Bức tượng độc đáo với thế Phật ngự trên lưng vua

Biển

Người về từ lòng đất
Joined
Apr 16, 2011
Messages
450
Points
18
Từ lâu, nhiều người dân đã đồn thổi về một bức tượng thuộc loại “độc nhất vô nhị” - tượng Phật ngồi trên lưng vua - ở Việt Nam. Bức tượng này đang được lưu giữ tại chùa Hoè Nhai (ở phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, TP.Hà Nội).

Mặc dù đến nay, các nhà khảo cổ và những chuyên gia lịch sử vẫn cố gắng giải mã thông điệp thế Phật ngồi trên lưng vua này nhưng vẫn chưa có lời giải chính thức. Lý giải xác thực nào cho bức tượng này, đến nay vẫn là ẩn số. Đến bao giờ, nó được giải mã vẫn chưa thể biết nhưng có một điều chắc chắn rằng, thế Phật đó mãi trường tồn và là những minh chứng, chứng minh cho những thăng trầm của đạo Phật ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến vua Lê – chúa Trịnh.

Bức tượng “độc nhất vô nhị”

Chùa Hòe Nhai tên chữ là Hồng Phúc tự, ở số 19 phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là một trong những ngôi chùa cổ lớn ở kinh đô Thăng Long xưa. Chùa được xây dựng từ thời Lý (1010-1225). Chùa tọa lạc trên khuôn viên rộng 3.000m2 theo kiến trúc nội công ngoại quốc, không gian chùa xanh mát bóng cau, cây bồ đề cổ thụ xòe tán rộng sum suê.
Chùa gồm hai bái đường mỗi tòa năm gian, chính điện ba gian và nhà tổ bẩy gian tạo thành hình chữ công. Sân chùa có hai ngọn tháp cao ba tầng, bên cạnh dựng hai bia đá lớn trong tổng số 28 bia tại chùa. Tấm bia có niên đại sớm được dựng năm 1703 thời vua Lê Hy Tông (1676-1705) do tiến sĩ Hồ Tông Mục soạn, ghi rõ: Chùa xây dựng ở phường Hòe Nhai tại Đông Bộ Đầu (Bến Đông). Hiện chùa còn giữ những vật cổ như khánh đồng lớn với chiều cao 1m và rộng 1,5m, đúc năm Giáp Dần niên hiệu Long Đức thứ ba (1734) đời vua Lê Thần Tông (1619-1662); trống đồng niên hiệu Tự Đức (1848-1883)... Theo sử sách, bức tượng Phật ngồi trên lưng vua ở vào thời đời vua Lê Hy Tông đương trị vì nhưng thực chất quyền hành nắm trong tay chúa Trịnh Căn.
nguoiduatin-ANHCHINHanhtuong2.jpg


Tượng Phật với thế ngồi trên lưng vua.
Hệ thống tượng Phật ở chùa Hòe Nhai được giới khảo cổ gia ghi nhận là đa dạng về chất liệu như gỗ quý, đất nện, đồng hun. Mỗi pho tượng đều mang giá trị nghệ thuật qua kiểu dáng thuần hậu. Các pho tượng tổ khắc họa chân dung mỗi vị một gương mặt sống động, một sắc thái riêng biệt như tượng Cửu Long Thích Ca (Thích Ca sơ sinh); tượng Phật A Di Đà; tượng Phật Quan Thế Âm... Song làm rạng danh cho ngôi chùa này, cũng là “độc nhất vô nhị” trong tín ngưỡng thờ Phật ở chốn đình chùa là pho tượng một vị Phật ngồi trên lưng một ông vua nằm phục xuống theo điển tích vua Đế Thích tình nguyện làm giường cho Phật Thích Ca ngồi thuyết pháp. Thoạt nhìn tưởng như đó là một pho tượng Phật liền khối, song thực tế những nghệ nhân dân gian đã khéo léo khớp từ hai phần riêng lẻ thành một khối.Tổng thể pho tượng Phật ngồi trên lưng vua cao hơn 3m. Đế tượng thể hiện một vị vua quỳ gối phủ phục mang trên lưng một pho tượng Phật, tay kết ấn, vẻ mặt từ bi, thoát tục. Thế tượng Phật ngồi trên lưng một người, người đó là một vị vua thì chưa từng có, dường như đi ngược lại giáo lý nhà Phật, phá bỏ cấu trúc tạo hình truyền thống vốn có trong nghệ thuật tạc tượng Phật thường là ngồi trên đài hoa sen.Từ xưa đến nay trong lịch sử Việt Nam cũng như các nước theo đạo Phật, chưa khi nào thần quyền được đặt lên trên pháp quyền. Bởi vậy, việc tồn tại một pho tượng Phật ngồi trên lưng vua đang phủ phục là điều hiếm, “độc nhất vô nhị”. Nhiều người khi nhìn bức tượng này cho rằng đây là một sự trừng phạt, tức nhà vua bị thần quyền trừng phạt (tức thần quyền trừng phạt pháp quyền) nhưng thực tế không phải vậy. Dáng quỳ gối phủ phục sát mặt đất của tượng vua thể hiện một sự quy phục tuyệt đối. Đó là sự hối lỗi chân thành, một sự thay đổi xuất phát sâu sắc từ trong tim chứ không gượng ép và do đó đây là một sự nhận lỗi, sửa sai chứ không giống hành vi của sự trừng phạt.Theo các nhà khảo cổ học, cách nhìn nhận đó của người dân khi nhìn ngắm, chiêm ngưỡng tượng Phật “độc nhất vô nhị” đó là có lý. Đó là cách nhìn nhận đơn thuần. Nhưng, để giải mã nó, các nhà khoa học cần rất nhiều chứng cứ mang tính lịch sử của đạo Phật cũng như bối cảnh ra đời bức tượng Phật.
nguoiduatin-ANHPHUanhtuong4.jpg


