2. Những cao trào cách mạng đưa đến thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (từ tháng 10.1930 đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương), phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân ta phát triển sâu rộng. Dù bị bọn đế quốc, thực dân Pháp và tay sai đàn áp đẫm máu, song cuộc đấu tranh vẫn duy trì và phát triển, đưa tới thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.
Trước hết, cao trào 1930-1931, với đỉnh cao Xô Viết Nghệ - Tĩnh, nổ ra ngay sau khi Đảng vừa ra đời. Cuộc bạo động Yên Bái, tháng 2.1930 của Việt Nam Quốc dân Đảng bị thất bại, chấm dứt khuynh hướng cứu nước theo lập trường giai cấp tư sản. Từ đây, phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam đã diễn ra dưới ngọn cờ của cách mạng vô sản.
Cao trào 1930-1931 nổ ra trong khắp nước, với lực lượng đấu tranh to lớn là nông dân, song đã liên minh với giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng vô sản. Khẩu hiệu đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ kết hợp chặt chẽ với các khẩu hiệu mang tính chất giai cấp và quốc tế: đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, ủng hộ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc thế giới. Như vậy, mục tiêu, nội dung đấu tranh của nhân dân ta so với các phong trào yêu nước trướ kia cũng khác hẳn: Không chỉ chống thực dân Pháp mà cả đế quốc, mở rộng sự đoàn kết với nhân dân bị áp bức thế giới, kết hợp đấu tranh chính trị với kinh tế, diễn ra dưới nhiều hình thức.
Đỉnh cao của phong trào 1930-1931 là Xô viết Nghệ - Tĩnh. Từ tháng 9.1930 đến đầu năm 1931, chính quyền Xô Viết được thành lập và phát huy quyền làm chủ nông thôn của quần chúng nhân dân lao động.
Phong trào cách mạng 1930-1931 nói chung, Xô Viết Nghệ - Tĩnh nói riêng thất bại, bị đàn áp dã man, nhưng bị dập tắt mà vẫn được duy trì để rồi phát triển. Phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh là “phong trào quần chúng mạnh lớn nhất xưa nay chưa từng có ở nước ta”[SUP](1)[/SUP], đã để lại nhiều bài học, kinh nghiệm quý giá cho cách mạng Việt Nam, đặc biệt việc chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám thắng lợi sau này.
Qua phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh, cách mạng Việt Nam đã khẳng định rằng, để đi tới thắng lợi, cuộc đấu tranh của nhân dân ta phải đảm bảo hai điều kiện quan trọng bậc nhất: có Đảng lãnh đạo và xây dựng được liên minh công nông, làm cơ sở vững chắc cho việc thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Xô viết Nghệ - Tĩnh cũng để lại nhiều bài học quý giá khác mà sau này cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1940-1945 và cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 đã phát huy cao. Đó là việc xây dựng lực lượng vũ trang, hỗ trợ cho cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân, trong Xô Viết Nghệ - Tĩnh là đội tự vệ mà nòng cốt là đội Tự vệ đỏ. Đây là lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của Đảng, của nhân dân ta, dẫn tới các đội tự vệ, du kích và Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân sau này. Bài học lớn mà Xô Viết Nghệ - Tĩnh để lại cho Cách mạng tháng Tám 1945 sau này là giành chính quyền và xây dựng chính quyền cách mạng. Đảng ta lãnh đạo nhân dân thực hiện nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về “vấn đề chính quyền là vấn đề cơ bản của cách mạng”.
Sau phong trào cách mạng 1903-31, tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến đổi: khủng hoảng kinh tế thế giới với nhiều hậu quả to lớn, chủ nghĩa phát xít nảy sinh và nắm quyền ở một số nước tư bản, nguy cơ chiến tranh thế giới…
Trong điều kiện bị khủng bố ác liệt, Đảng ta vẫn giữ vững được tinh thần, ý chí, tổ chức cách mạng và dần dần khôi phục được hoạt động mạnh mẽ trong cả nước. Sau Đại hội đại biểu Đảng lần thứ nhất (27 - 31.3.1935), Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản (25.7 - 20.8.1935), phong trào cách mạng thế giới chuyển sang một thời kì mới. Đó là phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình (1936-1939). Vận dụng đường lối chống chiến tranh của Quốc tế Cộng sản, ở Việt Nam, Đảng đã lãnh đạo đấu tranh một cách sáng tạo. Mục tiêu cách mạng không thay đổi, song trong hoàn cảnh lịch sử mới, hình thức, nội dung đấu tranh rất phong phú, đa dạng, sáng tạo, thu được nhiều kết quả. Đó là cuộc đấu tranh đòi triệu tập Đại hội Đông Dương, đấu tranh công khai trên mặt trận báo chí, ở nghị trường, đẩy mạnh phong trào truyền bá quốc ngữ, đòi tự do, dân chủ, quyền dân sinh… Hầu hết các cuộc đấu tranh đều có sự liên kết với nhau trên quy mô lớn và huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân, đấu tranh trên nhiều lĩnh vực khác nhau, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ mà vẫn nhằm tới mục tiêu đấu tranh cuối cùng của cách mạng.
