Tìm hiểu về văn hóa miền Tây - Nguyễn Hồng Phúc

MinhThy

<marquee behavior="alternate" scrollamount="1"><fo
Joined
Nov 17, 2011
Messages
3,907
Points
113
Phần 1 – Lịch sử và địa danh

Quê hương tôi có con sông dài xinh xắn,
Nước tuôn trên đồng ruộng vắng,
Lúa thơm cho đủ hai mùa,
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng đê mê…


Lời phi lộ: Từ thuở bé tôi đam mê mấy bản nhạc đầy ắp tình quê hương – Làng tôi, Tình Hoài Hương, Việt Nam Quê Hương Tôi, Hương Đất, v.v. Những bài hát ấy vẫn nằm mãi trong tiềm thức của tuổi thơ cho đến ngày nay… Tôi có một hoài bão rằng là một ngày nào đó sẽ tìm hiểu về nguồn cội quê hương xứ sở thân thương của mình… xứ miền Tây Nam bộ…

Quê hương là nơi mà mình sinh ra đời và lớn lên ở đó, sống hầu hết thời kỳ thơ ấu với rất nhiều kỷ niệm. Ông cha ta thời xa xưa đều sống bằng nghề nông và thường định cư ở một nơi, đời nọ sang đời kia. Vì vậy nên khi nói đến quê hương là người ta liên tưởng đến một làng quê với luỹ tre xanh, với đồng lúa vàng cò bay thẳng cánh…
Cho dù quê hương tôi còn nhiều điều chưa được tốt đẹp và hoàn hảo cho lắm, đồng bào tôi vẫn còn nghèo khổ lắm nhưng nơi đó vẫn là nơi mà tôi đã được dạy cho biết đó là quê hương tôi.

Quê hương vẫn là nơi mà chúng tôi vẫn nhớ, vẫn thương, vẫn mong muốn cho quê mình ngày càng khấm khá hơn, vẫn muốn trở về sống trong tình làng nghĩa xóm tràn đầy yêu thương, vui vẻ…Không phải đến bây giờ sau bao nhiêu năm sống xa quê hương, đất nước, con người mới thấy nhớ về quê hương xưa cũ. Cho dù ngày nay những người bỏ xứ ra đi đã có nhiều người làm nên sự nghiệp huy hoàng, nắm những vai trò cao cấp trong xã hội mới. Thế nhưng lòng hoài hương vẫn theo đuổi trong tâm tư trên bước đường lữ thứ.

Dải đất hình chữ S mà Chế Lan Viên ví như "một con tàu xẻ sóng", đã chịu đựng quá nhiều đau thương bất hạnh trong suốt hàng thế kỷ chiến tranh. Dải đất hình chữ S kia đối với tôi là hình ảnh của một giọt nước mắt chảy dài trong đêm tối, là bóng dáng co ro của mẹ Việt Nam đang ngóng trông những đứa con còn mãi miệt mài mưu sinh nơi đất khách quê người… xa tít bên kia bờ đại dương…

Tình quê hương đã nằm trong máu huyết của mỗi chúng ta. Miền Tây là nơi đã nuôi dưỡng và bao bọc chúng ta, nơi có những cánh đồng lúa vàng, thửa ruộng xanh rì, là nơi có dòng sông tắm mát của tuổi thơ với những cành cây nặng trĩu trái ngọt và bà con dòng họ làm ta mãi thổn thức mỗi khi nhớ về… Trải qua lịch sử mấy ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, chưa bao giờ người dân Việt phải ra đi nhiều và tha hương lưu lạc khắp nơi như vậy. Chúng ta tưởng đã vĩnh viễn cách xa, là ngàn trùng ly biệt. Nhưng trong thực chất mỗi con người chúng ta vẫn còn cái tình đối với quê hương và cái nghĩa đối với dân tộc. Tình nghĩa ấy đã giúp dân tộc Việt tồn tại mãi đến ngày hôm nay.
Chúng ta luôn hướng về quê hương với những kỷ niệm thời ấu thơ, từng sống dưới những mái nhà tranh êm đềm bên cạnh luỹ tre xanh, nhớ về con đường làng đến bờ kinh xanh sau làn khói lam chiều. Ngày xưa chúng ta ra đi phải gạt đi những giọt nước mắt vì ngày về thì quá xa. Ngày nay trở lại miền Tây sau bao nhiêu năm xa cách. Trên đường về làng xưa, qua những phố xá đông người, những con đường xưa bị đổi tên xa lạ, nhiều ngôi nhà mới cất nguy nga, tráng lệ bên cạnh những mái nhà tôn còn hoen ố màu của rỉ sét thời gian, con đường xưa yên tĩnh bây giờ trở thành những khu phố "thương mại" buôn bán tấp nập, với đủ kiểu kinh doanh hè phố, với những tương phản của cuộc sống, những náo nhiệt của tuổi trẻ và những suy tư của người già…

Mời bạn hãy cùng chúng tôi đi ngược dòng thời gian để trở lại chốn xưa, chia sẻ những bồi hồi xúc động khi thăm lại con đường xưa, xóm cũ đầy ắp kỷ niệm ấu thơ… Và để tìm hiểu thêm về văn hóa miền Tây, chúng ta thăm lại non sông cẩm tú ấy với Mỹ Tho Đại phố, qua bến Ninh Kiều diễm lệ bên cạnh dòng sông Cần Thơ, về Bạc Liêu để nghe lại bài dân ca Dạ Cổ Hoài Lang, đến Sóc Trăng để nghe lòng rộn rã hồi hộp khi dự lễ đua ghe Ngo, về Cà Mau thăm lại rừng tràm, rừng mắm…

Kính dâng lên hương hồn Cha, người đã sớm hun đúc cho con cái một tấm lòng luôn thiết tha với quê hương, để viết lên những huyền thoại vẻ vang của dân miền Tây cũng như xứ sở Việt Nam …
 

MinhThy

<marquee behavior="alternate" scrollamount="1"><fo
Joined
Nov 17, 2011
Messages
3,907
Points
113
Miền Tây và Văn hóa Óc Eo

Năm 1679, hai di thần nhà Minh là Trần Thắng Tài và Dương Ngạn Địch đem binh biển và gia quyến với 3000 người, hơn 50 chiến thuyền di tản về phương nam đến gần kinh đô Thuận Hóa, với lòng mưu cầu phục Minh sau này, đến để xin được chính quyền Việt Nam giúp đỡ. Chúa Nguyễn, Hiền Vương, nghĩ nếu từ chối và đuổi đi, thì đám tàn quân nầy vì cùng đường có thể đánh phá ta, nên tiếp đãi niềm nở, còn khoản đãi, phong chức và cho phép vào phía nam khẩn hoang, lập nghiệp ở Biên Hòa, Cù Lao Phố, và Định Tường – Mỹ Tho Đại phố với lời chỉ dẫn "đó là vùng đất mới của ta.

Điều đáng chú ý là đòan chiến thuyền này được đưa vào Nam có người hướng dẫn thần tình. Chứng tỏ thời chúa Nguyễn vùng đất vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long được nghiên cứu kỹ lưỡng tường tận.

Tướng Trần Thắng Tài vâng lệnh Chúa Nguyễn dẫn một đoàn quân với chiến thuyền đi về vùng Biên Hòa để khai phá và định cư lập nghiệp. Phần đất này là căn cứ xuất phát của người Việt đầu tiên xâm nhập bằng đường lối hoà bình vào lảnh thổ Miên. Dần dần người Việt đuổi dân Khmer về miền Tây Nam phần. Người Miên phải bỏ làng mạc và ruộng đất, sống ẩn náu trong các rừng rậm hoặc đầm lầy. Họ mở mang thương mãi và chỉ trong ít lâu biến Cù Lao Phố thành một trung tâm thương mãi trù phú. Đến khi Tây Sơn tiến đánh vào Nam, một phần dân cư ở đây di tản về Bến Nghé sanh sống. Họ chuyên thu mua và bán nông phẩm từ phía Định Tường chở tới. Bến Nghé sau này trở thành Chợ Lớn và hoạt động kinh tế vẫn còn nằm trong tay người Hoa. Trong lúc đó, tướng Dương Ngạn Địch dẫn một đoàn quân kéo về Định Tường định cư lập nghiệp. Cánh nầy chuyên về nông nghiệp. Họ lập ra những nông trại, dần dần mở mang ra thành vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long ngày nay. Vào thời đại nây nền kinh tế miền Nam bộ rất phồn thịnh. Vào cuối thế kỹ 16 với sự thông thương buôn bán với những nước Tây phương như Tây ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Hòa Lan và Anh Quốc làm đất nước thêm trù phú. Vào thời đại nầy đạo Thiên Chúa giáo cũng bắt đầu gia-nhập vào đời sống tín ngưỡng của người Việt Nam.

