Hướng dẫn cơ bản cho người dùng máy DSLR

Sheiran

Administrator
Staff member
Joined
Nov 17, 2011
Messages
5,260
Points
113
Bạn mới gia nhập cộng đồng những người sử dụng DSLR? Hãy xem những chiếc DSLR dễ sử dụng và có thể khiến bạn thích thú đến mức nào. Hãy đưa nhiếp ảnh lên một tầm mới cao hơn, và tận hưởng niềm vui thích thực sự của nhiếp ảnh.

Chụp ổn định trong điều kiện ánh sáng yếu

Bạn muốn chụp một cảnh với thời gian phơi sáng dài mà không có dây bấm nhả màn trập? Đó không thể là lí do khiến bạn lo lắng! Hãy đặt máy ảnh của bạn lên chân máy và sử dụng chế độ hẹn giờ có trong máy ảnh của bạn để nhả màn trập - bằng cách đó, bạn thậm chí không cần chạm tay vào máy, đồng nghĩa với việc không còn nguy cơ rung máy nữa. Máy ảnh DSLR của Canon có lựa chọn hẹn giờ 2 giây, nên bạn sẽ không phải đợi tới 10 giây như mọi khi và lo lắng bức ảnh gia đình sẽ trở nên lộn xộn. Máy ảnh kỹ thuật số nhỏ gọn của Canon có chế độ hẹn giờ hoàn toàn có khả năng tùy biến, vì thế giờ bạn sẽ làm chủ!

'Đủ sáng' không phải lúc nào cũng là đẹp nhất

Trái với suy nghĩ thông thường, không nên để thiết bị đo sáng có sẵn trong máy ảnh của bạn là yếu tố có tính quyết định tuyệt đối về độ phơi sáng phù hợp nhất cho một bức ảnh. Một ngày nhiều nắng có thể sẽ càng rực rỡ hơn ở mức thiếu sáng từ 1½ đến 2 stop (đặc biệt khi có kính lọc/kính phân cực), và một số cảnh sắc có thể sẽ hiện ra sinh động hơn nếu bức ảnh hơi thừa sáng. 'Tâm trạng' của một bức ảnh có thể thay đổi rõ rệt theo mức độ phơi sáng. Bạn không thể tìm ra chế độ phơi sáng lý tưởng cho mình? Hãy thử 'bracketing' — chụp nhiều bức từ cùng một cảnh với các chế độ phơi sáng khác nhau ('đủ', thừa, và thiếu sáng), so sánh kết quả, và lựa chọn! Tất cả các máy kỹ thuật số SLR EOS của Canon đều có cài đặt bù sáng dễ tiếp cận, giúp 'bracketing' trở nên dễ dàng.

Nhòe không phải lúc nào cũng là xấu

Đôi khi không gì dễ hiểu bằng một chút nhòe sáng tạo. Có hai loại cơ bản: nhòe độ sâu trường ảnh và nhòe chuyển động. Tăng khẩu độ ống kính để có độ sâu trường ảnh nông (giữa f-stop 4 và 1.4 là tuyệt vời) sẽ tạo nhòe hậu cảnh rất mềm mại mà huy hoàng, giúp bạn lấy nét tốt hơn đối tượng ở tiền cảnh. Để chụp đẹp nhòe chuyển động, đặt mức phơi sáng cho máy ảnh ở chế độ ưu tiên khẩu độ và để màn trập ở tốc độ chậm, bạn sẽ bắt được những vệt màu đẹp hay thậm chí là những vệt màu như từ bút lông của một họa sĩ khi đối tượng của bạn di chuyển qua máy ảnh. Một lí do nữa để bạn yêu thích sự linh hoạt đầy sáng tạo của tính năng điều khiển khẩu độ và tốc độ màn trập trên máy ảnh SLR kỹ thuật số!

