Tìm hiểu về sự giao thoa văn hóa qua những phương ngữ, địa danh ở Miền Đất Phương Nam

Lê Trung

Member
Joined
Sep 17, 2011
Messages
728
Points
18
Việt Nam, dải đất cong cong hình chữ S; với lịch sử hơn bốn nghìn năm văn hiến mà trong đó có cả quá trình hình thành, phát triển và dựng xây vùng đất mới miền Nam. Từ khoảng Thế Kỷ 12 – 13 ; đến thời Vua Lê Chúa Trịnh, rồi đến Trịnh - Nguyễn phân tranh với biết bao thăng trầm của lịch sử và sự biến thiên của thời cuộc lúc bấy giờ, theo câu nói trứ danh của Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhắn gửi cho Chúa Nguyễn Hoàng : “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Từ bấy, Miền Đất Phương Nam này dần dần phát triển, mở rộng xa hơn về phía Nam để ngày nay, ở miền đất phương Nam ấy, có một vùng, miền mà khi những người con được sinh trưởng, lớn lên từ nơi đó khi gọi, nhắc đến quê mình thì thường nói đến bằng một cái tên thân thương, trìu mến và pha lẫn tự hào : Miền Tây!
Ngày nay, Miền Tây, hay có người cũng thường gọi bằng tên khác của nó là : vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, miền quê Sông Nước Cửu Long v.v… có vị trí hành chính và giới hạn địa lý bởi các tỉnh : Long An; Đồng Tháp; Vĩnh Long; Trà Vinh; Bến Tre; An Giang; Kiên Giang; Tiền Giang; Hậu Giang; Cần Thơ; Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Lần ngược theo dòng lịch sử thuở Nam kỳ lục tỉnh ( 1832..) thì có đến 4 tỉnh của Vùng Miền Tây này nằm trong tổng số 6 tỉnh ấy là : T. Định Tường, T. Vĩnh Long, T. An Giang, T. Hà Tiên.
( còn tiếp )
 

Lê Trung

Member
Joined
Sep 17, 2011
Messages
728
Points
18
Lần ngược dòng lịch sử xa hơn nữa, chúng ta xem bản đồ của Bán Đảo Đông Dương thời năm 440 xứ sở Việt Nam ta chỉ khiêm tốn nằm vắt vẻo trên Vương Quốc Champa và kề cạnh với Chân Lạp ( Chenla) và Phù Nam ( Funan)
cambodia440.gif

… mười thế kỷ sau đó …
cambodia1400.gif

năm 1400… Chân Lạp và Phù Nam đã mất đi, thay vào đó là sự hình thành của các nước Cambodia ( Khmer); Lào (Lanchang); Thái Lan ( Siam). An Nam ( VN) đã dài thêm một ít về phía Nam và tất nhiên là Champa … ngắn lại một … chút! Và rồi, sau đó hơn ba thế kỷ đã trôi qua
cambodia1720.gif
1720… và tiếp nối …
cambodia1800.gif
1800…
đến 1832 với Lục Tỉnh Nam Kỳ dưới thời Vua Minh Mạng
bandonamkyluctinhthoivuaMinhmang1832.jpg
1832 …
 

Lê Trung

Member
Joined
Sep 17, 2011
Messages
728
Points
18
Với những thay đổi trong quá trình lịch sử như vậy, cư dân và lưu dân ở vùng đất này cũng thay đổi theo thời cuộc. Người bản địa – đa phần là người Chenla, Funan - với nền văn hóa Môn-Khmer chịu sự ảnh hưởng khá rõ nét của nền văn hóa Ấn-Miến trong tập tục văn hóa và ngôn ngữ của mình. Một bộ phận lớn người Việt theo các việc chinh chiến, lập lũy, xây thành trong các cuộc chiến dần dần đã định cư lại ở vùng đất mới này mà sinh sống. Một số lưu dân khác đến từ Trung Hoa do sự thay đổi thể chế cầm quyền, loạn lạc chiến chinh v.v…
Vì lẽ đó nên ở vùng Miền Tây này có khá nhiều từ ngữ địa phương – phương ngữ - đã hình thành qua sự sử dụng trong cuộc sống hàng ngày của cư dân nơi đây và dĩ nhiên là một số địa danh cũng theo đó mà tồn tại đến bây giờ.
Có nhiều phương ngữ, địa danh có nguyên gốc từ tiếng Khmer nhưng khi đi vào tiếng Việt, người Việt, người Hoa lại có cách phiên âm và sử dụng theo cách của riêng mình. Dần dần nó bị biến đổi cả về hình thức lẫn ngữ âm, lớp từ này khá phổ biến trong ngôn ngữ bình dân vùng đồng bằng sông nước Cửu Long. Người ta nói, người ta viết, dùng nó nhưng ít khi biết hay chú ý nguồn gốc của nó có từ đâu. Ngược lại cũng có một số từ ngữ tiếng Việt, tiếng Hoa cũng đã được người Khmer tiếp nhận và đưa vào kho từ vựng của mình để làm phong phú thêm vốn ngôn ngữ với những từ mà trước đó họ chưa có.
VD :
snap720.jpg
 

