Sân chim miền tây!

A

avocat_ttl

Guest
Nhân đọc được tư liệu của cụ Sơn Nam viết về sân chim ở miền Tây Nam Bộ những năm đầu thế kỉ 20, xin giới thiệu cùng diên đàn.


HÌNH BÓNG CỦA “SÂN CHIM”​

Đất Nam Phần nói chung và đất Hậu Giang nói riêng thuộc vào loại sình lầy, ẩm thấp có thể gọi là nơi thiên đường của loại chim cò. Nếu chú ý vào địa danh của những vùng ở Tiền Giang, và ở Hậu Giang chúng ta thường được nghe những tên: Láng Cò, Trãng Cò, Láng Chim, Láng Le, Đầm Chim, Sân Chim, Mảng Diệc, Vườn Cò,… Đó là chưa kể Hòn Nhạn, một đảo ở Vịnh Xiêm La nơi mà dân ở miền duyên hải thỉnh thoảng ra đó để hốt trứng nhạn. Lại còn Cù Lao Dung gồm ba làng khá rộng ở giữa vàm sông Ba Thắc; Dung tức là Tung, tiếng Cam-Bốt nghĩa là con Thằng bè (Kok Tung: cù lao chim thằng bè). Rạch Chắc Băng ở U Minh cũng do tiếng Miên, Chap-Tung (chim thằng bè) nói trại lại.

Sông sâu sóng bủa láng cò
Thương em vì bởi câu hò có duyên
.

Câu hát trên mở đầu cho những buổi hò xay lúa rất thịnh hành ngày xưa. Trong mười cảnh đẹp của đất Hà Tiên, có cảnh “Châu nham lạc lộ”, tức là bầy cò trắng đáp xuống đồi Châu Nham. Mạc Thiên Tứ đã vịnh như sau:

Biết chổ mà nương tánh rất khôn
Bay về đầm cũ mấy mươi muôn.
Đã giăng chữ nhứt vài trăm trượng
Lại sắp bàn vây trắng mấy non.
Ngày giữa ba xuân ngàn phấn vẩy,
Đêm trường chín hạ tuyết sương còn.
Quen cây chim thể người quen chúa
Dễ đổi ngàn cân một tấc son.


Rõ ràng ngày xưa nơi đây là một vườn cò có đầm, có núi và gần bờ biển. Rất tiếc cảnh tượng hùng vĩ ấy không còn nữa. Lời lẽ trong bài thơ: mấy mươi muôn, vài trăm trượng, trắng mấy non, tánh rất khôn… thật khoa học, tả chân, không có gì là quá đáng đối với những ai đã từng thấy cảnh rần rộ của chim về sân, lúc trời ngã bóng chiều.

Đễ dễ nhận định, chúng tôi tạm chia các danh từ trên ra làm hai loại:

1. Những nơi chim về tạm thời: chim sanh đẻ ở nơi khác đến trú trong mươi hôm, đôi ba tháng. Đó là Láng Cò, Láng Le, Đầm Chim, Trãng Cò,… Nếu biết lợi dụng cơ hội, thợ săn chim có thể làm bẫy giò, lưới chụp, thâu hoạch nguồn lợi khá to. Chúng tôi được biết nhiều tay chuyên môn giết cò bằng giàn thun, bằng roi. Roi đây là cây tre dài chừng 4, 5 mét. Ban đêm, cứ rọi đèn “bin” vào nơi cò ngủ rồi đập túi bụi. Mỗi roi giết đôi ba con cò là chuyện thường. Nhiều tay thiện xạ sử dụng giàn thun, bắn bá phát bá trúng… Tuy không làm giàu làm có nhưng họ bán được chút ít tiền, còn thì để dành đem tặng bà con lối xóm chung vui một ngày thắng lợi. Cò đem nấu cháo, muối sả ớt mà nướng ăn hoặc phơi khô để dành…

2. Loại thứ hai gồm những nơi chim cư trú lâu dài, nếu không là vĩnh viễn:

a. Mãng diệc tức là khu vườn hoặc khu rừng mà loài diệc làm ổ, sanh đẻ từ đời này đến đời khác. Xen vào loại diệc, còn có cò ma, cồng cộc…

b. Vườn cò thường thường là khu vườn dừa, vườn cau của tư nhơn. Vì thấy “huê lợi chim cò” khá to tát nên chủ vườn hy sinh huê lợi hoa quả trồng xen vào đó cây tràm, cây sắn… để vườn thêm rậm rạp, chim cò có chổ thuận tiện làm ổ. Phần lớn những vườn cò gồm một ít cò ma (cò lép) và đại đa số cồng cộc. Theo chúng tôi được biết, hiện nay còn mấy vườn cò ở Hỏa Lựu (Rạch Gía), Cái Nước, Bà Hính (Cà Mau). Chủ vườn bán trứng, chim con, lông chim và phân chim. Thiết tưởng đó là những kì quan của đất nước đáng được các nhà điện ảnh, các nhơn viên phụ trách ngành du lịch, các tay nấu bếp khéo chú ý khai thác.

c. Sân chim dường như là một danh từ áp dụng riêng cho loại lông ô, già sói, thằng bè, bồ nông… Các sân chim hầu như không còn nữa, nghe đâu còn một đôi sân ở giữa ruột rừng U Minh (Kiên Giang). Trong phạm vi bài nầy, chúng tôi cố gợi lại sinh hoạt của các sân chim ấy, hồi đầu thế kỷ.