Thiết kế với đường kẻ, hoa văn, và không gian

Đây là một cách lý tưởng để có được những bức hình thú vị bất kể bạn đang ở đâu: thiết kế tấm hình của bạn quanh các đường kẻ, hoa văn và không gian tạo nên bởi chính những yếu tố xung quanh bạn. Bài tập này rất cần thiết để đạt được hiệu ứng 'tạo ra điều kinh ngạc từ con số không'. Bạn sẽ sớm nhận ra thêm nhiều khả năng sáng tạo! Bạn sẽ bị những chi tiết không đáng chú ý thu hút, hãy thử nheo mắt lại: điều này sẽ giúp bạn bỏ qua tiểu tiết. Bạn cũng nên khởi đầu bằng việc sắp xếp bố cục đơn giản mà hiệu quả. Một vài màu sắc tươi sáng và những đường kẻ mạnh mẽ còn đẹp hơn một hỗn hợp lộn xộn những tông màu xoàng xĩnh.

Tới những nơi khó tới

Chụp ảnh giỏi có thể dễ dàng như đánh răng vậy: Bạn sẽ chụp đẹp hơn khi nỗ lực để tới được những nơi khó tới. Điều này đặc biệt hữu dụng khi chụp tại những nơi đã được chụp quá nhiều. Bạn không muốn có thêm một tấm ảnh bưu thiếp cảnh bãi biển điển hình nữa? Vậy hãy thoát ra khỏi tầm mắt của mình và cúi xuống cát trắng, hay trèo lên cây để có góc chụp cao hơn, hoặc thậm chí là chụp từ dưới nước! Chức năng Ngắm Trực Tiếp (Live View) của Canon với tính năng lấy nét tự động giúp bạn chụp chính xác từ những góc chụp bất tiện hiếm gặp mà không phải lăn lê bò toài. Một thủ thuật thú vị nữa (ít tốn sức hơn) là chụp qua cốc nước hay cửa sổ, và tìm kiếm hình ảnh phản chiếu của đối tượng mà bạn muốn chụp trong nước, gương, hay các vật thể có khả năng phản chiếu khác.

Tầm quan trọng của đôi mắt

Có thể bạn thậm chí chưa nhận ra điều này, nhưng khi bạn xem một tấm hình chụp một người hay bất kỳ một đối tượng nào có khuôn mặt (kể cả động vật và tượng), nhiều khả năng nhất là bạn sẽ nhìn đầu tiên vào đôi mắt. Và nếu đôi mắt sắc nét, phần còn lại của bức ảnh sẽ rất dễ chịu và chấp nhận được ngay cả khi nét không thật sự tốt. Vì vậy hãy chắc chắn rằng đôi mắt của đối tượng mà bạn chụp được lấy nét rõ ràng và sắc nét. Điều này không có nghĩa là bạn phải giới hạn việc chụp người và chân dung vào chụp khuôn mặt. Một bóng người biểu cảm, một cận cảnh đôi bàn tay, hay một chân dung được chụp từ phía sau vẫn có thể mang lại những ấn tượng đáng kinh ngạc.

Hãy sắp xếp một hậu cảnh đơn giản

'Ít hơn là nhiều hơn' là quy tắc chính khi nói về hậu cảnh chân dung. Hãy tìm một nơi thanh bình hay treo một tấm vải màu trơn đơn giản làm nền để có thể tập trung sự chú ý vào đối tượng của bạn. Nếu bạn bị vướng trong một môi trường đông đúc và lộn xộn, hãy mở tối đa khẩu độ khi chụp. Thí sinh Tristan Lim đã sử dụng các ống kính EF 85mm f/1.8 USM và EF 70-200mm f/2.8L USM mang nhãn hiệu Canon của mình để đạt được độ sâu trường ảnh nông, xóa đi ngay cả những hậu cảnh đông đúc nhất để tách ra và tập trung lấy nét vào các đối tượng của mình. Dòng ống kính EF của Canon, được thiết kế cho hệ thống máy EOS, có một trong những ống kính máy ảnh 35mm sáng nhất trên thế giới – đó là loại ống kính EF50mm f/1.2L USM mà nhiều người mong muốn sở hữu. Khi mở tới f1.2, những hậu cảnh đông đúc nhất cũng không còn một cơ hội.

