'Đòn ngoại giao' của cha ông khiến ngoại bang nể sợ

MinhThy

<marquee behavior="alternate" scrollamount="1"><fo
Joined
Nov 17, 2011
Messages
3,907
Points
113
(ĐVO)http://baodatviet.vn/ Trước những mưu đồ thôn tính, xâm lược, cha ông đã vận dụng sách lược ngoại giao mềm dẻo nhưng kiên định, cương quyết, không chỉ nhằm bảo toàn lãnh thổ, giữ vững chủ quyền mà còn khiến ngoại bang phải chùn bước, nể sợ.

Đất Việt trích đăng một số một số sách lược ngoại giao của các bậc tiền nhân, để hậu thế suy ngẫm.

1. Năm Canh Dần (990), vua Tống Thái Tông cử Tống Cảo làm Chánh sứ và Vương Thế Tắc làm Phó sứ mang chiếu thư sang gia phong cho Lê Hoàn (941-1005) chức “Đặc tiến”. Đó là một chức quan to dưới hàng tam công, chỉ vua chư hầu nào có công đức, được triều đình Trung Quốc kính trọng mới được phong chức này. Trước đó, sau khi đánh tan cuộc xâm lược của nhà Tống vào năm 981, Lê Hoàn mới được vua Tống phong Tiết Trấn (985), rồi Kiểm hiệu Thái bảo sử trì tiết đô đốc Giao châu chư quân sự, An Nam đô hộ, Tĩnh hải quân tiết độ sứ (986), Kiểm hiệu Thái ủy (988).


CDV-22.6ledaihanh.jpg
Năm Canh Dần (990), Hoàng đế Lê Hoàn đã có cách đón tiếp sứ Thiên triều thật độc đáo.

Vua Lê đã sai tướng Đinh Thừa Chính mang 9 chiến thuyền và 300 quân sang tận Liêm Châu thuộc Quảng Đông, Trung Quốc để đón sứ giả theo yêu cầu của nhà Tống, nhưng đây cũng là cách để giám sát các hoạt động của sứ thần. Mặt khác, ông cũng muốn cho sứ giả thấy đến kinh đô Đại Cồ Việt xa xôi, vất vả thế nào. Đoàn thuyền đi hơn nửa tháng mới tới cửa sông Bạch Đằng và đến tận tháng 10 năm đó, sứ bộ mới đến được trạm đón tiếp gần kinh thành Hoa Lư. Khi đến kinh đô, để cho sứ thần thấy được sức mạnh của Đại cồ Việt về quân sự cũng như sự sung túc về kinh tế, Lê Hoàn đã tổ chức diễu binh, diễn tập quân sự trên sông nước và trên bộ. Trên sông, thủy quân dàn trận, chiến thuyền san sát, quân sỹ reo hò chèo thuyền, khua chiêng, trống vang trời. Thấp thoáng trong sườn núi, bộ binh quân phục rực rỡ đi lại tấp nập, cờ xí, khí giới rợp trời, bụi bay mù mịt. Còn trên cánh đồng mêng mông, hàng vạn con trâu bò rong ruổi.

Lê Hoàn cưỡi ngựa cùng đoàn tùy tùng ra ngoài thành đón sứ thần. Gặp sứ Tống, Lê Hoàn vẫn ngồi trên mình ngựa chỉ khẽ nghiêng mình thi lễ, sau đó thong dong cùng vào thành.

Trong cung vua, ở cửa Minh Đức, vua giơ tay đón lấy bài chế của vua Tống từ tay sứ giả để lên trên điện, song không lạy. Ông giải thích vừa đi đánh giặc Mán, ngã ngựa, chân đau, không lạy được. Chánh sứ Tống Cảo cũng đành chịu. Theo nghi lễ của Trung Quốc lúc đó, khi nhận chiếu thư của Thiên triều, vua các nước chư hầu đều phải lạy. Đây là lần đầu tiên, vua nước ta nhận chiếu thư không lạy.

Lê Hoàn đã cho mở đại yến tiệc ngoài bãi biển để chào mừng sứ thần. Chủ và khách vừa ăn tiệc vừa múa hát và lấy trò đâm cá làm vui. Có lúc Hoàng đế Lê Hoàn và các quan dự yến cởi cả mũ áo, cân đai cùng tham gia trò đâm cá. Mỗi khi có người đâm được cá thì hò reo nhảy múa. Sứ Tống tỏ ra lúng túng. Bỏ cân đai, hia, mũ áo tham gia đâm cá thì còn gì thể thống của sứ Thiên triều, mà ngồi yên thì không khỏi sượng sùng.

Vua Lê còn mời sứ giả xem những người lính Đại Cồ Việt tay không đánh nhau với hổ trong sân nhà vua. Hổ dữ gầm thét lồng lộn để vồ lấy người, nhưng đã bị những người lính “tặng” quả đấm như trời giáng vào hai thái dương và bị đạp vào chỗ hiểm nên chỉ còn điên cuồng giãy giụa. Sau trận đấu hổ là trò trăn dữ biểu diễn. Trăn có thể nuốt người ăn thịt hoặc vặn mình cho đến nát, song đã bị người lính bé nhỏ điều khiển, cho quấn lên cổ mà không khiếp sợ. Lê Hoàn còn hỏi sứ giả có dám ăn thịt trăn thì làm thịt thết đãi. Tống Cảo sợ khiếp vía và từ chối.

Cách đón tiếp sứ Thiên triều của Hoàng đế Lê Hoàn thật độc đáo. Ông đã cho sứ giả thấy sức mạnh quân sự của Đại Cồ Việt - từng đánh tan cuộc xâm lăng của quân Tống và đánh thắng quân Chiêm Thành, vua tôi có bản lĩnh kiên cường, người Việt dũng mãnh, kiên cường đánh nhau cả thú dữ, uy hiếp tinh thần sứ giả và còn đường đến kinh đô Đại Cồ Việt xa xôi, hiểm trở và vô cùng vất vả. Lê Hoàn đã nói thẳng với Tống Cảo: Đường sá xa xôi, núi non hiểm trở này nếu có quốc thư cứ xin giao nhận ở biên giới, khỏi phiền sứ giả đến Hoa Lư. Vua Tống đã đồng ý.

