Lịch sử Tiền Giang

MinhThy

<marquee behavior="alternate" scrollamount="1"><fo
Joined
Nov 17, 2011
Messages
3,907
Points
113
Nằm ở Hạ lưu sông Tiền (một nhánh lớn của sông Cửu Long), tỉnh Tiền Giang có quá trình hình thành và phát triển về địa chất tương tự như khu vực Nam bộ, với 3 thời kỳ chính: Paleozoi muộn (Cổ sinh muộn), Mesozoi (Trung sinh) và Kainozoi (Tân sinh).

Vào cuối Kainozoi, do hoạt động Tân kiến tạo, vỏ đất ở khu vực bị nứt nẻ ở nhiều nơi, sụt lún làm chênh lệch các lớp đá. Hậu quả của chuyển động này là hai khối được nâng lên. Ở Việt Nam, có khối nâng Nam Trung bộ. Ở Campuchia, có khối nâng Đông Campuchia. Giữa hai khối nâng là khối sụt, gồm những trũng rộng lớn. Sông Cửu Long và những phụ lưu của nó chảy qua đây, mang theo các vật liệu bùn, sét, cát lấp đầy các trũng để hoàn thành lớp trầm tích Plio-Pleistoxen cách nay khoảng 700.000 năm.(1)

Sau đó diễn ra các giai đoạn biển tiến và biển lùi. Cách ngày nay khoảng 6.000 năm, có đợt biển tiến, làm cô lập các giồng cao. Di tích còn lại là giồng Tân Hiệp (huyện Châu Thành).(2)

Cách nay khoảng 5.000 năm có hiện tượng biển lùi. Mực nước biển rút dần. Trong khoảng 4.000 năm đến 2.700 năm cách ngày nay, dao động biển khá rõ rệt, các cồn cát duyên hải lộ hẳn ra khỏi mặt nước, các thảm thực vật khá đa dạng và thế giới động vật giàu lượng loại. Do tác động của sóng và dòng hải lưu, các đống sò điệp tụ lại các cồn mới nổi lên. Khảo cổ học đã phát hiện tại huyện Cai Lậy các vỉa sò điệp, dấu vết của bờ biển xưa. (3)

Từ khoảng 2.700 năm trước, vùng Tiền Giang đi vào thế ổn định.Vào khoảng trước hoặc đầu Công Nguyên (trên dưới 2.000 năm trước), những người đầu tiên đã đến vùng châu thổ sông Cửu Long, trong đó có Tiền Giang để sinh sống.

Đây là các tộc người Indonésien, người Nam Á hải đảo, thuộc vùng châu Á gió mùa, có cùng nguồn gốc với một số tộc người ở Tây Nguyên - Việt Nam.(3)

Địa bàn cư trú chính của họ là vùng châu thổ sông Cửu Long, gồm một phần của miền Đông Nam bộ, một phần nhỏ Nam Campuchia, vùng đất ven vịnh Thái Lan và phía bắc bán đảo Mã Lai. Họ lập nên nhà nước cổ đại đầu tiên ở Đông Nam Á đất liền, đó là vương quốc Phù Nam.(4)

Tỉnh Tiền Giang vào những thế kỷ đầu Công Nguyên thuộc vương quốc Phù Nam. Định chế chính trị ban đầu của Phù Nam còn mang nhiều tính chất thị tộc. Triều đại thứ nhất theo truyền thuyết là sự kết hợp giữa hai thị tộc: Mặt trăng của Liễu Diệp và Mặt trời của Hỗn Điền. Dần dần xã hội có sự phân cực giữa các tầng lớp nông dân, thợ thủ công và thương nhân. Tầng lớp tăng lữ là chỗ dựa của triều đình Phù Nam(5). Theo Lương Thư, tộc người Phù Nam nguyên là “sống trần truồng, xăm mình, tóc buông xuống lưng, không biết đến y phục, cả(6) trên lẫn phía dưới”. Cho đến đầu thế kỷ thứ III “họ vẫn trần truồng” trừ phụ nữ đã biết mặc áo đơn sơ, làm bằng một tấm vải có lỗ để chui đầu. Về sau, “đàn ông đóng khố, con nhà quyền quý làm khố bằng gấm”. Khi thiết triều, vua ngồi nghiêng một bên “chân phải co lên, chân trái buông xuống đất”.