Sáng hợp lý

Khi độ sáng hợp lý, có được những bức hình đẹp chỉ còn là vấn đề thời gian. Thông thường, ánh sáng dịu sẽ tôn ảnh chân dung hiệu quả nhất, bởi ánh sáng gắt (như ánh mặt trời lúc giữa trưa) có thể tạo bóng không đẹp lên khuôn mặt đối tượng của bạn. Để tăng độ sâu và tạo chiều, hãy thử chiếu sáng vào đối tượng của bạn từ bên cạnh hay một góc 45 độ. Sắp xếp đối tượng của bạn cạnh cửa sổ vào buổi sáng hay chiều muộn bởi ánh nắng chiếu qua khi đó thường tạo ra những kiệt tác. Khi ở ngoài trời và ngay cả khi trời nắng, đừng bỏ qua đèn flash bù sáng (fill flash) – nó sẽ mang lại chất lượng ánh sáng ba chiều cho các bức chân dung của bạn và có thể mang lại ánh lấp lánh cho đôi mắt. Nếu bạn thực sự không thích dùng flash hoặc lo đối tượng của mình sẽ bị flash làm cho mờ nhạt, hãy lắp một thiết bị tản sáng màu trắng trước khi chụp – theo cách này, thiết bị tản sáng của bạn sẽ đóng vai trò của một gương phản chiếu, đưa ánh sáng bù dịu tới đối tượng của bạn.

Hãy cư xử lịch thiệp

Những người đang cảm thấy thoải mái sẽ là những đối tượng chụp đẹp, vì vậy hãy cư xử dễ chịu, lịch sự, nhạy cảm, và luôn sẵn sàng giúp đỡ. Hãy liên hệ với đối tượng của bạn – hãy giao tiếp qua ánh mắt, dẫn dắt họ vào cuộc trò chuyện, duy trì tiếng cười, và sự nồng ấm hiển nhiên sẽ đi vào bức ảnh. Có thể sử dụng ống kính dài nếu bạn thấy ngượng ngùng, hồi hộp, hay khi bạn thích chụp từ xa để không thu hút sự chú ý của đối tượng, nhưng không nên dùng loại ống kính này nếu bạn không muốn bị phát hiện. Đừng cư xử với đối tượng của bạn như những vật thể - sự tôn trọng là chìa khóa then chốt, đặc biệt khi bạn chụp người lạ trong các chuyến đi xa. Đừng làm một người đáng sợ ẩn náu trong một góc với chiếc máy ảnh. Hãy mỉm cười và thế giới sẽ mỉm cười với bạn!
 

Sheiran

Administrator
Staff member
Joined
Nov 17, 2011
Messages
5,260
Points
113
Sáng lên!

Chụp chân dung ngoài trời trong một ngày đầy nắng? Đừng bỏ qua đèn flash của bạn! Đèn flash phủ sáng (fill flash) là cách tuyệt vời để tránh những mảng bóng không mong muốn trong điều kiện ngược sáng, giúp thêm một ánh lấp lánh vào đôi mắt người được chụp, và thường mang lại chất lượng ánh sáng ba chiều tới đối tượng của bạn. Hầu hết máy ảnh nhỏ gọn của Canon đều có lựa chọn flash bù sáng. Với đèn flash ngoài không có chức năng tự động căn chỉnh đèn flash bù sáng, điều chỉnh cài đặt ISO của đèn flash lên mức gấp đôi mức trong máy của bạn và điều chỉnh f-stop tương đương để cả máy ảnh và đèn flash đều có cùng giá trị khẩu độ.
Hình nét tối đa với ống kính chụp xa telephoto

Việc sử dụng một ống telephoto dài rất dễ gây rung máy nếu giữ máy không vững. Tiêu cự dài hơn sẽ phóng đại kích thước đối tượng trong hình, vì vậy bất kỳ hiện tượng rung máy nào cũng sẽ được phóng đại ở tỉ lệ tương đương. Trên thực tế, tiêu cự của ống kính càng dài, càng khó giữ vững ống kính.

Công nghệ Ổn Định Hình Ảnh của Canon giúp bạn có được những hình ảnh sắc nét ngay cả với tốc độ màn trập thấp. Tuy vậy, sẽ vẫn rất hữu ích nếu bạn học được các kỹ thuật cơ bản để giữ vững ống kính telephoto.

