Những chuyện chưa biết về đại công tử đất Vĩnh Long

laulebuon

Member
Joined
Aug 16, 2011
Messages
780
Points
18
[h=2]Có thể nói Công tử Bảy Lời của xứ Vĩnh Long là một thanh niên con nhà giàu có nhưng tính tình khác xa Hắc Công tử Bạc Liêu và Bạch Công tử Mỹ Tho.[/h]
Thương người, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, từ lúc còn rất trẻ Công tử Lời đã ý thức được sự thống trị, áp bức của người Pháp và sớm tham gia vào cuộc cách mạnh giải phóng dân tộc.

Công tử Lời hy sinh đền nợ nước khi mới bước qua tuổi 30, nhưng mãi cho đến tận bây giờ mỗi khi nhắc đến tên Công tử Lời nhiều người còn tiếc thương cảm phục, trong khi người đời luôn chê cười lối sống xa hoa trụy lạc đến mức táng gia bại sản, không cần biết gì đến sự hưng vong của quốc gia như 2 vị Công tử xứ Bạc Liêu, Mỹ Tho.

Công tử Lời và vụ hỏi vợ có 1 không 2

Như đã nói, năm 16 tuổi Công tử Lời được cha sắm cho 1 chiếc xe hơi hiệu DeLage mui trần với giá 5.000 đồng tiền Đông Dương bấy giờ, tương đương với giá 500 tấn lúa. Hồi đó ở xứ Cái Nhum chỉ có một mình Công tử Lời có xe hơi, cộng thêm với cái mã đẹp trai, con nhà giàu, nên cậu Bảy Lời là niềm mơ ước hàng đêm của không biết bao nhiêu cô con gái trong những gia đình danh gia vọng tộc xứ Cái Nhum, Long Hồ, Vĩnh Long.

Mỗi lần Công tử Lời đưa xe ra đường, các cô gái quần là áo lượt thi nhau xin được quá giang xe của cậu Bảy, mong lọt vào mắt xanh của cậu.

Nhưng Công tử Lời lúc đó chẳng thèm tơ tưởng gì đến chuyện trai gái yêu thương, trong mắt của cậu Bảy Lời lúc đó đám con gái con nhà khuê các, danh gia vọng tộc trong vùng hình như chẳng đáng giá bao nhiêu.

Tuy vậy với tính tình phóng khoáng, cậu Bảy Lời sẵn sàng cho các cô gái quá giang xe, nhưng lần nào cho các cô nàng quá giang xe cậu Bảy Lời cũng tìm cách phá đám cho bõ ghét.

Những bậc bô lão xứ Cái Nhum còn nhớ, một hôm cậu Bảy Lời đi đám cưới ở thị xã Vĩnh Long. Tình cờ đi chung đám cưới với cậu Bảy Lời có các tiểu thư con nhà khuê các ở xứ Cái Nhum. Khi phát hiện cậu Bảy Lời trong đám cưới, các tiểu thư xúm lại bắt chuyện.

Đến lúc ra về, 4 cô tiểu thư xứ Cái Nhum nằng nặc đòi cậu Bảy Lời cho quá giang xe hơi về nhà, không chịu đi ghe. Nghe mấy tiểu thư đòi đi xe hơi của mình, cậu Bảy Lời vui vẻ đồng ý, mở cửa xe cho 1 cô lên ngồi phía trước, 3 cô ngồi ở ghế sau.

Cả 4 cô tiểu thư chưa kịp yên vị trên xe thì cậu Bảy Lời bật công tắc nổ máy xe rồi đạp ga cho xe phóng vụt một cái làm các tiểu thư ngã chúi nhủi ra phía trước, mặt mày xanh như tàu lá nhưng chẳng dám hé răng than thở tiếng nào.

Từ Vĩnh Long về Cái Nhum, cậu Bảy Lời cho xe phóng như bay khiến khăn choàng, áo dài của các tiểu thư tung bay phấp phới, tóc nhiều cô dựng đứng cả lên, cô nào cô nấy mặt mày méo xẹo như muốn khóc.