Người Phù Nam chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo và Phật giáo, hai tôn giáo được truyền bá dưới dạng tín ngưỡng dân gian và trong hình thức định chế hóa (đền thờ, stupa, cung đình…).

Xã hội Phù Nam có các tầng lớp nông dân, thợ thủ công, thương nhân và giới tăng lữ(7)

Người Phù Nam có chữ viết. Các minh văn ở Gò Xoài (ấp Bình Tả, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) và minh văn ở Gò Thành (xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cho thấy minh văn được viết bằng ngôn ngữ Pali lai (Hybrid-Pali), có dấu vết Sanskrit và bằng một thứ văn tự Deccan (Nam Ấn).(8)

Phù Nam được coi là cường quốc thương nghiệp. Từ giữa thế kỷ thứ III, Phù Nam khống chế nền thương nghiệp hàng hải ở Đông Nam Á và bành trướng lãnh thổ, đem quân đi chinh phục hơn “10 vương quốc” làm phiên thuộc, trong đó có Lâm Ấp. (9)

Nền thương nghiệp phát triển và sự bành trướng nhanh chóng về lãnh thổ của Phù Nam đã dẫn đến việc các tiểu vương ở xa dựa vào các thương nhân giàu có để củng cố thế lực tạo ra nạn cát cứ, khiến cho Phù Nam bước vào thời kỳ suy thoái từ giữa thế kỷ thứ VI, hoàn toàn sụp đổ vào khoảng thế kỷ thứ VII. Vùng châu thổ sông Cửu Long thuộc Phù Nam khi đó trở nên hoang vu.

Người Chân Lạp trước sự bành trướng của đế quốc Khmer đã đến vùng Tiền Giang, vùng rìa của Thủy Chân Lạp, gần như hoang vu, dân cư rất thưa thớt.(10)

Một số di tích của người Phù Nam tại Tiền Giang được người Khmer sử dụng, nhưng hầu hết bị phá bỏ. Có lẽ do chiến tranh kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai vương quốc ở giai đoạn Phù Nam suy tàn, người Chân Lạp đã phá bỏ các vết tích văn hóa của người Phù Nam, vì thế nhiều kiến trúc lớn đã hoàn toàn sụp đổ.

Do dân số quá ít, kỹ thuật canh tác lạc hậu, lại sống trên một vùng đất khắc nghiệt “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”, người Chân Lạp chưa tạo được dấu ấn văn hóa đậm nét trên vùng đất ở phía Bắc sông Tiền.

Vào đầu thế kỷ XVII, Jayajettha II lên ngôi ở Chân Lạp(11). Để chấm dứt việc thuần phục nước Xiêm, ông tìm đến chúa Nguyễn tạo ra một thế lực và liên minh mới đối trọng với nước Xiêm qua cuộc hôn nhân với công chúa Ngọc Vạn(12)

Nhờ sự hỗ trợ của chúa Nguyễn, Batom Reachea trở thành vua Chân Lạp. Trong lúc châu thổ sông Cửu Long gần như hoang vu, Batom Reachea cho người Việt định cư, được quyền sở hữu đất đai mà người Việt khai phá.

Từ thế kỷ XVII, vùng Tiền Giang được người Việt, từ miền Trung và miền Bắc, trong đó phần lớn là từ vùng Ngũ Quảng, đến khai hoang và định cư.

Lịch sử vùng Tiền Giang của 16 thế kỷ sau Công Nguyên vẫn còn ẩn giấu trong lòng đất Tiền Giang. Những cố gắng của ngành khảo cổ học trong việc khảo sát, khai quật một số di tích khảo cổ trong những năm 80, 90 của thế kỷ XX, mới cung cấp được một số tư liệu quí, nhưng còn ít ỏi về các nền văn hóa cổ tại Tiền Giang.
 

