Ngày xửa, ngày xưa...

H

Hoa mắc cỡ

Guest
Truyền thuyết hoa Trinh nữ ( Hoa Mắc Cỡ )​

5935315942_5f1892b258_z.jpg

Thuở ấy, nhà nọ từng có hai kiếp đàn bà, cả hai kiếp đến lượt mình, đều chôn chân thờ chồng đi lính.

Hai người đàn ông lần lượt ra đi, nhưng người về thì chỉ một. Người chiến binh dũng cảm ấy về làng trong tiếng tiền hô hậu ủng, xênh xang trong mũ áo vua ban và làm vẻ vang cho dòng họ. Nhưng khi đón chồng, người đàn bà thứ hai khóc thầm: “Cân đai, mũ áo, bổng lộc vua ban… tất cả đều đẹp nhưng mái đầu ta và ông ấy tự lúc nào đã ngả sang màu sương!…”

Vậy nên, kiếp đàn bà thứ ba vừa lọt lòng và nhoe nhoe khóc, thì cả bà, cả bố và mẹ cô bé chắp tay: “Lạy Phật! Lại thêm một cái tội nữa. Nhưng lần này, chúng ta sẽ không gả nó cho bất kỳ một người lính nào đâu nhé. Hai đời, chúng ta đã đợi chờ đến bạc tóc, thế còn chưa đủ sao?”.

Cô bé lớn lên mơn mởn như nụ hồng. Từ nhỏ đến lớn cả nhà không cho cô được nói chuyện với bất cứ một người lính nào để cô giữ lời nguyền thuở trước.

Một buổi sáng, xa xa vẳng tới tiếng trống ngũ liên. Cô gái bước ra vườn, đến bên bờ giậu đẫm sương. Chàng trai nhà bên đang gấp gáp khăn gói lên đường. Vốn là đôi trẻ vẫn cũng nhau chơi trò “đố lá”, họ cùng nhìn nhau rồi cùng cúi mặt, lớp lông măng ngăm ngăm trên mép chàng trai khẽ rung. Tiếng trống thúc dồn. Chàng trai đánh bạo:

- Thế… có chờ… không?

- Sao không hỏi xem bông tầm xuân có nở trước khi mặt trời lên không? – Cô gái cắn môi, nước mắt lăn tròn trên má.

Và thế là mặt chàng trai đỏ đến tận chân tóc. Lâng lâng như vừa được chắp cánh, chàng bấm bụng: “Ta có thể ra đi, dù “da ngựa bọc thây”.

Cô gái trở vào, mắt ngấn nước và thẫn thờ như người ốm, trong tiếng trống ngũ liên xa xa thúc dồn. Vậy là cả nhà biết. Họ trách lẫn nhau, rồi hai người đàn bà ôm nhau khóc. Bà cô gái thắp ba nén hương khấn người chồng quá cố: “Ông ơi! Có lẽ cháu ông đúng, bởi tôi nghiệm rằng, nếu bây giờ ông sống dậy, lại ra trận, thì tôi vẫn chờ ông. Ôi! Cái kiếp đàn bà!…”. Mẹ cô gái nức nở: “Chỉ tại mẹ thôi, chính mẹ đã truyền cho con dòng máu “đợi chờ”! Con làm sao khác được!”. Ông bố cố gạt đi: “Thì cũng phải có một đứa con gái nào đó chờ thằng bé ấy chứ, cũng như ngày xưa, trong căn nhà này bà chờ tôi vậy! Bây giờ, chỉ còn biết mong sao thằng bé ấy trở về!”.

Nhưng thằng bé không sớm trở về. Chàng tân binh hăng hái giết giặc trong vài trận rồi ngôi sao chiếu mệnh mỉm cười với chàng ta, đấng quân vương vốn giỏi chọn người, vừa nhìn thấy chàng trai đã nhận ra ngay rằng đây là một tên lính hầu trung thành vô hạn. Thế là, ngài cho rút chàng trai về, ngày đêm cận kề bên ngài, một bước cũng không được rời xa. Khi còn giặc giã, vua cần chàng đưa vồng ngực vạm vỡ ra che làn đạn giặc, còn khi hết giặc, vua càng cần chàng hơn, để giữ gìn quyền uy tối hậu. Chàng là lưỡi kiếm “trừng phạt” tuyệt hảo, sẵn sàng giáng xuống đầu bất kỳ ai, theo lệnh đấng quân vương.