Vào thời gian ấy năm 1695, Mạc Cửu từ Thái Lan qua, đặt chân ở Hà Tiên, lập ra thương cảng, một thời buôn bán phồn thịnh. Sau nhiều lần bị Xiêm La (Thái Lan) và Chân Lạp (Cao Miên) uy hiếp, Mạc Cửu chấp nhận thuần phục Nhà Nguyễn và được chúa Nguyễn phong chức quan, cai quản phần đất Hà Tiên để về sau nầy nối liền với Rạch Giá [2].
Cũng vào triều đại nhà Lê Chiêu Thống, đất Bắc ngự trị bởi chúa Trịnh trong khi miền Nam là đất của Nhà Nguyễn, nên khi Gia Long (Nguyễn Ánh) tẩu quốc, chạy vào Định Tường, Ba Giồng, được dân chúng miền Nam khắp nơi niềm nở đón tiếp và phục vụ nhà vua tận tình. Trịnh Nguyễn phân tranh cũng vào thời đại từ 1627 đến 1772.. Từ khi hoàn toàn chinh phục miền Nam năm 1802, nhà Nguyễn chiêu mộ dân lập ấp đưa về miệt dưới như Ba Xuyên, Cà Mau, Rạch Giá. Trong chương trình lập ấp, tức tổ chức định cư về mặt xã hội, chính quyền nhà Nguyễn kêu gọi những tù phạm nếu hưởng ứng chương trình này họ sẽ được khoan hồng. Nhà Nguyễn theo đuổi mục tiêu chiến lược là mở rộng bờ cõi về phía Nam, thiết lập và củng cố chính quyền miền Nam, tổ chức phòng thủ chống ngoại xâm. Và lãnh thổ Nhà Nguyễn từ đó chạy dài tận mũi Cà Mau….Theo sự suy diễn thì chúa Nguyễn có công to lớn trong việc mở mang bờ cỏi và khai thác vùng đất màu mở và trù phú bị bỏ hoang để trở thành miền Tây trù phú phồn thịnh hơn các nơi khác trên toàn quốc.
Để có một ý niệm khái quát, chúng ta không thể tách rời lịch sử của đất miền Tây ra khỏi lịch sử của nước Phù Nam, của nước Chân Lạp và lịch sử các nước chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ nói chung .

Cũng theo người làm sử thì thành cổ Óc-Eo là một thương cảng sầm uất thời trung đại bị chìm dưới lòng đất, được nhà Khảo cổ tên Francois Malleret tiến hành khai quật vào ngày 10 tháng 2 năm 1944 (xã Vọng Khê, huyện Thoại Sơn cách thành-phố Long Xuyên 30Km về phía tây nam) đã làm "sống lại" một nền văn hóa cổ, đã hình thành và phát triển trên châu thổ sông Cửu Long từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII sau công nguyên. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học dựa vào các kết quả khai quật khảo cổ đã chứng minh văn hóa Óc Eo là sản phẩm vật chất của Vương quốc Phù Nam. Qua những kết quả nghiên cứu, hình thái văn hóa Óc Eo - Phù Nam đã được hình thành khá rõ nét, với một số đặc trưng tiêu biểu như: một số kỹ thuật làm đầm lầy khá cao, thể hiện qua cách giải quyết đất thấp làm nơi cư trú bằng cách cất và nâng cao nhà sàn bằng gỗ, việc thực hiện hệ thống kênh đào tỏa rộng ở nhiều nơi trên đồng bằng châu thổ sông Cửu Long mà dấu vết còn quan sát được bởi nhà khảo cổ. Phần lớn những di tích kiến trúc của Phù Nam là những đền thờ và mộ táng với một loại hình kiến trúc gạch đá hỗn hợp có quy mô lớn bằng kỹ thuật xây nền và tường gạch dày đặc, lối lắp ráp những phiến đá granit lớn, v.v.

Văn hóa Óc Eo có những giao lưu văn hóa rộng lớn với những nền văn minh thời cổ đại như với văn minh Đông Sơn (những hoa văn trang trí và những hiện vật đồng kiểu tương tự như văn minh Đông Sơn); với Ấn Độ (những tượng thờ thuộc Ấn Độ giáo, Phật giáo, đồ trang sức, con dấu, văn tự…); với thế giới Địa Trung Hải và Trung Đông (huy chương La Mã, đồng tiền bằng đồng, tượng đồng, hạt chuỗi La Mã...); và với Trung Hoa (mảnh gương đồng, tượng phật nhỏ). Tỉnh Tiền Giang vào những thế kỷ đầu công nguyên thuộc vương quốc Phù Nam và những vết tích của nền văn hóa này hiện vẫn còn được lưu giữ ở bảo tàng viện vùng nầy.

Theo những khám phá của các nhà khảo cổ học, con người đã có mặt ở vùng đất miền tây Nam Bộ khá lâu đời. Nếu căn cứ theo những di chỉ cư trú và di cốt của con người ở Óc Eo, Ba Thê, Núi Nổi… thì từ cách đây từ 2,000-3,000 năm, con người đã có mặt ở vùng đất còn chứa nhiều nước mặn, sình lầy, cây dại và dã thú này; đồng thời họ cũng để lại nhiều dấu ấn văn hóa khá đặc trưng về vùng miền, mà sinh động và thiết thực nhất là ở vùng tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng. Rất tiếc là các di tích của nền văn minh ấy chỉ cho chúng ta thấy rằng, nền văn minh ấy chỉ hứng khởi lên khoảng vài trăm năm rồi bị chìm lấp trong lòng đất miền Tây, với những hình ảnh hư ảo còn lại của một vương quốc Phù Nam trong sử sách.

Công cuộc mở đất phương Nam chỉ thật sự định hình từ những cuộc di dân lớn của người Việt ở đầu TK 17. Chỉ đến khi nhà Nguyễn tiến hành những cuộc di dân theo cách qui mô từ vùng Ngũ Quảng trở vào - Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên), và Quảng Nghĩa(Quy Nhơn), kết hợp với sự di dân lẻ tẻ sau thất bại của nhà Minh trước triều Mãn Thanh (do Dương Ngạn Địch, Trần Thắng Tài và Mạc Cửu cầm đầu), cùng với việc di dân lẻ tẻ trước TK 15 của những lớp cư dân cổ Khmer đến từ nhiều vùng trên đất nước Campuchia, tràn về theo sông Tiền, sông Hậu để tránh họa diệt tộc của vua chúa Xiêm La, và sự di dân tự nhiên của người Chàm Hồi giáo đến vùng Châu Đốc, kết hợp với quá trình chuyển cư tại chỗ của cộng đồng các tộc người để lập làng lập ruộng, vùng văn hóa mang bản sắc miền Tây Nam Bộ mới thật sự hình thành. Nhờ quá trình sinh sống gần gũi giữa các cộng đồng dân tộc tạo nên những tiếp xúc văn hóa với nhiều đặc trưng khác nhau, làm nên tính chất văn hóa, kinh tế của một vùng đất miền Tây rộng lớn. Đây là một vùng văn hóa trẻ, phong phú, đa dân tộc, đa tôn giáo và đa màu sắc. Song những đặc trưng văn hóa của các tộc người anh em khác vẫn tồn đọng sâu đậm trong nông thôn của nhiều vùng - đặc biệt là những vùng có tính chất khu biệt như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau.

