Tết cổ truyền ở miền Tây Nam bộ

Sheiran

Administrator
Staff member
Joined
Nov 17, 2011
Messages
5,260
Points
113
Năm hết tết đến, người dân cả nước lại hân hoan đón chào năm mới. Tết thì chung nhưng phong tục mỗi vùng mỗi khác. Dù xã hội có phát triển, cuộc sống có hiện đại đến mấy nhưng những giá trị văn hóa, tập quán truyền thống bao đời vẫn không thay đổi, đặc biệt là ở miền Tây Nam bộ.

Dọn nhà đón tết

“Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Để đón tết, nhà cửa nhất thiết phải sạch sẽ, gọn gàng, quét mạng nhện, lau cửa sổ, cửa cái, giặt màn…; làm mới các vật dụng như chùi lư đồng, đánh vecni tủ, bàn, ghế…; dọn dẹp bàn thờ, lau bụi và quan trọng nhất là chọn một buổi nắng tốt để tắm ông Thần Tài, ông Thổ Địa. Để tắm hai ông, người ta phải dùng một cái thau mới đổ đầy nước mưa, dùng một khăn tay mới màu trắng. Để làm mới nhà cửa, nhà nào khá giả thì quét vôi hoặc sơn lại tường; còn nhà lá thì thay vách, lợp lại mái. Làm xong trong nhà thì đến ngoài sân: làm sạch cỏ, tuốt lá mai và tưới nước vừa phải sao cho mai nở đúng vào 3 ngày tết. Ở miền Tây Nam bộ, đa số nhà nào cũng trồng mai trước sân như một sự cầu mong được may mắn cả năm. Nhà cửa tinh tươm cũng là một cái may đầu năm. Tiếp đến là đi chợ mua hoa quả chưng bàn thờ gia tiên và mua thức ăn dự trữ ba ngày tết. Vì theo tục lệ xưa nay, tết nhất không có chuyện chợ búa, không quét nhà, không giặt giũ. Không đi chợ thì khỏi ra tiền, quét nhà cũng là quét bỏ tiền đi và nước giặt giũ cũng là tiền nên cuối cùng muốn có tiền tài phải kiêng những việc trên.

18888___news__hoa.jpg

Đi chợ tết, ngoài việc chọn cho được những loại trái già nhưng chưa kịp chín còn phải lựa vài chậu hoa hoặc ít bó vạn thọ, trường xuân, sống đời… Về đến nhà, việc đầu tiên vẫn là chưng mâm lộc lên bàn thờ. Mâm lộc thường gồm các loại trái như mãng cầu, dừa, đu đủ, sung vì nó tượng trưng cho “Cầu vừa (dừa) đủ sung”. Nếu không tìm được sung thì có thể chưng xoài hoặc thay bằng thơm cũng được. Bên cạnh mâm lộc còn có mâm quả. Ngày tết, mọi thứ đều phải tươi, phải đỏ mới tốt lành nên mâm quả phải đầy màu sắc như quýt, táo… Và một cặp dưa hấu vừa to vừa tròn cũng được chưng lên bàn thờ. Ngoài bàn thờ chính trong nhà, còn phải chưng mâm lộc trên bàn thờ ông Táo, ông Thần Tài, Thổ Địa và bàn Thiên. Bàn Thiên là một dạng bàn thờ nhưng được đặt ở trước cửa nhà. Thông thường, trên bàn Thiên chỉ có lư hương, bình hoa dành cho người dân khấn “Chín phương trời, mười phương Phật” mỗi tối. Người dân Nam bộ có quan niệm tết là của cả nhà, nên họ dùng giấy đỏ hoặc giấy tiền mã màu vàng cắt hình trái bầu dán khắp nơi, từ cây cột cho đến lu nước, hũ gạo, cánh cửa,…

Phút giao thừa

Nhà cửa dọn dẹp sạch sẽ, chưng dọn gọn gàng; nồi thịt kho tàu và dưa kiệu đã xong, giờ chỉ còn mỗi một việc là đón giao thừa. Buổi chiều, mọi người trong nhà đều tắm gội sạch sẽ, mặc bộ đồ mới nhất. Gần đến thời khắc giao thừa, cửa nhà trên mở rộng cả hai cánh, mâm ngũ quả đầy màu sắc với quả dừa chặt sẵn được bày ra trước sân nhà. Đúng 12 giờ, đèn nhang nghi ngút và bài khấn mừng năm mới, đón Chúa Xuân được nhà nhà cất lên:

“Năm hết, tết đến.

Cầu bà Chúa Xuân, cầu Ngọc hoàng Thượng đế.

Hôm nay, đón Xuân về, con cầu cho quốc thái dân an,

Cầu cho bá nhân bá tánh,

Cầu cho gia đình hạnh phúc, bình an.