MinhThy

<marquee behavior="alternate" scrollamount="1"><fo
Joined
Nov 17, 2011
Messages
3,907
Points
113
1. Di tích Gò Thành

Thuộc địa phận ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, cách Thành phố Mỹ Tho khoảng 12 km về hướng đông - đông bắc được L.Malleret, một nhà nghiên cứu người Pháp phát hiện năm 1941(1)

Di tích nằm trên một gò đất sét pha cát, có chiều cao 3,00m so với mực nước biển. Diện tích rộng khoảng 10.000m2. Các năm 1988, 1989 và 1990, qua 2 đợt khai quật đã phát hiện 3 loại di chỉ khác nhau, gồm: di chỉ cư trú, di chỉ kiến trúc và di chỉ mộ táng.

Di chỉ cư trú

Ở độ sâu 1,50m - 3,00m tại gò và độ sâu 0,50m - 2,00m tại các thửa ruộng phía tây và tây nam gò, có rất nhiều mảnh gốm cổ thuộc loại hình Óc Eo với mật độ dày đặc, gồm gốm tô màu đỏ nhạt hoặc nâu, hoặc không tô màu, có hoa văn trang trí hoặc không hoa văn, một số vòi bình, nhiều di cốt bò, heo, xương cá, nhiều dấu vết than tro, vỏ trái cây cùng với một số cọc gỗ được gia công, một số chì lưới bằng đất nung có hình quả lê, dọi xe chỉ bằng gốm; nắp ấm nhỏ hình bánh xe, hình trái mận v.v… Phân tích bằng phóng xạ cácbon C14 một mẫu hiện vật có niên đại 1585± 80BP (tức thế kỷ IV sau Công Nguyên).

Di chỉ kiến trúc

Chủ yếu là kiến trúc gạch nằm ở giữa gò. Những nền gạch hầu như không còn nguyên vẹn. Có 3 nền gạch có dạng những “căn phòng” hình tứ giác, trong đó, có một kiến trúc có bình diện hình chữ nhật, hướng bắc - nam, có lối đi vào ở mạn Nam, bên trong có một tường gạch ngăn thành 2 phần bằng nhau, phần phía nam là một khối đá kiến trúc hình chữ nhật có chốt ở 2 đầu, có bệ thờ bằng đá đục lỗ ở giữa; ở phía bắc có dấu vết gạch vỡ xếp thành hình tròn, đường kính 0,90m ở độ sâu 1,00m - 1,50m (tính từ mặt đường móng).

Ngoài 3 kiến trúc có dạng căn phòng được nêu trên, còn có một kiến trúc giống như con đường có “lòng” và có “lề” và một kiến trúc có rãnh tựa như “đường thoát nước”.

Tại các kiến trúc gạch, còn phát hiện cột đá mang nhiều hoa văn trang trí, 6 diềm ngói tạc hình lá đề theo hình lòng máng của ngói ống. Lá đề đắp nổi hình Phật ngồi thiền. Một số gạch hình thang, một số gạch bị cắt khúc hoặc cắt góc; có kích cỡ khác nhau: 25,5cm x 14cm x 5,5cm; 24cm x 15cm x 6cm; 24cm x 14cm x 5,5cm.

Tại di chỉ và gần di tích còn phát hiện 1 tượng đá nam thần (mất đầu và chân), một tượng Visnu còn nguyên vẹn, 1 tượng Ganesa, tất cả đều bằng đá, một mảnh đá có minh văn Phạn ngữ (Sanskrit).

Các dấu vết kiến trúc và hiện vật được phát hiện cho thấy đây là những kiến trúc tôn giáo. Việc xác định các công trình kiến trúc (đền hoặc tháp) cùng các tính chất và chức năng của nó vẫn còn là ẩn số đối với các nhà nghiên cứu.