Đã mười bảy năm rồi, cô gái chờ người lính ấy. Từ một thiếu nữ như nụ hoa chớm hé, nàng đã trở thành một cô gái quá lứa nhỡ thì. Bà nàng, rồi cha mẹ nàng theo nhau lần lượt trở về cõi Phật. Trước khi nhắm mắt, họ đều gọi con gái đến bên giường dặn dò: “Mai ngày nếu sinh con gái…”. Cô gái lặng lẽ khóc khi bà và bố mẹ mất, lặng lẽ khóc khi người yêu của chúng bạn trở về hay tử trận và cuối cùng, lặng lẽ để tang người yêu năm xưa, vì đã mười mấy năm rồi, chàng biệt vô âm tín.

Thế rồi một buổi chiều có tiếng vó ngựa ghé sát bên thềm.

Bước xuống từ yên ngựa là một người đàn ông phong trần và nhìn mọi vật từ trên xuống qua ánh mắt lạnh lẽo như thép. Ngang lưng anh ta thắt chiếc đai vàng vua ban. Đó là phần thưởng sau khi anh ta lập được công đâm vào lưng người bạn cũ. Người bạn này đã cả gan ngăn vua khi ngài hạ lệnh chém một danh tướng. Ông này chỉ vì mắt kém mà trót dâng vua một quả táo bị sâu ăn. Sau bữa tiệc ngập máu ấy, vua đã cất nhắc anh ta và cho phép anh ta về thăm nhà sau mười mấy năm xa cách. Mười mấy năm qua, người lính đó vẫn không quên người yêu xưa. Giữa cuộc đời bụi bậm, giữa triều đình đầy mưu kế sâu độc, cô trinh nữ nhà lành cắn môi cố nuốt giọt nước mắt chia ly vẫn không mờ nhạt mà thật lạ kỳ, lại càng như vầng trăng xa thẳm gọi anh về.

Người con gái lỡ thì bước tới vài bước rồi sững lại. Nàng hoang mang tự hỏi, không biết đó có phải là chàng trai hàng xóm năm xưa rụt rè mãi mới dám hỏi: “Thế… có chờ… không?”. Nhưng khi người đàn ông ấy gọi tên nàng bằng giọng nói thân thuộc, nàng khóc, tiếng khóc nghe như ngàn mảnh thủy tinh rơi, vì nàng phải chờ đợi quá lâu, và người nàng chờ nay đã biến thành người đàn ông có cái nhìn lạnh lẽo như thép.

Làng xóm đua nhau chúc mừng nàng. Các ông làm nghề “gõ đầu trẻ” đem mối tình chung thủy của hai người rao giảng trong các lớp học. Thế là từ đấy có thêm nhiều cậu bé chỉ mơ về chiến trận. Mơ về một mai mình được hầu cận đấng quân vương. Còn những cô bé thì chỉ ao ước sao mai này lớn, được chờ người yêu đến khi lỡ thì!

Không chậm trễ gì, người ta làm lễ cưới cho đôi tình nhân chung thủy. Vua ban áo tím cho nàng trinh nữ lỡ thì và đám cưới trọng thể hết chỗ nói. Hoàng hôn xuống, cạnh chén rượu bên mâm cỗ, quan khách tròn xoe mắt nghe chú rể kể chuyện. Mười mấy năm hầu cận vua, anh ta đã quen tính kín miệng. Và chỉ bốc lên khi rượu đã ngà ngà. Nhưng anh không biết nói chuyện gì khác, ngoài chuyện chém giết. Anh kể về những bữa tiệc đầy sơn hào hải vị ngập máu trong thời bình và say sưa mô tả các kiểu chết của nhiều người khác nhau dưới tay kiếm của anh. Cuối cùng, vì sao vua đã ban cho anh ta chiếc đai vàng.

Người trinh nữ nghe chuyện của chồng mới cưới và nàng đứng không vững nữa. Lảo đảo, nàng lùi dần về buồng. Nép mình trên giường trong bóng tối, nàng như ngửi thấy mùi tanh lợm của máu, và trên mặt nàng như có làn môi lạnh toát của những oan hồn lướt qua. Nàng vùng dậy, run lật bật, vội vàng châm lửa lên tất cả các ngọn đèn dầu lạc mà nàng tìm được trong buồng. Ánh đèn chập chờn đỏ quạch càng làm nàng thêm sợ hãi.

