thánh thần ơi ! Ruộng lúa còn sống nhăn ! Lúa đang nở ngầm dưới đáy nước. Lúa chuyển mình nở nghe rào rào. Những con chàng bè này mò cá ăn thọc đầu mò vô gốc lúa bị lúa nở mắc kẹt, không rút lên nổi. Khoái quá, tui chống xuồng đi “nhổ” chàng bè. Tui “nhổ” một lát, trút bỏ đầy nhóc xuồng be tám. Chống xuồng về nhà, tui cho bà nhà tui hay, bảo ngày mai cắt tranh ra mà bó ba cái lúa đang nở ngầm lại, kẻo để đến mùa nó lép hết.
 

Pearly

Moderator
Staff member
Joined
Aug 19, 2010
Messages
199
Points
18
Khỉ cười chết nhăn răng

Thường ngày bác Ba đi phát, thì xách theo mo cơm với đồ ăn và cái ấm đựng nước uống. Bác ăn thứ gì, thì cho con khỉ ăn thứ đó. Vậy mà bữa nọ, bỗng bác quên phứt chuyện đem cơm ăn làm buổi đúng, thành thử bác gái phải đem cơm ra ruộng.
khc.jpg
Cơm nước xong, thấy trời nắng gắt, hai bác mới kéo nhau vô lùm cây ngả lưng tránh nắng. Thấy bác trai mần cực khổ, bác gái thương tình âu yếm. Bác trai nằm trong lòng cho bác gái nhổ tóc bạc chơi. Ngó ngoài đồng hoang vắng, gió mát, trời trong, bác trai động lòng phàm tục. Tới chừng ngó lại thì thấy con khỉ dòm lom lom, bác gái mắc cỡ, rủa yêu :

- Đồ quỉ ! Làm ăn gì bất nhơn quá, hổng sợ con cháu nó cười.

- Cười cái con khỉ ! - Bác Ba quay qua, bỗng thấy con khỉ ngồi nhăn răng cười thiệt.
khc1.jpg
Chiều về, cơm nước xong, bác Ba bắc ghế ra sân hóng mát, thì con khỉ bỗng biết kêu: Chí ! Chí !

Bác Ba sực nhớ chuyện hồi trưa, sợ lộ nên đưa đầu cho con khỉ bắt chí. Từ đó, nó truyền nghề cho con cháu sau này.

Ở với người riết rồi con khỉ học được chuyện nói tiếng người. Một hôm, nó hỏi bác Ba: Tại sao con sáo bác nuôi mà không nhốt trong lồng, còn nó thì luôn luôn bị xiềng xích?

Nghe nó hỏi, bác Ba bí rị. Mà thiệt tình là như vậy. Con khỉ thì đi làm đúng buổi với bác, còn sáo thì ở nhà nhông nhổng suốt ngày, lại còn được bác hái ớt hiểm cho ăn, bắt cả cào cào bỏ vào keo, đem về đút từng con cho nó. Bác ba suy nghĩ một lát rồi trả lời :

- Tại vì nó biết bắt chước, mày không thấy sao ? Mỗi lần đi làm về, nó đều nói theo sắp nhỏ : “Hoan hô bác Ba” !

Nó chỉ bắt chước chuyện người ta nói, còn mày thì bắt chước chuyện người ta làm. Tao phát cỏ thì mày phát; tao cấy thì mày cấy. Ở đời, bắt chước người ta nói thì được. Ví như tao đi làm về đang mệt mà nghe nó nói “hoan hô bác Ba” thì sướng còn hơn đi lên cung trăng. Còn mày mà lỡ sút xiềng ra, mày bắt chước tao... thì có nước tao vọt xuống sông, đội lục bình!

Nhớ tới chuyện cũ, con khỉ ôm bụng cười lăn cho đến đứt ruột mà chết. Nó chết nhăn răng, thế mà bác Ba cứ tưởng rằng nó đang cười. Tới chừng quạu quá, bác lấy chân đá cho nó một cái, mới hay là nó đã chết tự hồi nào.