Từ giả thuyết trên chúng ta có thể suy diễn rằng tổ tiên chúng ta là sự kết hợp của những tàn quân Tây Sơn lánh nạn để thoát vua Gia Long đến từ vùng Ngũ Quảng và An Khê (Pleiku) cộng với sự di dân của nhà Minh trước triều Mãn Thanh, sự di dân của người Khmer để tránh sự diệt chủng của vua chúa Xiêm La và người Chàm hồi giáo. Dần dần họ trở thành những nhà nông biết trồng trọt lúa gạo, biết dựng nhà, đóng thuyền, luyện kim, dệt vãi, chế tạo đồng thao, vẽ tranh tạc tượng, suy nghĩ khoa học và cũng có thể sáng tạo được chữ viết. Và cũng do sự tình cờ của lịch sử hơn nghìn năm dài Bắc thuộc và hơn trăm năm lệ thuộc Pháp đã đóng góp nhiều cho nền văn hóa miền Tây…

Để tìm hiểu đặc trưng văn hóa miền Tây, tất nhiên phải quan sát tính cách con người để xem xét. Bởi vì con người là chủ nhân của mọi ngôn ngữ và hành động, tác động sâu sắc đến âm nhạc, văn học, cũng như kiến trúc, những lễ hội và phong tục. Chúng ta thử tìm hiểu những nét đặc sắt của nền văn hóa miền Tây như tết Nguyên Đán, tết Trung Thu, tết Thanh Minh, tục thờ cúng và làm giỗ Ông Bà và tổ tiên, lễ cưới hỏi, lễ cúng trăng với đua ghe Ngo Sóc Trăng, lễ Phật Đản và Vía Bà Châu Đốc, dân ca miền Tây và Chợ nổi Cái Bè, Cái Răng, Ngã Bảy…

 

MinhThy

<marquee behavior="alternate" scrollamount="1"><fo
Joined
Nov 17, 2011
Messages
3,907
Points
113
Chợ nổi Cái Bè / Ngã Bảy / Cái Răng / Ngã Năm

Người dân miền Tây chủ yếu đi lại bằng kênh rạch nên tốt nhất chở ra một đầu mối ở sông để mà bán, từ đó hình thành một cái chợ nổi. Nhưng chợ nổi miền Tây rất sinh động, sinh động hơn cả chợ nổi ở Thái Lan, một khu chợ nhân tạo, trong khi đó chợ nổi của ta hình thành từ tập quán sinh sống với những sản vật phong phú miền Tây gồm các văn hóa nổi bật như: trao đổi, giao tiếp, hò đối đáp, đờn ca tài tử, hát bội và sân khấu cải lương… Trong văn hóa sông nước miền Nam bộ thì chợ nổi Ngã Bảy, Cái Răng, Cái Bè và Ngã Năm có nét đặc thù riêng biệt. Theo sự nghiên cứu thì những chợ nổi này đã hình thành hơn trăm năm nay.

Đối với những người mua bán ở chợ nổi, chiếc ghe dùng để chở hàng hóa cũng là căn nhà di động. Mọi hoạt động mua bán, sinh hoạt của gia đình đều diễn ra trên ghe. Khoảng không gian tuy hẹp nhưng cũng đủ gói ghém những vật dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày.

Đến chợ nổi, bạn sẽ chứng kiến cảnh mua bán rau quả, đặc sản địa phương hàng hoá rất đa dạng, phong phú và có thể trao đổi hàng hoá nông sản của miền Tây Nam bộ như: xoài, mận, cam, bưởi, vú sữa, ổi, hành, ớt… Rất nhiều loại hàng quán khác mọc ven sông như phở, hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi ngay cả xăng dầu cũng có… Từ ngàn xưa, khi tiền tệ chưa xuất hiện, việc trao đổi mua bán cuả người dân miền Tây sông nước qua hình thức "hàng đổi hàng". Ngày nay, hình thức này đã không còn tồn tại. Vì thế cư dân gần đây đã tái hiện lại phong tục này mà chính du khách là người trao đổi với những chủ ghe bán loại trái cây, rau quả mà khách thích. Nét đặc trưng trong cách thức mua bán ở chợ nổi là không phô trương hàng hóa hoặc rao hàng như các chợ trên đất liền, mà từ lâu người ta đã dùng tín hiệu. Sản phẩm miệt vườn được treo trên một cây sào cắm trước mũi ghe gọi là “cây bẹo”. Người mua chỉ cần nhìn vào “cây bẹo” là biết ngay ghe bán thứ gì.

Mỗi chợ nổi miền Tây có một nét đặc trưng của từng địa phương. Ví dụ chợ nổi Ngã Bảy ở đây mặt sông mênh mông rẽ về bảy ngã. Từ các ngã, thuyền bè tấp nập tụ về đây. Chợ ở trên mặt đất có những thứ gì, thì chợ nổi cũng đủ những mặt hàng mà người dân cần, từ cái kim sợi chỉ cho đến quần áo, thức ăn, rượu thịt… còn các loại trái cây thì nhiều vô kể. Từ chợ nổi, người ta sẽ được cập bến để lên chợ rắn. Cái tên chợ rắn Ngã Bảy cũng đã rất quen thuộc với du khách quốc tế. Đến tham quan chợ rắn, bạn sẽ được mời uống rượu rắn và được xem những màn biểu diễn múa rắn rất mạo hiểm. Chợ Ngã Bảy quanh năm có rắn, rùa, chim, sóc, kỳ đà … phục vụ du khách. Trong khi chợ nổi Cái Răng thu hút khá đông du khách đến tham quan và tăng gấp bội vào những ngày giáp Tết nhờ ở gần trung tâm thành phố. Đến chợ này bạn sẽ có dịp trò chuyện với các nhà vườn xung quanh về những kinh nghiệm trong việc trồng cây trái ngon ngọt của họ. Đôi khi khách còn được nhà vườn biếu những loại trái ngon, vật lạ làm quà hoặc mua với giá rất rẻ. Sản phẩm chợ nổi Cái Răng để lại dấu ấn trong văn minh thương mại sông nước. Chợ Nổi Cái Răng được xem như là sản phẩm đặc thù của thành phố Cần Thơ cũng như sông nước đồng bằng.

Ngày nay khi ta đến với vùng đất Miền Tây đi qua sông Tiền, Sông Hậu sẽ được nghe nhắc đến những khu chợ nổi đặc trưng của Miền Tây như: chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng, Phụng Hiệp (Cần Thơ), chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng)…những khu chợ nổi này đã gắn bó với người dân và hơn nữa trong xu thế phát triển và hội nhập của đất nước những khu chợ nổi này đã trở thành một loại hình văn hoá du lịch hấp dẫn đới với du khách trong nước và quốc tế. Ngày nay, dẫu đường bộ đã phát triển đến tận những vùng nông thôn hẻo lánh của thành phố miền Tây, nhưng các chợ trên sông vẫn tiếp tục tồn tại, tiếp tục họp tan theo con nước lớn ròng - một nét văn hóa đặc sắc của người dân miền sông nước đồng bằng…

 

MinhThy

<marquee behavior="alternate" scrollamount="1"><fo
Joined
Nov 17, 2011
Messages
3,907
Points
113
Dân ca (Vọng Cổ và Cải Lương) Nam Bộ

Bản vọng cổ đã có sức sống mãnh liệt trong lòng công chúng, nó chiếm lĩnh tình cảm tất cả các tầng lớp từ trí thức, đến những người bình dân nhất… Chỉ có câu chữ nhạc trong khuôn khổ nhất định mà mỗi người đờn nghe khác nhau về âm sắc, người ca nhiều hơi, kỹ thuật giọng điệu cũng khác nhau, người viết lời khác nhau tạo hương sắc bản vọng cổ muôn màu muôn sắc tuyệt vời.

Ai là người sáng lập nhạc dân ca vọng cổ Nam bộ vẫn còn là đề tài để bàn. Theo sử liệu thì người miền Tây biết là năm 1919 bài Dạ Cổ Hoài Lang được sáng tác bởi nhạc sĩ Cao Vân Lầu ra đời tại Bạc Liêu và cũng là sự khởi đầu của nền vọng cổ và cải lương Nam bộ.

Từ bản chất phóng khoáng và nếp sống của dân miền Tây đã làm cho nền cải lương trở nên dân dã. Mặt khác do lòng luôn thương nhớ cội nguồn nên các điệu cải lương phản ảnh phần nào nỗi buồn trong bài ca và cũng được người mộ điệu ưa thích. Bản vọng cổ và cải lương là giai điệu đời sống tình cảm của người miền Tây. Cũng ở vùng miềnTây nầy, tới đâu ta cũng gặp cảnh sông nước mênh mang, kênh rạch chằng chịt chia xẻ các miệt vườn, đem phù sa tắm mát cho cây trái. Ở mảnh đất giàu hoa quả và trí dũng này, tới đâu ta cũng gặp những điệu hò, điệu lý, tới đâu ta cũng gặp những cây cầu, từ "cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi" tới "cầu ván đóng đinh", rồi cầu xi măng, cầu sắt… Ở đó ta sẽ gặp những nhóm "đàn ca tài tử " được hình thành từ một số người có khả năng đồng thời cũng say mê với những điệu hò, điệu lý và vọng cổ Nam bộ.