Vừa lúc đó, có tiếng kẹt cửa. Thân hình to lớn của người chồng mới cưới chếnh choáng tiến vào. Theo thói quen, anh ta vẫn mang theo thanh kiếm. Nàng nhìn lên, và thấy anh không vào một mình. Theo liền sau anh là một người đàn bà trong veo, tóc xoã – chỉ có bộ tóc là còn màu sắc – mặc quần áo đại tang, đang cầm một tấm áo đẫm máu giơ lên và cất giọng đều đều một cách kỳ lạ, lặp đi lặp lại như không bao giờ dứt:

-Hãy trả chồng cho ta! Kẻ giết bạn kia, trước khi mi bước vào giường cưới! Hãy trả cha cho năm đứa con thơ dại của ta! Hãy trả…

Vậy mà chồng nàng không nghe thấy gì cả, anh dựng thanh kiếm vào vách, rồi xáp tới đặt tay lên ngực nàng. Ngay lúc đó, nàng nhìn thấy máu từ tấm áo trong tay người đàn bà xoã tóc rỏ xuống hai bàn tay người chồng mới cưới. Nàng ôm mặt rú lên kinh hãi:

- Ôi kìa, máu! Máu nhiều quá! Máu đỏ cả hai bàn tay!

Chồng nàng giật mình nhìn lại. Anh vẫn không thấy gì cả, ngoài những vết sẹo ngang dọc nơi bàn tay mình. Anh dỗ dành:

- Ồ! Can đảm lên, cô em ủy mị! Chẳng qua là vì em quá hồi hộp đó thôi! Đã bao ngày ta chờ phút giây này. Nào, hãy vui lên.

Anh nói vậy, nhưng miệng không cười và mắt vẫn lạnh như thép, cũng như từ ngày về đến giờ, chưa một ai nhìn thấy anh cười. Người trinh nữ bỏ hai bàn tay che mặt. Nàng không nhìn thấy người đàn bà tóc xoã nữa, nhưng trên khuôn mặt đang gần xuống mặt nàng, nàng chỉ thấy khóe miệng mím chặt và cái nhìn lạnh lẽo như cái nhìn của Thần Chết. Lại sợ hãi cuống quít, nàng van vỉ:

-Hãy mỉm cười đi anh! Em van đấy! Hãy cười lên để em thấy anh của ngày xưa. Bao năm chờ đợi, em đâu muốn anh buồn…

Người chồng cố hết sức để mỉm cười. Đã lâu lắm rồi anh không làm cử chỉ đó nên bây giờ anh không biết bắt đầu một nụ cười như thế nào. Khó nhọc lắm, anh mới nhớ ra rằng, khi cười người ta phải để lộ ít nhất là một hàm răng. Anh nhếch môi, để lộ hẳn hai hàm răng chắc khỏe.

Nhưng anh quên rằng, khi người ta cười, chính đôi mắt cười trước, cái miệng cười sau, thậm chí chỉ cười bằng mắt cũng đủ. Mà đôi mắt muốn cười, trước hết tâm hồn phải cười đã, cho nên cố gắng để mỉm cười, trông anh lại thêm vẻ dữ dằn đe dọa của một con sói. Ngay lập tức, vợ anh co rúm lại và quay mặt vào trong, thổn thức cố kìm tiếng khóc.

Người chồng buồn bã soi trong tấm gương cười, ngắm kỹ mình, rồi tuyệt vọng:

- Thôi, thế là hết, cả một đời chờ đợi! Em chối từ ta, em ghê tởm ta ư?

Anh rũ xuống thành giường, rồi gầm lên như một con thú bị thương:

- Tại sao em chờ ta cả đời, để rồi chối từ ta? Tại sao em bắt ta phải cười! Còn đâu nữa chàng trai với lớp lông măng trên mép ngày xưa! Ta đã trở thành “người đàn ông không cười” của triều đình, từ khi bàn tay này nhúng vào máu bạn bè, bên những bàn tiệc đầy sơn hào hải vị. Đấng quân vương sai ta giết hết những kẻ bất tuân thượng mệnh bằng các chiếc đũa. Trong mọi chiếc đũa nạm vàng nơi bàn tiệc đều có một lưỡi dao tinh tế giấu ở trong…

Anh nức nở, đôi vai rung lên dữ dội:

- Ôi! Bạn ta! Người bạn đã cùng ta tựa vào lưng nhau tìm hơi ấm chống đỡ cơn gió lạnh chiến hào. Thôi, thế là hết và đây là đêm tân hôn vĩnh biệt, phần thưởng cuối cùng cho người lính quá nửa đời phụng sự đấng quân vương.

