Duyên Tình Một Miếng Trứng Chiên

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28
“Hãy ôm em đến hết cuộc đời!”


Chị một tay xách chiếc vali nặng trịch, một tay dắt theo đứa con trai. Vẫn chưa hết ngơ ngác và lo sợ, đi như chạy ra khỏi nhà không quay nhìn lại. Chưa bao giờ hai từ “li hôn” lại mảy may xuất hiện trong suy nghĩ của chị, nay sẽ thành sự thật.


***​

Chị lấy chồng năm 22 tuổi, chồng chị là một trinh sát hình sự.. một công việc đầy nguy hiểm nhưng đáng trân trọng. Cuộc sống gia đình của một trinh sát không bình lặng như những gia đình khác, bởi anh thường xuyên có những chiến dịch đột xuất và bí mật. Lấy nhau đã lâu, nhưng chẳng bao giờ chị thôi thấp thỏm, lo lắng mỗi lần anh xuất kích. Bạn bè cứ hay trêu đùa chị “Lúc nào cũng đi bí mật thế, cẩn thận không chồng cắm sừng cho lúc nào không biết!” nhưng chị chẳng để tâm, vì trong chị luôn luôn có niềm tin tưởng tuyệt đối với chồng.


Cách đây hơn một tháng, trong một đợt truy quét tội phạm ma túy, anh bị thương khá nặng. Chị xót xa nhìn những vết thương chằng chịt trên cơ thể chồng, tựa như chính chị bị những vết đau đâm thấu. Khi những vết thương chưa lành hẳn, anh đã đòi ra viện. Từ lúc đó, anh như trở thành con người khác. Chị thường bắt gặp lúc anh lén ngắm nhìn mẹ con chị chơi đùa, lúc ngồi bên giường đắp lại chăn cho con vân vê mái tóc thằng bé. Nhưng lại tỏ ra lạnh lùng mỗi khi chị tiến đến gần. Chị mơ hồ cảm thấy có điều gì là lạ.


***​

Quán cafe nơi anh hẹn gặp chị là một quán nhỏ vắng vẻ, không quá xa căn nhà của vợ chồng chị đang sống. Chị tủm tỉm nghĩ thầm: “Anh hôm nay lãng mạn quá, lại hẹn chị đi uống cafe cơ đấy!”. Chị diện một bộ cánh đẹp, tung tẩy đến cuộc hẹn. Trông thấy chị tiến lại gần với nụ cười dịu dàng quen thuộc, anh liền khoác tay một phụ nữ trẻ tuổi ngồi bên cạnh mà đến giờ chị mới kịp nhận ra. Ngỡ ngàng chị đứng sững nhìn anh, không biết phải nghĩ gì. Anh nhẹ nhàng: “Em ngồi xuống đi, anh có chuyện cần phải cho em biết”. Chị ngồi đối diện với anh và người phụ nữ kia, đầy nhẫn nhịn và kiềm chế để lắng nghe hết câu chuyện. Anh nói: “Đây là Hiền, đồng nghiệp của anh. Sau tất cả những gì vừa xảy ra, anh thấy cuộc sống thật ngắn ngủi và mong manh. Anh không thể tiếp tục sống với em nữa, anh muốn sống hết mình bên cô ấy. Anh yêu cô ấy cũng được một thời gian rồi…”, nước mắt bắt đầu lăn dài trên má Hiền: “Vậy anh muốn em chấp nhận chuyện này à? Anh muốn em làm thế nào?”. Anh bình tĩnh: “Mình li hôn nhé!”.


Chị quay sang nhìn người phụ nữ bên cạnh anh, cô ta nhỏ nhẹ: “Chị cho em xin lỗi. Em tin sau này chị sẽ hiểu”. Ánh mắt cô ta có vẻ xót xa và có điều gì đó uẩn khúc mà chị không thể hiểu, chỉ biết chị đang giận dữ đến tột độ, máu chảy rần rật trong huyết quản chị, mặt chị nóng bừng lên. Chị bật đứng dậy, tiện tay vớ lấy ly nước cam chưa kịp uống tạt thẳng vào hai bộ mặt đáng nguyền rủa kia. Chị bước đi đầy căm hờn.


Mấy ngày sau anh vẫn không về nhà, chị khóc ròng, chìm đắm trong suy tư, cứ nghĩ rồi lại đau, đau rồi lại nghĩ. Suốt mấy ngày, chị cứ hồi tưởng lại mãi những kỷ niệm của hai người, rồi lại nghĩ đến những biểu hiện lạ thường của anh. Niềm tin của chị đã lung lay, nhưng chị không dám tin chồng đã ngoại tình, trong chị đầy những mâu thuẫn giằng xé. Chị ôm lấy cái điện thoại, cứ 5 phút chị lại bấm máy một lần, những con số quen thuộc của một người thân thuộc. Chỉ có những tiếng tút dài đáp lại chị.