Lê Trung

Member
Joined
Sep 17, 2011
Messages
728
Points
18
( Xin được phép lược bỏ phần chú thích bằng nguyên mẫu chữ Khmer vì nếu giữ nguyên trong bài viết thì sẽ có một số quí vị sẽ không đọc được những chữ này do máy tính của quí vị không có cài font Chữ Khmer, nếu giữ bằng cách chụp màn hình post vào bài thì hơi bất tiện, vì vậy từ đây trở đi xin được chú thích tiếng Khmer bằng phiên âm theo cách đọc, nói của từ Khmer ấy mà thôi vậy.)
I. A. Phương ngữ có âm tiết gốc Khmer
1./ Vật Dụng :
- Câm bợt/ Dao tầm bứt : tên gọi một loại dao phay, có đầu vuông cạnh ( không có mũi dao và hơi giống hình dạng của loại binh khí Đao), sống ( gáy dao) dày, dài khoảng gần 30cm
- K’ron / Bao cà – roòn : tên gọi 1 loại bao, thường được dệt, đan bằng loại cỏ bàng nước, cỏ lát. Cũng thường được gọi là giỏ đệm vì được đan, dệt kiểu đan nong như tấm đệm nằm, hoặc gọi là giỏ bàng, giỏ lát v.v…ngày nay gần như mất tích vì sự thay thế tiện dụng của bao ny – lon
- Nop/ Cái nóp : vật dụng được đan kiểu đan nong một, có hình dạng như 1 cái bao to hơn thân người, với đáy được đan kín và chừa miệng.Người ta dùng để chui vào ngủ khi đi làm đồng, làm rẫyv.v… nhằm chống muỗi và côn trùng, rắn , rết làm hại khi ngủ. Cái nóp này đã đi vào huyền thoại lịch sử VN qua con đường thơ ca bởi bài hát “ Nam Bộ Kháng Chiến” của Nhạc Sĩ Tạ Thanh Sơn : “Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo… Nóp với giáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng… Cờ thắm phất phơ ngang trời, sao vàng xao xuyến khắp nơi bưng biền… ”
- Th’lop/ Cái lộp bắt cá : dụng cụ đan bằng tre, dùng để bắt cá tôm. Một đầu của lộp có hom bện bằng tre vót cỡ chiếc đũa ăn và dẹt, hình phễu, cá tôm, rùa rắn vào được nhưng không thể ra. Nông dân miệt này ai cũng biết, cũng dùng lộp để bắt thuỷ sản.
- K’ran/ Cà - ràng : Một loại lò đốt làm bằng đất nung, dùng củi có hình dạng hơi thấp và dài với ngăn tiếp củi được làm khá rộng, thoáng, có chổ để kê cho những thanh củi dài được đun từ từ vào lò
- Hao pao/ Hầu Bao : trong tiếng Khmer thì được dùng để chỉ cho cái túi áo, nhưng trong tiếng Việt thì được dùng như một đại từ để chỉ cho cái gì có liên quan chứa đựng tiền, bạc, của cải của con người.
- Ghe bầu = Xòm pầu : tên gọi một loại ghe lớn
- Ghe Chài = tuk pokchay : tuk = ghe; pokchay = trong tiếng Triều Châu có nghĩa là chở đủ thứ, người Khmer mượn từ này để gọi cho loại ghe lớn, chở đủ thứ hàng hóa – ghe này còn có tên gọi khác trong tiếng Khmer là tuk thwe – không có liên quan gì đến việc đánh bắt thủy, hải sản. người Việt mượn âm và gọi rút gọn thành ra Ghe Chài của ngày nay. Câu nói vui của Thanh niên vùng Miền Tây : “ Uống rượu như Ghe Chài chở … trấu!!!”

