An Giang Dấu ấn Tứ giác Long Xuyên - Kỳ 3: Đổi thay trên vùng đất “chết”

tymkp1225

Quy ẩn gian hồ
Joined
Mar 23, 2011
Messages
1,182
Points
83
Từ vị trí là “rốn phèn” của đồng bằng sông Cửu Long, Tứ giác Long Xuyên (TGLX) đã vươn mình trở thành vùng trọng điểm sản xuất lúa của cả nước. Hơn nữa, khu vực này còn giữ vị trí quan trọng về quốc phòng, là cầu nối giao thương giữa Việt Nam với Campuchia cũng như các nước tiểu vùng sông Mekong.
Từ đói ăn trở thành “vựa lúa”:
Huyện Thoại Sơn được xem là vùng trũng của TGLX. Với diện tích đất nông nghiệp 41.490 héc-ta trong tổng diện tích tự nhiên 46.885 héc-ta (chiếm 88,5%), Thoại Sơn vốn có truyền thống sản xuất nông nghiệp lâu đời. Tuy nhiên, suốt hơn 10 năm sau giải phóng miền Nam (1975), dân Thoại Sơn vẫn đói ăn ngay trên “vựa lúa” hôm nay của tỉnh An Giang. Ông Đoàn Minh Triết, Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn, cho biết, đến năm 1980, tổng sản lượng lương thực của huyện chỉ đạt 80.000 tấn, đến năm 1988 cũng mới chỉ đạt 100.000 tấn. Với bình quân lương thực đầu người 700kg, huyện phải luôn nhận trợ cấp lương thực để nuôi sống nhân dân. “Do chủ yếu làm lúa mùa nổi dựa vào thiên nhiên nên năng suất thấp, sản xuất mang nặng tính tự cung tự cấp, cắt xâm canh đem ruộng chia bình quân đầu người trong địa phương… đã làm cho phát triển nông nghiệp những năm này đi vào trì trệ, ruộng đất bị bỏ hoang nhiều, vùng nông thôn đa số rơi vào nghèo nàn, lạc hậu”, ông Triết phân tích.
81t6.jpg
Thắng lợi sản xuất nông nghiệp ở vùng “túi phèn” Tri Tôn
Giai đoạn 1988 – 1998, Thoại Sơn bắt đầu đổi mới mạnh mẽ. Bên cạnh huy động mọi nguồn lực tập trung khai hoang, phục hóa, huyện còn tích cực chuyển đổi lúa mùa nổi 1 vụ sang lúa ngắn ngày (2 vụ). Chỉ trong năm 1989, nhân dân đã đóng góp gần 30 tỷ đồng trong tổng kinh phí 32 tỷ đồng vốn đầu tư chuyển vụ 30.000 héc-ta lúa. Đến năm 1990, diện tích lúa 1 vụ của huyện đã cơ bản chuyển lên lúa 2 vụ, tổng sản lượng lương thực đạt 312.000 tấn (gấp 3 lần năm 1987), cao nhất tỉnh lúc bấy giờ. “Lần đầu tiên sản xuất lương thực của huyện đã trở thành sản xuất hàng hóa và không còn hộ đói. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét mà 10 năm trước đó không làm được. Với thành tích này, Chủ tịch nước đã tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho nhân dân và cán bộ huyện Thoại Sơn”, ông Triết nhấn mạnh.
Khai thông “rốn phèn”:
Đối với huyện Tri Tôn, công trình thoát lũ ra biển Tây, thuộc Chương trình TGLX, được xem như cứu cánh giúp nhân dân nơi đây vượt qua đói nghèo. Ông Nguyễn Huệ Hưng, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, cho biết, đến năm 1985, cả huyện sản xuất không tới 11.000 héc-ta, chủ yếu là lúa nổi 1 vụ, lúa mùa trên hoặc ruộng bưng xen canh hoa màu các loại, sản lượng lương thực cả năm chỉ đạt 26.242 tấn, bình quân đầu