Bỗng có tiếng chuông cửa, chị bừng tỉnh chạy ra mở. Đứng trước mặt chị không phải là anh. Người đưa thư giao cho chị một phong bì có ghi tên chị rồi đi ngay. Chị hụt hẫng quay trở vào, mở phong bì, chết lặng khi nhìn thấy tờ đơn ly hôn có sẵn chữ ký của chồng. Từ lúc đó, chị thôi không cố gắng trả lời những câu hỏi cứ lặp đi lặp lại của con: “Bố đâu rồi hả mẹ?”. Chị chỉ biết ôm lấy nó khóc ngất đi trong đau đớn và suy sụp. Không biết hai mẹ con chị đã ngồi như thế trong bao lâu, chị mơ màng nghe tiếng con lay gọi, nhưng chị không thể cử động được. Đến khi tỉnh dậy, thằng bé đã ngủ gục trong lòng chị từ bao giờ, trời đã sáng rõ. Chị gọi con dậy, gói ghém đồ đạc. Bỏ lại trên bàn tờ đơn ly hôn đã ký, chị dắt tay con ra bước ra khỏi nhà.

Tiếng rao của thằng bé bán báo làm chị giật thót bởi một linh cảm chẳng lành. Thả rơi cái va li xuống đất, buông tay con, chị gọi giật thằng bé bán báo và mua một tờ. Những dòng chữ cứ nhòa dần đi nhảy múa trước mắt chị… Giờ thì chị đã hiểu…


***​

Mở cửa phòng bệnh, bước vào, chị ngạc nhiên khi thấy Hiền - cô gái chị gặp trong quán cafe, đang lúi húi với những cặp lồng, cốc, thìa... Cô gái nghiêm nghị không chải chuốt, trông chững chạc trong bộ cảnh phục.. ngước nhìn chị bằng con mắt đầy cảm thông và chia sẻ. Hiền kể cho chị nghe về cuộc truy bắt tội phạm ma túy mà chồng chị đã tham gia, đó là những tội phạm vô cùng nguy hiểm và liều lĩnh. Kẻ gây ra những vết thương mang mầm bệnh cho anh đã bị bắt. Nhưng anh thì phải nằm điều trị và theo dõi ở đây trong khi đợi kết quả cuối cùng. Anh rất yêu gia đình và không muốn làm khổ mẹ con chị, anh đã nhờ Hiền cùng thực hiện kế hoạch đó để đẩy chị ra xa anh. Chị xúc động nắm tay Hiền, không nói nên lời.

Đứng từ xa chị trộm nhìn chồng, anh đang ngồi trên ghế đá của bệnh viện, mắt nhìn đăm chiêu ra xa, vẫn cái vóc dáng thân thương với mái tóc dày và lòa xòa, chắc đã lâu không cắt khiến khuôn mặt anh trông càng trở nên gầy nhỏ và xanh xao hơn. Chị khẽ khàng bước lại gần. Anh quay lại, bắt gặp đôi mắt ngân ngấn nước của chị, đầy bất ngờ và xúc động, anh đứng dậy vòng tay ôm chặt lấy người vợ thân thương. Chị òa khóc, trái tim chị đập từng nhịp thổn thức: “Hãy ôm em đến hết cuộc đời này anh nhé!”.

 

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28
Đáp ứng


Một ngày, đứa con trai tên ăn trộm ngỏ ý muốn nối nghiệp nghề ăn trộm của cha. Người cha mừng lắm và ngay đêm đó truyền bài học vỡ lòng cho con.

Hai cha con đến một nhà giàu trong vùng. Sau khi lọt vào trong và mở được nấp rương lớn chứa quần áo, lão ra dấu thằng con chun vào trong rương. Thằng nhỏ vừa chun vào , bất thần lão đóng nấp lại , khóa chặt rồi lẽn ra ngoài đập cửa lung tung, đánh thức cả nhà dậy, rồi lão chuồn về nhà. Nghe tiếng đập cửa, cả nhà thức dậy, đèn đuốc sáng choang, tìm kiếm khắp chỗ, không thấy gì, tắt đèn đi ngủ. Tên ăn trộm con nằm chết điếng trong rương, không hiểu tại sao cha nó lại hại nó như thế? Nhưng rồi, nó nảy sinh một ý. Nó giả chuột cào trên mặt ván. Chủ nhà tưởng chuột, thắp đèn lên, mở nắp rương. Thừa cơ hội, tên ăn trộm con tung ra chạy trốn. Cả nhà rượt theo. Thấy nguy, anh ta nảy ý liệng cục đá xuống giếng đánh ầm một tiếng . Cả nhà tưởng tên ăn trộm sợ quá nên nhảy xuống giếng tự tử, nên quày trở về không đuổi theo nửa.