2./ Nơi, Chổ
- Rạch : prek = Con sông nhỏ, con kênh, sông nhánh của sông lớn.
- Vàm : péam = cửa sông, nơi một con sông nhỏ (rạch) chảy vào con sông lớn
- Bưng : trapéang = Vũng, ao, đầm nước cạn và nhỏ. Người Việt dùng từ Bưng nàykết hợp với từ Hán Việt biên (bờ phía ngoài) rồi đọc thành bưng biền…
3./ Tên Cây, Thú
- Cây Bồ đề/ Lâm vồ = Lâm = Đaơm ; Vồ = Pơô => Đaơm Pơô : tên gọi một loại cây thiêng trong tín ngưỡng phật giáo vì theo truyền thuyết thì Đức Phật Thích Ca đã ngồi thiền định dưới tàn của cội cây này.
- Gỗ Gõ Đỏ/ Gỗ Bên = Bên : tên một loại gỗ thuộc nhóm gỗ quí ( Nhóm I – theo danh sách Lâm sản VN hiện nay) dùng để đóng tủ, bàn ghế , vật dụng trang trí nội thất v.v...
- Gỗ bằng lăng / thao lao = Sra_lao : tên 1 loại gỗ thuộc nhóm gỗ quí ( danh mục lâm sản VN hiện nay xếp vào nhóm I & III, phía bạn KPC xếp chung vào nhóm II) dùng để đóng tủ, bàn ghế , vật dụng trang trí nội thất v.v...
- Xoài ( trái cây) = s_vai : tên một loại cây và trái cây.
- Cà na = kana : tên một loại cây và trái cây , là loại cây có loại màu đen, có loại màu xanh lợt, có loại màu trắng. Cà na trong tiếng Việt còn được gọi là trám, quả trám (Bắc Bộ). Cà na là từ ngữ trở thành tên gọi của một chi trong khoa học thảo mộc (canarium)
- Cá chốt = trey kanchos : khi đi vào ngôn ngữ phổ thông Việt Nam nó đã được Việt hóa thành cá chốt
- Cá Lóc = trey p’ros : tên một loại cá nước ngọt, cá này có rất nhiều ở vùng đồng bằng Cửu Long Ở Bắc, Trung Bộ gọi là cá chuối, cá quả, cá tràu…
 

Lê Trung

Member
Joined
Sep 17, 2011
Messages
728
Points
18
II. B. Phương ngữ có âm tiết gốc Việt Nam
- Áo = ao : y phục nam, nữ dùng mặc để che kín phần thân trên của mình
- Kho = kho : món ăn được nấu bằng cá, thịt, thực phẩm khác có vị mặn dùng trong các bữa ăn
- Chiên = chiên : tên gọi một cách chế biến món ăn.
C. Phương ngữ có âm tiết gốc Hoa
- Chế = Chị : Dùng để gọi người phụ nữ trong gia đình hoặc ngoài ( lớn tuổi hơn hoặc ngang tuổi với người tiếp xúc)
- Ní = bạn : Dùng cho những người bạn đồng tuổi với nhau ( sinh cùng năm)
* Những từ này được dùng khá phổ biến ở vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