2. Sau khi chiếm được thành nhà Lê (Thăng Long), Càn Long ra lệnh cho Tôn Sĩ Nghị ráo riết thực hiện kế hoạch truy bắt Nguyễn Huệ, kể cả việc đánh vào vùng Quảng Nam (1), sào huyệt của quân Tây Sơn, sau đó, tìm cách chiêu dụ Nguyễn Huệ ra hàng. Bị Nguyễn Huệ đánh tan nát tại Thăng Long vào đầu xuân Kỉ Dậu (1789), Tôn Sĩ Nghị đem tàn quân tháo chạy về nước. 20 ngày sau, Càn Long hay tin bại trận liền tức tốc cách chức tổng đốc của Tôn Sĩ Nghị, điều Phúc Khang An, người vừa chiến thắng tại Đài Loan trở về kiêm chức tổng đốc Lưỡng Quảng, đồng thời liên tiếp ban ra nhiều chỉ dụ để đối phó với tình hình cấp bách. Thang Hùng Nghiệp tiếp sứ và gửi thư cho Quang Trung, đại ý: Lê Duy Kì bỏ nước mà trốn, Thiên triều quyết không đem nước An Nam cho y nữa. Hãy thừa lúc trước khi chưa vâng dụ chỉ, ủy thác ngươi gõ cửa quan kêu xin, ngõ hầu có thể ngưỡng cầu ân điển.

CDV-22.6-Quang%20Trung-in.jpg
Và vì quá nể phục Hoàng đế Quang Trung, Càn Long đã thực hiện chính sách đối xử tàn tệ với bọn vua quan lưu vong Lê Chiêu Thống, kể cả sau ngày vua mất.

Về phía vua Quang Trung, sau khi đại phá quân Thanh, đã có chủ trương cầu hòa, cử người lên vùng biên giới phía bắc để thương thảo. Vua liền sai Hô Hổ Hầu dâng biểu cho Càn Long với lời lẽ nhún nhường: "Tha thứ cho thần cái tội đón đánh Tôn Sĩ Nghị, lượng cho lòng thành của trẫm đã lắm lần gõ cửa quan trấn tấu, cho thần làm An Nam Quốc vương...". Nhưng có lúc Nguyễn Huệ cũng rất khẳng khái: "Này đường đường là triều đình Thiên tử lại đi so hơn thua với nước nhỏ thì ắt là muốn cùng khốn binh sĩ, lạm dụng vũ lực hầu sướng khoái cái lòng tham lam tàn bạo thì thật cái lòng của Thánh thượng không nhẫn." Và Quang Trung thách thêm: "Trong muôn một nếu can qua nối tiếp không dứt, tình thế đến nỗi nào thì thật không phải do thần muốn, mà thần cũng không dám biết nữa.".

Đọc thư, Thang Hùng Nghiệp thấy kinh, bảo với sứ giả Hô Hổ Hầu rằng: Nay không phải là lúc hai nước đánh nhau, sao lại hành sự toàn một giọng giận dữ? Nói thế là chẳng muốn cầu phong tước hay muốn gây mối can qua chăng? Rồi trả lại văn biểu không dám đệ đạt lên Càn Long.

Càn Long cũng biết việc trả lại biểu và xem đó là điều cần thiết để răn đe. Trong Chỉ dụ 03-02-CL54 (27-02-1789) có ghi: "Nguyễn Huệ chỉ mượn việc dâng biểu để thử lòng chúng ta mà thôi, nay chỉ ném trả biểu lại, sợ không đủ để y chấn động sợ hãi mà kiên định sự hối tội đầu thuận". Càn Long còn căn dặn thêm: "Hãy dùng lời hịch dụ nghiêm khắc, khiến Nguyễn Huệ thấy Thiên triều không chuẩn sự qui thuận, sợ hãi uy danh, sẽ sai người cho quan binh trở về, cho trãi ba, bốn lần khẩn cầu, lúc này Phúc Khang An sẽ tuân theo chỉ dụ trước, tùy cơ tâu lên xin chiếu chỉ để liệu biện"..
Tuy nhiên, nghĩ rằng lời lẽ cứng rắn quá, sợ Quang Trung bỏ cuộc, không chịu qui hàng, nên trong chỉ dụ sau, Càn Long ma mãnh dặn lại "Phúc Khang An truyền hịch dụ Nguyễn Huệ, trong sự nghiêm khắc nên mở một con đường... Truyền dụ minh bạch như vậy, bọn Nguyễn Huệ không thấy tuyệt vọng, tất sẽ khẩn thiết khất hàng."

Phúc Khang An đã lệnh cho Thang Hùng Nghiệp làm môi giới, bàn bạc, cò kè bớt một thêm hai với sứ thần của Tây Sơn là Nguyễn Hữu Điều, Vũ Huy Tấn các vấn đề liên quan và góp ý xây dựng một biểu văn mới trình lên Càn Long lời lẽ nhu hòa: "Thần đã nhiều lần sai người gõ cửa quan xin tội, cùng đưa về những quan binh chưa chạy ra khỏi nước An Nam. Còn những người sát hại quan Đề, Trấn thì trót đã mắt thấy xử theo pháp luật ...Vốn phải đích thân đến kinh khuyết trần tình xin tội, nhưng trong nước gặp việc binh đao, nhân tình chưa yên, kính cẩn sai cháu ruột là Nguyễn Quang Hiển theo tờ biểu vào chầu"(4). Đó là cách từ chối khéo léo, là cách hoãn binh để thăm dò tình hình trước đòi hỏi của Nhà Thanh là Quang Trung phải đích thân đến kinh khuyết.