Nhóm này là những người nông dân suốt ngày làm ruộng, làm vườn, nhưng đến những ngày có đám tiệc, đám giỗ, hoặc đám cưới gã thì tập trung lại thành một nhóm, người thì đàn, kẻ thì đánh phách, còn các cô gái thì hát những bài ca thể hiện tình yêu thương đất nước và con người.
Cải lương và nhiều bài hát còn lưu truyền cho tới ngày nay đều xuất phát từ miền Đồng Bằng Sông Cửu Long, bởi vì miền này trù phú, người dân có đời sống sung túc nên có thời giờ và điều kiện nghĩ đến những môn giải trí tao nhã. Qua đó, chúng ta thấy cải lương ra đời từ miệt vườn, thâu thập những cái hay, đổi mới cái cũ theo nhu cầu, hoàn cảnh địa phương…

Nguyễn Hồng Phúc - Canada
(Taberd 12B2 – 72-73)
 

MinhThy

<marquee behavior="alternate" scrollamount="1"><fo
Joined
Nov 17, 2011
Messages
3,907
Points
113
[h=3]Phần 2 - Phong tục và tập quán

Tục thờ cúng Ông Bà Tổ Tiên và ngày giỗ
[/h]
Thờ ông bà là một bổn phận và nhiệm vụ trọng đặc thù của người miền Nam. Trong quảng đại quần chúng xưa và nay, người ta thường nói "đạo thờ ông bà" là tín ngưỡng sâu sắc, nhưng không là một tôn giáo, "đạo" nói ở đây phải hiểu là đường lối do lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà đã khuất. [5]
mt3.jpg

Khi tôi hoàn tất bài viết này thì hoàn cảnh xã hội ở Việt Nam đã phức tạp hơn trước những năm 1975 rất nhiều. Việc thờ cúng tổ tiên cũng đã phát triển rộng và đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân miền Tây. Các nghi thức này không những nhằm chuyển những thông điệp mà còn để tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với những người đã khuất.

Dân miền Tây tin rằng Ông bà có thể phù hộ con cháu họ là một trong những lý do khiến mọi người coi trọng việc thờ cúng tổ tiên và việc làm giỗ. Ngoài ra, vẫn còn có một lý do khác buộc chúng ta phải quan tâm đối với những người đã mất, đó là quan niệm thuộc nền tảng đạo đức và đạo lý làm người. Đạo làm con phải “uống nước nhớ nguồn”. Không ai tự nhiên được sinh ra, không ai tự nhiên lớn lên, tất cả đều phải chịu ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và những người đi trước, “có tổ tiên mới có mình”. Sự biết ơn và tưởng nhớ công lao của tổ tiên chính là để thể hiện “đạo lý làm người”, một đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam nói chung và người miền Tây nói riêng.

Cách thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên liên quan hệ chặt chẽ với hoàn cảnh kinh tế xã hội. Ví dụ, ngôi mộ mà gia đình tôi đã xây dựng cho cha tôi chứng tỏ gia đình có hoàn cảnh kinh tế hơi khấm khá, và mẹ tôi rất tự hào vì “mọi người cho rằng nó là ngôi mộ to và đẹp nhất Phụng Hiệp”. Chính điều này nhiều khi cũng gây ra không ít những sự ganh đua trong dòng họ. Vì thế, trong nghĩa trang ngày nay càng mọc lên nhiều ngôi mộ rất lớn và đẹp. Tuy nhiên, giá trị thực sự của một ngôi mộ chính là ở sự thành tâm của đạo làm con. Vẻ đẹp của ngôi mộ không chỉ chứng tỏ sự thành công về mặt tài chính mà còn thể hiện sự tận tụy và nhân tính của một gia đình có nền tảng đạo đức tốt đẹp. Cùng với việc thờ cúng, sự quan tâm đến mồ mả cha ông chúng tôi càng làm nổi bật lên nhân cách tốt đẹp của gia đình.

Theo tục lệ người miền Tây, ngày giỗ là "chung thân chi tang" có nghĩa là ngày tang trong suốt cả đời người. Mỗi năm vào đúng vào ngày người đã mất là một lần giỗ, cho nên người miền Tây thường quan trọng ngày cúng giỗ ông bà cha mẹ. Và cũng theo tục lệ này, bữa cúng phải có chén cơm xới đầy cùng những thức ăn thông thường mà khi người còn sống vẫn thích. Vì thế người miền Tây mới gọi tên cúng giỗ là "cúng cơm". Những khách khứa cùng bà con thân thích, hợp mặt lại gợi lại những gì tốt đẹp của người qua đời, trước khi ngồi vào bàn ăn giỗ phải làm lễ dâng cúng với những lễ vật mình đem tới và chắp lạy trước bàn thờ . Trên bàn thờ đèn nhang đã được thắp từ trước, khi các thức ăn được bày lên. Gia trưởng trang phục chỉnh tề, xem xét kỹ các lễ vật có đầy đủ rồi mới bước vào chiếc chiếu được trải trước bàn thờ, quỳ xuống, hai tay chắp lại vòng ngang trán và vá bốn lạy. Một trong hai người chấp tay lạy thường là em hay con cháu gia trưởng, đứng hai bên bàn thờ, thấp ba nén hương, đưa cho gia trưởng váy một váy lui rồi trao lại đem cắm lên bát hương. Người chấp lạy thứ hai mở nút bình rượu, rót rượu và nước lên ba chén để trên đài, xong đâu vào đó rồi gia trưởng làm lễ khấn.

Nhìn chung người miền Tây thực sự tự hào về việc thờ cúng tổ tiên, hay nói khác hơn là việc này tạo cho họ cơ hội giao tiếp, phát triển mối quan hệ họ hàng, chia sẻ vui buồn và hợp tác với nhau vì lợi ích của cả cộng đồng.

Tôi nhớ buổi tối “đám tang” của Cha tôi, ngày họ hàng nội ngoại hợp lại, bên nội tôi đa số từ Phong Dinh về và dòng họ ngoại tôi đa phần ở Sóc Trăng và Bạc Liêu, một bữa ăn chung ấm cúng, đã tạo cho họ ngoại nội có điều kiện nói chuyện, trao đổi ý kiến để tạo thêm tình thân thiết họ hàng.

Có thể nói, tổ tiên ông bà và những người đã qua đời đóng một vai trò hết sức ý nghĩa trong đời sống người dân miền Tây nói riêng hay Việt Nam nói chung như hiện nay.

[h=4]Tết Thanh Minh hay Lễ Tảo Mộ[/h]
Thanh Minh trong tiết tháng Ba"
"Lễ là Tảo Mộ, hội là Đạp Thanh"

Thăm viếng phần mộ tổ tiên cũng là nét đặc trưng của văn hóa miền Tây, một tục lệ trong “đạo thờ ông bà” của dân tộc ta vốn từ lâu đã trở thành truyền thống. Dù điều kiện khó khăn thế nào đi chăng nữa trong cuộc mưu sinh, dù cả năm bôn ba làm ăn ở nơi xa, nhưng chốn quay về vẫn là gia đình. Nhiều gia đình cho rằng mỗi dịp tảo mộ cũng là một dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong năm với cả gia đình, dòng họ. [6]

Ngày Tết Thanh Minh được tính theo ngày Dương lịch hàng năm vào ngày 5 tháng 4 (nếu vào năm nhuần thì sẽ là ngày 4 tháng 4). Thanh Minh nghĩa là thời tiết trở nên mát mẻ quang đãng, trong lành. Người ta đi thăm viếng, vun lại những nấm mồ, phát cỏ dại, chặt cây cối quanh mộ, sửa sang, tu bổ mộ phần những người quá cố trong gia đình, và cả những phần mộ của các vị tổ tiên nhiều đời trước đó. Đôi khi họ cũng thắp nhang cho những mộ phần vô chủ. Đồ cúng tế thường là một lễ mặn nhỏ gồm: nhang, đèn, trầu cau, tiền vàng tiền bạc, rượu, thịt (chân giò, gà luột hay khoanh giò) và hoa, quả. Dân miền Tây tin rằng ngôi mộ là ngôi nhà của người đã mất, vì vậy sơn phết và chùi dọn mộ bên ngoài là dọn nhà cho người thân đã mất của mình có chỗ ở an khang và tốt đẹp.