Việc khai thác các sân chim ở Kiên Giang là một thiên anh hùng ca của người Việt Nam trên đường khai hoang về phía Tây. Tuy qui mô hơi nhỏ bé, ta có thể so snáh nội dung của nó với những cuộc săn bò rừng, ngựa rừng ở Châu Mỹ. Năm 1879, việc đấu thầu sân chim đem lại cho ngân quỹ 25.000 quan (franc) so với 25.808 quan về thuế thân trong tỉnh Rạch Giá.

Sân có nghĩa là khu vực. Cái khu vực này rải rác ở khắp tả ngạn sông Cái Lớn, ranh giới thiên nhiên phía Bắc và Tây Bắc của vùng Láng Biển (láng U Minh). Nổi danh nhứt là những sân ở rạch Thứ Nhứt, Kinh Dài, Cái Nước, Thầy Quơn, Chắc Băng. Ở đấy, rừng tràm mọc dày bịt, xưa kia nước ngập mãn năm. Dớn, choại bò lan, phủ mặt đất một lớp dày. Lòng đất vẫn là đất sét, làm ruồng rất tốt.

Người Việt Nam bắt đầu khai thác sân chim từ lúc nào? Ta có thể phỏng đoán vào đời Gia Long. Lông chim hồi thuở ấy bán cho các tàu buôn Hải Nam để tiêu thụ nơi ngoại quốc. Họ theo vàm sông Cái Lớn đi ngược vào ngọn, đến các vàm rạch nhỏ có sân chim. Trong Đại nam nhứt thống chí, ở Kiên Giang có ghi vùng Điểu Đình khá trù mật. Điểu Đình tức là vùng sân chim ở Gò Quao

Sân ở ven U Minh gồm các loại chim sau đây:

- Thằng bè (pélican blanc), bồ nông (pélican gris). Không cần tả hình dạng rõ, các bạn cũng đã hình dung được loại chim quen thuộc này rồi. Điều đáng nói là chúng rất lớn, hai cánh dang ra dài non hai mét. Bồ nông màu xám tro, nhỏ hơn thằng bè (lông trắng), mỗi con lớn nặng từ 20 đến 25 kílô. Hai thứ chim này có đãy, đi ăn, tích trữ mồi đem về đút cho con. Đãy có thể chứa hơn 10 lít. Chúng tôi đã từng thấy chim thanừg bè ăn cắp trọn một rổ cá hoặc xúc vào đãy trọn bầy cá ròng ròng, luôn cả cá lóc mẹ.

- Chó đồng, lông ô già đãy (petit marabout). Theo ngôn ngữ bình dân, chó đồng là loại lông ô nhỏ. Lông ô, già sói, già đãy… tuy gọi tên khác nhau nhưng chỉ là một. Dứng ngóng cổ, chim già sói cao đến 1 mét, 1 mét 30 như đứa con nít. Sọ trán của già sói rất to, ngay nay có người còn giữ những bộ sọ cỡ trái dừa xiêm (trực kính 12 đến 15 phân). Già sói ăn cá, gắp trọn một hay hai con rắn. Lông cánh rất dài, có cộng đến năm tấc tây. Ở xa, trông con già sói giống như một người banạ áo mưa cao su…

Hồi người Pháp chưa đến, các tay anh hùng của chốn « tràm xanh củi lục » giành nhau việc khai thác sân chim. Kẻ nào có sức mạnh, bè đảng đông và khéo sử dụng dao búa thì làm chủ sân. Biết rõ nguồn lợi của sân chim, người pháp đã cố gắng điều tra các lợi tức.

Sân chim là nơi qui tụ binh sĩ của cụ Nguyễn Trung Trực.

U Minh là vùng anh em Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự (dư đảng của Nguyễn Trung Trực) khởi loạn và bị đàn áp giải tán vào anưm 1872, do quan chủ tỉnh Benoist. Chính ông Benoist này đã nghiên cứu tỉ mỉ việc khai thác các sân chim ở U Minh, lưu lại nhiều tài liệu đáng để ý.