Tiếng nức nở dữ dội của người chồng mới cưới rung chuyển cả căn phòng. Rồi xách kiếm trên tay, anh bỏ đi biệt xứ. Có người nói rằng anh đã đến tìm vua, định bắt vua phải đền tội đã biến anh thành người đàn ông không biết cười. Nhưng vua đã kịp giết chết anh trước, bằng chính một trong những chiếc đũa nạm vàng nơi bàn tiệc. Cũng có người bảo rằng anh lại lao vào những cuộc chém giết mới không ghê tay cho quên ngày tháng.

Chỉ còn lại nơi quê nhà người trinh nữ lỡ thì. Nàng sống âm thầm như cái bóng, mà không một lần nghĩ đến chuyện tự giải thoát bằng cái chết. Nhưng cái tật hễ có tiếng chân hay tiếng động mạnh là đưa tay lên ôm mặt thì nàng không sao bỏ được.

Một hôm, người xã trưởng được mời đến để làm giấy chứng tử cho nàng. Nàng chết mà hai tay che mặt, người khâm liệm nắn thế nào cũng không bỏ ra.

Vài ngày sau, trên mộ nàng rùm roà mọc một loài cây thấp lòa xòa mang hình tròn tim tím buồn man mác. Mỗi khi có chân bước qua hay va chạm mạnh, những chiếc lá lăn tăn lại giật mình khép lại, xuôi xuống như bàn tay ai che mặt.

Những loài hoa cỏ mọc đầy chung quanh lấy làm lạ lùng lắm về chuyện đó. Một hôm, chúng chặn chàng Gió lại:

- Này, anh Gió! Ở đây, không có ai già như anh và trẻ như anh. Vậy anh hãy nói cho chúng tôi biết vì sao loài cây mới đến kia, tầm thường đến vậy, lòa xòa bên vệ cỏ, khách bộ hành dễ dàng giẫm lên, có gì đặc biệt đâu mà phải gìn giữ, hơi một tí lại lấy tay che mặt, điệu đà làm vậy?

Từng trải như chàng Gió mà cũng không trả lời được.

Thế là một đêm thanh tĩnh, dịu dàng, muôn hoa cỏ đang mơ màng trong giấc ngủ êm đềm, chàng Gió lướt tới bên loài cây tầm thường ấy, khẽ hỏi:

- Này cô em bé bỏng! Sao em hay che mặt thế? Ở đây có ai chọc ghẹo em sao? Em hay e thẹn lắm à? Nếu không, tại sao người ta lại gọi em là cây trinh nữ?

Đắn đo một chút, rồi loài cây ấy nhẹ nhàng đáp:

- Không phải thế đâu, mặc dù chết đi, em vẫn là trinh nữ. Em che mặt vì sợ. Ngày nay người ta càng tranh giành nhau dữ hơn, những bàn tiệc ngập máu vẫn còn nhiều. Vậy nên, mỗi va chạm, mỗi bước chân tạt qua đều làm em giật thót mình. Em sợ người ta sẽ gửi đến cho em đôi bàn tay đầy máu và khuôn mặt người yêu xưa chẳng biết cười.

Cây trinh nữ chợt co mình lại vì vừa nghe tiếng chân qua. Đó là bước chân sóng đôi của một đôi trai gái đang đi trong sương mù. Trước khi cẩn thận khép những mắt lá lại, cây trinh nữ cầu khẩn: “Ôi! Lạy Phật! Cầu cho đây không phải là bước chân của những người phải tiễn nhau về nơi ấy…”.
 
H

Hoa mắc cỡ

Guest
Sự tích bảy sắc cầu vồng​

Xưa lắm rồi, các màu trên mặt đất bỗng dưng cãi nhau. Màu nào cũng tự cho rằng mình là tuyệt hảo, quan trọng nhất, hữu ích nhất và được ưa chuộng nhất.

Màu lục bắt đầu: Dĩ nhiên là tôi quan trọng nhất. Tôi là biểu tượng của sự sống và niềm hi vọng. Tôi được chọn để tạo thành cỏ cây. Thiếu tôi cảnh vật sẽ tiêu điều. Hãy nhìn vạn vật xung quanh, các bạn hẳn thấy tôi đúng.

Màu xanh ngắt lời: Bạn chỉ nghĩ đến những gì trên mặt đất, hãy ngước nhìn trời xanh và dõi ra biển biếc. Từ đáy biển sâu đến chín tầng mây cao, sự sống tồn tại được đều nhờ vào nước. Trời xanh bao la mang hình ảnh của sự thanh bình. Nếu không có thanh bình muôn loài ai nấy cũng sẽ xác xơ.