Bạn sẽ giữ một ống kính telephoto như thế nào? Tay trái của bạn nên giữ chắc ống kính (nhưng không quá chặt), trong khi tay phải thao tác trên máy ảnh. Trọng lượng của chiếc máy ảnh và ống kính nên dồn phần lớn (nhưng không phải toàn bộ) lên tay trái, giải phóng tay phải để thao tác với máy ảnh.

Kéo khuỷu tay vào sát thân người để tạo một hình tam giác, cho phép bạn giữ ống kính vững hơn. Ép máy ảnh vào mặt bạn (nhưng đừng mạnh quá) để tăng sự ổn định. Trước khi chụp, không thở sâu mà chỉ thở nhẹ bằng cách để không khí tràn vào một phần phổi, giữ lại vài giây và sau đó nhẹ nhàng ấn nút thả màn trập.

Nếu có thể, hãy luôn sử dụng chân máy để đạt độ nét tối đa, nhưng nếu không có chân máy, bạn có thể dựa vào một bức tường, cái ghế dài, cây hay cột đèn để có một điểm tựa vững chãi. Hoặc nếu có một cái túi hoặc áo khoác, bạn có thể dùng như một điểm tựa mềm để tì ống kính của bạn.
Sử dụng hiệu quả ống kính góc rộng

Ống góc rộng rất phổ biến khi chụp phong cảnh, kiến trúc và sự kiện. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng có được những bức hình đẹp với ống kính góc rộng. Có một số yếu tố cần cân nhắc khi sử dụng một ống kính góc rộng. Hãy nhớ những quy tắc này và bạn sẽ chụp được những bức hình góc rộng tuyệt đẹp!
  • Những đường chéo năng động
    Khi hướng ống kính góc rộng lên hoặc xuống, ống kính sẽ tạo những đường hội tụ. Điều này có nghĩa là những đường thực ra song song (như đường mép các tòa nhà) lại hội tụ với nhau. Kỹ thuật đơn giản này cho phép bạn tạo ra những hình ảnh năng động một cách dễ dàng.
  • Những đường cong tuyệt vời!
    Ống kính góc rộng rất hiệu quả khi cần làm nổi bật các đường cong, vì vậy hãy sử dụng ống kính này để phát huy lợi thế! Hình ảnh bên trái cho thấy cách bạn có thể phóng đại những đường cong của tòa nhà bằng cách hướng ống kính lên cao để đường cong trông cong hơn thực tế, khiến hình ảnh năng động hơn.
  • Gia tăng độ sâu trường ảnh
    Ống kính góc rộng giúp gia tăng độ sâu trường ảnh – một tính năng mà bạn có thể tận dụng. Bằng việc khép khẩu độ, bạn có thể tăng chất lượng quang học và tăng độ sâu trường ảnh để đảm bảo hình ảnh sắc nét từ tiền cảnh tới hậu cảnh.
  • Méo góc
    Vì ống kính góc rộng phải nén một góc rộng hơn vào phim, sẽ có hiện tượng không thể tránh được là các đối tượng tại biên ảnh bị méo hình. Có thể quan sát hiện tượng méo hình này dễ dàng nhất tại các góc, và điều này đặc biệt rõ khi chụp một nhóm đối tượng bằng ống kính góc rộng — mặt những người gần biên ảnh sẽ bị méo! Bạn có thể khắc phục hiệu ứng này bằng cách không bố trí đối tượng chụp trong góc.
  • Vấn đề về độ phơi sáng
    Do 'thấy' quá nhiều phần của cảnh, ống kính góc rộng có thể đưa vào quá nhiều phần trời. Điều này dẫn tới việc thiết bị đo sáng của máy ảnh cho rằng cảnh quá sáng, và kết quả là ảnh bị thiếu sáng. Bạn có thể hướng máy ảnh vào đối tượng chính của mình để đọc đo sáng, và cố định mức phơi sáng đó để chụp ảnh (biện pháp được đề xuất), hoặc bù sáng bằng tay cho phần trời.
  • Dẫn bố cục vào hậu cảnh/đối tượng
    Khi cảnh của bạn trải rộng ra cả tiền cảnh và hậu cảnh, bạn cần một đường dẫn hướng trong hình để 'hướng' mắt người nhìn từ tiền cảnh đến hậu cảnh, tránh cho mắt người xem bị lạc hướng. Kỹ thuật này có tên gọi là 'dẫn hướng' (leading), và có thể thực hiện bằng cách sử dụng những đường dễ thấy (như con đường mòn trên cánh đồng).
  • Tiền cảnh và hậu cảnh
    Đôi khi có một cảnh chứa cả tiền cảnh và hậu cảnh, cả hai cảnh này đều thú vị và liên hệ chặt chẽ với nhau. Để thể hiện cả tiền cảnh và hậu cảnh, sử dụng một ống kính góc rộng là lý tưởng. Chọn một điểm nhìn nơi bạn có thể kết hợp cả tiền cảnh và hậu cảnh vào trong cùng một cảnh, và khép khẩu độ để tạo độ sâu trường ảnh hợp lý.
 