[h=4]Tết Nguyên Đán[/h]
Đối với người Tây phương, Noel là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Nhưng đối với dân Việt, tết Nguyên Đán là ngày trọng đại nhất. [6]

Tết đối với người miền Tây được ví như sự tổng hợp của Giáng Sinh, New Year và St-Valentine của người phương Tây. Cái Tết bắt đầu cho năm mới, hy vọng về mọi sự may mắn tốt lành của mùa xuân nảy lộc đâm chồi, đồng thời cũng bỏ lại tất cả những rủi ro, đen đủi của năm cũ. Người miền Tây có tục hằng năm mỗi khi Tết đến lại trở về xum họp dưới mái ấm gia đình và để hàn huyên tâm sự sau một hay nhiều năm xa cách. Tuy là Tết cổ truyền của dân tộc nhưng tuỳ theo mỗi vùng, mỗi miền của Việt Nam hoặc theo những quan niệm về tôn giáo khác nhau nên có thể có nhiều hình thức, nhiều phong tục tập quán địa phương khác nhau. Nhưng đều có chung một điểm là có thể phân làm 3 khoảng thời gian, mỗi khoảng thời gian ứng với những sự chuẩn bị, ứng với những lễ nghi hay ứng với những hình thức thể hiện khác nhau, đó là: Tất Niên, Giao Thừa và Tân Niên.
mt4.jpg

Tết là dịp cho dân ta tạ ơn trời đất đã ban phúc cho mỗi gia đình làm ăn khắm khá hơn so với năm vừa qua. Nhiều người muốn được khấn váy trước bàn thờ, thăm lại ngôi mộ hay nhà thờ tổ tiên. Cũng có người muốn thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn, thời niên thiếu với gia đình. Đối với những người xuất thân từ nông thôn miền Tây, kỷ niệm thời niên thiếu có thể gắn liền với sông nước, sân vườn.

"Về quê ăn Tết" đã trở thành một thành ngữ quen thuộc gợi lên cuộc hành hương về nơi cội nguồn. Dầu đi đâu về đâu, ngày nay mỗi lần Tết đến tôi lại mang mang nhớ nhung cái "hồn" của chợ quê xưa. Tấm "hồn" đó là do sự lắng đọng của quang cảnh chợ Tết của tỉnh tôi, dọc hai bên bờ sông có hàng hoa đủ loại đua sắc, nào là mai vàng vạn thọ, hướng dương, thủy tiên v v…

Hồ nước ngọt Sóc Trăng có đủ loại các trò chơi cho trẻ em và đủ gian hàng vui chơi giải trí, vẫn sống mãi trong tâm thức. Nhớ lại thuở bé, chúng tôi Io lắng chờ dịp tết sớm đến để có cơ hội diện bộ đồ mới để đi thăm và khoe với họ hàng ông bà ở Phong Dinh và khi về mang đầy ấp mấy bao tiền lì xì…

Tết cũng là dịp cho mọi người cám ơn nhau trong suốt một năm trời sinh hoạt chia sẻ những vui buồn với nhau. Anh em đến chơi với nhau hay đoàn tụ người phương xa, uống chén rượu, hoặc chén nước trà tàu, trà sen hoà với vài ba hạt dưa, ăn vài miếng mứt, nếu xom tụ hơn thì thịt kho hột vịt dưa hấu, tôm khô cũ kiệu nhâm nhi ngày tết.

Bạn bè thăm hỏi lẫn nhau, mỗi người đưa một danh thiếp đỏ đề mấy chữ chúc tặng nhân dịp năm mới. Tuy nhiên Tết cũng trở thành một nỗi lo âu và là gánh nặng cho lớp người với điều kiện kinh tế chật hẹp.
Tết Nguyên Đán là lễ tết đầu tiên của một năm. Tết được bắt đầu từ lúc giao thừa. Theo chữ Hán, Nguyên có nghĩa là bắt đầu, Đán là buổi sớm maị Tết Nguyên Đán tức là tết bắt đầu đầu năm, mở đầu cho mọi công ăn việc làm với tất cả mọi cảnh vật đều mới mẻ đón xuân sang. Năm hết Tết đến, những sự may mắn mới đến, và bao nhiêu điều lo âu phiền toái của năm cũ đều theo năm cũ mà đi hết.
mt5.jpg

Tết Nguyên Đán đến là ngày xuân ấm áp cũng đến, mang lại hoa cỏ xanh tươi khiến cho mỗi người chúng ta thấy nao nao tâm hồn như những trẻ thơ, mặc dù sau một năm dài làm lụng vất vả có biết bao lo toan trong cụôc sống.
Người miền Tây thích trưng bày hoa Mai, vạn thọ hay các loại hoa nẩy lộc mỗi dịp Tết đến. Khác với miền Bắc, khí hậu có phần nào lạnh hơn, thích hợp cho hoa Đào khoe sắc. Cứ mỗi dịp Xuân về bất cứ người miền Tây nào, nhắc đến cây Mai là nhắc đến ngày tết cổ truyền dân tộc, nhắc đến bành tét bánh chưng, cây nêu tràng pháo, bánh mứt tràn trề.

Tôi vẫn nhớ gia đình thường sửa soạn cho ngày tết bắt đầu từ tháng chạp (tháng 12 âm lịch). Nhà nhà đều lo mua gạo nếp, mua đậu xanh để gần đến ngày gói bánh tét. Bên cạnh đó, mẹ tôi đi chợ sắm sửa những vật dùng cho ngày Tết. Mẹ tôi mua sẵn gà, bánh mứt, trái cây, hương để cúng và biếu họ hàng gần xa.Trước tuần lễ tết chúng tôi thường lau chân đèn hay bộ lư toàn bằng đồng óng ánh. Chúng tôi phải lau cho chúng bóng loáng như sự sáng sũa cho cả năm mới đến. Trước đây mẹ tôi còn mua pháo tết nhưng ngày nay lặng tiếng pháo cũng bớt đi phần nhộn nhịp vào những ngày tết. Chúng tôi những học trò tha hương cầu thực thế nhưng nhân dịp tết cũng cố gắng chuẩn bị món quà nhỏ biếu thầy cô. Bước vào bất cứ nhà miền Tây nào trong thời điểm cuối năm cũng có thể nhận thấy ngay không khí chuẩn bị Tết nhộn nhịp, từ việc mua sắm, may mặc đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp người thân ở xa về...

Không những lo sửa soạn các vật dụng vào dịp tết mà người dân miền Tây còn lo sắm một bộ quần áo Tết. Đặc biệt là các cô gái mới độ xuân thì, ngày xuân là dịp các cô chưng diện để cho mọi người ngắm nhìn đặc biệt là các cậu con trai mới vừa đôi mươi, đang tìm hồng nhan tri kỷ.
mt6.jpg

Tết Nguyên Đán được bắt đầu từ mùng một đến hết mùng bảy (lúc hạ nêu). Và cũng trong bảy ngày tết mọi gia đình đều chưng bày những câu đối dán trên tường, và cũng dán trên trái cây để cúng váy Ông bà tổ tiên bằng những mảnh giấy màu đỏ. Theo tục lệ Trung Quốc màu đỏ tượng trưng quyền lực vô hình có thể xua đuổi tà ma để con cháu năm mới làm ăn khấm khá và phát tài hơn. Chưng bày mâm ngũ quả trên bàn thờ của gia đình trong những ngày Tết mang ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của dân miền Tây. Chính vì vậy, người miền Tây dù ở phương trời nào, đến ngày Tết cổ truyền vẫn không bỏ qua tục lệ này, như một sự nhắc nhở, cho bản thân và cho con cháu, về cội nguồn của mình…

Xông nhà ngày Tết là một việc hết sức trọng đại vì thế hầu như nhà nào cũng kiêng kị rất cẩn thận. Bởi nếu không những điều xấu sẽ vận vào bản thân mà còn ảnh hưởng đến gia đình mình. Vì sợ “dông” nên phải chọn người xông nhà không xung tuổi với chủ nhà. [11]

Người miền Tây còn có thói quen chọn người có tên đẹp như Phúc, Lộc, Thọ, Tài, Lợi…mời đến xông nhà để cả năm sẽ thuận lợi, may mắn. Người xông nhà đầu năm phải là người có tài lộc, hiền hậu và có đức hạnh tốt. Người ta thường chọn những người gia cảnh song toàn, con cháu đông đàn dài lũ, làm ăn thịnh vượng, vì thế mới có lệ “hẹn trước”, mời đến xông nhà. Nếu buổi sáng mồng một mà vẫn chưa có ai đến xông nhà thì gia đình sẽ cử một người trong gia đình đi xông đất nhà người quen hay người thân trước và như vậy khi trở về nhà mình, người ấy sẽ là người xông đất của chính gia đình họ. Người miền Tây tin rằng chuyện xông nhà rất quan trọng vì nó ảnh hưởng cho công việc làm ăn và tài lộc cho gia đình cho cả một năm mới. Họ kiêng kị mọi chuyện có ảnh hưởng không tốt đến gia đình trong năm mới như việc quét nhà, lau dọn nhà cửa, họ để vậy trong ba ngày tết không được quét rác ra khỏi cửa nhà, nếu như vậy là mang đi cả sự may mắn trong năm .….