Từ tháng 10 âm lịch, chim bồ nông bắt đầu đạp dây choại xuống làm ổ (đạp ổ). Chúng dùng mỏ nhổ cỏ xung quanh để chim con khi nở ra có chổ tập lội…

Tháng 11, chim đẻ chừng đôi ba trứng. Chim trống và chim mái thay phiên nhau ấp. Trứng nở, chim mẹ, chim cha thay phiên nhau đi tìm mồi ở tận Biển Hồ hoặc Tiền Giang, Hậu Giang… đem về đút cho con.

Chim mẹ há miệng, đầy cá và máu. Chim con rút rỉa lương thực trong đãy của mẹ. Thi hào Alfred de Musset đã nói lên sự hy sinh cao cả ấy. Nếu được sống ở sân chim… Rạch Gía, có lẽ thi hào sẽ bất mãn. Trong lúc thằng bè mẹ chia mồi cho con, hàng chục con già sói, chó đồng bay tới cướp phần máu sữa. Các loài chim cấu xé, đá nhau, cắn nhau. Bọn chim bất lương già sói, chó đồng lại ăn thua nhau lượt thứ nhì như bọn cướp giành chia của. Đôi ba chục ngàn con chim xáo động lên như thế, vang dội cả khu rừng.

Ngay từ lúc trứng chim vừa nở, chủ sân bắt đầu chuẩn bị, họ mướn bạn, cất chòi ở giữ sân thường trực. Họ đốn tràm, đốn tre về xây hai vòng rào. Rào hình vuông, mỗi cạnh ước chừng 500, 600 mét, cao 2 mét. Lại còn vòng rào thứ nhì, nhỏ hơn chút ít. Mấy cây song rào phải cắm khít nhau, đóng sâu xuống đất ngừa khi chim phá rào chạy thoát.

Cuối tháng giêng chủ nhân gọi bạn giết đến. Bạn giết có nghĩa là bạn chuyên môn giết. Giờ ra tay thường là vào đêm không trăng, cuối tháng giêng. Nếu trăng sáng, chim con dủ lông đủ kiến sẽ bay mất.

Hai ba chục người bạn giết, nai nịt hẳn hòi, xông vào sân, tay quơ đuốc lửa, tay cầm cây « xơ quất » để đập mòng, bò chét bay ào ào hút máu chim. Họ la hét, đập đuốc ngay các ổ chim. Chim hoảng sợ, chạy vào vòng rào thứ nhứt rồi tuôn qua vòng rào thứ nhì. Các bạn giết liền hạ đuốc xuống rồi dùng hai tay mà bẻ cổ chim, hết con này đến con khác, cứ như vậy, từ canh ba đến canh tư, canh năm.

Trời rựng sáng. Xác chim nằm la liệt trên bãi chiến trường. Bạn giết làm xong nhiệm vụ, giờ đến phiên bạn nhổ, chuyên việc nhổ lông. Lông của mỗi con bó lại thành một nó chừng 35 lông lớn, 30 lông nhỏ đủ kết một cây quạt. Họ trao cho chủ sân, lãnh thẻ để sau này căn cứ vào số thẻ mà trả tiền công. Sau bạn nhổ, đến lượt những người đi hôi. Họ được quyền nhổ những lông còn sót lại với điều kiện là thanh toán các tử thi, đem bỏ tận ngoài sông Cái vì mùi xác hôi thúi có thể làm cho lũ chim còn lại hoảng sợ, bỏ sân bay mất.

Mỗi mùa, chim bị giết ba lần, lần đầu vào cuối tháng giêng, hai lần sau vào cuối tháng hai, tháng ba âm lịch.

Mỗi kỳ, trong một đêm, tại một sân, số chim bị giết ước từ 1000 đến 5000 con. Tính trung bình mỗi con 10 kílô thịt, chúng ta có con số khổng lồ là 10 đến 50 tấn thịt bỏ trôi sông, sình lên lều bều.

Tại san chim Chắc Băng vào khoảng năm 1873, 3 lần giết chim tổng cộng chnừg 16.000 con.

Tại sân chim cái nước, riêng một đêm 16 Mars, 5000 chim bị giết.

Chủ sân chim nọ có hai sân chánh, mỗi mùa giết ba lần, phỏng định 30.000 con, thâu hoạch chừng 9 tạ lông chim !
Quan chủ tỉnh Benoist thử làm một bài toán về huê lợi trong hai sân nọ :

30.000 con bồ nông, 6.000 con thanừg bè, 6.000 lông ô trị giá 56.700 quan tiền. Trừ chi phí còn một số lời khá to : 29.122 quan tiền, tức 26.610 quan (franc).

Năm 1881, có cho đấu giá sân chim ở Rạch Gía, từ 3, 6, 9 năm, « bây giờ mãn hạn 3 năm, phỏng định nếu đấu giá lại thì thêm 500 đồng bạc ».