Sheiran

Administrator
Staff member
Joined
Nov 17, 2011
Messages
5,260
Points
113
Chụp ảnh đường phố

Chụp ảnh đường phố là một kỹ năng chụp ảnh chuyên về các cảnh trên đường phố. Mặc dù chụp ảnh đường phố có vẻ như một chủ đề không đáng chú ý, thể loại này đã mang lại một số tác phẩm mang tính tài liệu mạnh mẽ nhất về lối sống và điều kiện sống của các xã hội khác nhau.

Bởi đường phố là nơi ai cũng có thể tiếp cận, các bức ảnh đường phố trở thành hình thức nhiếp ảnh phổ biến nhất. Nhưng chụp ảnh đường phố mà không có kịch bản hay dự định từ trước thì khả năng thu được kết quả hữu dụng là rất thấp. Bài viết này sẽ xem xét một số kỹ thuật đơn giản hơn mà bạn có thể sử dụng để cải thiện khả năng chụp ảnh đường phố của mình.

Bạn không cần phải có những thiết bị lạ kỳ để chụp ảnh đường phố, điều này phần nào giải thích cho tính phổ biến của loại hình nhiếp ảnh này. Những chiếc máy DSLR nhỏ gọn mà rất nhiều người chụp ảnh sở hữu là công cụ hoàn hảo để chụp ảnh đường phố. Trên thực tế, bạn thậm chí có thể sử dụng cả những chiếc máy nhỏ như IXUS hay PowerShot để chụp một cách thuận tiện và kín đáo trong những khu vực/khu phố đông đúc nhất!

Về ống kính, sự đa dạng của các đối tượng trong chụp ảnh đường phố khiến việc xác định một tiêu cự 'lý tưởng' là không thể. Một số người thích cách tiếp cận thật gần, sử dụng những góc rộng như 24mm hay 28mm, di chuyển vào trong các đám đông để thu giữ được cả bầu không khí. Một số khác lại thích lùi lại đằng xa và sử dụng một ống chụp xa telephoto để tách biệt người hay chi tiết trong mỗi cảnh. Bạn nên thử nghiệm với nhiều loại ống khác nhau để phù hợp với mỗi tình huống hay phong cách của chính bạn.

Bạn nên sử dụng một ống nhiều tiêu cự (zoom) hay một ống một tiêu cự (prime)? Ống zoom đảm bảo sự thuận tiện và tốc độ nhờ có nhiều tiêu cự, nhưng thường cồng kềnh hơn ống prime, và chậm hơn ống prime tương đương. Một số người chụp ảnh chuộng loại ống prime nhỏ hơn và nhanh hơn như ống EF 28mm f/1.8 của Canon để chụp hình trong điều kiện ánh sáng kém. Cả ống prime và zoom đều có những ưu và nhược điểm — cuối cùng vẫn phải là nhu cầu của bạn.
  • Đèn flash
    Bạn có nên dùng đèn flash khi chụp ảnh đường phố không? Không có câu trả lời chính xác – điều này còn phụ thuộc vào tình huống và ý định của bạn.