Màu tím cãi lại: Tôi là màu của sức mạnh. Từ vua quan đến hàng giáo phẩm đều chọn màu của tôi vì tôi tượng trưng cho quyền uy và thông thái. Ai ai cũng sẵn sàng lắng nghe và tùng phục.

Màu vàng cười vang: Sao toàn là chuyện nghiêm túc quá thế. Tôi cho rằng chỉ có tôi mới mang lại niềm vui và sự ấm áp cho đời mà thôi. Này nhé, mặt trời vàng, mặt trăng vàng, các vì sao vàng, tất cả đem lại sự vui tươi và nụ cười cho toàn thế giới. Vắng tôi là thiếu hẳn đi niềm hân hoan.

Đến lượt màu cam tự khen: Tôi là màu của sức khỏe, của sự đổi mới. Có lẽ tôi là một màu quí vì tôi phục vụ mọi nhu cầu của con người. Tôi mang các sinh tố quan trọng nhất, hãy nhìn các loại trái cây thì biết. Tôi ít khi có mặt nhưng khi tôi nhuộm bầu trời bình minh hay bầu trời hoàng hôn, vẻ đẹp mê hồn của tôi khiến không còn ai nhớ đến các bạn nữa.

Màu chàm tiếp lời, giọng nhỏ nhẹ nhưng quyết liệt: Các bạn hãy nghĩ đến tôi xem nào. Tôi là màu của sự tĩnh lặng. Phải để ý đến tôi vì thiếu tôi, các bạn sẽ trở nên hời hợt, thiếu sâu sắc. Tôi đại diện cho tâm hồn, ý tưởng và sự tinh tế. Ai cũng cần tôi để có được một cuộc sống cân bằng cũng như tạo nên sự khác biệt. Tôi hữu dụng cho lòng tin, những giây phút trầm tư, an lạc nội tâm.

Đến lúc này màu đỏ không thể kiềm chế được nữa, quát to: Ta đây mới đích thị là “xếp sòng”. Ta là máu, là sinh lực. Ta là màu báo nguy, màu của sự can đảm. Ta là lửa. Ta là màu của đam mê, của tình yêu, của hoa hồng, của hoa anh túc… Thiếu ta, địa cầu sẽ ảm đạm như mặt trăng kia.

Và rồi các màu lại tiếp tục khoe khoang; mỗi màu tự cho mình mới là quan trọng thật sự. Cuộc tranh cãi càng lúc càng căng thẳng, bỗng nhiên một tia chớp xẹt đến, tiếp theo ngay sau là một tiếng sét to. Mưa như thác đổ xuống các màu khiến chúng phải sát cánh lại để che chở cho nhau.

Mưa nói: Thật là ngốc nếu các bạn mãi chống đối nhau. Các bạn không biết rằng mỗi màu được tạo ra cho một mục đích rõ ràng sao? Mỗi màu đều có một tính cách độc nhất và đặc biệt trong thế giới này. Hãy bắt tay nhau và cùng đến với tôi.

Các màu nghe có lý và làm theo đề nghị của mưa. Chúng đến bắt tay nhau. Mưa khuyên tiếp: Từ giờ trở đi, khi nào mưa mỗi bạn hãy nổi lên thành một cầu vồng trên bầu trời để chứng tỏ các bạn đã chung sống hòa bình. Cầu vồng là hình ảnh của sự hy vọng và hòa giải.

***

Tình bạn rực rỡ như bảy sắc cầu vồng: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Đỏ là quả chín, cam là ngọn lửa bất diệt, vàng là ánh dương chiếu rọi, lục là cây cỏ bừng mạch sống, lam là dòng nước trong xanh, chàm là niềm mơ ước trong tim, tím là nụ hoa sắp nở. Chúng ta hãy cùng nhau chung tay chăm sóc tình bạn để tình bạn trổ nụ đơm hoa nhé!
 