[h=4]Tết Trung Thu[/h]
Ở phương Tây trẻ con hoá trang đủ kiểu háo hức dự lễ Halloween cùng bố mẹ tháp tùng, đi từng nhà xin bánh kẹo trong khi đó con nít miền Tây náo nhiệt chuẩn bị dự đại lễ Trung Thu.

Mỗi năm đến rằm tháng tám âm lịch là Tết Trung Thu. Tết này dân ta thường coi là tết của trẻ con, nhưng ngày trước có nhiều nhà cũng chi phí vào các lễ này cũng nhiều.

Đồ chơi của trẻ con trong Tết này là những chiếc lồng đèn làm bằng giấy với những hình ảnh tượng trưng cho các con thú như: voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng hươu, tôm cá, bươm bướm, bọ ngựa...hay những hình ảnh đèn cù, đèn xẻ rãnh, đình chùa, ông nghè đất... [6]

Trẻ con tối hôm Trung thu dắt díu nhau từng đàn từng lũ, rước đèn, rước sư tử, trống đánh vang cả đường, tiếng reo hò, tiếng đùa rầm rĩ. Lại nơi nọ trống quân, nơi kia hát trống quít. Tất cả những sinh hoạt này được gọi là Trung Thu thưởng nguyệt. Nhớ thuở bé cả tuần trước đại lễ chúng tôi lo chế biến lồng đèn bằng giấy vơi đủ kiểu tuỳ theo ý thích từng trẻ em hay hàng xóm. Sự cạnh tranh chưng bày lồng đèn nhiều khi gây ra rối loạn cho bà con xóm gần xóm xa. Con gái thì thi nhau làm tài khéo léo như gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm, con cá coi thật là đẹp.

Ngày nay trẻ em miền Tây ở hải ngoại quên đi tết Trung Thu ngoại trừ những cộng đồng to lớn. Các em hoà mình vào cộng đồng phương Tây và dự lễ Halloween. Thực ra lễ này giống lễ Vu Lan nhiều hơn Trung Thu. Theo người miền Tây thì lễ Vu Lan là dịp bố thí ma quỹ để mong những linh hồn chưa siêu thoát để yên cho con cái sống sót được nhiều sức khoẽ và làm ãn khấm khá...

[h=4]Lễ cưới và hỏi của người miền Tây[/h]
Ở miền Tây ngày xưa tục tảo hôn (cưới xin) của dân ta có những điều không phù hợp với thời đại văn minh. Vợ chồng cưới nhau quá sớm cho nên thế hệ Ông cha ta thường có con cháu đầy nhà và nghĩ rằng có con cháu đầy nhà là có phúc nên nhiều gia đình có con lúc mười bốn mười lăm tuổi, sự phát triển trí lực chưa đầy đủ đã có vợ có chồng rồi. Nhiều khi con gái miệng còn hôi sữa đã về làm dâu nhà người ta. Vì vậy khi sanh con ra nhiều đứa trẻ còm cõi, khẳng khiu, khó nuôi, yếu ớt hoặc mang tật nguyền làm cho giống nòi không mạnh mẽ. Hơn nữa, tuổi trẻ là lúc học hành, tìm hiểu cuộc đời để có thể xây dựng mái ấm gia đình sau này vững mạnh, nhưng lại lấy vợ gả chồng thì coi như cả tương lai chỉ còn trông vào con cái thôi, trí tuệ không bao nhiêu. [6][7]

Ngày nay xã hội miền Tây đã thay đổi nhiều, trai gái có lấy nhau cũng phải chờ đến mười tám hai mươi mới lấỵ hay có thể trễ hơn. Bây giờ bậc cha mẹ cũng thường để cho con cái tự ý lựa chọn theo tính ý của mình và sự ép hôn đã giảm nhiều. Hai bên gia đình trai gái cũng không còn xem chuyện giàu nghèo là điều quan trọng trong chuyện cưới xin vì đó là sự thuận tình hai bên trai gái mà thôi. Có như vậy thì chính cô dâu và chú rể sau này cũng dễ hòa nhập với hai bên gia đình không phải buồn rầu nhiều vì lễ giáo độc đoán.

Trước khi tổ chức lễ cưới thì hai bên nhà trai và nhà gái đều phải không có tang chế hay vừa mãn tang. Lễ Cưới thì nhà trai viết thư hay cử người đại diện hỏi xem nhà gái muốn những lễ vật nào. Người ta gọi là tục Thách cưới. Nhà gái muốn những vật gì thì phúc đáp hay yêu cầu cho nhà trai. Nhà trai nếu có thể đáp ứng được thì mới chọn ngày lành tháng tốt, đính ước ngày cưới với nhà gái.
mt7.jpg

Khi rước dâu phải chọn giờ lành tháng tốt. Trong đám cưới có một ông già hiền lành hay ngày nay tiến bộ hơn là chàng trai trẻ ăn nói lưu lóat cầm một khai rượu với bao lì xì nhỏ màu đỏ đi trước hay gọi là chủ hôn, rồi đến các người dẫn lễ, người bưng mâm trầu cau, người khiêng heo mà ngày nay tiến bộ hơn người ta nhờ các anh chàng trai tráng đẹp trai trong vùng hay bạn bè người thân... Chú rể thì khăn áo lịch sự đi cùng với chủ hôn. Khi đến nhà gái, dâng bày đồ lễ, người chủ hôn nhà trai hay người đại diện nhà gái khấn lễ với tổ tiên rồi thì chú rể vào lễ bái. Hương án được bày ra sân, trên hương án có gà, xôi, giầu (trầu), rượu, tế tơ hồng xong rồi hai vợ chồng mới cưới được vào lạỵ Sau thủ tục xin phép nhạc gia và nhạc phụ, chú rể sẽ chuẩn bị rước dâu.
Khi đưa dâu thì nhà gái cũng như chủ hôn, chú rể cô dâu, bà con họ hàng nhà gái cùng đi sau. Đến nhà trai rồi thì bà mai dẫn cô dâu vào nhà chú rể lạy tổ tiên rồi đến cha mẹ chồng. Nếu chú rể còn ông bà thì cũng phải lạy ông bà bên chồng. Ông bà cha mẹ chồng thường thì mỗi người chúc mừng cho cô dâu chú rể bằng ít tiền tùy hỉ.

Sau tiệc đãi ăn uống xong thì họ hàng luôn có phần mang về do nhà trai tặng, thường thì xôi rượu thịt, bánh, trái cây, giò chả, v.v.v…

Quê hương miền Tây với những sông rạch chằng chịt, người dân thường di chuyển chủ yếu bằng đường sông. Có nhiều nơi mỗi ngày chỉ có một chuyến đò đưa rước để người dân có thể đi chợ và mua bán trao đổi hàng hóa với nhau. Chính vì lý do đó mà những đám cưới ở vùng quê miền Tây thường tổ chức vào buổi tối. Người Việt Nam thường đãi đám cưới riêng biệt giữa nhà trai và nhà gái. Từ sáng sớm, các cô gái, chàng trai đã tụ tập lại để giúp đở cho nhà gái . Người giết heo, kẻ mổ gà vịt, người khác xắt rau, cải để nấu nướng. Không khí của một đám cưới vùng quê thật vui vẻ. Đây cũng là dịp để nam thanh nữ tú gặp nhau và từ đó nảy sinh những mối tình thật đẹp. Sau buổi trưa, cổ bàn đã xong xuôi tiệc bắt đầu từ trưa cho đến chiều. Buổi tối là lúc họ hàng nhà gái tụ tập lại để cô gái lạy tạ ông bà, cha mẹ, bà con để xuất giá theo chồng. Bên nhà trai thường rước dâu về vào buổi tối để sáng sớm hôm sau là đãi tiệc bên họ nhà trai.