Cuối cùng, một cô bạo gan năn nỉ cậu Bảy Lời chạy chậm lại, nhưng càng năn nỉ thì cậu Bảy Lời càng cho xe chạy hết tốc lực, khiến các cô ngồi im thin thít.

Khi xe về đến chợ Cái Nhum, cả 4 tiểu thư áo xống xộc xệch vội vàng xuống xe, đứng xếp hàng chắp tay vái cậu Bảy Lời 1 cái thật dài rồi ai về nhà nấy, từ đó về sau chẳng cô nào dám xin quá giang xe của Công tử Lời.


Cô Năm Võ Thị Phối, người vợ tảo tần chung thủy của Công tử Bảy Lời.

Nhưng cuối cùng thì cậu Bảy Lời cũng bị tiếng sét ái tình đánh trúng, thương yêu và quyết tâm cưới bằng được một cô thôn nữ lớn hơn mình 2 tuổi về làm vợ.

Người ta kể rằng, trong những chuyến đi chơi cùng đám bạn bè ở khu vực ngã tư Long Hồ, một hôm ghé nhà người quen thì cậu Bảy Lời bất ngờ chạm mặt cô Năm Phối (Võ Thị Phối), con ông Hương cả Tường của làng An Đức, quận Châu Thành (nay là huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long).

Ông Cả Tường là người nề nếp gia phong, tuy không giàu có nhưng là người có học, nổi tiếng sống đạo đức, thanh liêm. Cô Năm Phối có 9 anh chị em, trong đó có 7 gái.

Người ta nói cô Năm Phối không phải là người phụ nữ hương sắc đến mức tuyệt thế giai nhân, lại lớn hơn cậu Bảy Lời 2 tuổi, nhưng là một thôn nữ có khuôn mặt tròn ưa nhìn, nước da trắng trẻo và có đôi bàn tay, bàn chân rất đẹp.

Nhưng trong con mắt cậu Bảy Lời, cô Năm Phối là một cô gái nết na, nhân hậu, đáng yêu và đáng để lấy làm vợ.

Muốn là làm, sau khi hỏi thăm được thân thế của cô Năm Phối, một hôm Công tử Lời lái xe thẳng đến nhà cô Năm, xin gia nhân cho vào gặp ông Cả Tường.

Khi giáp mặt vị nhạc phụ tương lai, Công tử Lời chẳng ngại ngùng, nói thẳng: “Thưa bác, con muốn cưới cô Năm, con gái bác, làm vợ”.

Ông Cả Tường chới với, vì ngày xưa muốn đi hỏi vợ là cả một chuyện đại sự, cha mẹ người con trai phải nhờ mai mối đến dạm ngỏ, còn Công tử Lời đơn thân độc mã đến gặp người lớn xin hỏi vợ là chuyện xưa nay chưa hề có.

Ông Cả Tường nhìn cậu thanh niên non choẹt, ăn mặc bảnh bao một hồi, rồi ông nghiêm sắc mặt nói thẳng: “Cậu còn trẻ, nên lo lập nghiệp. Hiện tại cậu còn xài tiền nhà.

Tôi không ham rể giàu, không ham xe hơi, nhà lầu. Ít ra cậu cũng phải nói với gia đình nhờ mai mối, chớ có “phang ngang, bửa củi” như vậy là không phải lễ…”.

Bị từ chối thẳng, cậu Bảy Lời về nhà suy tính kế` khác, quyết tâm cưới cho bằng được cô Năm Phối về làm vợ.

Cậu Bảy Lời tập hợp 12 gia nhân, sắm 12 mâm lễ vật, sai họ chèo ghe 12 cây số lên nhà ông Cả Tường để hỏi vợ, nhưng cậu Bảy không đi theo đoàn ghe. Ông Cả Tường thấy chuyện động trời như vậy nên nhất định không tiếp.