người 342kg/năm. “Dù là huyện có đất rộng người thưa, đất đai phì nhiêu “cò bay thẳng cánh” nhưng hàng năm phải cứu đói thường xuyên. Nguyên nhân là vẫn còn hơn 20.000 héc-ta đất bị nhiễm phèn nặng, bỏ hoang hóa không sản xuất được do chưa có kênh mương xả phèn, bà con chủ yếu khoét lõm ở những nơi có thể sản xuất lúa mùa nhưng vẫn không ăn chắc, gặp nhiều rủi ro khi thời tiết bất lợi”, ông Hưng nói. Bên cạnh đó, dù chỉ cách trung tâm tỉnh hơn 53km nhưng thời điểm này, do đường sá khó khăn, từ Long Xuyên đi Tri Tôn phải vòng qua Châu Đốc, mất cả ngày trời mới đến được. Thậm chí, từ trung tâm huyện đến một số xã còn phải đi bằng xuồng, ghe do chưa có đường giao thông.
Từ năm 1986, Tri Tôn quyết tâm đổi mới sản xuất, tập trung khai hoang, phục hóa và chuyển từ lúa mùa nổi 1 vụ sang lúa cao sản 2 vụ. Tuy nhiên, do còn thiếu nước bơm tưới cộng với đất phèn nặng chưa được tháo rửa khiến nông dân bị mất mùa, thua lỗ. Đến năm 1988, tuy diện tích đất sản xuất được mở rộng lên 15.595,5 héc-ta nhưng sản lượng lương thực lại sụt giảm chỉ còn 16.846 tấn. Trước tình hình này, Tri Tôn đã tập trung thực hiện Quyết định 303 của UBND tỉnh về tiến hành giao đất ruộng lại cho nông dân trực tiếp canh tác, tôn trọng quyền sử dụng lâu dài nên bà con yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, trung ương và tỉnh đã đầu tư các dự án khai thông kênh mương để hạ bớt lượng phèn tiềm ẩn, giúp một số vùng đất trên địa bàn huyện tăng năng suất và tăng vụ. Theo ông Nguyễn Huệ Hưng, đến năm 1992, sản lượng lương thực của Tri Tôn đã tăng lên 86.575 tấn. Từ năm 1996 - 1999, khi công trình thoát lũ ra biển Tây được khởi công và xây dựng hoàn thành, vùng đất Tri Tôn như sống lại. Hơn 16.000 héc-ta đất vốn được coi là “túi phèn” của TGLX thuộc huyện Tri Tôn đã được gột rửa. Năm 1998, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện đạt 56.485 héc-ta, sản lượng lương thực 198.235 tấn. Đến năm 2012, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp lên đến 100.750 héc-ta, sản lượng 558.326 tấn…

Năm 1988, sản xuất chính ở vùng TGLX chủ yếu vẫn là lúa mùa nổi, trên 50.000 héc-ta đất bị bỏ hoang do nhiễm phèn nặng, sản lượng lúa chỉ đạt gần 600.000 tấn. Nhờ chủ trương đào kênh thoát lũ ra biển Tây của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, phần lớn diện tích đất nông nghiệp vùng TGLX đã được tháo chua, rửa phèn. Đến năm 2011, diện tích sản xuất lúa toàn vùng TGLX đạt 765.601 héc-ta, sản lượng gần 4,74 triệu tấn, gấp 8 lần so với năm 1988. Trong đó, diện tích thuộc tỉnh Kiên Giang 135.579 héc-ta, sản lượng hơn 1,5 triệu tấn, còn vùng TGLX thuộc tỉnh An Giang 433.301 héc-ta lúa, sản lượng gần 2,72 triệu tấn. Bên cạnh đó, giao thông đi lại đã thuận tiện hơn, không còn cảnh ngăn sông cách chợ như trước. Nhiều lĩnh vực khác cũng được đầu tư, phát triển.
 
Top Bottom