Di chỉ mộ táng: Qua 2 đợt khai quật đã phát hiện 12 mộ xây gạch, hình vuông, mỗi cạnh từ 1,80m - 2,00m, loại không có “gò nổi” và từ 2,00m - 3,00m, loại có “gò nổi” nằm theo hướng đông bắc và phân bố không đều trên mặt gò, trong đó có những ngôi mộ phần trên được ốp gạch để tạo thành “gò nổi” cao khoảng 0,60m, rộng từ 100m2 - 200m2, có những mộ phần trên không ốp gạch nên không tạo thành “gò nổi”.

Huyệt sâu từ 1,50m - 3,00m. Lòng huyệt được lấp bằng những lớp đá cuội, cát màu xám và gạch vỡ vụn. Có 3 mộ sát đáy huyệt được xây gạch hoặc xếp lên 4 khúc gỗ, bên trong có cát, tro và vàng lá hình vuông hoặc hình bông hoa nhiều cánh có chạm hình voi ở những tư thế khác nhau. Một ngôi mộ khác lại chôn hiện vật ở 4 góc huyệt.

Hiện vật tìm thấy tại di tích Gò Thành rất phong phú, với 196 hiện vật bằng vàng (nguyên và vỡ), trong đó có 111 hiện vật được chôn trong các ngôi mộ; 6 hiện vật bằng đồng, trong đó có 2 nhẫn, 1 xập xoã, 1 ống đồng nhỏ, 2 mảnh đồng hình thang; 22 hiện vật đá, (đáng kể là 1 pho tượng Visnu còn nguyên vẹn, một tượng nam thần chỉ còn phần thân, 1 tượng Ganesa,1 hạt đá quí màu tím xanh và trắng trong, 1 Yoni và 1 mảnh đá có minh văn Phạn ngữ); hàng ngàn hiện vật gốm, trong đó có một số vòi bình, 6 mảnh gốm có hình lá đề, số còn lại thì phần bị vỡ khó nhận dạng.

Qua hiện vật và 5 mẫu được phân tích bằng phóng xạ cácbon C14, bước đầu cho phép các nhà khoa học xác định vào khoảng từ thế kỷ IV - VIII sau Công Nguyên, người Phù Nam còn chịu ảnh hưởng nhiều của Hinđu giáo.(2)

2. Di tích Chùa Bà Kết

Được phát hiện năm 1988, qua một cuộc khảo sát khảo cổ học, thuôc địa phận xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo.

Di tích nằm trên gò rộng khoảng 3.000m2, cao khoảng 5,00m so với mặt ruộng chung quanh. Giữa gò xuất lộ những vỉa gạch dạng Óc Eo. Tại đây có một miếu nhỏ được nhân dân thờ tượng Visnu và 2 bàn Visnu bằng đá.

3. Di tích Giồng Bà Phúc

Thuộc địa phận xã Song Bình, huyện Chợ Gạo. Nhiều dấu vết kiến trúc cổ đã lộ lên khỏi mặt đất. Tại đây, dân địa phương phát hiện 1 bình gốm Óc Eo còn nguyên vẹn.(3)

4. Di tích Trường Sơn A

Thuộc địa phận Ấp 1, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo. Trong cuộc điều tra khảo cổ học năm 1988, đã tìm được 1 bình gốm, 1 tượng thần Ganesa và một số mảnh gốm vỡ. Đào thám sát chưa thấy có tầng văn hóa vào thời đại Óc Eo.

5. Di tích Gò chùa Bửu Tháp

Thuộc địa phận ấp Tân Phong, xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, trên một gò đất rộng hơn 1.000m2, cao khoảng 0,50m so với mặt đất chung quanh. Hiện có 1 ngôi chùa nhỏ có tên là Bửu Tháp.

Theo nhân dân trong quá trình canh tác thường gặp những vỉa gạch lớn ở độ sâu 0,40m, loại gạch thường gặp trong các kiến trúc thời kỳ Óc Eo - hậu Óc Eo, và phát hiện 1 tượng nữ thần nhỏ bằng sa thạch màu xám xanh, bị mất đầu và tay chân, chỉ còn phần thân cao 10cm, thân tròn, ngực nở, mang đặc điểm tượng thời hậu Óc Eo.