Còn con sáo, không biết đứa nào cắc cớ dạy cho nó nói tầm bậy. Lần ấy, bác Ba đi làm về mệt, bác không nghe nó nói “hoan hô bác Ba” như mọi bữa nữa, mà thay bằng một câu khác.

Nó vừa nói lên mấy tiếng “Bác Ba lấy...”, thì bỗng đâu con mèo từ xa nhảy đến, chụp lấy cái rẹt, cắn cổ con sáo, tha tuốt lên nóc nhà.

Bác Ba lấy chiếc khăn rằn, lau mồ hôi trán, thở phào nhẹ nhõm.
 

Pearly

Moderator
Staff member
Joined
Aug 19, 2010
Messages
199
Points
18
Bắt cá kèo

- Hồi xưa, bác cũng có đi bắt cá kèo nữa hả, bác Ba ?

bck.jpg

Bác Ba cùng với mấy đứa cháu lối xóm ngồi chuyện trò từ trưa tới giờ dưới gốc bụi tre tàu trước nhà. Gió chướng thổi xạc xào cành lá. Nhìn thấy bác Ba có vẻ mệt mỏi, không muốn kể chuyện thêm nữa, thằng Truyền cắc cớ, kiếm chuyện hỏi thêm.

- Ừ ! Cá kèo tao bắt dữ lắm. Có hôm lấy ghe mà chở - Bác Ba trả lời.

- Thiệt vậy hả bác ? Ủa ! Mà hồi đó bác bắt cá kèo ở đâu vậy ?

Thằng Truyền lại hỏi, vẻ mặt coi bộ nghi ngờ, khó hiểu. Mấy đứa trẻ khác thì mở trừng mắt nhìn theo mấy ngón tay đang múa may như phù phép của bác.

- Nè, coi tao bắt đây ! - Bác Ba đứng dậy trỏ một ngón tay xuống đất - Tụi con nên nhớ vùng biển Đá Bạc của mình hồi đó vô cho tới tận con kinh Lung Tràm này. Cá kèo lội đặc như bánh canh trong nồi. Nhưng ngày xưa mà, đâu có phương tiện gì nhiều để bắt cá kèo như bây giờ. Chủ yếu là bắt bằng tay thôi. Cũng không phải ai cũng bắt bằng tay giỏi như tau. Tụi con coi đây - bác Ba xòe hai bàn tay giơ lên - đơn giản như vầy chớ mỗi lần tao thò tay xuống sông rồi giở tay lên là bắt được mười con, mỗi kẽ tay một con, nằm im không giãy gì được. Cá kèo coi nó trơn lùi vậy chớ không con nào chạy tuột ra khỏi được tay tao đâu.

Mấy đứa nhỏ ngồi nghe chợt thấm ý, bật cười, cái đầu tụi nó gục gặc. Chỉ riêng thằng Truyền không nói, cũng không cười. Nó ngồi yên, chỉ đưa hai bàn tay ra trước mặt, cái miệng nó lép nhép nói như đếm thầm. Vụt một cái, nó đứng dậy, bước tới, nắm tay áo bác Ba Phi lại, hỏi :

- Bác mới vừa nói mỗi kẽ tay bác bắt một con. Hai bàn tay có tám kẽ tất cả, vậy làm sao bác bắt được mười con một lần ?!

Không ngờ thằng nhỏ bất ngờ hỏi “tréo cẳng ngỗng”, bác Ba đớ người một lúc, rồi đưa tay vỗ xuống đầu nó như thể nựng nịu. Bác xuống giọng:

- Ờ... đúng vậy. Truyền ! Mày hỏi đúng. Thông thường làm gì bắt được một lúc mười cá kèo như vậy. Nhưng vì tay tao bắt cá “dính” quá, nên có số cá kèo nịnh lội tới lội lui, chực sẵn bên ngoài, chờ tao thò bàn tay xuống, mỗi lần như vậy là chúng nó nhào vô hai con một lượt để “dính ké”. Nhờ vậy mà mỗi lần tao giơ tay lên thì được đến 10 con !
 