Càn Long vui mừng nhận biểu và gửi lại Quang Trung một đạo dụ ngày 03-5-CL54 (27-5-1789), lời lẽ không còn mang tính đe dọa như trước. Ngay việc Quang Trung đánh tan tác quân Thanh vừa rồi, Càn Long cũng cho rằng không phải do Quang Trung cố ý gây ra mà chỉ là ngộ sát và hạ giọng nhân nghĩa: "Trẫm thương người thành tâm hối lỗi, nên việc dĩ vãng không muốn truy cứu".

Nhưng Càn Long vẫn còn eo sách chỉ chấp thuận Quang Trung trực tiếp sang cầu phong chứ không chấp thuận cử người đi thay. Tuy vậy, Càn Long cũng gợi ý mở đường: "Nếu như ngươi có lòng thành, hãy đợi đến tháng 8 năm thứ 55 nhân dịp lễ khánh thọ 80 của Trẫm, thời điểm này tính đến nay còn hơn một năm, trong nước ngươi chắc đã thu xếp yên ổn, lúc bấy giờ hãy bẩm với viên Tổng đốc xin đến kinh khuyết".

Cuối cùng, Càn Long cũng giảng hòa. Đôi bên thỏa thuận, năm 1789, Nguyễn Quang Hiển sang chiêm cận và được đón tiếp nồng hậu. Ngày 24-7-CL54 (13-9-1789), Chánh sứ Nguyễn Quang Hiển, Phó sứ Nguyễn Hữu Điều, Vũ Huy Tấn và đoàn tùy tùng được thiên tử tiếp đãi tại Quyền A Thắng cảnh. Càn Long rất vui mừng khi được sứ thần ta thông báo vua Quang Trung chờ lúc việc nước tạm yên cũng sẽ đích thân đến kinh khuyết chiêm cận.

Để Quang Trung yên tâm đến Bắc Kinh, Càn Long dặn Phúc Khang An "hãy cho Nguyễn Huệ biết một cách khắc thiết như vậy sẽ không còn nghi ngờ gì nữa... Và hãy lệnh cho Nguyễn Quang Hiển đem tình tiết này biên thư cho Nguyễn Huệ hay để lòng y không còn nghi ngờ" (CD 23-5-CL54). Khi Nguyễn Quang Hiển về nước, Càn Long đặc cách ban cho Nguyễn Huệ gấm vóc các loại để làm nổi bật sự ưu đãi và tỏ rõ "nỗi vui mừng được gặp nhau sẽ không xa".

Yêu sách chính của Càn Long, là làm sao vua Quang Trung đến kinh khuyết chiêm cận, xem như đã biết hối lỗi, một hình thức qui phục để rửa nhục thất trận của thiên triều, để xóa đi sự bẽ mặt của mình trước thần dân. Đó là một đòi hỏi cũng chỉ vì oai danh mà thôi. Vì vậy, Càn Long tích cực chỉ đạo cho Phúc Khang An liên hệ với An Nam để việc này trở thành hiện thực.

Mục đích đó đã đạt được. Ngày 29- 3- CL55 (13-5-1790) phái đoàn Quang Trung khởi hành đến Bắc kinh, như trông mong của Càn Long, mở đầu cho một thời kì bang giao mới giữa hai triều đại nhà Thanh-Tây Sơn giai đoạn hậu chiến. Và vì quá nể phục Hoàng đế Quang Trung, Càn Long đã thực hiện chính sách đối xử tàn tệ với bọn vua quan lưu vong Lê Chiêu Thống, kể cả sau ngày vua mất.

3. Năm Tân Mão (1831) đời Minh Mạng nhà Nguyễn, ở Hưng Hóa (1) có một thổ tù là Đèo Văn An, vì phạm lỗi nên đã bỏ trốn sang Vân Nam nước Thanh. Bọn quan quân ở đây nhân muốn xâm lấn lãnh thổ nước ta, liền viện cớ tra xét sự việc, cứu giúp người bị oan rồi hội binh áp sát biên giới.


CDV-22.6-Minh%20Mang.jpg
Dưới thời vua Minh Mạng, một viên lãnh binh đã có một việc làm với nhà Thanh thật đáng khâm phục.

Nghe tin cấp báo, viên lãnh binh Thắng trông coi việc quân ở Hưng Hóa được lệnh dẫn binh đi đối phó. Để khiêu khích, quân Thanh gửi sang một bức thư dọa nạt, lời văn ngạo mạn, hống hách. Trước sự việc đó, lãnh binh Thắng một mặt cho quân lính tích cực chuẩn bị, sẵn sàng ứng chiến, mặt khác viết thư trả lời nêu rõ tội trạng của Đèo Văn Anh. Trong bức thư trả lời của lãnh binh Thắng, đề ngày 26 tháng 7 năm Tân Mão (1831) có đoạn: “… Các người đã vì nó mà đến để tra cứu làm việc, nay sự lý đã rõ ràng như thế, tự nên chỉ rõ cho nó để điều đình cho yên việc. Thế là không những chỉ bảo toàn được cho một mình Đèo Văn An mà không đến nỗi phải gây động can qua, nhân dân không đến nỗi gặp tai họa, mới là tốt lại càng tốt đấy!

Chúng tôi vâng mệnh quan trên đến đây để giữ gìn đất đai bờ cõi, vốn không chịu đối trận giao binh với các người một cách dễ dàng, nhưng xưa nay muốn giữ được trọn vẹn hòa hảo thì trong lòng hai bên đều cần phải bỏ qua đi, thì mới trọn vẹn được.

Nay nhận được tờ trát đưa đến, nói các lời rằng: “Nếu đến nỗi gây động can qua thì chúng bay không khỏi người mệt, lương thiếu”, thật là đa tạ các người đã uổng phí lòng chiếu cố rồi đấy. Núi là đường của chúng tôi, ruộng là lương của chúng tôi, có gì là mệt với thiếu? Chỉ sợ các người xa thì thiếu thốn thôi.