H

Hoa mắc cỡ

Guest
Sự tích con Heo

Ngày xưa có một gia đình nông dân sống rất nhân hậu. Vợ chồng cày sâu cuốc bẫm, tiết kiệm giúp đỡ người nghèo. Họ đã tạo được trâu khỏe, ruộng tốt, cất được 5 gian nhà gỗ lim, vườn cau, ao cá. Cuộc sống tưởng thế đã thanh nhàn. Nhưng oái oăm thay, vợ chồng lại không có mụn con nào. Vợ chồng buồn rầu. Làng xóm chế giễu. Mỗi lần như thế, hai vợ chồng lại tìm thầy tìm thuốc tốn kém vô kể. Một hôm có người mách:

- Ông bà có con phải cầu tự. Nghĩa là phải làm một chuyện gì đó để lại công đức cho thần thánh, cho người đời.

Hai vợ chồng từ đó đêm nào cũng trằn trọc tìm việc làm công đức. Người chồng đề nghị còn bao nhiêu vốn liếng xây dựng một ngôi đền. Người vợ đồng ý và ngay ngày hôm sau ra sông mua gỗ. Ba tháng sau, ngôi đền uy nghi mọc giữa thôn Đoài. Các vị thần: Của cải, Trí tuệ, Sức khỏe, Ăn chơi đã tụ tập về. Ai ước nguyện thế nào thì được thế ấy.

Ông bà nọ ước ao có con, thần thương lắm đã cho người con trai đẹp và khỏe mạnh. Đáng tiếc, vợ chồng người nông dân quý con quá hóa tội. Cậu bé tên Hợi trái ngược tính nết với người sinh ra nó. Cậu thích ngủ và chơi bời, dỗ dành mãi mới đến trường, nhưng vừa ngồi xuống ghế đã ngủ gật, thành thử ba năm sau vẫn chưa viết nổi cái tên của Hợi. Về sau Hợi bỏ học la cà trong làng, ngoài bãi, ven sông. Tệ hơn nữa khi Hợi có vợ lại đuổi cha mẹ ra ở riêng. Mặc thế, ông bà vẫn dốc lòng chiều chuộng thương con.

Hôm người mẹ hấp hối, bà bảo chồng gọi Hợi lại, nắm lấy tay và nói đứt quãng trong hơi thở:

- Cha mẹ thật ân hận chưa lo cho con được nhiều. Nay mẹ sắp qua đời muốn hỏi con có nguyện vọng gì để khi xuống suối vàng mẹ biết mà cầu xin phù hộ cho con.

Người con nói ngay:

- Con ao ước suốt đời không làm mà được ăn no, được ngủ không ai quấy rầy. Nói tóm lại được người ta hầu hạ.

Mai táng vợ xong, người chồng vào đền cầu xin nguyện vọng đó cho con. Các vị thần linh hội ý với nhau thấy thật khó xử. Thật ra nếu xin của cải giàu sang, trí tuệ minh mẫn, sức khỏe phi thường hay ăn chơi phóng đãng thì dễ. Đằng này nó chỉ ước mơ tầm thường ăn no ngủ kỹ. Có khó một chút là bắt người ta hầu hạ. Khoản này vượt quá quyền hạn của các thần trong đền. Họ bàn với nhau tâu lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng nghe xong ngoảnh lại nói với thần Trí tuệ:

- Thật đáng buồn cho giống người. Ta sinh ra họ cốt để làm đẹp cho thiên hạ. Vậy mà nay có kẻ chỉ ước ao ăn ngủ, lại còn muốn người ta hầu hạ nữa. Tệ. Tệ thật.

Thần Trí tuệ cúi đầu lạy:

- Bẩm thưa Thượng đế, cha mẹ của Hợi là người nhân đức. Chính họ đã có công thờ thần linh. Nếu ta không giúp họ thì sẽ mất niềm tin ạ.

Ngọc Hoàng thấy thần Trí tuệ nói phải. Nhưng như thế thì vô lý quá. Ai đời cùng loài người với nhau lại bắt người này hầu hạ người nọ. Bỗng Ngọc Hoàng reo lên:

- Ta nghĩ ra rồi. Thần lại đây ta bảo.

Thần Trí tuệ mặt tươi như hoa đến quỳ lạy dưới chân Ngọc Hoàng.

- Tên Hợi ước: Ăn no, ngủ yên, có người hầu hạ chứ gì? Ta cho làm kiếp lợn. Kiếp ấy được như thế, nhưng đoản thọ và chính tay người hầu hạ giết nó.

Thần Trí tuệ toan nói hộ cho người nông dân vài điều nữa thì Ngọc Hoàng đã giũ áo bào đi ra. Thần buồn bã bay về làng Đoài thì được tin ông lão nông dân và con trai tên Hợi đã mất cách đây nửa năm.