Ở thành thị việc thách cưới ngày xưa thường nhiều hơn ở vùng quê và cũng không có lễ cưới vào ban đêm. Đám cưới thường vào ban ngày và sau đó đón cô dâu về nhà liền. Trong khi cưới và khi đón dâu, hai ông bà cầm hai cái lư hương ngồi trong xe che lọng xanh đi trước, rồi các người theo phụ mỗi người đội mâm cau trùm vải đỏ. Trong mỗi mâm có rượu, hoa quả trái cây. Ngày xưa thì đi bộ, sau đó đi xe kéo, hay xe song mã. Ngày nay cuộc sống có khá giả hơn thì mướn xe Mercedes-Benz để đưa đón dâu. Cô dâu chú rể chỉ tổ chức tiệc cưới cho bạn bè hay đồng nghiệp vào ban đêm hay vào cuối tuần cho thuận tiện những người tham dự ngày hôm sau phải đi làm việc. Tối hôm cưới, người chồng lấy trầu cau mà nhà trai được nhà gái trả lễ cho vợ chồng, trao một nửa cho vợ, rót một chén rượu, mỗi người uống một nửa và lễ này được gọi là lễ hợp cẩn.
Sau lể cưới được ba hôm, đến hôm thứ tư thì hai vợ chồng làm lễ xôi chè đem về bên nhà vợ lạy tổ tiên, lễ còn được gọi là tứ hỉ.

Nguyễn Hồng Phúc - Canada
(Taberd 12B2 – 72-73)
 

MinhThy

<marquee behavior="alternate" scrollamount="1"><fo
Joined
Nov 17, 2011
Messages
3,907
Points
113
[h=3]Phần 3 - Lễ hội của địa phương

Lễ Cúng Trăng Ooc-Om Bok và Đua Ghe Ngo
[/h]
Lễ Ooc-Om Bok, tiếng Khmer có tên khác là lễ Cúng Trăng (vì tổ chức vào đúng đêm hôm trăng rằm và bắt đầu từ khi trăng lên) của người Khmer Nam Bộ sống ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang. [8]
mt8.jpg

Xuất phát từ một tín ngưỡng dân gian cho rằng mặt trăng là thần bảo vệ mùa màng, người Khmer hằng năm cứ đến ngày rằm tháng 12 theo Phật lịch, tương ứng tháng 10 âm lịch, tổ chức lễ Ooc-Om Bok để tỏ lòng biết ơn vị thần đã làm cho mùa màng tốt tươi, mang lại lương thực dồi dào cho con người. Đặc điểm của nghi lễ này là sự có mặt của những em nhỏ, được người ta lấy những hạt cốm dẹt đút vào miệng để “lấy khước”.

Vào lúc này, thời tiết bắt đầu khô ráo, gió chướng thổi nhẹ, lúa ngoài đồng bắt đầu chín lốm đốm. Đặc biệt đối với tuổi trẻ, vào những ngày này trai gái thường rủ nhau đi chơi, ngắm trăng, tâm sự và tỏ tình. Để chuẩn bị cho đêm lễ cúng Trăng người ta đào lỗ trước sân nhà, hay sân chùa (nơi dự định cúng lễ) để chôn hai cây trụ tre, cây tầm vông, bên trên có một cây xà ngang dài độ 3 mét, giống như một cổng chào có trang trí hoa lá. Dưới cổng có kê một chiếc bàn phủ vải đẹp, bên trên để một lọ hoa, nhang, đèn và các thứ cúng gồm có trái cây như chuối, bưởi, cam, thơm cùng các loại củ có chất bột như khoai lang, khoai mì, khoai môn và bánh kẹo, đặc biệt là món cốm dẹt được chế biến từ những bông nếp vừa chín đầu mùa lấy từ ngoài đồng về. Mọi người từ già đến trẻ đều mặc đẹp, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa để đón trăng.

Buổi tối, khi ông trăng rằm to như chiếc đĩa màu vàng đỏ và vừa nhô lên khỏi ngọn cây thì dân chúng đã tề tựu đông đủ tại nơi khuôn viên chùa, hay ở nơi sân nhà, hoặc nhiều nhà cùng tập hợp nhau lại tại một địa điểm rộng rãi, thuận lợi nhất để chuẩn bị lễ cúng. Bà con đến dự lễ được mời ngồi trên những chiếc chiếu hay tấm đệm trải sẵn trên đất, hai tay cung kính chắp lại để ra trước mặt hướng về phía mặt trăng đang lên. Một cụ già làm chủ lễ đứng ra đọc lời khấn, nói lên lòng biết ơn của con người đối với thần, xin thần tiếp nhận những lễ vật và cầu mong trong những ngày tháng tới, thần Trăng sẽ đem lại cho mọi nhà, mọi người những niềm vui mới: sức khoẻ, thời tiết tốt đẹp, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cuộc sống thái bình, no ấm…Theo quan niệm của người Khmer, tục thả đèn nước nhằm xua tan bóng tối, sự ô uế và buồn bã, giống như lễ tống ôn, tống dịch của người Việt, để chỉ còn lại sự bình yên, niềm vui và tình đoàn kết xóm làng.

Riêng ở Sóc Trăng song song với lễ Cúng Trăng dân địa phương còn tổ chức cuộc đua ghe ngo với sự tham dự của nhiều đội đua ghe đến từ những sóc, thôn hay tỉnh lân cận. Trước khi ghe Ngo được làm lễ “xuống nước”, các vận động viên phải tập bơi trên những “giàn cây” được ráp trong các con mương rộng. Giai đoạn này chủ yếu là để tập thể lực và rèn nhịp bơi theo hiệu lệnh của đội trưởng. Trước khi đua khoảng một tuần, các vị sư mới làm lễ xin “Niếc” cho phép hạ thủy để đội đua tập bơi thực sự trên sông nước. Khi đua, các ghe còn “so kè” đường nước. Điều “tối kỵ” trong trước khi đua là không để ghe của đối thủ đụng mũi vào lườn ghe mình vì sợ đối phương “ếm bùa” làm ghe có thể gãy đôi khi đua. Theo thông lệ xưa, khi hai ghe đang đua nhưng nếu ghe kia vì bơi thua nên cố ý đụng làm cả hai chiếc bị chìm thì coi như xử huề.

Trong lúc đua ghe ngo, việc cầm giữ lái để chiếc ghe đi đúng hướng kết hợp nhịp bơi của những mái dầm phải thật nhịp nhàng là yếu tố quyết định đến tốc độ của ghe. Tốc độ của ghe đua khi về đích có thể đạt đến trên 30km/h nên nếu cầm lái yếu rất dễ làm ghe bị lật úp, đặc biệt là ở những khúc quanh. Kỹ thuật đóng ghe cũng là một bí quyết chỉ có các nghệ nhân biết, đặc biệt là nghệ thuật “dằn cây cần câu” ở giữa lườn ghe ngo. Ngoài việc giữ cho chiếc ghe Ngo (vốn là chỉ một thân gỗ độc mộc) được chắc chắn, chịu đựng được nhịp nhún và lực của các tay bơi, chiếc cần câu còn phải có được độ dẻo nhất định sao cho với mỗi nhịp nhún của các tay dầm thì mũi ghe cũng “cất mũi” rướn tới. Để được ngồi ở mũi ghe, ngoài kinh nghiệm về bơi đua, người ngồi mũi còn phải là “mạnh thường quân” trong bổn Sóc, phải là người đã có nhiều đóng góp về tài vật cho đội ghe như góp gạo, mổ heo, bồi dưỡng đường, sữa để “o bế gà” của Sóc mình.

Tuyến đường dài khoảng 5km dọc hai bờ sông Maspéro chật kín người và xe, tiếng hò reo của những cổ động viên làm náo nhiệt cả dòng “sông Trăng” thơ mộng. Không chen kịp chân đến khu vực khán đài, nhiều người đã leo lên mái nhà, ngọn cây và lội xuống sông xem đua ghe ngo. Suốt đêm ngày lễ hàng ngàn người Khmer ở các tỉnh miền Tây không ngủ mà tiếp tục kéo về Thi xã để cùng nhau… đi bộ giữa dòng người chật ních tất cả tuyến đường chính của Thị xã để xem hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng.