    Khi chụp bí mật, mục tiêu của bạn là chụp ảnh mà không để đối tượng biết, đèn flash chắc chắn sẽ cảnh báo đối tượng về sự hiện diện của bạn và sẽ không có bức ảnh nào nữa. Lựa chọn tốt nhất là sử dụng cài đặt ISO cao hơn, vì flash cũng thường có xu hướng phá hỏng bầu không khí của cảnh chụp.

    Tuy nhiên, nếu bạn đang chụp một sự kiện như biểu diễn đường phố, nơi đối tượng biết hành động của bạn và không phiền khi bạn chụp ảnh, đèn flash sẽ giúp thể hiện sự sống động của màu sắc và những chi tiết bị sấp bóng. Thêm vào đó, những trang phục được chau truốt tỉ mỉ và các diễn viên trang điểm rực rỡ sẽ hiện ra rõ nhất với đèn flash.
  • Đồ đạc và trang phục
    Hầu hết những người chụp ảnh đều đồng ý rằng một tiểu sử không mấy nổi bật và trang phục thoải mái là phù hợp nhất khi chụp ảnh đường phố. Để chụp thành công mà không để người khác biết, bạn nên hòa nhập vào hoàn cảnh và không thu hút nhiều chú ý vào mình.
  • Hiểu thiết bị của bạn
    Không thể chụp những bức hình đẹp trừ khi bạn biết rõ thiết bị của mình. Sự thân thuộc với những chiếc máy EOS và ống kính giúp bạn theo dõi đối tượng, lấy nét, và chụp. Thao tác với máy ảnh phải là bản năng thứ hai của bạn, để bạn không bối rối với việc cài đặt trong khi đối tượng của bạn đứng lên và bỏ đi!
  • Biết đối tượng của bạn
    Những đối tượng cụ thể có kiểu hành vi cụ thể, thông thường là do một số yếu tố nhất định như tuổi tác, hoàn cảnh hay văn hóa quyết định. Ví dụ, những người chụp ảnh cưới thường biết những nghi thức cưới tiêu chuẩn, và họ sẽ bố trí cho mình vị trí tốt nhất cho mỗi bức hình (ví dụ: cắt bánh hay trao lời thề). Do họ hiểu được hành vi của các đối tượng, họ có lợi thế để chụp những bức hình đẹp hơn.
  • Dành nhiều thời gian hơn trên đường phố
    Thứ nhất, dành thêm thời gian trên đường phố sẽ cho phép bạn biết được đối tượng và hiểu hành vi cũng như hành động của họ rõ hơn, từ đó giúp chụp những bức ảnh đẹp hơn. Thêm vào đó, chụp ảnh đường phố không phải là một hoạt động có thể lên kế hoạch. Những cơ hội chụp ảnh xuất hiện ngẫu nhiên tại nhiều nơi khác nhau, vì vậy việc dành thêm thời gian trên đường phố sẽ tăng cơ hội thành công cho bạn.
  • Biết giới hạn của bạn
    Ngay cả khi đang chụp ảnh, bạn vẫn nên nhận thức được môi trường và hoàn cảnh xung quanh mình. Một số nơi có thái độ thiếu thân thiện hơn một số nơi khác, và bạn phải luôn cảnh giác về những thay đổi xung quanh. Ví dụ, sẽ rất nguy hiểm nếu đi lại quanh một số thành phố lớn khi trời đã tối.
  • Thời khắc quyết định
    Henri-Cartier Bresson có lẽ là phóng viên ảnh nổi tiếng nhất từ trước tới nay. Ông là người đầu tiên đã sử dụng thuật ngữ "thời khắc quyết định" — chỉ một thời khắc có tính quyết định duy nhất có thể tóm lại toàn bộ hành động của người thực hiện hành động đó. Bắt được thời khắc quyết định sẽ truyền tải câu chuyện tới người 'đọc' với ấn tượng sâu sắc nhất.

    Thời khắc quyết định là sự phán đoán. Nó đòi hỏi bạn có khả năng phán đoán diễn biến của sự kiện với độ chính xác hợp lý. Nhờ khả năng đoán trước phản ứng, bạn có thể chờ đợi tới khi khoảnh khắc tốt nhất xuất hiện, và thu lại nó khi cuối cùng nó cũng thực sự xảy ra.