Thực hiện lời dặn của Công tử Lời, đoàn gia nhân ngay lập tức bèn giở chiêu ăn vạ: “Ông Cả không nhận sính lễ, về nhà chúng con bị Công tử Lời cho nghỉ việc”.

Gần cả ngày đoàn gia nhân nằm ăn vạ tại nhà ông Cả Tường với 12 mâm sính lễ hỏi vợ khiến dân chúng trong làng hay tin kéo tới xem rần rần như xem hát bội. Bí quá, ông Cả Tường bèn xuống nước đồng ý nhận 2 mâm lễ rồi năn nỉ đoàn người lui về.

Từ khi được ông Cả Tường nhận 2 mâm sính lễ, cậu Bảy Lời nghiễm nhiên xem mình đã là con rể trong nhà ông Cả, nên mỗi lần lái xe đi ngang nhà ông thì cậu Bảy đều ghé thăm, tặng quà.

Nhiều lúc cậu Bảy Lời lái xe hơi đi săn ở miền Đông về thì đều cho xe ghé nhà “nhạc phụ tương lai” chia đôi “chiến lợi phẩm” săn được, dù là con nai lớn hay con heo nhỏ.

Ông Cả Tường lúc đầu rất bực mình vì tính tình ngông nghênh, xốc nổi xem trời bằng vung của Công tử Lời, nhưng mỗi lần Công tử Lời ghé thăm ông Cả đều phải miễn cưỡng ngồi tiếp chuyện cậu thanh niên.

Càng ngày ông Cả Tường càng phát hiện cậu Bảy Lời tuy sống phóng khoáng ngang tàng nhưng thắng tính, hỏi chuyện gì cậu Bảy Lời cũng đáp lại lễ phép, trôi chảy, kiến thức uyên thâm, chữ Pháp, chữ Hoa thông thạo khiến ông dần dần cũng thấy có cảm tình.

Thế là năm 17 tuổi, năm 1928, Công tử Lời được ông Cả Tường chấp thuận cho hỏi cưới cô Năm Phối về làm vợ.

Sau ngày về làm vợ của Công tử Lời, với bổn phận là cô con dâu út, tính tình chân thật, nết na, hiền dịu nên cô Năm Phối rất được ông bà Châu Xuyên thương yêu, tin tưởng.

Người ta kể, năm ông Châu Xuyên bệnh nặng nhắm bề khó qua khỏi nên cho gọi con dâu út là cô Năm Phối đến bên giường bệnh.

Ông Châu Xuyên đưa tận tay cô Năm Phối một cái va li bằng nhôm, kích thước to đến 30 x 40 x 10 cm và dặn dò: “Đây là tất cả gia sản của nhà ta. Tía mất rồi con ráng lo cho má con thằng Lời và đứa con sắp chào đời của nó. Con không được tiết lộ với ai. Nếu sợ không an toàn thì gởi cho chú Hai Xi, tá điền của tía, là người trọng tín nghĩa”.

Cô Năm Phối mở va li ra thấy toàn tiền giấy 100 đồng hình bộ lư chất đầy va li. Cô hết sức bàng hoàng vì từ nhỏ đến lớn cô chưa được tận tay cầm tờ giấy 10 đồng, nói chi đến 1 va li tiền đầy ắp giấy bạc 100 đồng. Sau vụ giao chiếc va li tiền, mấy ngày sau thì ông Châu Xuyên qua đời.

Lo tang lễ cho cha chồng xong, trong lúc chưa gửi tiền được cho người tin cẩn, cô Năm Phối đem chôn chiếc va li tiền trong bồ lúa rồi giăng mùng ngủ ngay trên đó để giữ chiếc va li. Sau này, nhờ chiếc va li tiền của ông Châu Xuyên giao lại mà cô Năm Phối đã nhiều lần cứu công tử Bảy Lời ra khỏi lao tù vì ông mang tội đi làm Quốc sự.