Quang cảnh chùa Hoè Nhai


Đức vua sám hối, đạo Phật hồi sinh

Theo người trụ trì chùa Hòe Nhai hiện nay, nhà sư Thích Tâm Hoan, thì vào khoảng năm 1670, khoảng thời gian này, Phật giáo không còn được đứng ở vị trí quốc giáo, thay vào đó là Nho giáo. Lúc này, Phật giáo đang trong thời kỳ suy yếu, các nhà sư đều điêu đứng vì bị cho rằng sự tồn tại của họ là không có lợi cho xã hội, các Tăng ni và Phật tử trong chùa đều sống nhờ vào sự hảo tâm của mọi người.
Đến thời vua Lê Hy Tông (1663-1716), vua ban sắc lệnh đuổi hết sư sãi ở các chùa lên rừng, ai ngoan cố không đi sẽ bị khép vào trọng tội đem ra xử trảm, khiến Phật giáo thời kỳ này rơi vào thảm cảnh, tang thương, bi đát nhất trong lịch sử phát triển của mình. Chùa bị bỏ hoang, kẻ cắp vào ở, mọi thứ bị tàn phá mà không nhận được sự bảo vệ của giới chức sắc thời phong kiến. Các nhà sư phải bỏ lên rừng, nhiều người không chịu được đói rét nên cởi áo cà sa, hoàn tục quay về kiếp phàm trần.Đây là thời kỳ rất bi thương của đạo Phật. Trong thời điểm sinh tử của đạo Phật, một vị thiền sư đắc đạo tên Tông Diễn đã xuất hiện đúng lúc. Vị thiền sư này được biết đến là thuộc thế hệ thứ hai của phái Tào Động, với tên Tổ Cua, Tổ Cáy. Thiền sư Tông Diễn cũng bị buộc phải đi qua con đường hoặc sinh hoặc tử này, tức cũng phải lên rừng nếu vẫn theo đạo Phật. Nhìn thảm cảnh tăng chúng phải chịu sắc lệnh rời chùa lên rừng, Hòa thượng Tông Diễn không cam lòng. Thấy tăng chúng phải trải qua pháp nạn quá nặng nề đó, ông đã tìm cách trở lại kinh thành Thăng Long, nhằm giáo hóa vua Lê Hy Tông, cứu lại niềm tin Phật pháp vô biên.Cũng với lời kể của nhà sư Tâm Hoan thì cuộc gặp gỡ giữa Hòa thượng Tông Diễn và vua Lê Hy Tông quả là khó khăn. Việc một vị sư đã bị trục xuất khỏi kinh thành tìm cách để trở lại đã khó, gặp vua khi đang mang suy nghĩ kì thị và căm ghét nhà sư thì việc đó trở thành điều không thể và có thể là cấm kỵ. Song, vì đạo Phật, Hoà thượng Tông Diễn phải làm tất cả để vượt qua cái gọi là sự cấm kỵ đó. Hòa thượng Tông Diễn đã phải dùng biện pháp cải trang, giả vờ dâng tặng nhà vua một viên ngọc quý nhưng thực chất bên trong là một tờ sớ được viết bằng tâm huyết của chính mình với mong muốn giúp vua Lê Hy Tông ngộ ra được chân lý của Phật giáo.Điều mà bức sớ của Hoà thượng Tông Diễn muốn nói với vua Hy Tông là ở đời Trần, đời Lý, các vua hết sức coi trọng đạo Phật, quốc gia rất thịnh trị; đạo Phật dạy con người ta biết ăn uống đúng mực, không tham sân si, không giết người, cướp của. Nó như một viên ngọc quý của quốc gia, vậy tại sao cho đến giờ đạo Phật lại bị cho rằng không mang lại lợi ích gì cho xã hội...? Vậy, sự thịnh trị của quốc gia thời Lý, thời Trần cùng với sự hưng thịnh của đạo Phật ngày ấy chẳng lẽ là giả, không phải là chứng lý hùng hồn của tốt đời, đẹp đạo sao? Cách lý giải có tình, đầy lý của Hoà thượng Tông Diễn trong tờ sớ làm vua Lê Hy Tông bừng tỉnh. Cuộc trò chuyện diễn ra trong không khí cởi mở, vua đành rút lại sắc lệnh đã ban. Để thể hiện lòng thành, vua cho người tạc bức tượng lớn mà trong đó có hình nhà vua lấy theo mẫu vua Hy Tông đang phủ phục dưới đất cõng trên lưng tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang ngồi thiền trên đài sen và đặt tên đó là bức tượng vua sám hối.

Tượng đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness
Thông điệp khắc qua thế tượng, hay thời điểm ra đời bức tượng này đến nay vẫn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều của những nhà nghiên cứu. Song câu chuyện về vua hối lỗi ở đây có bao nhiêu phần trăm sự thật có lẽ không còn quá quan trọng. Nhưng những thông điệp từ câu chuyện này, người ta thấy ở đó sự thành tâm, chân thành. Năm 2006, nhân dịp UNESCO công nhận lễ Phật Đản là lễ hội tôn giáo thế giới, nhiều công trình văn hóa Phật giáo đặc sắc khắp châu Á được nhắc đến, trong đó có pho tượng vua sám hối độc nhất ở Việt Nam. Hiện, tượng vua sám hối cũng được ghi vào sách kỷ lục Guinness quốc tế, ở lĩnh vực Phật giáo.
Quỳnh Chi
 
Top Bottom