    Bằng việc chủ động làm quen với đối tượng của bạn, bạn đang nỗ lực để đặt mình vào hoàn cảnh của họ và dự đoán hành vi của họ. Điều này đòi hỏi tư duy chủ động và sự cẩn trọng. Phán đoán, với sự kiên nhẫn và tri thức, sẽ giúp bạn bắt được thời khắc quyết định.
Bắt đầu chụp ảnh macro

Chụp macro là gì? Nói một cách đơn giản, đó là chụp cận cảnh các vật thể nhỏ. Ví dụ, bạn có thể chụp macro một cánh hoa, một con tem thư hay thậm chí cái đồng hồ đeo tay của bạn. Chụp ảnh macro phóng to một vật thể nhỏ lên nhiều lần, và giúp thể hiện những chi tiết nhỏ mà mắt thường thường không nhìn thấy được. Có một thế giới những điều đẹp đẽ không thể thấy được ngày trước mắt chúng ta!

Bạn cần gì để bắt đầu chụp macro? Rất nhiều ống kính zoom EF của Canon có sẵn chức năng chụp macro, cho phép chụp tương đối gần các đối tượng. Bạn có thể chụp những bức hình tuyệt vời về các cánh hoa hay tương tự với tính năng macro đã được tích hợp trong máy. Nếu còn muốn chụp gần hơn nữa, bạn có thể lắp thêm ống kính chụp gần như ống 500D của Canon vào ống đang dùng của bạn, giúp bạn phóng to hơn nữa mà không mất quá nhiều chi phí.

Nếu bạn muốn chụp macro nghiêm túc và muốn tiếp cận thật gần, hãy cân nhắc việc đầu tư một ống macro chuyên nghiệp như Macro EF-S 60mm hay EF 100mm. Những ống kính này giúp bạn phóng đại tới kích thước thật, và mang lại chất lượng chụp cận cảnh hiếm thấy.

Tuy nhiên với bất kể ống kính nào bạn cũng nên chụp với chân máy. Khi chụp gần, độ phóng đại sẽ rất cao và độ rung máy nhỏ nhất cũng sẽ được thể hiện rất rõ. Sử dụng chân máy sẽ giúp loại bỏ hiện tượng rung máy và mang lại hình ảnh sắc nét như pha lê. Một số nhiếp ảnh gia sử dụng dây bấm nhả màn trập để sập màn trập, như vậy họ sẽ không vô tình di chuyển máy trong khi đang thao tác. Nếu không có dây bấm này, bạn có thể đặt thời gian để bất kỳ rung động nào tay bạn gây ra do ấn nút cũng có đủ thời gian để tiêu tan vào lúc nhả màn trập.

Một khía cạnh quan trọng cần lưu ý khi chụp macro là độ sâu trường ảnh sẽ rất thấp. Rất khó lấy nét cho toàn bộ hình ảnh, vì vậy bạn phải rất thận trọng khi điều chỉnh nét vào phần quan trọng nhất của đối tượng. Ví dụ, nếu bạn đang chụp cận cảnh bông hoa, bạn sẽ muốn làm nổi rõ nhụy hoa. Bạn có thể khép khẩu độ (vì bạn đang sử dụng chân máy, tốc độ màn trập thấp sẽ không ảnh hưởng tới bức hình của bạn), nhưng ngay cả khi làm như thế độ sâu trường ảnh sẽ vẫn thấp với mức phóng đại cao đến vậy.

Và khi đang chụp gần, đối tượng thường ở rất sát mặt trước của ống kính. Khi đó, nguồn sáng có thể bị máy ảnh hay ống kính chặn lại. Bạn có thể đặt lại đối tượng/máy ảnh hoặc nguồn sáng để đối tượng không bị che khuất khỏi nguồn sáng. Hoặc bạn có thể sử dụng một vài tấm bìa các tông trắng nhỏ để phản chiếu ánh sáng trở lại đối tượng.