Pearly

Moderator
Staff member
Joined
Aug 19, 2010
Messages
199
Points
18
Bắt heo rừng

Hồi đó, ở cặp theo phía rừng U Minh này, có làm ruộng nương, rẫy bái gì được đâu ! Heo rừng ngày đêm kéo từng bầy ra phá phách chịu không nổi. Những con heo nọc lớn như con bò, đi ra tới xó, rượt nhảy đực heo nái nuôi trong nhà. Heo đẻ ra con nào mình mẩy cũng dọc dưa, mỏ nhọn thon thon...

bhr.jpg

Năm đó, tui có trồng mười công khoai lang với khoai môn. Khoai trúng ơi là trúng. Khoai lang lá mướt rượt như thoa mỡ, đọt bò vượt. Còn khoai môn, tụi con nít ngắt lấy lá lớn thả lật ngửa dưới kinh, làm xuồng bơi qua bơi lại. Vậy mà chỉ trong một đêm thôi, tui mắc công chuyện phải đi ra sông Ông Đốc, mười công khoai lang bị heo ăn sạch bách. Ra thăm rẫy, tui thấy mà buồn ghê. Heo lớn, heo nhỏ gì cũng ủi lút nửa con xuống đất để ăn củ khoai. Tức bụng quá, tui chạy tuốt về nhà mấy cây mác vót ra. Cây mác của tui bén như nước. Tui đi nhè nhẹ, cứa cho mỗi con một mác vào lưng. Cứa xong, tui vỗ tay nạt lớn : “Heo ! Ôi là trời!”. Bầy heo giật mình nhảy dựng lên, định tốc chạy. Nhưng nào có dễ đâu. Giống heo rừng xương sống ngay đơ như cây đòn gánh, hễ con nào phóng mạnh một cái là sụm xuống ngay.

Tui kêu bà con chống xuồng ra, chở về xẻ thịt, đem đi bán. Mùa đó, tui bán thịt heo rừng lại lời gấp mấy lần mười công khoai lang chúng ăn.
 

Sheiran

Administrator
Staff member
Joined
Nov 17, 2011
Messages
5,260
Points
113
Bác ba "phi" mà, không có cái gì là "hữu" hết. Hihi...
 

Pearly

Moderator
Staff member
Joined
Aug 19, 2010
Messages
199
Points
18
Câu cá sấu

ccs.jpg

Một lần, có người khách mới tới U Minh, hỏi bác Ba :
- Xứ mình chắc nhiều sấu lắm phải không bác Ba ?

Ổng trả lời :
- Ôi ! Sấu ở đây khi trời nắng, chúng lên nằm hai bên bờ sông như củi lụt.

Người khách liền hỏi :
- Vậy làm sao mà bắt được nó ?

Bác Ba Phi đáp :
- Khó gì đâu, câu bắt nó thôi. Bửa hổm, tui và bả đi câu. Tui làm một cái doi thiệt bự, rồi hai vợ chồng chèo thuyền đi. Tới sông Quảng Phú, gặp một con cá sấu lớn. Nó mắc lưỡi câu, hai sợi doi nổi ở một khúc eo sông. Tui thử kéo lên. Chà ! Một con cá sấu thiệt lớn. Tui quấn sợi doi trước mũi thuyền. Thế là sấu chạy, kéo luôn cả thuyền. Tui vội la bả: “Bà cầm lái cho ngay kẻo chìm !”. Con cá sấu kéo thuyền của vợ chồng tui từ sông Quảng Phú tới vàm Cái Đôi mới bắt được nó.

Người khách lại hỏi :
- Thế thì làm sao đi ngang đập Cây Dừa ?Bác Ba Phi thản nhiên :

- Thì nó kéo thuyền qua đập luôn chớ sao !
 

Pearly

Moderator
Staff member
Joined
Aug 19, 2010
Messages
199
Points
18
SÂN QUẠ
truyen_San_qua.jpg
Ở Phong Lưu, Canh Đền có một sân chim, mỗi lần người ta bắt hàng vạn con còng cọc, cò long bong, cò quắm, vạc, diệc mốc chở ra chợ bán. Phía sau vạt đất tui thì lại có “sân quạ”, chuyện mới lạ đời !

Số là mùa hạ năm đó, nắng khô hết đìa bàu, ao vũng xứ này. Trâu bò phải đi kiếm nước uống ở những cái giếng giữa đồng xa.