Các người lại nói các lời rằng: “Đến nơi gần mà điều binh sẽ được ngay tám chín nghìn tên. Lấy người nhàn rỗi mà đối địch với kẻ mệt nhọc”. Các người vượt bờ cõi đến đây còn phải mất công triệu tập, chứ đấy là trong nhà chúng tôi, cỏ cây đều là quân lính, một hai vạn cũng có chứ sao lại chỉ có tám chín nghìn? Thì ai là nhàn rỗi, ai là mệt nhọc?
Chúng tôi kính thuận là vì nên làm theo nghĩa lý chứ không phải là đất đai và quân lính yếu. Trong các người phần nhiều là người đọc sách biết thời vụ, há không nghe thấy công việc từ thời Nguyên, thời Minh tới nay mà so sánh với công việc của nhà Trần, nhà Lê đấy sao? Các người đã hẹn với chúng tôi là mười ngày thì xong việc, thế mà bấy lâu không thấy rút quân, há không phải là theo lối cũ làm chước hoãn binh, hoặc lại tụ tập bọn khác đến mưu hại chúng tôi đấy sao?

Nếu ngày nay, bọn con em chúng tôi không ngại phiền phức thì cứ tiến lên một bước là đánh một bước, bắn một phát súng thì há không phải là các người cố ý kích động chúng tôi đấy sao? Nếu sau này xảy ra một việc không tốt lớn hoặc nhỏ, thì rõ ràng là không phải tự chúng tôi gây ra rồi. Chúng tôi lại sợ quan trên của các người sẽ đem cái tội lớn là “gây càn ra thù hằn nơi biên giới” mà đun đẩy lên mình các người thì các người chịu đựng thế nào?…
Trăm việc lấy hòa làm quý, thử đem lời nói của tôi mà ngẫm nghĩ kỹ xem! Nếu thu xếp xong được sớm, rút về không lưu lại một giờ nào thì tôi cũng không cần ở lâu để cai quản việc không cần thiết. Nếu để chậm đến cuối mùa thu thì lam chướng ngày càng nặng, mưa lụt ngày càng nhiều, lính của tôi đã quen thuộc khí hậu còn cảm thấy khó nhọc, huống chi lính các người quen ở đất Bắc, nay ở lâu trong vùng lam chướng sợ không chịu nổi.

Vả chăng các người là bực đại trí tuệ, đại kiến thức, mong hãy soi xét lời nói phải, sắp xếp hoàn thành việc rất tốt này cho cả hai bên, há không phải tay không mà tạo thành được tòa tháp bảy tầng, không những con cháu được hưởng công đức ấy vô cùng, mà tự mình trước đã hưởng điều rất vui sướng đấy.
Hơn nữa mảnh đất sỏi đá này có hay không thì có quan hệ gì? Việc đi lần này chắc chỉ vì lầm nghe bọn tiểu nhân nói những điều khách khí, nay thì điều khách khí đã thoải mái rồi, còn đòi gì nữa? Chúng tôi đi chuyến này vốn là bất đắc dĩ, mong các người tỏ lòng tốt. Nếu buổi sớm các người rút quân thì buổi chiều chúng tôi cũng cáo từ đấy, chúng tôi há có thích gì cái việc không vui sướng này đâu! Chúng tôi đã thành tâm khuyên nhủ, các người nên nhớ cho kỹ. Vậy đưa tờ trát này để trả lời các người biết”.
Theo quan chế thời Nguyễn, lãnh binh chỉ là võ tướng chỉ huy quân đội ở địa phương, nhưng việc làm thật đáng khâm phục. Mặc dù lời lẽ và cách hành văn trong bức thư của ông rất mềm mỏng nhưng lại khôn khéo, cương quyết, dù ở thế yếu trước một kẻ mạnh hơn mà vẫn thể hiện khí phách hiên ngang, khẳng định quyền tự quyết thiêng liêng, ý chí tự cường, sẵn sàng đánh trả bất cứ thế lực nào xâm phạm đến lãnh thổ và nền độc lập của đất nước.


Vũ Anh (tổng hợp)
 

MinhThy

<marquee behavior="alternate" scrollamount="1"><fo
Joined
Nov 17, 2011
Messages
3,907
Points
113
Mưu trí cha ông đánh bại âm mưu xâm lược của địch (kỳ 1)

(ĐVO) Do ở vị trí chiến lược trọng yếu và có tài nguyên phong phú nên từ xưa đến nay, nước ta luôn trở thành mục tiêu xâm lược của nhiều nước lớn. Tuy nhiên, với sự mưu trí, đoàn kết, sáng tạo, kiên định và lòng dũng cảm..., cha ông đã đánh bại mọi âm mưu thôn tính của địch, bảo toàn lãnh thổ và giữ vững chủ quyền đất nước.

Cùng Đất Việt điểm lại tư duy chiến lược đánh giặc độc đáo của cha ông, như: mưu giỏi mà đánh cũng giỏi (Ngô Quyền), tiên phát chế nhân (Lý Thường Kiệt), chế ngự sức mạnh của địch và phản công khi chúng suy yếu (Trần Hưng Đạo), đánh lâu dài (Lê Lợi), đánh thần tốc (Quang Trung)...

Ngô Quyền: Mưu giỏi mà đánh cũng giỏi

Phán đoán đúng con đường tiến quân của địch, Ngô Quyền đã chủ trương bố trí một trận địa cọc ở cửa sông Bạch Đằng, rồi nhân khi nước triều lên, nhử thuyền địch tiến vào bên trong hàng cọc và tập trung lực lượng tiêu diệt địch bằng một trận quyết chiến nhanh, gọn, triệt để. Để ngợi ca ông và chiến thắng Bạch Đằng, nhà sử học Lê Văn Hưu viết trong Đại Việt sử ký toàn thư: "Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy".


CDV-16.6.-Bachdang-in.jpg
Với chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền được ngợi ca "mưu giỏi mà đánh cũng giỏi". Ảnh minh họa

Sông Bạch Đằng là một nhánh sông dài hơn 20 km, từ Do Nghi đến Phả Lễ giữa Yên Hưng (Quảng Ninh) và Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), nơi đã ghi dấu chiến công của Ngô Quyền chống giặc Nam Hán; chiến công của Lê Hoàn chống giặc Tống; chiến công của Trần Hưng Đạo chống giặc Nguyên Mông. Trong đó, trận thắng giặc Nam Hán vào năm 938 do Ngô Quyền chỉ huy là mốc son mở ra nền độc lập tự chủ của dân tộc ta.