III. Địa Danh
Sóc Trăng : Theo cố học giả Vương Hồng Sển, đúng ra phải gọi là Sốc Trăng. Sốc Trăng xuất phát từ tiếng Khmer “Srock Khléang”. Srock có nghĩa là xứ, cõi. Khléang là kho chứa vàng bạc của vua. Srock Khléang là xứ có kho vàng bạc nhà vua. Trước kia người Việt viết là Sốc Kha Lăng, về sau dần dần biến thành Sốc Trăng.Tên Sốc Trăng đã có những lần bị biến đổi hoàn toàn. Thời Minh Mạng, đã đổi lại là Nguyệt Giang tỉnh, có nghĩa là sông trăng (sốc thành sông, tiếng Hán Việt là giang; trăng là nguyệt).Đến thời Ngô Đình Diệm, lại gọi là tỉnh Ba Xuyên,châu thành Khánh Hưng. Bây giờ trở lại là Sóc Trăng.
Kế Sách : Kế Sách cũng là một huyện của Sóc Trăng. Kế Sách nằm ở gần cửa Ba Thắc – còn gọi là Bát- sắc (một cửa của sông Củu Long), phần lớn đất đai là cát do phù sa sông Hậu bồi đắp, tạo thành, rất thích hợp cho việc trồng dừa và mía. Cát trong tiếng Khmer là Kh’sach, như vậy Kế Sách là sự Việt hoá tiếng Khmer “kh’sach”.
Cà Mau : Là sự Việt hoá của tiếng Khmer “Tưck Khmươ”, có nghĩa là nước đen và đã bị bỏ mất chữ Tưck nghĩa là nước chỉ còn lại Kh’mươ, chữ Kh’mươ này phát âm theo giọng đọc của dân Khmer địa phương vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang thì lại là “ Kh’mâu”, dần dần nó đã được biến chuyển hẳn thành cà – mau ( xưa kia, trong một số văn bản tại VN người ta vẫn hay viết là Cà – Mâu) .
 

Lê Trung

Member
Joined
Sep 17, 2011
Messages
728
Points
18
Bãi Xàu : Bãi Xàu là tên một quận thuộc tỉnh Sóc Trăng. Đây là một quận ven biển nên có một số người vội quyết đoán, cho rằng đây là một trường hợp sai chính tả, phải gọi là Bãi Sau mới đúng. Thật ra, tuy là một vùng bờ biển nhưng Bãi Xàu không có nghĩa là bãi nào cả. Nó xuất phát từ tiếng Khmer “bai xao” có nghĩa là cơm sống. Theo truyền thuyết của dân địa phương, có địa danh này là vì nơi đây ngày trước, một lực lượng quân Khmer chống lại nhà Nguyễn đã phải ăn cơm chưa chín để chạy khi bị truy đuổi.
V ĩnh Long : Xuất phát từ Kompong Luông; biến dần ra Vũng Luông, rồi Vãng Luông. Tên Vĩnh Long có từ năm 1832 khi vua Minh Mạng đổi ra Hán tự)
Bến Tre : Theo cụ Vương Hồng Sển thì Bến Tre vốn là xứ sinh sản và sản xuất nhiều cá tôm, cho nên xưa, người Khmer gọi là Srok treay (đọc là sốc treây), nhưng sau này người Khmer gọi theo người Kinh là bến có nhiều tre để phân biệt với địa danh Cần Thơ, cũng có nhiều tre, người Khmer gọi tre là rusei, nên có hai địa danh rành rẽ: prêk rusei (sông tre): chỉ Cần Thơ/ prêk kompong rusei để chỉ Bến Tre. Hội nghiên cứu cổ học Đông Dương, năm 1903 ấn hành quyển khảo cứu đặc biệt (monographia) về tỉnh Bến Tre trong đó có đoạn (lược dịch): Bến Tre xưa, người Khmer gọi là sốc tre… vì trong xứ trên các giồng có tre mọc đầy. Cụ Sển cho biết thêm “theo tôi (tức Vương Hồng Sển) đây là dịch sai hai chữ Bến Tre. Tre đây là treay của Khmer, phải dịch là cá (…). Lẽ đáng gọi Bến Tre là Ngư Tân, hoặc Bến Cá: srok kompong treay.”
Mỹ Tho : Người Khmer thời xưa gọi vùng đất Mỹ Tho là srock mé sa, mi so (di cảo Trương Vĩnh Ký trong le Cisbassac). Nghĩa là xứ (srock) có nàng con gái (mé) có nước da trắng (sa, so). Khi sang Việt ngữ, dân gian gọi là Mỹ Tho, đã bỏ đi chữ srock, chỉ còn giữ lại mi so và biến âm thành Mỹ tho mà thôi.
Cần Thơ : Khi đối chiếu địa danh Cần Thơ với tên Khmer nguyên thủy của vùng này là Prek Rusey (sông tre), không thấy có liên quan gì về ngữ âm, người nghiên cứu chưa thể vội vàng kết luận là Cần Thơ là một địa danh hoàn toàn Việt Nam và vội đi tìm hiểu căn cứ ở các nghĩa có thể hiểu được của hai chữ Hán Việt “cần” và “thơ”. Cần Thơ không phải là từ Hán Việt và không có nghĩa.Nếu dò tìm trong hướng các địa danh Việt hoá, người nghiên cứu có thể thấy ngữ âm của Cần Thơ rất gần với ngữ âm của từ Khmer “kìntho”, là một loại cá hãy còn khá phổ biến ở Cần Thơ, thông thường được gọi là cá sặc rằn, nhưng người dân địa phương vẫn gọi là cá “lò tho”. Từ quan điểm vững chắc rằng “lò tho” là một danh từ được tạo thành bằng cách Việt hoá tiếng Khmer “kìntho”,người nghiên cứu có thể sưu tầm các tài liệu về lịch sử dân tộc, về sinh hoạt của người Khmer xa xưa trong địa phương này, rồi đi đến kết luận là địa danh Cần Thơ xuất phát từ danh từ Khmer “kìntho”.
 