Tui có bầy trâu tất cả là tám con. Nhưng chiều bữa đó, chúng đi về lại lạc mất con đực pháo. Sau mấy tháng lăng xăng chạy kiếm đủ chỗ, tui mới gặp nó đứng chổng khu uống nước ở một cái giếng trong đầu ngàn hậu đất.
Gần đi tới, tui thấy con đực pháo đang rùng mình lúc lắc, mặc dù bốn cái chân của nó còn lún sâu dưới thềm đìa. Tới thêm chút nữa, tui thấy con trâu như nghe được tiếng động, nó cựa mình vùng lên. Gần lại nữa, tui thấy nó run run, giật giật. Lấy làm lạ, tui lại gần xem. Con trâu làm như hoảng hồn, lúc lắc nhổ bốn cái chân lên, nhưng bốn chân nó ngay đơ, không thấy nhúc nhích gì hết trơn. Con trâu lại cất tiếng kêu “ọa ọa”, rồi nó trân mình đứng dựng tại chỗ, run rẩy. Thấy đít con trâu lủng một lổ, tôi vội quơ nùi rơm nhét lại rồi đưa tay với lấy sợi dây định dẫn nó về. Nhưng con trâu cứ giẫy giụa mà đứng tại chỗ. Cuối cùng tôi phải về, kêu bà nhà ra lôi tiếp con trâu về nhà.

Sau đó, tui với bà nhà mài dao xẻ con trâu. Nào ngờ phèo phổi, ruột gan, thịt thà bên trong con trâu đều bị lũ quạ khoét đít chui vô hồi nào mà ăn sạch trọi. Tui với bả bắt ra được hai trăm hai mươi sáu con quạ vừa lớn vừa nhỏ. Không tin thì hỏi bả thử coi !
 

Pearly

Moderator
Staff member
Joined
Aug 19, 2010
Messages
199
Points
18
CHIM CHUỘT Ở U MINH

Năm đó, tui làm đám mạ ở gần mé rừng. Nói là “làm đám mạ”, vậy chớ có làm gì đâu. Ở xứ này mà, tháng hạn châm một mũi lửa là mặt đất bị cháy sạch. Chờ tới sa mưa, đội lúa giống ra, coi chỗ nào ưng ý là gieo.
Giống lúa tôi đã ngâm lên đủ ba càng, một mộng đàng hoàng, từ trong nhà đội ra. Bữa đó trời trong, im gió, nhưng không biết sao tui nghe dường như có mây che mù mịt trên đầu, có cả tiếng gió rì rầm đâu xa xa nữa. Ra đến nền đám mạ, tôi để thúng lúa giống trên đầu xuống. Thì... trời ơi ! Chim dòng dọc với chim lá rụng nằm đầy nhóc một thúng giạ. Chúng đã ăn sạch sẽ cái thúng lúa giống của tui, không còn một hột để nhổ râu. Nghe động, chúng bay lên cái rần, chỉ còn lại các thúng không.

chim-chuot-o-u-minhw.jpg

Tức quá, tui về nhà ngâm thêm một gịa lúa giống nữa. Vài ngày sau, tui cũng đội lúa ra gieo y nền cũ. Lần này biết khôn, tui không để thua mấy con chim này nữa. Một tay tui vịn thúng lúa, một tay cầm nhánh chà quơ quơ phía trên đầu. Vậy mà tới đám mạ, thúng lúa cũng bị chim ăn hết phân nửa.

chim-chuot-o-u-minh-1w.jpg

Bây giờ mới bắt đầu gieo hột. Tui cặp thúng lúa vào nách, đi thụt lùi, vãi ào ào. Vãi hết thúng lúa giống, đến chừng coi lại thì không có một hột nào rơi được tới đất. Chuột ! Chuột đứng xếp hàng. Con nào cũng vậy, một tay chắp sau đít, một tay đưa ra hứng lúa. Chúng vừa ăn, vừa vuốt râu. Có mấy con chuột già không hứng lúa để ăn, ngồi ngoài rìa đám mạ, mặt mày buồn thiu./.
 
Top Bottom