Theo sử sách, năm 920, Ngô Quyền đi theo Dương Đình Nghệ, một tướng của họ Khúc ở đất Ái Châu (Thanh Hóa). Dương Đình Nghệ là anh hùng dân tộc từng có công đánh đuổi giặc Nam Hán, chiếm được thành Đại La năm 931, thúc đẩy bước tiến của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Dương Đình Nghệ lên cầm quyền, tự xưng Tiết độ sứ, giao cho Ngô Quyền cai quản Ái Châu . Yêu mến tài năng và nhiệt huyết cứu đời, giúp nước của Ngô Quyền, Dương Đình Nghệ đã gả con gái cho ông.

Trong 7 năm (931-938), quản lĩnh đất Ái Châu, Ngô Quyền trổ tài lực, đem lại yên vui cho dân trong hạt. Năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn, một thuộc tướng và là hào trưởng đất Phong Châu giết hại để đoạt chức Tiết độ sứ. Hành động phản trắc của Kiều Công Tiễn đã gây nên một làn sóng bất bình, căm giận sâu sắc trong mọi tầng lớp nhân dân. Ngô Quyền trở thành ngọn cờ qui tụ mọi lực lượng yêu nước.
Có thể nói, vào thời điểm đó, nền độc lập của dân tộc ta vừa mới giành được sau đêm trường Bắc thuộc lại bị đe dọa. Kiều Công Tiễn hoảng sợ trước sự cǎm phẫn của nhân dân, đã cho người sang cầu cứu vua Nam Hán. Nhân cơ hội đó, Nam Hán đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Vua Nam Hán là Lưu Cung đã cử con trai là thái tử Hoằng Thao thống lĩnh quân thuỷ vượt biển tiến vào nước ta. Bản thân Lưu Cung cũng tự cầm quân đóng ở Hải Môn (Quảng Đông) để sẵn sàng tiếp ứng.

Cuối năm 938, Ngô Quyền (898-944), vị tướng giỏi đồng thời là con rể của Dương Đình Nghệ đã đem binh từ châu ái (Thanh Hoá) ra diệt Kiều Công Tiễn, trừ mối hoạ bên trong. Sau đó, ông huy động nhân dân cả nước khẩn trương bước vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán. Nắm vững tình hình cũng như đường tiến quân của địch, Ngô Quyền bàn với các tướng sĩ rằng: "Hoằng Thao là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại nghe được tin Công Tiễn đã bị giết chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi mệt, tất phá được! Song chúng có lợi ở thuyền, nếu ta không phòng bị trước thì chuyện được thua cũng chưa biết được. Nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển trước, vạt nhọn đầu và bịt sắt, thuyền của chúng nhân khi nước triều lên tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự không kế gì hay hơn kế ấy cả". Các tướng đều phục kế sách ấy là chắc thắng.

Ngay sau đó, Ngô Quyền đã huy động quân dân đẵn gỗ, đẽo cọc vát nhọn, bịt sắt cắm đầy lòng sông Bạch Đằng ở những chỗ hiểm yếu gần cửa biển tạo thành một trận địa ngầm, hai bên bờ có quân mai phục. Đó là một thế trận hết sức chủ động và lợi hại, thể hiện một quyết tâm đánh thắng quân giặc của chủ tướng Ngô Quyền và quân dân ta.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Hoằng Thao thống lĩnh thuỷ binh hùng hổ kéo vào cửa sông Bạch Đằng. Lúc đó nước triều đang lên ngập hết bãi cọc, Ngô Quyền cho thuyền nhẹ ra khiêu chiến, dụ quân giặc từ vịnh Hạ Long vào sông Bạch Đằng, rồi vờ thua chạy. Tên tướng trẻ kiêu ngạo Hoằng Thao mắc mưu, thúc quân chèo thuyền hǎm hở đuổi theo, vượt qua trận địa cọc ngầm của ta. Quân ta cầm cự với giặc. Đợi khi nước thuỷ triều rút xuống, Ngô Quyền hạ lệnh cho toàn quân đánh quật trở lại. Thuỷ quân giặc hốt hoảng quay đầu chạy. Ra đến gần cửa biển, thuyền địch đâm phải cọc nhọn, bị vỡ và bị đắm rất nhiều. Quân giặc phần bị giết, phần chết đuối, phần còn lại phải đầu hàng hoặc bị quân ta bắt sống. Toàn bộ đạo quân thuỷ xâm lược của Nam Hán, kể cả Hoằng Thao đã vĩnh viễn bị nhấn chìm xuống dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Vua Nam Hán đang điều quân sang tiếp viện cho con, nhưng nửa đường nghe tin Hoằng Thao chết trận, quân lính bị tiêu diệt gần hết, hắn kinh hoàng, khủng khiếp đành "thương khóc thu nhặt quân còn sót lại mà rút lui".

Như vậy, trước mưu đồ xâm lược trở lại của phong kiến phương Bắc, ngọn cờ cứu nước của Ngô Quyền trở thành ngọn cờ đoàn kết của cả dân tộc. Hai tiếng Bạch Đằng mãi đi vào lịch sử. Trong tâm thức nghìn năm của người Việt Nam, Bạch Đằng đã trở thành điểm hội tụ của sức sống dân tộc, đúng như lời ngợi ca của Phạm Sư Mạnh: Vũ trụ kỳ quan Dương Cốc nhật, Giang san vương khí Bạch Đằng thâu (Tạm dịch: Kỳ quan của vũ trụ là mặt trời lên tại hang Dương Cốc, Khí thiêng của núi sông đọng lại ở chốn Bạch Đằng).

