Đặc sản tiến vua nổi tiếng của người Việt

ChÂu DũNg

* kEeP sIlEnce *
Staff member
Joined
Apr 14, 2011
Messages
2,750
Points
113
Để được đưa vào cung tiến vua, món ăn phải có giá trị dinh dưỡng cao và hương vị tuyệt vời hiếm thấy. Có thể nói, những món đặc sản tiến vua này là "vua" của các loại đặc sản.

Nền ẩm thực phong phú của Việt Nam từ thời xa xưa đã sản sinh ra hàng trăm, hàng nghìn món ăn đặc sắc. Một phần nhỏ trong số những món ăn đó hưởng vị trí trang trọng đặc biệt khi được đưa vào cung đình để cung tiến các bậc vua chúa.

Dưới đây là một số đặc sản tiến vua nổi tiếng ở Việt Nam:

t701158.jpg


Là nơi phát tích của vương triều nhà Lý, Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) thường được gọi là đất vua. Đây cũng vùng đất của một đặc sản nổi tiếng, đã được đưa vào tận kinh đô Huế để tiến vua, đó là bánh phu thê. Đúng như tên gọi của mình (phu thê nghĩa là vợ chồng), món bánh này không lẻ chiếc mà đi theo cặp. Phía sau những lớp là chuối, chiếc bánh hiện ra với lớp vỏ làm bằng bột nếp óng ánh màu vàng tươi. Nhân bánh là đỗ xanh giã nhuyễn, nhào đường, có thể cho thêm dừa. Hương vị của bánh ngọt ngào như duyện vợ chồng.

t701159.jpg


Sâm cầm hồ Tây là món ăn nổi tiếng, đã đi vào câu ca dao “Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm/Cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây" của đất Thăng Long. Quan niệm dân gian cho rằng loài chim này di trú từ phương Bắc về phương Nam, chúng đào ăn nhân sâm trên đỉnh các núi cao ở Trung Quốc, Hàn Quốc nên được gọi là sâm cầm. Đó là lý do thịt Sâm cầm được cho là một món ăn đại bổ. Đây cũng là một món ăn khoái khẩu của vua Tự Đức. Tương truyền, làng Nghi Tàm bên hồ Tây được lệnh mỗi năm phải tiến vua 40-50 con chim Sâm cầm, nếu thiếu sẽ bị phạt nặng.

t701160.jpg


Nếu Sâm cầm là niềm tự hào của hồ Tây thì cá Anh vũ là thương hiệu bất hủ của ngã ba sông Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ). Với những thớ thịt trắng, quánh và đặc biệt là khối sụn môi giòn sần sật, cá anh vũ được người sành ẩm thực cho là ngon hơn bất kỳ loài cá nào của sông nước. Vì vậy, từ xa xưa, cá anh vũ đã được dùng làm thức tiến ăn tiến vua, được các bộ chính sử ghi lại. Cũng giống như sâm cầm hồ Tây, ngày nay cá Anh vũ đã gần như biến mất tại nơi vùng nước gắn với danh tiếng của mình.

t701161.jpg


Sau mỗi bữa ăn đầy sơn hào hải vị, vua chúa ngày xưa tráng miệng bằng gì? Một trong những câu trả lời là chè long nhãn hạt sen phố Hiến (Hưng Yên). Nguyên liệu chính của món chè tiến vua này là những quả nhãn lồng phố Hiến, loại nhãn có hương vị thơm quý phái, cùi dầy, ăn giòn, ngọt hơn bất cứ các loại nhãn nào khác.

t701162.jpg


Bên cạnh nhãn lồng, đất Hưng Yên còn có một đặc sản tiến vua đặc sắc khác là gà Đông Tảo. Là giống gà quý chỉ có ở huyện Khoái Châu, gà Đông Tảo còn được gọi là gà chân voi đôi chân to sần sùi như chân voi, thân hình chắc nịch. Giống gà này rất khó nuôi, đòi hỏi phải kỳ công chăm sóc và gà càng già càng quý, thịt ăn thường có mùi vị thơm ngon đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại gà nào. Gà Đông Tảo có thể được nấu thành nhiều món, nhưng độc đáo nhất là món “vảy rồng hầm thuốc bắc” làm từ đôi chân to quá khổ của chúng.

t701163.jpg


Tương truyền, vào thời Trần, từ phủ Thiên Trường đến ngoài thành Nam Định, nhiều vùng là quê hương, thái ấp của vua quan nhà Trần. Cảm kích trước tài năng và đức độ của các bậc trị nước, dân thành Nam đã trồng một sản vật quý để dâng vua, đó chính là chuối ngự. Vẫn còn được trồng chọ đến ngày nay, chuối Ngự cho quả rất nhỏ, khi chín có màu vàng ướm như tơ tằm, mùi thơm ngát, vị ngọt thanh tao đầy quyến rũ...

t701164.jpg


Cốm làng Vòng, sản vật đặc trưng của đất Thăng Long đã nổi tiếng từ cách đây 1.000 năm, khi được đưa vào cung tiến vua các triều Lý. Ngày nay, cứ mỗi mùa thu món ăn chơi làm từ lúa non này lại theo các gánh hàng rong ruổi khắp các phố phường Hà Nội. Cốm Vòng thường được mua về ăn với chuối chín hoặc nấu chè cốm. Đây cũng là nguyên liệu chính của bánh cốm Hàng Than, một món ăn cũng rất đậm chất Hà Nội.