Điều lạ là trong làng Đoài mọc lên ngọn núi nhỏ có lửa, cháy chập chờn dòng chữ "Ốc Thượng Thổ". Trong làng Đoài nhà ai cũng có ổ tò vò mọc chi chít trên nóc nhà, nhà nào cũng nuôi một giống vật lạ: Mõm dài, tai lớn, bốn chân nhỏ, mình nục nạc những thịt. Nó không biết kêu mà chỉ biết éc. Giống ấy phàm ăn. Ăn xong thì ngủ. Hơi ngót dạ lại đòi ăn làm cho người làng phải bưng xách nấu nướng thật vất vả. Vì nguyện vọng nuôi nó chóng lớn để mau giết thịt nên người ta đặt tên là Lớn. Tiếng này lâu ngày đọc chệch thành Lợn.
 
H

Hoa mắc cỡ

Guest
Sự tích hoa Thiên Lý​

Ngày xưa, xưa xưa, có một chàng trai thổi sáo rất hay. Hay đến mức, một con rắn lục mê tiếng sáo của chàng, đã quyết tâm tu luyện cho thành người để giành chàng làm chồng, mặc dù chàng đã có vợ. Lần ấy, sau một chuyến mang cây sáo trúc đi thổi thi và đoạt được giải nhất trở về, vừa đến đầu làng, chàng trai đã thấy người vợ trẻ vừa xinh, vừa hiền của mình ra đón. Chàng vui lắm, đâu biết đấy chính là con rắn lục đã biến thành người và đã giả dông giống y hệt vợ chàng từ vẻ mặt, lời nói đến dáng đứng, dáng đi... Về đến nhà, chàng trai bỗng rụng rời thấy một người vợ thứ hai bước ra... Chàng trai không còn biết ai là vợ thật của mình nữa. Hai người đàn bà trẻ giống nhau còn hơn cả hai giọt nước. Chàng liền tìm đến một ông cụ nổi tiếng là tài giỏi trong việc tìm ra chuyện phải trái ở trên đời, để nhờ giúp đỡ. Nghe chàng nói rõ ngọn ngành, ông cụ nhận lời ngay và cho gọi hai người đàn bà trẻ đến.

Cụ già lấy vải đen bịt mắt cả hai lại rồi đưa cho hai người ba cái áo có mùi mồ hôi của ba người đàn ông khác nhau và dặn:

- Cứ ngửi đi và cái nào là của chồng thì gật đầu, không phải thì lắc đầu!

Cô vợ thật được ngửi trước. Cô vợ giả ngửi sau. Mắt cô vợ giả vốn là mắt rắn nên có thể nhìn xuyên qua vải đen. Vì vậy cô ta liếc nhìn người vợ thật, thấy cô này lắc đầu thì cũng lắc đầu, thấy gật đầu thì cũng gật theo. Thế là cả hai đều đã ngửi đúng được mùi áo của người chồng có tài thổi sáo. ông cụ liền cho mang đến ba bát canh, một bát có vị gừng, một bát có vị hành và một bát có vị lá hẹ. ông cụ dặn:

- Thứ canh nào chồng thích ăn thì gật đầu, thứ nào chồng không thích thì lắc đầu.

Sự việc lại diễn ra như lần thử trước. Thấy người vợ thật gật đầu khi nếm bát canh nấu với gừng, cô vợ giả cũng gật đầu theo. ông cụ cho cả hai cùng về, để cụ suy nghĩ thêm. Hôm sau, cụ lại cho mời hai người đến. Cụ để hai người đứng ở hai nơi, không trông thấy nhau nhưng cùng nhìn ra một con đường ở phía trước mặt, cách chỗ đứng khá xa.

-Ta sẽ cho ba chàng trai đi ngang qua đường. Nhận ra ai là chồng mình thì cứ vẫy gọi. Ai gọi đúng chàng thổi sáo tài giỏi thì người đó là vợ thật, ai gọi sai là vợ giả và sẽ phải chịu tội với dân làng.

Cô vợ giả lúc đầu lo lắm. Nhưng sau cô ta đã nghĩ ra được một lối thoát. Cô ta định bụng khi nào nghe tiếng cô vợ thật gọi thì cũng sẽ gọi ngay theo. Một người trai trẻ đi qua. Rồi hai người. Cô vợ giả không nghe tiếng cô vợ thật gọi thì cũng im lặng theo. Cô ta mừng lắm. Như thế thì người còn lại đúng là chàng trai thổi sáo tài giỏi. Vì vậy khi chàng trai thứ ba vừa xuất hiện thì cô vợ giả đã vẫy tay và gọi to:

- Anh ơi! Em ở đằng này này!