Lê Trung

Member
Joined
Sep 17, 2011
Messages
728
Points
18
Sa đéc Do phiên âm từ chữ “Phsar Dek”, phsar là chợ, dek là sắt mà thành.
Chắc Cà Đao: Tên một con rạch và cũng là tên một chợ nhỏ nay là thị trấn An Châu, Huyện Châu Thành gần TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang. Học giả Vương Hồng Sển, ghi lại hai giải thích là: Theo ông Nguyễn văn Đính, thì địa danh Chắc Cà Đao có thể do chữ Khmer chắp kdam (bắt cua) mà ra vì vùng nầy xưa kia có nhiều cua. Theo nhà văn Sơn Nam, Chắc Cà Đao do chữ Prek Pedao; Prek = rạch; pédao = loại dây mây; rạch có nhiều dây mây.
Và ông nghĩ rằng giả thuyết của Nguyễn văn Đính hợp lý hơn.
Còn theo thiển ý của người viết bài này thì còn có thêm một giả thiết nữa là : trong tiếng Khmer, chữ chắc = đâm; cà – đao ( biến âm của từ kon-đao) = con chuột. Có nghĩa là đâm chuột. Vùng này đồng ruộng mênh mông và khi qua mùa gặt thì người ta lại thường tổ chức săn, bắt chuột đồng - một món ăn khá thú vị và khoái khẩu của cư dân ở đây.
Trà Vinh Préah trapéang, có nghĩa là ao linh thiêng và gắn liền với sự tích: không biết có từ bao giờ, năm đó, trong một trận nước lụt dân làng thấy một tượng Phật trôi tấp vào bờ ao, liền rước về một gò cao, cạnh đó xây chùa thờ phượng. Chùa được đặt tên Bodhisalareaj, nay gọi là chùa Ông Mẹt, tên vị sư cả đầu tiên. Trapéang được Việt hóa thành âm Trà Bang, rồi Trà Vang, sau bị nói trại thành Trà Vinh.
Cái Răng ( Quận thuộc Cần Thơ) là sự Việt hoá của “k’ran” = cà ràn, là một loại bếp lò được làm bằng đất sét nung và nấu bằng củi, có thể trước kia đây là vùng sản xuất hoặc bán cà ràn.
Sông Trà Cuông, Sóc Trăng do tiếng Khmer “Prek Trakum”, là sông rau muống (trakum= rau muống).

Các hình ảnh sử dụng trong bài viết chỉ mang tính minh họa.
• Bài viết được tham khảo và có trích đoạn, sử dụng tư liệu từ các nguồn của các tác phẩm, các bài viết khảo dị, nghiên cứu, bài dịch được viết bởi các cụ Học giả Vương Hồng Sển, nhà văn Sơn Nam, nhà văn, dịch giả Nguyễn Hiến Lê , nhà văn hóa và ngôn ngữ học Paulus Huỳnh Tịnh Của, Cụ Trương Vĩnh Ký và một số tư liệu của nhiều tác giả ở các sách, tài liệu khác.
• Xin chân thành và trân trọng cảm ơn các nguồn tư liệu mở trên mạng internet.
• Nguồn tư liệu và kiến thức bản thân của người viết bài cũng có giới hạn. Vì vậy kính đề nghị các bạn đọc, nếu bạn nào có thêm tư liệu hoặc có thêm phát hiện khác, xin hãy cập nhật, bổ sung thêm nhằm giúp bài viết được hoàn thiện, phong phú hơn. Xin chân thành cảm ơn.
Lê Trung ( Sưu tầm và biên soạn )
 
Top Bottom