Lý Thường Kiệt: Tiên phát chế nhân

Thắng lợi huy hoàng của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống (1075-1077) là một minh chứng hùng hồn về sự phát triển vượt bậc của dân tộc Việt sau một thế kỷ giành độc lập: quốc gia Đại Việt đã có đủ sức mạnh để chống lại một đế quốc lớn mạnh. Và gắn liền với chiến công ấy là tên tuổi vị chủ tướng tài ba Lý Thường Kiệt - nhà quân sự lỗi lạc, nhà chính trị kiệt xuất mang một nhân cách lớn.

CDV-16.6nhunguyet.jpg
Trận Như Nguyệt do Lý Thường Kiệt chỉ huy, kết thúc cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ 2. Ảnh minh họa


Năm 1072, Lý Thánh Tông từ trần. Lý Nhân Tông lên nối ngôi khi mới có 7 tuổi. Lý Thường Kiệt được giữ chức Đôn quốc thái úy, Đại tướng quân, Đại tư đồ, tước hiệu Thượng phụ công.

Vào thời gian đó, chính quyền phương Bắc vẫn luôn nhòm ngó. Chúng xem đây là một cơ hội tốt để tiến hành ráo riết việc chuẩn bị xâm lược nước ta. Tại ba châu Ung, Khâm, Liêm, chúng xây dựng những căn cứ quân sự và hậu cứ to lớn để làm nơi xuất phát trực tiếp cho các đạo quân xâm lược.

Nhớ lại Chiến dịch Ung Châu, trước âm mưu và hành động rõ ràng công khai của địch, Lý Thường Kiệt cho rằng: "Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước, chặn thế mạnh của giặc". Được triều đình tán thành, ông huy động 10 vạn quân tiến hành một cuộc tập kích đánh thẳng vào các căn cứ chuẩn bị xâm lược của kẻ thù ngay trên đất Tống.

Quân Việt bắt đầu tiến công vào đất Tống từ ngày 27 tháng 10 năm 1075. Thoạt tiên, quân Việt phá hủy một loạt các đồn trại biên giới, rồi lần lượt đổ bộ lên cảng và đánh chiếm các thành Khâm, Liêm. Sau đó, đại quân tiếp tục tiến sâu vào đất địch. Ngày 18 tháng 1 năm 1076 áp sát thành Ung. Đây là căn cứ quan trọng nhất trong những căn cứ địch dùng cho cuộc viễn chinh xâm lược vào Đại Việt. Sau 42 ngày vây hãm và tấn công quyết liệt, ta hạ được thành, tiêu diệt và bắt sống nhiều tên địch.

Theo chủ trương đã định, quân ta được lệnh san bằng các thành lũy lớn nhỏ, tiêu huy các kho tàng lương thực, vũ khí, giáng đòn sấm sét làm tổn thất nghiêm trọng các cơ sở vật chất và phương tiện chiến tranh của địch, làm nhụt nhuệ của bọn cầm quyền phương Bắc trong việc chuẩn bị chiến tranh xâm lược. Sau khi đã đạt mục tiêu của cuộc đánh sang đất Tống, Lý Thường Kiệt quyết định rút nhanh quân về nước. Cuộc rút quân rất đúng lúc, vừa bảo toàn được lực lượng, vừa phá được kế hiểm của giặc: chúng định điều quân lẻn sang đánh úp Đại Việt nhân lúc đại quân còn đang ở bên nước chúng.

Ghi nhận chiến công kỳ diệu, có một không hai trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc Việt, trong Việt sử tiêu án, nhà viết sử Ngô Thì Sĩ đã ca ngợi Lý Thương Kiệt: "Bày trận đường đường, kéo cờ chính chính, mười vạn thẳng sâu vào đất khách, phá quân ba châu như chẻ trúc, lúc tới còn không ai dám địch, lúc rút quân còn không ai dám đuổi, dụng binh như thế, chẳng phải nước ta chưa từng có bao giờ".

Bị thua đau, nhưng nhà Tống vẫn rất ngoan cố. Lý Thường Kiệt biết chắc thế nào chúng cũng sẽ kéo quân sang phục thù và tiếp tục thực hiện mục tiêu xâm lược mà chúng chưa bao giờ chịu từ bỏ. Do vậy, ông phái người vào đất Tống để theo dõi cụ thể mọi động thái; đồng thời tập trung xây dựng phòng tuyến chính của quân ta dựa vào bờ nam sông Như Nguyệt (sông Cầu), có rào giậu nhiều tầng, chạy dài trên 200 dặm từ chân núi Tam Đảo đến sông Lục Đầu. Dưới sông có thủy quân, trên thành có quân đóng và tuần tiễu. Với phòng tuyến này, quân ta nắm chắc khả năng chặn địch, bảo vệ an toàn kinh thành Thăng Long và cả một vùng trung châu rộng lớn và trù phú của đất nước.

Cuối năm 1076, đại quân Tống chia làm nhiều cách vượt biên giới tiên ào ạt vào Đại Việt. Sau một tháng phải luôn luôn đối phó với những cuộc chống trả quyết liệt của nhân dân Đại Việt trên vùng biên giới và thượng du. Cuối cùng, ngày 18 tháng 1 năm 1077, đại quân Tống cũng tiến được tới bờ bắc sông Cầu. Nhưng đến đây, chúng đã bị chặn đứng lại. Thế nhưng, lần tiếp, chúng tập trung binh lực, đột phá trận tuyến quân Việt ở bến đò Như Nguyệt, chọc thủng được một đoạn phòng tuyến, tiến về Thăng Long... Song, dưới sự chỉ huy linh hoạt sắc sảo của Lý Thưởng Kiệt, hết lần này đến lần khác, địch đều bị tiêu diệt, tháo chạy hoặc đầu hàng.