Trong lúc người vợ thật vẫn đứng im. Vì đó vẫn chưa phải là chồng cô. Cụ già liền dẫn chàng trai thứ ba đến trước cô vợ giả và nói:

- Như vậy, cô đã tự nhận cô là kẻ manh tâm đi cướp đoạt chồng của người khác. Chàng trai này đâu phải là người mà cô đã nhận là chồng cô.

Rồi cụ lại cho gọi cô vợ thật đến và hỏi:

- Trong ba chàng trai, không có ai là chồng cô sao?

- Thưa cụ, nếu là chồng cháu thì dẫu ở xa trăm dặm, ngàn dặm, cháu cũng nhìn ra!

Cụ già liền cho ba chàng trai khác tiếp tục đi qua đường. Đến người thứ năm thì người vợ thật kêu to lên mừng rỡ:

- Anh ơi! anh ơi! Đúng đó là chàng trai thổi sáo tài giỏi.

Sự việc đã rõ ràng. Cụ già liền theo lệ của làng, nọc cô vợ giả ra đánh một trăm roi. Nhưng chỉ đánh được chục roi thì đau quá, cô vợ giả đã hiện nguyên hình con rắn lục và bò nhanh vào bụi cây trốn mất . Hai vợ chồng chàng thổi sáo vui mừng lạy tạ ông cụ. ông cụ tươi cười bảo:

- Tìm ra được kẻ gian cho đời là lão vui rồi. Bây giờ lão chỉ muốn được nghe điệu sáo hay nhất của ônh thôi!

Chàng trai liền rút cây sáo trúc luôn giắt ở bên mình ra thổi. Tiếng sáo của chàng nghe réo rắt như tiếng chim, của trời, của sông, của nước nhưng nổi lên rõ hơn cả là tiếng của con người vui mừng được sống trong lẽ phải và tình thương. ai nghe cũng ngơ ngẩn say mê... Hai vợ chồng sau đó liền kéo nhau trở về nhà. Họ sống bên nhau đầm ấm vui vẻ. Hai vợ chồng cùng làm ruộng. Lúc rảnh chồng lại đem sáo ra thổi cho vợ và hàng xóm cùng nghe. Ngày hội, ngày Tết, tiếng sáo của chàng càng làm cho mọi người thêm yêu đời và quý mến nhau. Một buổi chiều, người vợ đang gội đầu, người chồng đang thổi sáo thì bỗng có con chim gì thả rơi ở bên chân người vợ một chùm hoa màu xanh phớt vàng có mùi thơm thoang thoảng. Đêm đến mùi hoa càng thơm hơn. Người vợ liền bảo chồng đặt bông hoa bên cạnh cửa sổ để có gió, hương hoa càng bay thơm khắp nhà.

Sáng hôm sau, thức dậy, cả hai vợ chồng đều lạ lùng thấy bông hoa đã kết liền vào một loại dây leo mọc ở cạnh cửa sổ. Và sau đó, không phải chỉ có một chùm hoa, mà rất nhiều chùm hoa khác lại nở tiếp theo. Hoa màu xanh phớt vàng hình giống như ông sao năm cánh, hương thơm dịu ngọt. Loại hoa ấy ngày nay ta gọi là hoa thiên lý. Vì sao lại có cái tên ấy? Các cụ xưa giải nghĩa: Vì tên cô vợ thật là Lý. Còn thiên lý là vì ông cụ có tài tìm ra mọi việc phải trái, đã dựa vào câu trả lời của cô vợ thật mà đặt tên mới cho cô và trêu cô:

- Tên cô từ nay không phải là Lý mà là Thiên Lý. Thiên Lý nghĩa là nghìn dặm, nghìn dặm mà vẫn nhận ra được chồng mình... !

Các cụ còn nói thêm: Cô vợ giả, tuy đã trở lại kiếp rắn lục nhưng vẫn giữ trong lòng mình mối hận đối với cô vợ thật... Vì vậy ai yêu hoa Thiên Lý, rắn lục không thích đâu. Rắn lục thường bò nấp vào các dây hoa Thiên Lý để mổ cắn những ai thích ngắm hoa Thiên Lý, yêu mùi hương Thiên Lý. Nhưng cho đến nay càng ngày mọi người càng quý càng yêu loại hoa có mùi hương rất dung dị và mộc mạc này.
 
Top Bottom