6. Di tích Đìa Tháp

Thuộc địa phận ấp 4, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, trong vùng trũng của Đồng Tháp Mười. Thế đất tại di tích cao hơn vùng trũng chung quanh từ 0,30m - 0,40m. Hiện có 1 ngôi chùa mới dựng, gọi là chùa Trường Tháp. Quanh chùa có nhiều gạch nguyên và vỡ, màu đỏ nhạt hoặc xám đỏ. Gạch cổ được chất thành đống hoặc lát đường đi. Số gạch này được xáng (tàu cuốc) múc từ lòng Đìa tháp gần đó, ở độ sâu 0,60m, trên chiều dài 1km dọc theo bờ kinh. Cùng với gạch có số lượng lớn, còn có nhiều mảnh gốm thuộc loại hình Óc Eo nằm rải rác, 1 Linga, 1 Pesani, một phần bệ thờ và 3 đoạn cột đá kiến trúc.

Các hiện vật bằng đá được lưu giữ tại nhà truyền thống huyện Cai Lậy, có đặc điểm tương tự những di vật cùng loại ở các di tích Đá Nổi (Kiên Giang), Ba Thê (An Giang), có niên đại từ thế kỷ VI -VII sau Công Nguyên.

7. Di tích Gò Tân Hiệp

Thuộc địa phận thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành (nay thuộc khu làm việc của Huyện uỷ) phân bố trên một gò cao khoảng 5-7m so với chung quanh, diện tích khoảng 3.000m2.

Đây là di tích kiến trúc có qui mô được xem là lớn nhất ở Tiền Giang. Gò nhân tạo này được bó nền (bọc nền) bằng gạch có hình vuông với chiều cao khoảng 4,00m. Gạch bó nền có kích thước giống gạch tại di tích Gò Thành (Chợ Gạo). Hiện nay còn 1 tảng đá lớn rộng khoảng 1,50m2 nằm bên ngoài thành gạch cũ.

Trên mặt gò, các kiến trúc đã bị sụp đổ. Thực dân Pháp sử dụng độ cao của gò để xây đồn bót. Thời Mỹ xâm lược cũng xây dựng các công trình phục vụ quân sự tại đây. Nay thành gạch không còn vết tích cũ. Qua khảo sát, có thể đoán định di tích là kiến trúc trung tâm có liên quan đến tôn giáo vào thời kỳ Óc Eo muộn (thế kỷ thứ VII-XIII).

8. Di tích Gò Gạch


Thuộc địa phận xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành, nằm trên một gò cao của giồng Tân Hiệp, có diện tích khoảng 1.000 m2. Hiện một ngôi chùa có tên Kim Thạch Bửu Tự được xây cất khá lâu trên di tích. Tại đây, vẫn còn những nền gạch lộ trên mặt đất. Nhiều viên gạch của kiến trúc cổ đã được mang đi lát đường hoặc xây nền chùa.

Trong sân chùa còn nhiều đá cuội, một số tảng đá bị vỡ, nhiều mảnh tượng và bệ tượng vỡ. Nhiều khả năng di tích là kiến trúc tôn giáo vào thời kỳ Óc Eo muộn.

9. Di tích Gò Sau

Thuộc địa phận ấp Tân Phú, xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành, nằm trong khu vực đình Tân Lý Tây, phía trước Uỷ ban Nhân dân xã. Di tích xuất lộ nhiều nền gạch gần đình và các vỉa gạch nằm ở độ sâu 1,00m cách đình 20,00m về phía tây nam. Đã phát hiện 1 tượng Visnu bán tròn, 1 rìu đá, một số mảnh vỡ của bình cổ, 1 bàn nghiền bị vỡ. Khảo sát các loại gạch cho thấy nhiều khả năng di tích ở vào thời kỳ Óc Eo muộn.