Tuy nhiên, phải nói rằng, trong trận chiến Như Nguyệt, chiến lược phản công hiệu quả nhất của Lý Thương Kiệt là sức mạnh kỳ lạ của bài thơ Nam quốc sơn hà - làm tăng nhuệ khí và thêm sức chiến đấu cho quân ta, đồng thời làm nao núng tinh thần quân địch; giúp đại quân ta vượt sông bất ngờ đánh úp vào doanh trại chính của địch. Theo Việt sử lược, quân Tống đại bại, bị tiêu diệt đến năm, sáu phần mười.


Vĩnh Khang

 

MinhThy

<marquee behavior="alternate" scrollamount="1"><fo
Joined
Nov 17, 2011
Messages
3,907
Points
113
Mưu trí cha ông đánh bại âm mưu xâm lược của địch (kỳ 2)

(ĐVO) Sử dụng chiến lược từng bước lui binh, bảo toàn lực lượng, hay cách đánh bất ngờ, thần tốc..., trong binh pháp của "thống soái", tùy theo bối cảnh chiến sự, để giành thắng lợi trước kẻ thù... đều là chiến lược "độc" bù đắp sự chênh lệch về số lượng giữa ta và địch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Lịch sử nước ta có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng”.

Trần Hưng Đạo: Chế ngự sức mạnh của địch và phản công khi chúng suy yếu

Trước chiến tranh chớp nhoáng đánh Đại Việt của đại quân Nguyên - Mông, quân ta dưới sự chỉ huy thao lược tài tình của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng tướng lĩnh kiệt xuất của nhà Trần, sử dụng chiến lược từng bước lui binh, bảo toàn lực lượng, bỏ ngỏ kinh thành cho giặc dữ, từ đó củng cố và tăng cường thực lực, phản công, đánh bại hoàn toàn 3 lần xâm lược của kẻ thù.


CDV-16.6-Nguyenmong1-in.jpg
Trận Đông Bộ Đầu (1258): đánh tan đạo quân xâm lược Mông Cổ tại bến Đông Bộ Đầu (gần cầu Long Biên, Hà Nội ngày nay), kết thúc khánh chiến chống Nguyên - Mông lần thứ nhất. Ảnh minh họa

Tài ba của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn gồm cả văn lẫn võ. Văn ở tầm "đại học vấn, đại uyên bác" với Hịch tướng sĩ: "Ta ngày thường quên ăn, đêm thường quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìạ.." - làm sáng bừng lên nghĩa khí Đại Việt, cuốn thiêu đi cạn hẹp lòng người, truyền khí phách tới ba quân tướng sĩ...
Võ ở tầm nhà chiến lược, quân sự phương Đông, hơn thế, nhà lập thuyết quân sự và bày binh Đại Việt. Lý thuyết và nghệ thuật dùng binh thuở ấy được Trần Hưng Đạo hội nhập và sáng tạo bộ chủ gia binh pháp, gọi là Binh thư yếu lược, từ đó soạn ra Vạn kiếp tông bí truyền thư, làm nền tảng cấu trúc quân đội thời Trần và luyện quân, tập tướng.

Lần thứ nhất với chiến thắng Đông Bộ Đầu vào đầu thế kỷ 13. Nắm bắt được mưu đồ xâm lược của 30 vạn quân Nguyên ào ạt tràn sang xâm lược nước ta, trước thế mạnh của giặc Nguyên, Trần Hưng Đạo không dùng đại quân chủ lực mà dùng quân địa phương, dân binh đánh chặn tiêu hao sinh lực, còn chủ lực “ẩn mình” cơ động về Vĩnh Phú, rồi sang Hưng Yên, để chờ thời cơ ra đòn phản công quân địch; đồng thời, thực hiện kế sách “thanh dã” – vườn không nhà trống ở thành Thăng Long. Đến giữa tháng 1/1258, quân Nguyên đã tràn vào Thăng Long bỏ trống và biến thành chiến địa. Sau 10 ngày chiếm kinh thành với vườn trống, nhà không, không tìm ra một cân lương thực nào trong thành Thăng Long, lại bị quân địa phương, dân binh quấy rối… Quân giặc lương thảo cạn dần, sức lực, sĩ khí quân Nguyên sa sút,… lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Trần Hưng Đạo quyết định đêm 24/1/1258 dùng đại quân chủ lực mở cuộc tấn công từ Đông Bộ Đầu (phía Đông hữu ngạn sông Hồng) làm quân Nguyên bị bất ngờ, bỏ chạy tán loạn, hơn 60% binh lực bị tiêu diệt tại trận, tàn quân còn lại tháo chạy về nước.

Lần thứ hai với chiến thắng Chương Dương - Giang Khẩu. Cuối năm 1284, Thoát Hoan chỉ huy 60 vạn quân từ hướng Bắc tràn sang nước ta. Trần Hưng Đạo sau khi đã soạn thảo hai bộ binh thư yếu lược để luyện quân, động viên ba quân bằng “Hịch tướng sĩ” và vận dụng binh pháp “Kiên thủ chờ suy” bảo tồn lực lượng chủ lực chuyển vào ẩn quân ở Thiên Trường, Tam Điệp, Thanh Hóa, đồng thời tăng cường địa phương quân ra sức chặn đánh ngăn chặn phía trước, triệt hậu cần phía sau để cầm chân giặc.

Tháng 5/1285, Trần Hưng Đạo cho quân tổng phản công từ hai hướng Chương Dương và Giang Khẩu và trực tiếp chỉ huy đánh thắng trận đầu ở A Lỗ; liên tiếp thắng lớn trong các trận: Hàm Tử, Chương Dương và Vạn Kiếp. Giặc Nguyên không kịp trở tay. Quân ta đại thắng. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để quân lính khiêng tháo chạy về nước.