5 lần vào tù ra khám và hy sinh vì Tổ quốc

Trong lòng người dân Vĩnh Long, Công tử Lời không chỉ là người nhân ái, hay giúp đỡ tá điền, người nghèo khó mà còn là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, từng 5 lần vào tù ra khám nhưng vẫn giữ vững khí tiết cách mạng.

Ngã tư Long Hồ, nơi Công tử Lời gặp được cô Năm Phối người vợ thủy chung con ông Hương cả Tường, cũng chính là nơi Công tử gặp được người thanh niên cùng trang lứa tên Nguyễn Văn Đại, thành viên của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội vào năm 1929.

Năm 1930, nơi đây đã hình thành chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long do ông Nguyễn Văn Thiệt làm bí thư (sau này ông Thiệt là bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long).

Chính mối duyên gặp gỡ này đã giúp “công tử” Lời bắt gặp lý tưởng Cộng sản và hăng hái tham gia vào phong trào cách mạng.

Trong lịch sử tỉnh Vĩnh Long do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản, kể lại sự việc đấu tranh đầu tiên của người dân tỉnh Vĩnh Long chống lại thực dân Pháp xâm lược, có sự tham gia của Công tử Bảy Lời: “Ngày 2/6/1930, khoảng 2.000 người gồm nông dân, tiểu thương, học sinh, thợ thủ công… từ Châu Thành, Tam Bình, Vũng Liêm kéo về ngã tư Long Hồ, sắp thành đội ngũ, giương cao biểu ngữ“Tinh thần ngày Quốc tế Lao động 1-5 muôn năm!”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”, “Đả đảo đế quốc Pháp và quan làng tay sai!”, “Giảm thuế cho dân nghèo!”.

Ông Châu Văn Sanh (Công tử Lời) là người dẫn đầu đoàn biểu tình kéo về tỉnh lỵ Vĩnh Long trong tiếng hô vang, tiếng tù và, tiếng mõ inh ỏi. Khi đoàn biểu tình đến Văn Thánh miếu (nay thuộc phường 4, TP Vĩnh Long), cách dinh chủ tỉnh Vĩnh Long khoảng 2 cây số thì bị lính Pháp và lính người Việt chặn đường.

Theo lệnh của quan chủ tỉnh Vĩnh Long, đám binh lính thẳng tay nổ súng vào đoàn người biểu tình làm 8 người chết tại trận, 60 người khác bị thương. Công tử Bảy Lời Châu Văn Sanh bị bắt tại trận và bị giặc và đưa về giam giữ”.

Các tài liệu của tỉnh Vĩnh Long còn ghi rõ: trong cuộc đàn áp tại Văn Thánh miếu, Công tử Lời bị giặc đánh chảy máu đầu và bị lôi lên xe đem về giam ở nhà lao Vĩnh Long, sau đó chuyển lên giam tại Sài Gòn.

Sự kiện trên khiến cô Năm Phối phải dùng tiền lo lót để ông được tha, khoảng 2 tháng sau khi bị bắt giam thì Công tử Lời được ra tù. Đó là lần thứ một công tử Bảy Lời bị bắt.

Người ta nói phần nhờ cô Năm Phối chạy lo đút lót, phần do xuất thân từ tầng lớp điền chủ, lại là “công tử” ăn chơi có tiếng nên thực dân Pháp không thể tin cậu Bảy Lời là người cầm đầu đoàn biểu tình. Sau khi ra tù, Công tử Bảy Lời tiếp tục hoạt động cách mạng, cuối năm 1931 lại bị bắt.

Hồi ký của ông Nguyễn Văn Nhung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, có đoạn viết: “Tháng 7/1931, tôi ở chung khám lớn Sài Gòn với Tổng Bí thư Trần Phú, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Tây, Ngô Văn Chính và Châu Văn Sanh.