10. Di tích Thân Hòa

Thuộc địa phận ấp Thân Hòa, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, thuộc giồng Tân Hiệp, trên diện tích rộng hàng chục ngàn mét vuông. Tầng văn hóa cổ có độ sâu từ 1,00m - 2,50m tập trung ở chùa Cầu Kè - một gò nổi cao hơn trên giồng cát pha sét ở Thân Hòa.

Nhiều vỉa gạch xuất lộ trên đường đi cũng như sân, vườn của các gia đình trong ấp. Đã phát hiện một số rìu đá, 1 chì lưới bằng đất nung, 1 núm đậy lớn khá lạ mắt, một số đá cuội; nhiều gạch thuộc văn hóa Óc Eo được người địa phương đem lót đường hoặc xây nhà. Trong một lần dùng xáng đào kinh, đã phát hiện nhiều mảnh gốm tô màu và không tô màu, nhiều bàn nghiền bằng đá, chày đá và vòi bình. Tại chùa Cầu Kè hiện có một tảng đá lớn có lỗ ở giữa được sử dụng làm đá thờ.Đây là di tích được phân bố trên diện tích rộng, cần tiếp tục khảo sát, khai quật và nghiên cứu. Bước đầu, qua hiện vật bằng đá và gốm cùng các loại gạch cho thấy có nhiều khả năng di tích ở vào thời kỳ Óc Eo muộn.
 

MinhThy

<marquee behavior="alternate" scrollamount="1"><fo
Joined
Nov 17, 2011
Messages
3,907
Points
113

Di tích lịch sử dân tộc: Lăng Hoàng gia


Lăng Hoàng Gia thuộc giồng Sơn qui, xã Long Hưng, thị xã Gò Công. Đường đi đến di tích bằng ôtô rất thuận tiện.

Lăng Hoàng Gia bao gồm mộ và nhà thờ dòng họ Phạm Đăng là thích lý của triều Nguyễn. Dòng họ Phạm Đăng đến đời thứ ba có ông Phạm Đăng Hưng làm quan dưới hai triều vua Gia Long và Minh Mạng. Ông chính là cha của Hoàng Thái Hậu Từ Dũ, là ông ngoại của vua Tự Đức. Năm 1826, triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây đền thờ và lăng mộ dòng họ Phạm Đăng gọi là Lăng Hoàng Gia.

Phạm Đăng Hưng sinh năm 1764 là người thông minh, tuấn tú. Năm 1794 ông chuẩn bị thi tứ trường thì bị bệnh nên phải trở về quê làm ruộng. Nhưng vì nổi tiếng là người văn tài lỗi lạc và hiền đức nên được bổ làm "Lễ sinh nội phủ của triều Nguyễn" (thời vua Gia Long). Ông được mọi người biết đến qua nhân vật Ba Bị vì "đi đâu ông cũng mang theo ba bị ngũ cốc để phân phát cho dân nghèo". Trãi qua nhiều lần thăng gián vì bị gièm pha, cuối cùng ông đã được thăng chức "Quốc Sử Quán Tổng tài" năm Minh mạng thứ 2 (1821). Năm 1825, Phạm Đăng hưng bị bệnh mất tại Huế nhằm ngày 14 tháng 6 (AL), được vua Minh Mạng thăng hàm "Vinh Lộc Đại Phu Trụ Quốc Hiệp Biên Đại Học Sĩ Thuỵ Trung Nhã" và đưa về an táng tại Sơn Qui. Năm 1849, vua Tự Đức gia tặng "Đặc Tiến Kim tử Vinh Lộc Đại Phu Thái bảo cần Chánh Điện đại Học Sĩ Tước Đức Quốc Công". Từ đó, mọi người gọi ông là Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng.

