Tượng chùa Gò - Tây Ninh

MinhThy

<marquee behavior="alternate" scrollamount="1"><fo
Joined
Nov 17, 2011
Messages
3,907
Points
113
Tạm cho là Thiền Lâm cổ tự ngang tuổi với chùa Vĩnh Xuân, thì chùa cổ Thiền Lâm cũng đã có gần 140 năm (1871- 2010). Và Thiền Lâm tự (chùa Gò Kén) được coi như con đẻ của Thiền Lâm cổ tự, có từ năm 1922. Vì thế, dễ dàng đoán định tượng chùa Gò Kén sẽ có phong cách hiện đại hơn, dù có thể vẫn còn những nét tương đồng, gần gũi.

Quả có thế, bởi chỉ nhìn vào bộ tượng các vị Phật và Bồ tát cưỡi trên linh vật ở bậc cấp dưới cùng của bàn thờ chính điện chùa Gò để so sánh với tượng Bồ tát Văn Thù cưỡi kỳ lân ở chính điện Thiền Lâm cổ ta sẽ thấy ngay rằng tượng chùa Gò đã được tạo tác và trau chuốt ở một mức độ cao hơn nhiều, đặc biệt ở phần linh vật. Phong phú hơn thì đã hẳn. Linh vật chùa Gò có cả kỳ lân, voi và sư tử đều được chạm khắc tinh xảo. Ở đây, mỗi linh vật là một tư thế. Con ngẩng đầu, con nhe răng, con mím miệng, con nhún hai chân trước và đuôi vểnh vút cao như là sắp sửa phóng đi. Chỉ có chú voi là có vẻ hiền lành, tuy vẫn có cảm giác rằng voi đang dậm chân để biểu thị vẻ hùng dũng uy phong. Tuy nhiên, ở phần tượng người lại có vẻ bình dị hơn, vì vẫn giữ được phong cách tạc tượng quen thuộc của nghệ nhân nông dân Nam bộ. Đấy là người nghệ sĩ chỉ thiên về cách điệu các mảng và hình khối, mà không cần tuân thủ tỷ lệ người thật. Nghệ nhân tập trung trau chuốt vào dung mạo mặt người, nếp quần áo, tư thế ngồi hoặc dáng vẻ bàn tay. So sánh với tượng cổ linh vật Thiền Lâm cổ, với hình khối và đường nét chạm khắc còn hết sức đơn sơ thuần phác thì tượng ở chùa Gò đã thật sự là những tác phẩm điêu khắc tinh tế giàu biểu cảm.


chua%20go.jpg

Tượng phật và Bồ tát chùa Gò.



Sinh sau đẻ muộn hơn nửa thế kỷ, điều rõ ràng nhất là chùa Gò Kén- Thiền Lâm đã có các bộ tượng đặc biệt phong phú với nhiều phong cách nghệ thuật. Ví dụ bộ Thập bát La hán trưng bày trên hai dãy kệ giáp tường bên. Hoặc các pho tượng gỗ đặc tả chân dung các vị Phật, Bồ tát xếp trên bàn thờ chính điện, hoặc các vị thần thánh khác như ba pho Ngọc hoàng… trên bàn thờ phụ. Tuy nhiên, ở đây có một số pho bằng gỗ quý và đáng chú ý về mặt nghệ thuật tạo hình là các pho: Tiêu diện Đại sĩ, Hộ Pháp (hai pho này tựa lưng vào nhau trên bàn thờ chính giữa gần cửa chính); pho Di Lạc trên dãy kệ ở về bên phải (nhìn từ phía trước vào) và pho ông Giám trong gian nhà trù (bếp).

Ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng, các pho tượng quý giá kể trên đều được tạc từ nguyên một đoạn thân cây gỗ lớn, ít ra cũng có đường kính trên 60cm. Phần chân đế tượng của hai vị Tiêu diện Đại sĩ và Hộ Pháp đều được gọt đẽo thành hình bán cầu úp xuống. Pho Hộ Pháp có kích thước tương đương người thật. Pho ông Tiêu bé hơn, chỉ còn cao bằng 2/3 ông Hộ Pháp. Phong cách hai ông có vẻ giống nhau, như là của cùng một nghệ nhân. Điều này thể hiện trên những hoa văn chạm khắc trên trang phục khá đẹp và tinh tế. Sự khác nhau của hai pho tượng chỉ là trên điệu bộ và gương mặt. Ông Tiêu có dáng hiên ngang, tay trái khuỳnh chống nạnh, tay phải nắm cán cờ cong. Đường nét mạnh bạo, khối hình thân mình và tứ chi đều chắc khoẻ. Đặc biệt ở gương mặt với đặc trưng mắt trố, tai to, thần thái oai nghi nhưng cũng không làm người ta phải sợ. Ngược lại là ông Hộ Pháp, tuy cũng giáp trụ mũ mãng oai phong nhưng lại có gương mặt bình thường ngoại trừ đôi mắt hơi xếch, nên vẫn toát ra vẻ hiền lành, dù ông chống kiếm đứng uy nghi.

Ở pho Di Lạc, ta sẽ thấy một ông già hồn hậu đang vui đùa cùng bầy cháu nhỏ. Có phải chính vì sự “ham vui” với trẻ nít này, biểu hiện một sự gần gũi với mọi người chăng mà ông Di Lạc ở đây có nhiều nếp nhăn kiểu của người già trên trán, má. Và bụng ông cũng gọn gàng hơn, chứ không phổng phao, mập mạp như các pho Di Lạc đời nay. Cả ba pho tượng kể trên đã từng bị nứt toác trên thân gỗ hoặc phần chân đế, sư trụ trì mới thuê thợ trám lại gần đây.

Pho tượng còn nguyên vẹn và có phong cách riêng biệt nhất trong chùa Gò, có lẽ là tượng ông Giám trong khu nhà bếp. Có phải do câu “Có thực mới vực được đạo” hay không, mà các chùa ở Tây Ninh dù có thể thiếu tượng thánh thần, Bồ tát nào đấy chứ không bao giờ thiếu ông- ông Giám. Ta cũng có thể vô tình đi qua ông Giám ở một ngôi chùa nào khác, chứ không thể không dừng chân nghĩ ngợi trước chân dung ông Giám chùa Gò. Ông đang chống tay lên cán búa, nghỉ mệt sau một chầu bổ củi cho bếp chùa chăng! Rõ là hình tượng một người nông dân chân đất, mình trần. Dù cũng có tấm áo cà sa, nhưng chỉ đủ che nửa phần dưới cơ thể. Còn bộ ngực hom hem mỏng tang kia vẫn lộ ra mấy dẻ xương sườn.

Ôi, ông Giám chùa Thiền Lâm! Gương mặt gầy gò, nhiều nếp nhăn nhưng ánh nhìn xa xăm như một nhà hiền triết. Người coi kho và công việc bếp núc mà vẫn gầy còng, trái với lệ thường xưa nay. Hay bản thân ông cũng là một lời ký thác của người xưa!


TRẦN VŨ
 
Top Bottom