Trần Phú bị đánh đến lao phổi nặng, tôi và Châu Văn Sanh nằm kế bên thay nhau chăm sóc cho đồng chí Trần Phú, nhưng Trần Phú bị mệt và ho liên tục. Châu Văn Sanh có mặt lúc đồng chí Trần Phú trút hơi thở cuối cùng, sau đó có dự lễ mặc niệm noi gương người Cộng sản kiên cường”.

Ông Nguyễn Văn Nhung cũng có nhắc lại một chuyện về Công tử Bảy Lời lúc ở Khám lớn Sài Gòn: “Công tử Lời gan dạ lắm. Năm 1931 đồng chí Trần Phú bị bắt, bị tra tấn dữ dội, thêm bệnh lao phổi rất nặng nhưng giặc lại biệt giam không cho ai chăm sóc.

Công tử Lời cảm phục người đồng chí trung kiên nên đã bẻ khóa phòng giam của Trần Phú để vào chăm sóc cho ông, lén tiếp tế thức ăn, thuốc uống”.

Lần thứ 2 Công tử Bảy Lời bị bắt, cô Năm Phối lại lặn lội từ Cái Nhum lên Vĩnh Long, rồi lên Sài Gòn tìm luật sư “chạy án” cho ông. Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài, quê Long Châu, Vĩnh Long, lại là giám đốc Nhà thương điên Biên Hòa, bày kế làm giám định sức khỏe cho “công tử” Lời và kết luận ông bị bệnh tâm thần.

Sau này bà Năm Phối kể lại cho con cháu nghe vụ này bà tốn hết “3 sọt tiền bạc trắng” (khoảng 3.000 đồng tiền Đông Dương) để “công tử” thoát nạn tù. Đến đầu năm 1932 Công tử Bảy Lời lại được ra tù.

Sau khi ra tù Công tử Bảy Lời tiếp tục hoạt động một thời gian thì ông lại bị địch bắt lần thứ 3 vào ngày 3-7-1933. Sau gần một năm giam giữ, Công tử Bảy Lời bị đưa ra tòa xét xử tội làm quốc sự.

Ngày 1-6-1934 Tòa kêu án Công tử Bảy Lời 10 năm tù giam và 10 năm đày biệt xứ.

Nghe được hung tin, cô Năm Phối lại tiếp tục “gánh bạc trắng” đi chạy án, ông lại được tha. Năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền ở chính quốc, Công tử Bảy Lời tích cực tham gia phong trào đòi dân chủ, dân quyền.

Ông tiếp tục bị bắt giam lần thứ 4 tại Mỹ Tho. Lần này những kẻ bắt giam Công tử Bảy Lời chẳng thèm xét xử làm gì cho mệt mà thẳng thừng bắn tin cho gia đình mang tiền qua chuộc ông về.

Những tư liệu của gia đình Công tử Bảy Lời còn ghi, lần thứ 4 đi chuộc ông về cô Năm Phối phải chi mất “2 thùng bạc sọ”, khoảng 200 đồng tiền Đông Dương. Những người thân trong gia đình của Công tử Bảy Lời còn nhớ rõ, tuy thân bị tù đày nhưng cậu Bảy Lời vẫn giữ nguyên bản chất “công tử” hay giúp đỡ mọi người.

Trong tù, Công tử Bảy Lời hay gửi giấy ra nhờ gia đình mua bún, bánh hỏi, lạp xưởng, tôm khô, heo quay, thịt chà bông, phô mai…mỗi lần vài chục ký để gửi vô tù, mà phải là loại thượng hảo hạng.

Gia đình hỏi ông có 1 mình cần gì nhiều thức ăn như vậy, Công tử Bảy Lời trả lời tỉnh queo: chia cho mấy bạn tù cùng bồi bổ sức khỏe để tiếp tục đấu tranh.

Sau vài lần Công tử Bảy Lời bị bắt giam, bà Đào Thị Bòi gom góp tiền của để thu xếp đưa ông sang Hongkong sinh sống để ông ngưng hoạt động cách mạng nhưng Công tử Lời nhất định không chịu đi, ở lại quê hương tham gia đấu tranh.