Cầu cho Nguyễn Thị… được sống lâu trăm tuổi, sức khỏe dồi dào

Cầu cho Nguyễn Văn…”


Khấn xong, nhang được cắm vào lư hương và giấy tiền vàng bạc được đốt lên. Người ta quan niệm lửa càng cao, lộc càng nhiều. Trong nhà, mọi người tranh thủ khui heo đất hoặc đem tiền bạc cắc ra đếm. Người dân Nam bộ tin rằng, đúng giao thừa mà đếm tiền thì cả năm tha hồ đếm. Không chỉ đếm tiền, mọi người còn tranh thủ đi hái lộc đầu xuân. Lộc có thể là lá tre, lá mai, lá sống đời… Những lá tre xanh tốt, bản rộng được hái xuống cho vào bóp đựng tiền, giữ suốt cả năm; còn lá mai sẽ mang may mắn; sống đời cũng như cái tên của nó là lời chúc sống lâu, thịnh vượng. Một số người tranh thủ qua nhà hàng xóm hái lộc vì cho rằng “bụt nhà không thiêng”, tre nhà người khác xanh tốt hơn. Sau đó mọi người tranh thủ đi chùa. Ba bốn giờ đêm, các nhà chùa đều đông khách dâng hương, xin xăm, xin keo và hái lộc. Trên cây mai trước cổng chùa bao giờ cũng treo những lá xăm, khách thập phương tha hồ hái…

Ngày đầu năm mới

“Sáng mồng một lỏng then tạo hóa.

Mở toang ra cho thiếu nữ đón xuân vào”
(Hồ Xuân Hương)

Sáng mồng một, chị em xúng xính trong những bộ quần áo mới nhất đi mừng tuổi ông bà. Trẻ con được cha mẹ chải tóc, trang điểm và dạy những câu chúc tốt lành. Nhà ông bà nội - ngoại là đông nhất. Ông bà lớn nhất ngồi ở trên ghế, con cháu xếp hàng theo thứ bậc lớn nhỏ và chúc những câu chúc quen thuộc: “Năm mới, con chúc ông bà sống lâu trăm tuổi, sức khoẻ dồi dào, làm ăn phát đạt, tiền vô như nước…”. Chúc tết xong, những người con dâu, chị gái xuống bếp làm bữa ăn đoàn viên; trẻ con thì vui chơi, chụp ảnh… Bánh mứt được bày ra để mọi người cùng dùng. Mâm cỗ mùng một tết phải được dọn lên bàn thờ cúng trước rồi con cháu mới được thưởng thức. Vẫn là nồi cháo gỏi vịt, lạp xưởng lăn nước, dĩa thịt kho trứng, dưa kiệu, món gỏi trộn ăn với bánh phồng tôm, bánh tráng cuốn chấm tương, thịt vịt khìa ăn với bánh bao, cá lóc nướng trui…

Tết thì có ăn, có chơi. Và thú đánh bài luôn được nhiều người chuộng và chủ yếu chơi với người nhà, tiền ăn chia xoay vòng quanh tiền lì xì vừa có được. Loại bài được ưa chuộng nhất là: tiến lên, xì dzách, bài cào... Ba ngày tết vụt qua nhanh, mọi người lại tiếp tục công việc của mình. Một cuộc sống mới bắt đầu, hy vọng tràn về, ai nấy hân hoan chúc nhau thành công, sức khỏe, hạnh phúc.

Sương Mai
 

Sheiran

Administrator
Staff member
Joined
Nov 17, 2011
Messages
5,260
Points
113
Về miền Tây ăn Tết

Ở đồng bằng sông Cửu Long, khi những cơn mưa dầm ngày cuối năm thưa dần, bước vào tháng chạp âm lịch, khi trời se se lạnh, gió chướng rao ngọn trên những hàng cây, tiếng chim kêu thánh thót, là lúc mọi người rộn rã trong lòng chuẩn bị đón Xuân mừng Tết. Dù ai ở đâu, làm gì những ngày này cũng phải trở về xum họp gia đình, làm tròn bổn phận của mình với tổ tiên, cha mẹ.

Tết cổ truyền là dịp để mọi người thể hiện tình cảm yêu thương, nhân nghĩa sống dậy trong mối giao cảm thiêng liêng với Đất - Trời, với người thân ruột thịt qua các tục lệ như lễ cúng ông Táo, lễ giao thừa, chúc tết, mừng tuổi, thăm hỏi họ hàng... Đó là lễ nghi đầy tính "khuôn vàng thước ngọc" mà đạo làm con phải tuân thủ nhằm bày tỏ lòng hiếu thảo với ông bà; mặt khác, là phép tắc thể hiện đạo nghĩa làm trò của các cá nhân dành cho các bậc ân sư, thể hiện nếp sống "giàu tình cảm, nặng nghĩa nhân" của người dân nước Việt.
Mồng một tết mẹ, tết cha
Mồng hai tết vợ, mồng ba tết thầy