CDV-16.6-Nguyenmong3.jpg
Chỉ sau 5 tháng xâm lược nước ta lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng, quân Nguyên lại buộc phải rút chạy và vĩnh viễn từ bỏ mộng xâm lược Đại Việt. Ảnh minh họa

Ba năm sau, vào tháng 1/1288, quân Nguyên Mông tiếp tục tràn vào xâm lược nước ta. Trong lần tấn công lần thứ 3 này, Trần Hưng Đạo vẫn áp dụng kế sách bảo toàn quân chủ lực, nghi binh thu hút địch, dùng quân địa phương nhiều hơn đánh địch khắp nơi. Ngày 22/2/1288, quân Thoát Hoan tiến vào Thăng Long lại không một bóng người, bị dân binh ta bao vây và liên tiếp bị đánh khi đi cướp lương thực; đồng thời cắt đứt nguồn tiếp tế, khiến địch lại lâm vào thế khốn khó, rối loạn. Do vậy, chỉ sau 5 tháng xâm lược nước ta lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng, quân Nguyên lại buộc phải rút chạy và vĩnh viễn từ bỏ mộng xâm lược Đại Việt.

Có thể nói, những trang sử chống ngoại xâm vàng son nhất của Việt Nam đều do công của Trần Hưng Đạo lập ra. Trong khi đội quân bách chiến bách thắng của Thành Cát Tư Hãn làm mưa làm gió gần như khắp thế giới thì Việt Nam là một trong ba nước hiếm hoi cùng với Ấn Độ và Indonesia ngăn chặn được cơn hồng thủy Mông Cổ.

Quang Trung: Đánh thần tốc

Điểm nổi bật và cũng là ưu thế tiến hành quân sự của Quang Trung - Nguyễn Huệ là nghệ thuật dụng binh thần tốc, táo bạo và nắm chắc thời cơ. Trong suốt chặng đường chiến đấu, Nguyễn Huệ không chỉ chứng tỏ là nhà lãnh đạo chính trị xuất sắc, mà còn là một nhà cầm quân tài ba. Những gì ông làm, không phải vị tướng nào cũng thực hiện được.

Với trận Rạch Gầm-Xoài Mút (1785) - trận quyết chiến chiến lược của quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, diệt quân Xiêm (Thái Lan) trên sông Tiền Giang, đoạn từ Rạch Gầm đến Xoài Mút - ngoài lợi dụng thủy triều, ông còn áp dụng nghệ thuật nghi binh khá linh hoạt. Các tướng Xiêm biết quân Tây Sơn ít hơn, thế nào Nguyễn Huệ cũng dùng chiến thuật nghi binh, nhưng khi trận đánh xảy ra, chúng lại hoàn toàn bất ngờ.

CDV-16.6-RachGam-in.jpg
Với trận Rạch Gầm-Xoài Mút (1785), ngoài lợi dụng thủy triều, Nguyễn Huệ còn áp dụng nghệ thuật nghi binh khá linh hoạt. Ảnh minh họa

Quân Tây Sơn không chỉ mai phục sẵn ở hai bên bờ sông, mà trong đêm trăng mờ mờ, quân của Võ Văn Dũng vừa đánh vừa lui. Một bộ phận quân Tây Sơn hai bên bờ cùng hợp lực với Dũng chặn giặc. Quân Xiêm nhận định: toàn bộ quân Tây Sơn đã lộ diện, vì vậy, không còn gì chần chờ nữa, tướng Xiêm đốc thúc ba quân đuổi theo thủy quân Võ Văn Dũng. Thuyền giặc cứ theo ánh sáng đèn của thủy quân Tây Sơn mà đuổi, chúng không biết rằng trên đường rút lui để dụ địch, thủy quân của Võ Văn Dũng đã dần dần tắt đèn tấp sang hai bên bờ chui vào các ngách sông. Quân Xiêm đuổi tới nơi thì thấy chỉ có mấy chiếc, biết là đã trúng kế Tây Sơn. Khi quân Xiêm lọt vào trận địa bày sẵn, Nguyễn Huệ đốc thúc thủy quân từ các nhánh sông đổ ra đánh. Đồng thời, súng đại bác trên cù lao Thới và hai bên bờ sông nã liên hồi vào thuyền giặc. Tướng Xiêm Chiêu Sương hoảng hốt cho dừng thuyền lại, nhưng bị thủy quân Tây Sơn từ các nhánh sông nhỏ đổ ra vây chặt, gồm: phía trước, phía sau, hai bên và ngay cả trên đầu, dẫn đến bị rối loạn hàng ngũ, quân sĩ lớp nhảy xuống nước bị chết chìm, lớp bị giáo đâm, gươm chém... thất bại nặng nề. Còn đạo quân bộ cũng bị quân Tây Sơn phục đánh tan, tướng Xiêm là Lục Côn bị Bùi Thị Xuân chém rơi đầu. Trong trận đánh này, với lực lượng khoảng ba vạn quân thủy bộ, Nguyễn Huệ đã tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm và 300 thuyền chiến.

Trong cuộc tiến công từ Phú Xuân ra Thăng Long tiêu diệt 29 vạn quân Thanh (1789), Nguyễn Huệ - khi đó đã là vua Quang Trung - chọn cách tấn công vào Thăng Long từ phía Nam. Đó là khu vực quân Thanh bố phòng cực kỳ kỹ lưỡng. Nhưng đó cũng là hướng quân Thanh chủ quan nhất, vì chúng đinh ninh rằng ít có khả năng bị tấn công, thế nên Nguyễn Huệ đã quyết định ra đòn phủ đầu. Và đợt phản kích quân Thanh theo hướng này diễn ra rất chóng vánh: chỉ trong vòng 6 ngày, kể từ khi xuất binh (Đêm 30 tết) đến khi tiêu diệt hoàn toàn quân Thanh trong trận Đống Đa (ngày mồng 5 tết).

Ở đây phải nói, chính yếu tố bí mật, địch quân không nắm được lực lượng của ta lại thêm thói khinh thường, đến khi ta bất ngờ tấn công thì không kịp chống đỡ, đã làm nên chiến thắng Đống Đa lịch sử của vua Quang Trung.

Như vậy, cách đánh bất ngờ, thần tốc là tâm điểm trong binh pháp của Quang Trung - Nguyễn Huệ. Đó là cách để bù đắp sự chênh lệch trước những đội quân đông hơn mình gấp nhiều lần...



Vĩnh Khang

 
Top Bottom