Chiếc va ly nhôm đầy ắp giấy bạc 100 đồng do ông Châu Xuyên trao tận tay cô Năm Phối, sau này hết sạch vì lo lót chuyện tù đày và tiếp tế cho Công tử Bảy Lời.

Lần thứ 5 Công tử Bảy Lời bị giặc bắt là vào năm 1940. Theo lời kể của ông Nguyễn Thành Thơ, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, năm 1937-1939, theo yêu cầu cách mạng, Công tử Lời mở 1 tiệm sách ở thành phố Cần Thơ, tên nhà sách là Đời Mới, ở cầu tàu Lục Tỉnh đi lên phía tay trái, nay là đường Ngô Quyền, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Tại tiệm sách này, Công tử Bảy Lời bán sách cách mạng tiến bộ, sách nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Thời kỳ này Mặt trận Bình dân Pháp cầm quyền nên các loại sách này được bán tự do.

Vào thời điểm này, Công tử Bảy Lời rất nổi tiếng, giao du với nhiều nhà cách mạng như: Nguyễn An Ninh, Châu Văn Liêm, Tạ Uyên, Nguyễn Thị Nhỏ…Khi nội các Daladier thay Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp thì ở Đông Dương, thực dân Pháp quay lại đàn áp dã man những người theo phong trào dân chủ.

Nhà sách Đời Mới ở Cần Thơ của Công tử Bảy Lời bị giặc đóng cửa nên ngày 4-1-1940 ông thuê xe chở sách về quê nhà chợ Cái Nhum. Khi xe chở sách đi đến ngã tư Long Hồ thì bị giặc chặn bắt quả tang trên xe có chở nhiều sách cấm và tài liệu tuyên truyền Cộng sản.

Công tử Bảy Lời bị giặc đưa về Sài Gòn giam 1 thời gian, dù cô Năm Phối đã hết sức chạy chọt lo lót nhưng đến ngày 20-7-1940 ông bị tòa án Sài Gòn kết tội “vận động lực lượng bất hợp pháp để lật đổ chính quyền” với bản án 5 năm tù và 10 năm biệt xứ. Sau khi bị tòa kết án, Công tử Bảy Lời bị đày ra Côn Đảo.

Theo lời kể của bà Võ Thị Canh, em ruột của cô Năm Phối, 6 tháng trước ngày mãn hạn tù, Công tử Bảy Lời có gửi về gia đình 1 bức thư.

Đây là bức thư cuối cùng ông viết từ nhà tù Côn Đảo, nên sau ngày Công tử Bảy Lời hy sinh bức thư của ông được bà Năm Phối cất giữ trong tủ sắt như một bảo vật.

Bà Canh kể, bức thư cuối cùng của Công tử Bảy Lời viết bằng mực tím, nội dung tha thiết nhớ nhung vợ con, xin lỗi vợ vì mình nặng việc đại sự quốc gia nên đã không làm tròn trách nhiệm 1 người con đối với mẹ già, không làm tròn trách nhiệm người chồng, người cha…

Trong bức thư, Công tử Bảy Lời còn cho gia đình biết sau khi về đến đất liền ông phải tiếp tục chịu án “lưu đày biệt xứ 10 năm” trên Long Khánh, Đồng Nai.

Theo thông báo của chính quyền thực dân, ngày Công tử Bảy Lời được về đất liền là ngày 3-7-1943, nên cô Năm Phối và gia đình đếm từng ngày để mong gặp mặt ông.


Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, nơi Công tử Bảy Lời cầm đầu
đoàn biểu tình đầu tiên ở Vĩnh Long và bị giặc bắt lần thứ nhất.


