An Giang Rắn hổ mây trên Phụng Hoàng Sơn

tymkp1225

Quy ẩn gian hồ
Joined
Mar 23, 2011
Messages
1,182
Points
83
Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô) cao 614m, rộng 1.469 héc-ta đang tồn tại khu rừng trồng và rừng tái sinh khoanh nuôi hơn 340 héc-ta đang phát triển tốt với đa dạng hệ động- thực vật rất phong phú. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tri Tôn Lý Vĩnh Định khẳng định, người dân trên núi thi thoảng vẫn phát hiện loài rắn hổ mây xuất hiện tại khu rừng này.

Trong hành trình đi tìm rắn hổ mây, chúng tôi đã gặp và được chính nhiều người trong cuộc thuật lại những lần mà họ đã đối mặt, thậm chí bắt được rắn hổ mây. Anh Nguyễn Thành Chủng, nhà ở lưng chừng dãy Phụng Hoàng Sơn cho biết, con rắn hổ mây ở khu vực sân Tiên (từ chân núi lên 1.000m) có thân to gần hai gang tay và dài chừng 3,5- 4m. Năm 2011, anh gặp con rắn này đến hai lần và giữa năm 2012 gặp lại một lần nữa. Con rắn thường xuất hiện vào ban đêm, nó nằm chắn ngang đường đi. Rất nhiều anh em trong nghiệp đoàn xe ôm hoặc nhà ở trên núi đã từng gặp con rắn này. Tuy nhiên, người dân sống trên núi rất ý thức bảo vệ rừng và động vật hoang dã nên khi gặp rắn hổ mây, họ thường xua đuổi hoặc tránh xa. Khu vực sân Tiên có rừng, suối nước, khe đá và đá tầng lò ảng, người dân chăn nuôi nhiều gà nên rắn hổ mây đến tìm mồi.

03_t5-%281%29.jpg
Tiêu bản rắn hổ mây trong sách Đỏ Việt Nam.



Rắn hổ mây trên dãy Phụng Hoàng Sơn có hai loại. Loại màu vàng cháy như trái mây và màu mốc trông giống như mục măng tre rừng, di chuyển rất nhanh, ngẩng cao đầu và phùng mang trông rất dữ, dân trên núi kiêng cử tên rắn hổ mây nên gọi trăn gió hoặc thầy. Nhiều nhà nuôi chó săn để tự vệ với các loài rắn độc nhưng thường bị rắn hổ mây bắt mất chó. Ban đầu, nghe tiếng chó sủa rồi sau đó là tiếng kêu và nhỏ dần là biết chó bị rắn hổ mây bắt. Khi tóm được con mồi, chúng thường rút vào hang đá. Ở Phụng Hoàng Sơn, rắn hổ mây tập trung nhiều trên đồi 614, ngọn đồi cao nhất của dãy núi, nơi này có rừng tái sinh dày đặc như rừng nguyên sinh. Ông ba Hân ở đồi 614 cho biết, rắn hổ mây thường xuất hiện vào buổi chiều tối cuối mùa thu và mùa đông, thời tiết càng lạnh, rắn ra khỏi hang đá đi kiếm ăn sớm. Nhiều lần gặp rắn hổ mây, từ xa đã nghe chúng di chuyển trên lá khô xào xạc. Để tránh xung đột với rắn hổ mây, nên tránh xa những nơi chúng thường xuất hiện, ban đêm ra khỏi nhà phải cầm đèn pin. Ngoại trừ sát thủ Bùi Văn Chiêu (bảy Khởi). Bảy Khởi sinh ra và lớn lên ở dãy Phụng Hoàng Sơn nên anh biết cách đối phó với loài rắn dữ này. Tuy nhiên, anh chỉ ra tay diệt các con rắn xâm nhập vào nhà dân và có thể gây nguy hiểm cho con người. Anh không nhớ đã diệt bao nhiêu con rắn hổ mây nhưng to nhất hơn chục ký, còn nhỏ cũng 4-5kg. Nhiều lần gặp và tiêu diệt rắn hổ mây, nhưng nhớ đời nhất là lần gặp con rắn to như khúc cây nằm chắn ngang đường ở dốc Vồ Hội. Đêm 25-10-2012, khoảng 19 giờ, anh chạy xe chở người em trai từ chùa Bồng Lai về chùa Liên Chì. Người em vào nhà, anh chạy xe về nhà một mình ở suối Vàng. Vừa qua Vồ Hội, xe đang đổ dốc, tưởng người nào chơi xấu để khúc cây chắn ngang đường đi, anh tìm chỗ dừng xe, pha đèn thì thấy rõ con rắn hổ mây « khủng ». Anh buông tay lái, chiếc xe ngã nhào từ dốc xuống chỗ con rắn, miệng ú ớ mãi. Mất mấy mươi phút sau mới tỉnh hồn, anh gọi điện thoại kêu người em đến giúp đưa chiếc xe lên dốc núi.


03_t5.jpg
Ông ba Hân chỉ nơi rắn hổ mây xuất hiện trên đồi 614.



Theo tài liệu bảo tồn động vật hoang dã của ngành Kiểm lâm, rắn hổ mây có tên khoa học: Ophiophagu hannah, loài rắn cực kỳ quý hiếm thuộc nhóm IIB/61 trong Sách đỏ Việt Nam, được bảo tồn theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Loài rắn này có nguy cơ bị diệt chủng ở mức cực kỳ nguy cấp. Ở Việt Nam, rắn hổ mây phân bố ở nhiều nơi, vùng hạ lưu sông Mekong, rắn hổ mây sinh sống ở vùng Thất Sơn, rừng tràm U Minh Thượng và U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau và Kiên Giang).


Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm huyện Tri Tôn Lý Vĩnh Định, rắn hổ mây rất dữ và cực độc nên không thể nuôi sinh sản nhân tạo, duy nhất Trại rắn Đồng Tâm (Long An) là nơi nuôi rắn hổ mây phục vụ bảo tồn và nghiên cứu.


Bài, ảnh: HÒA BÌNH
 
Top Bottom