Cứ Tết đến, mỗi gia đình đều chuẩn bị "món ngon, vật lạ". Thức ăn uống ngày tết ở miền Tây rất phong phú. Các món thịt heo kho tàu ăn với dưa giá, dưa cải, tôm kho tàu, gỏi gà... Để ăn ngon miệng, không ngán, dân miền Tây thường làm một hũ cải chua, một keo tỏi hành ngâm giấm ăn kèm với thịt; đặc biệt ưa thích nhất là món tôm khô củ kiệu, dưa kiệu được làm sạch, phơi khô, để nguyên ngâm trong nước giấm cho vào một ít đường, để càng lâu càng thấm, cùng với món "dưa" thịt heo luộc ngâm nước giấm đường. Tương ớt cũng không thể thiếu trong bữa ăn gia đình. Dân khoái nhậu dự trữ thêm một mớ khô cá lóc, cá sặc rằn, cá khoai... để khi có bạn nhậu đến đem nướng, kèm theo chén mắm me lai rai... đến ra giêng. Bên cạnh đó, hầu như nhà nào cũng có sẵn các loại bánh ngọt, các loại mứt me, mứt bí, mứt gừng, mứt dừa..., trái cây cam, quýt, vú sữa, măng cụt, xoài, nhất là mỗi nhà đều phải có dưa hấu để chưng trên bàn thờ gia tiên và đãi khách.

Mùa xuân là mùa của trăm hoa đua nở nên người trồng phải lo từ nhiều tháng trước, chủ yếu là cây mai và vạn thọ. Nhà nào cũng chăm chút vài cây mai trước ngõ, trồng đại trà trên công đất (1.000m2) để bán cho những cơ sở làm mai kiểng (bonsai). Những nghệ nhân bon sai thu gom những gốc mai về "uốn nắn" lại cho ra kiểu dáng "phụ tử", "phu thê"... hoặc ghép nhiều màu trên một cây (hồng mai, huỳnh mai...) hoặc lai tạo ra một loại hoa mới có mấy chục cánh trông như hoa cúc rất đẹp. Đây là loại mai sang trọng, rất đắt giá, có giá trị bằng vàng.

Người miền Tây rất thích uống trà, nhiều loại hoa dùng để ướp trà dùng trong ngày Tết như hoa sen, hoa nhài. Hoa được ướp trà bằng nghệ thuật cầu kỳ và cẩn thận. Thời gian gần đây có một số gia đình thường ướp trà để uống và thết khách. Các loại trà Tàu đắt tiền như Ô Long, Tam Hỷ được các gia đình phong lưu ưa chuộng, thường mua để uống trong dịp Tết.

Bữa cơm tất niên cũng là buổi họp mặt của người sống và người đã khuất. Con cái đã lấy chồng lấy vợ ở riêng cũng về sum họp với cha mẹ, anh chị em. Không khí ấm cúng, đoàn viên sau một thời gian xa cách vì công việc và điều kiện sống.

Ngày Tết nhà nào cũng có một ít bánh tét, bánh ít, bánh thửn, để cúng tổ tiên ông bà. Bánh tét có nhân thịt heo nạc, chuối xiêm, bên ngoài nếp xào với nước cốt dừa gói bằng tàu lá chuối thành thỏi dài và buộc chặt lại bằng sợi lạc hoặc cọng thân chuối phơi khô. Tùy nhân khẩu từng nhà mà gói theo cỡ to hay nhỏ. Đêm giao thừa ngồi quanh bên lửa hồng nấu bánh ít, bánh tét, râm ran không biết bao nhiêu chuyện kể, nếu có người thân ở xa về không khí càng nồng đậm hàn huyên. Năm, sáu giờ chiều nhà nhà cúng rước ông bà và những thanh niên tổ chức những buổi liên hoan cuối năm, chờ đón giao thừa và chúc nhau "năm mới làm ăn phát tài"!

Khách đến thăm nhà đầu năm người dân miền Tây gọi là "xông đất" hoặc "đạp đất" là tục lệ đã có từ xa xưa. Theo phong tục này, sáng mùng một người ta không mở cửa ngõ sớm để tránh những người mình cầu mong, đến đạp đất trước tiên tại nhà mình vào ngày đầu năm mới. Thông thường người ta mời trước một vị có tuổi, có tư cách đàng hoàng, chững chạc, tính tình hòa nhã, hoặc người có địa vị, danh vọng, gia đình ăn nên làm ra, đến xông đất cho nhà mình. Người ta quan niệm rằng, được người tử tế đến xông đất thì cả năm đó gia đình mình sẽ được may mắn, hạnh phúc, làm ăn phát tài phát lộc.

Gặp nhau là mời ăn, mời nhậu đến hết ba ngày xuân. Sáng mùng ba Tết cúng "tiễn đưa ông bà" đánh dấu ngày Tết kết thúc. Gia đình cúng con gà trống, nấu cháo, đem con gà xé khoai, trộn bắp chuối, rau thơm, rau răm... Sau đó lấy giò gà xem móng, vảy để đón thời vận trong năm. Ngày xưa, bà con ăn Tết đến hết mùng 7 mới "hạ nêu", nay vẫn còn ngân nga câu "Tháng giêng là tháng ăn chơi".

Đón xuân chúc tụng, ăn uống... trong ba ngày Tết là nét đẹp văn hóa đặc sắc của người dân miệt vườn trái cây, sông nước đồng bằng sông Cửu Long.

Nguyễn Thanh Hoàng
 
Top Bottom