Những người chụp macro nghiêm túc có thể đầu tư các thiết bị flash chuyên dụng cho macro. MT-24EX của Canon có đèn flash đôi gắn lên phía trước ống kính để cung cấp nguồn sáng đều ngay cả khi máy ở rất gần đối tượng. Hoặc bạn có thể xem xét đèn ring flash MR-14EX của Canon, hoạt động giống MT-24EX, ngoại trừ việc nó cung cấp một vòng sáng không bị bóng xung quanh đối tượng.

Thế giới của ảnh macro thật thú vị và đầy sức quyến rũ, và điều hay nhất là bạn có thể tìm thấy các đối tượng chụp macro tuyệt vời bất cứ đâu và bất kỳ lúc nào! Vậy nếu bạn đang bị kẹt ở nhà trong một ngày mưa gió, hãy lôi chiếc máy Canon EOS của bạn ra và bắt đầu chụp những bức hình macro. À mà ngay cả những giọt mưa trên cửa sổ cũng có thể là những đối tượng chụp macro xuất sắc đấy!
 

Sheiran

Administrator
Staff member
Joined
Nov 17, 2011
Messages
5,260
Points
113
Chụp ảnh đêm
Chụp ảnh đêm thật đơn giản và thú vị. Trên thực tế, bạn hầu như không cần bất kỳ thiết bị đặc biệt nào nếu bạn đã có chân máy. Chụp ảnh đêm chỉ là sử dụng thời gian phơi sáng dài để thu lấy ánh sáng từ cảnh vật, vì vậy chỉ có chân máy tốt và vững vàng là điều bắt buộc. Một số nhiếp ảnh gia sử dụng dây bấm nhả màn trập để sập màn trập, như vậy họ sẽ không vô tình di chuyển máy ảnh trong khi đang thao tác. Nếu không có dây bấm này, bạn có thể đặt thời gian để bất kỳ rung động nào tay bạn gây ra do ấn nút cũng có đủ thời gian để tiêu tan vào lúc nhả màn trập.

Vì sẽ sử dụng chân máy nên bạn có thể cài đặt ISO thấp và tốc độ màn trập thấp. Làm như vậy sẽ mang lại kết quả cực kỳ ấn tượng với độ nhiễu thấp (đặc biệt kể từ khi máy ảnh EOS được trang bị bộ xử lý hình ảnh DIGIC tuyệt hảo), và tốc độ màn trập thấp sẽ thu lại bất kỳ chuyển động nào của các nguồn sáng và thể hiện thành các vệt sáng.

Trái với tên gọi, thời điểm lý tưởng nhất để chụp ảnh đêm là vào buổi tối! Những tia nắng cuối cùng còn sót lại trên bầu trời sẽ thắp sáng bức hình của bạn, nhờ đó sản phẩm của bạn sẽ không chỉ là một mảng trời đêm phẳng lỳ và tẻ ngắt. Hãy thử chụp trong khoảng 7 đến 7.30 tối để có được những hiệu ứng tốt nhất — bạn sẽ có được màn trời đêm đẹp huyền bí.

Hãy thử nghiệm những cài đặt phơi sáng khác nhau, bởi thời gian phơi sáng khác nhau sẽ mang lại hiệu quả khác nhau. Hoàn toàn bình thường nếu bạn đặt thời gian phơi sáng lên tới 30 giây. Trên thực tế, thời gian phơi sáng dài cho bạn thêm thời gian ghi những chuyển động của nguồn sáng thành vệt, từ đó tạo nên vẻ sống động cho bức hình của bạn! Nếu có xe cộ đi lại trong cảnh đêm bạn chọn, đèn hậu màu đỏ của các phương tiện thường tạo nên các vệt sáng đẹp hơn đèn trắng phía trước.

Nếu bạn thực sự chưa từng chụp ảnh đêm, hãy đặt máy ảnh lên chân máy, sắp xếp bố cục và lấy nét. Sau đó, đặt máy ở chế độ AV (Ưu tiên khẩu độ) và f/8 tại ISO 100. Bắt đầu chụp từ 7 tới 7.30 tối, và bạn nên có một loạt bức hình chụp đêm thú vị để bắt đầu! Đừng quên rằng tất cả chỉ là để thử nghiệm — vì vậy bạn phải thấy vui thích!

Theo Canon Việt Nam
 
Top Bottom