Càng gần đến ngày mãn hạn tù, gia đình, người thân và nhiều đồng chí của ông trong đất liền càng mong ngóng, trông tin, bởi trong Công văn của chúa đảo Côn Sơn gửi toàn quyền Đông Dương vào ngày 21/6-1943 báo cáo danh sách 17 tù nhân được trả tự do vào ngày 3-7 năm đó có ông Châu Văn Sanh, Công tử Bảy Lời.

Nhưng Công tử Bảy Lời đã không bao giờ về được đất liền, quê mẹ. vào ngày 3/7/1943, cái ngày mà gia đình lẽ ra phải được gặp mặt Công tử Bảy Lời thì cả nhà ngất xỉu khi nhận được hung tin ông đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 27-6 tại nhà tù Côn Đảo, trước ngày mãn hạn tù 6 ngày.

Công tử Bảy Lời hy sinh khi chỉ mới 33 tuổi, cái tuổi sung mãn nhất của người thanh niên đang xả thân vì nghiệp lớn. Sau này Công tử Bảy Lời được Nhà nước truy tặng Liệt sĩ.

Về cái chết của Công tử Bảy Lời ở nhà tù Côn Đảo, cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào xác thực vì sao ông hy sinh chỉ 6 ngày trước khi mãn hạn tù giam.

Theo 1 vài tài liệu (chủ yếu qua những câu chuyện kể của những người từng biết Công tử Bảy Lời) thì có tin nói ông chết vì bị suy kiệt sức khỏe do mắc bệnh kiết lỵ quá nặng nhưng bọn cai ngục không cho chữa trị. Nhưng theo tin đồn và tài liệu của người Pháp để lại, có cơ sở để tin rằng Công tử Bảy Lời chết do bị bọn cai ngục thủ tiêu theo lệnh quan thầy.

Trong công văn của chúa ngục Côn Sơn gửi cho Toàn quyền Đông Dương ngày 21/6/1943 có đề cập đến việc phải thả tù nhân Châu Văn Sanh (tức Công tử Bảy Lời) vào ngày 3/7/1943, nhưng không hề đề cập gì đến tình trạng sức khỏe, bệnh tật của công tử.

Chỉ 6 ngày sau khi có công văn này thì Công tử Bảy Lời hy sinh. Người ta đồn rằng, do biết chắc sau khi mãn hạn tù Công tử Bảy Lời sẽ tiếp tục hoạt động cách mạng chống lại chính quyền thực dân Pháp nên giặc Pháp đã lén lút thủ tiêu ông.

Nguồn tin này có cơ sở vì giặc Pháp liệt ông là thành phần ngoan cố, chống phá chính quyền Pháp bị bắt đã 5 lần nhưng vẫn không sợ, sau khi ra tù có thêm uy tín để tập hợp quần chúng đấu tranh nên chúng thủ tiêu ông.

1 tài liệu của gia đình Công tử Bảy Lời còn cho biết: việc thủ tiêu Công tử Bảy Lời đã được giặc Pháp tính toán trước, bởi lẽ sau khi nhận được thư của Công tử Bảy Lời thông báo ông sẽ được tha về đất liền để chấp hành bản án 10 năm lưu đày biệt xứ thì cô Năm Phối vội vã đến Cảnh sát tỉnh Vĩnh Long để hỏi thăm chuyện đi đày biệt xứ.

Tại đây tên cảnh sát trưởng thẳng thừng trả lời cô Năm Phối: “Ổng không về đâu, bà đừng chờ đợi mất công. Đất nước này làm gì có chỗ cho ổng dung thân”.

Lúc đầu gia đình vợ con của Công tử Bảy Lời tưởng tên cảnh sát trưởng hù dọa. Nhưng sau đó chuyện Công tử Bảy Lời không bao giờ về tới đất liền gặp mặt vợ con đã thành sự thật.

Công tử Bảy Lời hy sinh để lại người vợ và 4 người con, nhưng tấm gương trung kiên bất khuất của ông cho đến nay người dân Vĩnh Long vẫn còn nhớ mãi.

Theo Phunutoday



 
Top Bottom