Sân chim làm đầu đề cho các văn sĩ ở thuộc địa, thích màu sắc địa phương. A. Schreiner từng nhắc đến chim già sói trong quyển Contes de Cochi-chine, chuyện La chasseur de marabouts (tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1907). Ký giả lão thành H.L. Jammes tả lại việc khai thác sân chim với những lừoi lẽ quá bi đát (H.L. Jammes. Souvenirs du pays d’Annam, Challamel, Paris 1900). Quan thanh tra thuộc địa Ch. Hoarau-Desruisseaux ghi lại nạn muỗi mòng ở Long Xuyên. Năm 1875, quan chủ tỉnh Long Xuyên tiếp rước quan thanh tra. Trời chạng vạng tối, chủ và thượng khách phải đút mình vào một cái bao vải dày, trùm từ chân chí ngực vậy mà muỗi vẫn không chịu buông tha. Sau lưng mỗi ông thự dân có một tên « bồi » bổn xứ cầm quạt long ô, phe phẩy…

Chợ Gò Quao (Rạch Gía) ở ven sông Cái Lớn là nơi tập trung lông chim của vùng U Minh. Tuy là chợ làng nhưng có một chủ « nhà băng » Ấn Độ, Pajanne Appachetty giúp vốn cho các chủ sân.

Vào khoảng 1910, các sân chim bắt đầu ngưng hoạt động vĩnh viễn. Lý do rất dễ hiểu : sự tàn phá quá mực, thiếu kế hoạch ; chim con sanh không kịp để cung cấp lông kiến và sinh mạng ! Người Việt Nam đã hưởng thứ lộc trời ấy những 70, 80 năm, nghĩ đấng tạo hóa cũng đã quá rộng lượng rồi ! Dã đến lúc biến sân chim thành rẫy khoai lang và biến rẫy khoai lang ra ruộng lúa…

Hồi trước 1945, nhiều người dân ở U Minh còn mạo hiểm vào giữa rừng để tìm sân chim. Họ khởi hành từ xóm Tân Bằng, đi thẳng về phía đông chừng 10 cây số… Việc khai thác rất gay go. Từng đoàn người mang gùi, búa, rủ nhau vạch một con đường giữa các bụi tràm trầm thủy, dày bịt. Hai người đi tiên phong cầm hai đầu cây cán cỏ, đè bẹp sậy, choại xuống. Bọn đi sau theo đó mà tiến lên rất chậm chạp. Phải đi gần hai ngày mới đến sân.

Cũng theo lời thuật lại, sân chim rộng hơn mười mẫu, nồng nực mùi phẩn, mặt đất như bốc khói vì hơi thở của của bao nhiêu chim con chim mẹ đang hò hét, lúc hoàng hôn. Loại lông ô rất thính hơi người, ai nấy phải cởi áo ra bỏ một chổ để dấu mùi mồ hôi. Đêm đến, họ ra tay giết chim, nhổ lông rồi kéo xác chim bỏ ra xa.

Mỗi năm, họ vào sân lấy lông chừng đôi ba lần, cũng từ tháng giêng, tháng hai, tháng ba…Huê lợi tuy to tát nhưng phí nhiều sức khỏe nên ít ai muốn mạo hiểm…

Ngày nay, loại lông ô, chó đồng, già sói, bồ nông của sân chim ngày xưa đã thuộc về giai thoại… Dân chúng ở ven vịnh Xiêm La, ở ven sông Cái Lớn thỉnh thoảng còn thấy vài con chim khổng lồ bay về hướng sân cũ. Dôi khi nó dừng cánh, đậu ngất nghễu trên ngọn tràm cao. Mấy cụ già kính nễ nó, để coi chơi, như muốn giữ gìn những pho tượng cổ tích có tim có máu.

(Trích : TÌM HIỂU ĐẤT HẬU GIANG, SƠN NAM, PHÙ SA IN 1959)
 

Sheiran

Administrator
Staff member
Joined
Nov 17, 2011
Messages
5,260
Points
113
Rất thích ăn thịt chim, nhưng đọc bài này thấy chim bị giết mà tội quá... giết hàng loạt thế này thì...

Lâu lâu giết vài con nướng hay khìa nước dừa thì còn được. Hehe...
 
K

kitaromin

Guest
bùn vô đối,về miền tây,dự định đi coi vườn chim mà hok đc =.= vừa xa vừa hok có chim ~"~
 

Bác Ba Phi

<marquee behavior="alternate" scrollamount="1"><fo
Joined
Sep 7, 2010
Messages
799
Points
28
mùa này về Bến Tre, vào sân chim thì chỉ thấy ... phân chim thôi @@ :ngoaymui: vì Chim bị BBP bắt nhậu hết rồi :suong:
 
Top Bottom