t701165.jpg


Mắm tép Hà Yên (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) là một đặc sản quý và độc đáo ở vùng chiêm trũng xứ Thanh, thời xưa thường được dùng để tiến vua. Để làm loại mắm này, các chức sắc địa phải cử người đến tận khe Gia Giã, làng Cổ Đam (vùng Bỉm Sơn bây giờ) để đánh riêng một loại tép quý, là tép riu nhỏ, có mầu trong xanh. Khi nấu nước mắm cũng phải chọn người nấu giỏi nhất vùng. Khi hoàn thành mắm có ánh vàng, sóng sánh như mật ong.

t701166.jpg


Trắng nõn và mềm giòn như giá đỗ, hương vị hài hòa, rau muống Linh Chiểu (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) thời xưa rất được các bậc vua chúa ưa thích. Bởi vậy, giống rau này còn có tên gọi khác là rau muống tiến vua. Để bảo đảm chất lượng, việc chăm sóc rau rất kỳ công và vất vả, đất trồng rau phải nằm sát sông, được hưởng mạch nước sủi trong vắt và phù sa sông Hồng bồi đắp. Do việc chăm sóc phức tạp, hiệu quả kinh tế không cao, ngày nay giống rau đặc sản này đang dần bị mai một.

t701167.jpg


Được làm từ nước dãi của những con chim yến, yến sào (tổ chim yến) là một đặc sản có hương vị rất hấp dẫn và giá trị dinh dưỡng cao. Từ thời xưa, yến sào đã được khai thác tại các đảo Yến ở ngoài khơi tỉnh Khánh Hòa để cung tiến các vua chúa.

Thêm một món ngay tại Huế : Thanh Trà

Theo báo Sài Gòn, giữa cố đô Huế, có một ngôi làng mướt xanh màu hoa lá bưởi Thanh Trà - thứ trái cây chỉ của riêng Huế. Bưởi Thanh Trà mệnh danh là "nữ hoàng" các loại cây ăn trái tại cố đô Huế có từ bao giờ, đến người lớn tuổi nhất phường Thủy Biều, TP Huế không nhớ rõ. Nhưng chuyện Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1675-1725, vị Chúa Nguyễn đời thứ 6) ăn hết trái bưởi Thanh Trà ngay giữa làng Lương Quán nay thuộc phường Thủy Biều, thì vẫn lưu truyền, và sau đó trở thành nông sản tiến vua.

buoi-thanh-tra-hue-giup-dan-kham-kha-3c18.jpg


Báo SGGP viết về chuyện này qua đoạn ký sự như sau.

Chuyện kể rằng, một lần du ngoạn sông Hương bằng thuyền thấy non nước hữu tình, có hoa thơm trái ngọt, Chúa Nguyễn Phúc Chu ghé thăm làng Lương Quán. Dân làng ngắt trái bưởi Thanh Trà làm lễ vật dâng chúa thưởng thức. Vừa ăn xong, chúa tấm tắc khen ngon và lệnh cho dân làng mở rộng trồng thêm.

Từ đó, cứ vào giữa tháng 7 âm lịch hàng năm, trái bưởi Thanh Trà chín rộ, dân làng Lương Quán lại chọn ra những quả ngon nhất mang vào kinh thành tiến vua chúa để được ban thưởng.

Bưởi Thanh Trà trở thành nông sản tiến vua từ thời Chúa Nguyễn. Nhiều người cho rằng, Thanh Trà là giống bưởi đất Bắc, khi đến Huế nhờ vào chất đất, nước sông Hương và thời tiết đan xen giữa hạn hán, bão lũ và mưa dầm đã tạo nên vị ngọt thanh không lẫn vào đâu.

Bưởi Thanh Trà thường nặng trên dưới 1kg, hình quả lê, vỏ màu vàng nắng. Người sành ăn dùng dao sắc gọt lớp vỏ phần cuống, dùng tay lột từng lớp vỏ tách lấy phần ruột để thưởng thức mùi thơm hạt tinh dầu bắn ra từ vỏ. Riêng phong cách ăn thì mỗi người một kiểu. Người năng nổ nhiệt tình nhanh nhẹn lột vỏ, loại hột và đưa múi bưởi Thanh Trà vào miệng nhai ngấu nghiến mới khoái. Người khác nhẹ nhàng lấy múi bưởi nhỏ đã lột vỏ, đưa vào miệng nhai nhè nhẹ như sợ hương vị ngòn ngọt, thanh thơm sớm tan.

Ngoài ra, tép trái bưởi Thanh Trà đem trộn với mực khô nướng chín làm món gỏi Thanh Trà. Món gỏi này ăn với cơm cũng ngon, song độc chiêu hơn nếu nhâm nhi với ly rượu làng Chuồn thì tuyệt vời.

Diện tích trồng bưởi Thanh Trà ở phường Thủy Biều (chủ yếu tại hai làng Lương Quán và Nguyệt Biều) khoảng 140ha, dự định tăng lên 200ha trong năm nay. Trái bưởi Thanh Trà nặng 0.7-1kg, bán trên thị trường 25 ngàn-30 ngàn đồng/trái (tăng gấp 3-4 lần so với trước khi Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận thương hiệu sản phẩm với tên gọi "Thanh Trà Huế" vào năm 2007). Tổng thu nhập từ bưởi Thanh Trà lên đến 8 tỷ đồng mỗi năm, đã giúp kinh tế 750 gia đình tại Thủy Biều thoát nghèo.

Cũng theo báo SGGP, thương hiệu bưởi Thanh Trà đã có mặt tại 12 điểm siêu thị và đại lý ở Hà Nội, Đà Nẵng và TPSG nên vào chính vụ thu hoạch vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, không vì thế mà người dân nơi đây nôn nóng mở rộng diện tích và áp dụng các biện pháp thâm canh để tăng doanh thu.

st
 
Top Bottom