[h=4]Lễ Phật Đản và Vía Bà Châu Đốc[/h]
Chúng ta chỉ nghe kể và biết đến quang cảnh tưng bừng vào dịp lễ Phật đản nào là chư Thiên rải hoa, có nhạc trời trổi vang lừng, có nước trời tuôn xuống tắm gội và Ngài đi bảy bước trên hoa sen… song chúng ta không để ý nên chẳng hiểu thấu được nhiệm vụ, trọng trách, sứ mệnh gian nan cực cùng của Phật khi Ngài sinh vào đất nước Ấn đầy dẫy thần quyền, áp bức và bất công này. [9]
mt9.jpg

Người viết không có ý định bàn về tôn giáo chỉ muốn biên sơ qua về quan niệm Phật học và ảnh hưởng của đạo Phật trong đời sống hàng ngày của dân miền Tây mà thôi.

Theo trí nhớ người viết thì người dân miền Tây hằng năm đi dự 2 đại lễ, ngoài Tết Nguyên Đán – lễ Phật Đản và Vía Bà Châu Đốc. Lễ hội Phật đản ở nước ta được tổ chức quy mô hoành tráng mang tính lễ hội của dân tộc, vì thực ra ngay từ thời kỳ đầu Phật giáo mới du nhập, Đại lễ Phật đản đã được cộng đồng Phật giáo bấy giờ tôn vinh. Cơ sở để thực thi tổ chức lễ Phật đản đã được định hình từ một nền Phật giáo quyền năng trước đó, xuất phát ở trung tâm Phật giáo với các hình thái sinh hoạt tín ngưỡng, học thuật phát triển. Hình ảnh rước Phật Tứ Pháp trong ngày Lễ Phật đản để cho dân chúng mọi nơi được dịp chiêm ngưỡng lễ bái cầu nguyện là điều tất nhiên. Trong ý nghĩa, ngôi chùa không chỉ là trung tâm văn hóa, giáo dục, học thuật của Phật giáo mà còn là nơi quy tụ, kết nối sự yêu thương, tinh thần đại đoàn kết cả dân tộc được thể hiện trên mọi lĩnh vực. Do đó, lễ hội của Phật giáo là quy luật tất yếu. Một mặt nó đáp ứng và giúp cho mọi người khi nhìn thấy sự tôn vinh hình ảnh Đức Phật đản sinh mà phát nguyện tự tìm thấy Đức Phật của mình trong chính bản thân mình, mặt khác từ đây sẽ kết nối liên thông giữa mọi tầng lớp trong xã hội, hãy đến với nhau bằng tinh thần từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha theo thông điệp “Dù ai buôn bán ở đâu, tháng tư ngày tám rủ nhau hội chùa”…

Theo tín ngưỡng miền Tây thì hàng năm vào ngày 25 tháng tư âm lịch dân ta nô nức đến dự lễ Bà Chúa Xứ Châu Đốc. Đây cũng được xem là bắt đầu của cuộc hành hương về Núi Sam để vía Bà…Nhớ lúc còn bé chúng tôi rất nôn nóng đêm trước khi khởi hành với hàng vạn Phật tử khắp nơi đổ xô về núi Sam Châu Đốc để hành hương. Trên xa lộ hàng hàng lớp lớp xe cộ nối đuôi nhau trông cảnh rất nhộn nhịp không khác gì ngày tết vì mọi người cùng có một chí hướng duy nhất là đi hành hương vía Bà Chúa Xứ Châu Đốc. [10]

Theo thiết nghĩ điều quan trọng nhất trong tất cả tôn giáo vẫn là “niềm tin”. Có thể là niềm tin ở đấng Tối cao, Thượng đế, Đức Phật hay hơn nữa là sự tự tin ở chính bản thân mình. Để có niềm tự tin thì ta phải thành công nơi chính mình, phải thấy được cái hay cái đẹp trong lòng mình. Để khắc phục được “niềm tin” ta phải sống sâu sắc trong từng giây phút của đời sống, phải biết sử dụng nó một cách lợi ích cho mình và cho người khác. Ta phải tập buông bỏ lòng tự hào và ích kỷ để sẵn sàng hòa nhập mình vào tất cả. Nếu ta có đời sống nội tâm vững vàng như vậy, thì có đặt câu hỏi về niềm tin hay không cũng không còn là vấn đề quan trọng nữa. Cho nên đức tin có hiểu biết luôn dẫn đầu trong mọi thành công…

Thay lời kết: Nếu như mỗi người trong chúng ta đều tự thấy con đường của chính mình cùng với lịch sử dân tộc đang trải qua…càng ngày càng xa rời cội nguồn thì nhất định sẽ có một ngày đó chúng ta sẽ nhớ lại nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình hoặc sẽ nhớ lại từ “quê cha đất tổ” ngược dần đến mảnh đất miền Tây nơi đó có “Cha ông Ta” đã bỏ công gầy dựng và khai sáng nền văn minh của cả một dân tộc như dân tộc Trung Quốc có Hoàng Đế là đại diện, Nhật Bản có Thái Dương Thần Nữ là thủy tổ, còn dân tộc Việt Nam là con Rồng cháu Tiên…
mt10.jpg


Là một người con xuất thân từ xứ xở miền Tây, trong tôi lúc nào cũng có lòng tự hào của dân tộc miền Tây yêu dấu, với những hoài niệm thời thơ ấu không thể nào xóa bỏ được dấu vết của quê hương trong tiềm thức. Sống giữa cộng đồng với nhiều chủng tộc khác nhau, chúng ta rất hảnh diện là người Việt Nam, và giữa những người Việt với nhau, chúng ta tự hào là một đứa con miền Tây.


Chúng ta đã gắn bó với quê hương từ dòng máu, từ làn da và sẽ mãi mãi ấp ủ một quê hương mang theo như một người con xa xứ, như một kẻ ly hương không bao giờ quên câu ca dao, tiếng mẹ ru con vừa da diết, thiết tha vừa ẩn chứa nỗi nhớ niềm thương về một chốn quê xa, những giọng hò trên sông và sáu câu vọng cổ của xứ sở Miền Tây…


Khi chúng ta sống trên đất khách và hòa nhập với nền văn hóa tây phương chúng ta đã hiểu rất nhiều và ta thường ví như “ăn cơm tàu ở nhà tây và sống với nhiều tiện nghi kiểu Mỹ”. Rốt cuộc rồi “ta về ta tắm ao ta dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Câu ca dao bất hủ nầy không muốn biện hộ rằng xứ sở quê hương miền Tây chúng ta là nhất và cũng không có nghĩa là quê hương ta có đời sống khá hơn tiện nghi ở hải ngoại, ngược lại miền Tây chúng ta vẫn còn nghèo lắm, xứ sở thân yêu chúng ta vẫn còn rất nhiều thiếu thốn về mặt vật chất cho nên chúng ta luôn có một hoài bảo là muốn thấy dân miền Tây càng ngày càng có nếp sống khấm khá hơn… Đây là trách nhiệm của tất cả chúng ta nên giữgìn, quảng bá và phát huy nền văn hóa miền Tây một cách hiệu quả, bảo tồn bản sắc văn hóa Nam Bộ nói chung và Miền Tây nói riêng.


Khép lại câu chuyện về ký ức xa xứ của một Việt kiều ở cái tuổi ngủ tuần muốn tìm hiểu về nguồn cội miền Tây thân yêu một thuở, dội vào những âm thanh náo nhiệt của những tiếng bong bong từ chiếc ghe ngo, những bài ca vọng cổ từng vang bóng một thời và những âm hưởng của cuộc sống êm đềm ở miền Tây. Tôi vẫn nghĩ rằng một khi văn hóa của một dân tộc mãi mãi mất đi thì người dân sẽ không còn nguồn cội, tuổi trẻ thế hệ kế tiếp sẽ hỏi rằng nền văn hóa chúng ta từ đâu có và sẽ đi về đâu…

Nguyễn Hồng Phúc
Nhân dịp tết Canh Dần 2010


Commented and edited by a former group of Hoàng Diệu and Taberd:
- Nguyễn Chí Thân (Taberd 58-62)
- Nguyễn Thị Tuyết
- Cathy Phan
- Huỳnh Ngọc Minh
- Trần Thu Hương

Tài liệu tham khảo

 

anh yêu

R.L.G
Joined
Nov 17, 2011
Messages
2,126
Points
113
dài quá, đọc xong muốn xỉu:lau: cảm ơn chủ thớt nhé, bài này hay lắm.
 
Top Bottom