Phong trào cách mạng 1936-1939 cũng được xem như “cuộc tổng diễn tập của Cách mạng tháng Tám 1945”; nhiều bài học, kinh nghiệm của thời kì này được vận dụng vào thời kì cách mạng sau đó. Trước hết là việc thanh lập Mặt trận dân tộc thống nhất với những hình thức tổ chức sinh động, phù hợp với trình độ, yêu cầu của mỗi giai cấp, tầng lớp nhân dân; tập hợp, đoàn kết chung quanh Đảng. Sự hợp đồng các “binh chủng” trong cuộc đấu tranh cách mạng trên mọi lĩnh vực với các hình thức hợp pháp và nửa hợp pháp đã tạo nên được sức mạnh to lớn, khiến kẻ thù phải hoảng sợ. Thắng lợi của cuộc đấu tranh thời kì 1936-1939 với cao trào Mặt trận dân chủ đã tạo ra lực lượng mới, mở rộng trận địa đấu tranh cho cao trào cứu nước 1940-1945, đưa tới cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi tháng 8.1945.
Tháng 9.1939, Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, ảnh hưởng mạnh mẽ, trực tiếp đến Việt Nam. Thực dân Pháp xóa bỏ mọi quyền tự do, dân chủ mà nhân dân ta đã giành được trong thời kì Mặt trận dân chủ. Chúng tiến hành đàn áp rất dã man, hòng thủ tiêu phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Trước tình thế ấy, Đảng ta chủ động, tích cực chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, rút vào hoạt động bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn. Hội nghị lần thứ VI của Trung ương Đảng (tháng 11.1930) đã nêu rõ, lúc này “giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Đông Dương”, chủ trương tạm gác khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của giai cấp địa chủ, chỉ đề ra việc đấu tranh chống tô cao, cho vay nặng lãi và tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội quyền lợi của dân tộc chia cho dân cày; thay khẩu hiệu lập Chính phủ Cộng hòa dân chủ và thành lập Mặt trận dân tộc phản đế Đông Dương”[SUP](2)[/SUP].
Như vậy, việc chuyển hướng chủ đạo chiến lược không có nghĩa là Đảng từ bỏ mục tiêu chiến lược mà chỉ thay đổi hình thức đấu tranh, thay đổi những mục tiêu trước mắt không phù hợp với tình hình hiện tại để tiến hành cuộc cách mạng với các mục tiêu, hình thức phù hợp. Ở bất cứ thời kì cách mạng nào, về cơ bản, Đảng vẫn tuân theo đường lối chung mà Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt…) đã xác định. Vì vậy, những bài học khởi nghĩa của thời kì cách mạng 1930-1931, 1936-1939 được vận dụng một cách sáng tạo, có hiệu quả vào thời kì mới. Trong lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc ở thời kì này, Đảng luôn luôn hướng tới cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Từ cao trào cách mạng 1930-1931, trải qua phong trào Mặt trận dân chủ nhân dân (1936-1939), tuy các cuộc đấu tranh chống Pháp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam lần lượt thất bại, song xét về thực chất, chúng ta nhận thấy phong trào vẫn tiếp tục phát triển, chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc Tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến. Vì vậy, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VII (tháng 11.1940) nhấn mạnh hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến là “hai bộ phận khăng khít” của cách mạng Đông Dương.
[SUP](1)[/SUP] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, sđd, tr. 8.
[SUP](2)[/SUP] Văn kiện Đảng 1930-1945, tập 3, Nhà xuất bản Sự thật Hà Nội, 1963, tr. 58.