LangHoangGia1.gif


LangHoangGia2.gif


Một năm sau khi Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng mất tức năm 1826, triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây nhà thờ và lăng mộ dòng họ Phạm Đăng đúng theo kiến trúc phong thuỷ dành cho lăng tẩm vua quan lúc bấy giờ. Ngoài cùng là La Thành, giới hạn khuôn viên Lăng. Bên trong là Sân Chầu, với nhà Hành Lễ bên phải, nơi để dành cho mọi đến viếng Lăng. Sâu hơn nữa, Nhà Bia mà phạm vi được qui định bởi Thành Bao hình cung, mở rộng thêm nhờ hai cung Thành bao ở hai đầu. Khu vực này dành riêng cho thân tộc và vua chúa vào viếng lễ. Cấu trúc nền dốc từ trong ra ngoài, cung ranh giới Thành Bao thể hiện rõ tư tưởng phân chia giai cấp của chế độ phong kiến thời bấy giờ. Với phù điêu, những chạm trổ trên Mộ Bia, những long, lân, sư biểu tượng của giai cấp vua quan nơi Nhà Bia khẳng định uy quyền người đã khuất. Hiện nay tại Lăng có đến hai nhà bia, với lý do sau:

- Nhà Bia phía bên phải được làm vào năm 1849 bằng đá cẩm thạch trắng (đá Non Nước ở Đà Nẳng). Nhưng khi di chuyển từ Huế vào đến Sài Gòn bị Pháp lấy đem vào đất Thánh Tây Mạc Đỉnh Chi làm mộ bia cho Đại Uý Berbê vừa bị nghĩa quân Trương Định bắn chết. Năm 1999 tấm bia này đã được chuyển về đây.

- Nhà Bia bên trái là bia do vua Thành Thái cho làm lại bằng đá hoa cương (đá Ganis) năm 1899. Nội dung cũng giống như tấm bia ban đầu là ghi lại công trạng của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng và dòng họ Phạm ở Gò Công là "Thích Lý của triều Nguyễn".

Cùng nằm trên khuôn viên Lăng còn có hệ thống mộ dòng họ Phạm Đăng được chôn theo một trục dài, toàn bộ đều làm bằng hồ ô dước, bao bọc chung quanh bằng một lớp tường dày và cao 90cm, các ngôi mộ tổ bố cục đơn giản theo hình vuông hoặc chử nhật).

Cách Lăng 30m về bên phải là nhà thờ dòng họ Phạm Đăng:

- Gian giữa là bàn thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng.

- Gian tả (trái) thờ Phước An Hầu Phạm Đăng Long, cha của Phạm Đăng Hưng.

- Gian tả ngoài thờ Mỹ Khá tử Phạm Đăng Tiên, ông cố Phạm Đăng Hưng.

- Gian hữu thờ Bình Thạnh Bá Phạm Đăng Danh, ông nội Phạm Đăng Hưng.

- Gian hữu ngoài thờ Thiềm Sư Phủ Phạm Đăng Khoá, ông sơ Phạm Đăng Hưng.

Nhà thờ được kiến tạo năm 1888 thời vua Thành Thái và năm 1921 thời vua Khải Định. Đây cũng là lúc nước ta chịu 30 năm thống trị của thực dân Pháp. Do vậy, kiến trúc nghệ thuật cũng bị ảnh hưởng không ít những vẫn giữ kiểu nhà ba gian đậm nét Việt Nam.

Tóm lại, Lăng Hoàng Gia là một di tích lịch sử văn hoá có ý nghĩa quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của Nam Bộ nói chung và Gò Công nói riêng. Vì Phạm Đăng Hưng và dòng họ của Ông là những người vào đây lập nghiệp từ đầu thế kỷ XVII (còn mộ bốn đời Phạm Đăng Hưng tại Sơn Qui.

Nhà thờ và mộ Phạm Đăng Hưng là một công trình kiến trúc nghệ thuật hài hoà giữa Âu và Á nhưng vẫn mang đậm nét truyền thống dân tộc được thể hiện qua các mãng chạm khắc trong nhà thờ và trên lăng mộ.

Di tích Lăng Hoàng Gia, được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích cấp quốc gia năm 1992./.
 
Top Bottom