Về đến nhà, chưa kịp cự nự ông già đã hỏi trước: "Việc đâu còn đó, con hãy nói cho cha biết làm sao con thoát thân được?" Đứa con bèn thuật lại đầu đuôi, người cha nói: "Hay! Mầy đã thành nghề rồi. Tao không còn gì để truyền cho mầy nữa cả!"

 

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28
Tôi đang chờ ngài nói lời cám ơn.


Tại một khu an dưỡng, một chiếc xe du lịch sang trọng không may trục trặc. Một người đàn ông thò cổ ra khỏi cửa xe nói: ”Ai có thể giúp tôi chui vào gầm xe vặn lại một con vít bị lỏng”.

Một quí phụ ngồi cạnh khẽ nói:” Việc gì anh phải cuống lên như vậy, cứ trọng thưởng đi sẽ có người làm”.
Người đàn ông liền lấy ra một tờ giấy bạc trị giá 100 đồng, nói lớn: ”Ai vặn giúp tôi con vít, số tiền này sẽ thuộc về người đó”.

Một cậu bé định nhấc chân, nhưng bạn cậu ta níu lại: ”Lời nói của kẻ có tiền liệu có tin được không?”.

Nhưng cậu bé kia vẫn bước tới và nói: ”Để tôi làm!”.

Thao tác rất đơn giản, loáng một cái cậu bé đã vặn chặt được con vít. Sau khi bò ra khỏi gầm xe, cậu bé giương mắt nhìn người đàn ông chờ đợi... Người này vừa định đưa tờ giấy bạc cho cậu thì vị quí phụ ngăn lại: ”Anh định cho nó 100 đồng à? Cho nó 5 đồng là đủ lắm rồi”.

Người đàn ông nhận tiền lẻ từ tay người đàn bà rồi đưa cho cậu bé, nhưng cậu lắc đầu không nhận. Nghe tiếng cười la của đám đông, người đàn ông đưa thêm 5 đồng nữa. Nhưng cậu bé vẫn lắc đầu không nhận.

Người đàn ông hơi bực tức nói: “Cậu chê ít à. Nếu chê ít thì ngay 10 đồng này cùng không cho nữa”.

- Không, tôi không chê ít. Thầy giáo của tôi dạy: “Giúp người không được lấy thù lao”.

Người đàn ông như không hiểu hỏi: ”Thế thì vì sao cậu vẫn chưa đi?”.

Cậu bé nói : ”Tôi đang chờ ngài nói lời cám ơn!”.

cute_smiley29.gif

 

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28
Hạt Táo


Tại một xứ nọ, có một người đàn ông bị Vua truyền lệnh treo cổ vì đã ăn cắp thức ăn của một người khác. Như thường lệ trước khi bị treo cổ, tù nhân được nhà vua cho phép xin một ân huệ. Kẻ tử tội bèn xin với nhà vua như sau: "Tâu bệ hạ, xin cho thần được trồng một cây táo. Chỉ trong một đêm thôi, hạt giống sẽ nảy mầm thành cây và có trái ăn ngay tức khắc. Ðây là một bí quyết mà cha thần đã truyền lại cho thần. Thần tiếc là bí quyết này không được truyền lại cho hậu thế".

Nhà vua truyền lệnh cho chuẩn bị mọi sự sẵn sàng để sáng hôm sau người tử tội sẽ biểu diễn cách trồng táo.

Ðúng giờ hẹn, trước mặt nhà vua và các quan văn võ trong triều đình tên trộm đào một cái lỗ nhỏ và nói: "Chỉ có người nào chưa hề ăn cắp hoặc lấy của người khác, người đó mới có thể trồng được hạt giống này. Vì đã từng ăn trộm nên tôi không thể trồng được hạt giống này".

Nhà Vua tin người tử tội, nên mới quay sang nhìn vị tể tướng có ý nhờ ông ta làm công tác ấy. Nhưng sau một hồi do dự, vị tể tướng mới thưa: "Tâu bệ hạ, thần nhớ lại lúc còn niên thiếu thần cũng đã có lần lấy của người khác... Thần cảm thấy mình không đủ điều kiện để trồng hạt táo này".

Nhà vua đảo mắt nhìn quanh các quan văn võ đang có mặt, ông nghĩ bụng: may ra quan thủ kho trong triều đình là người nổi tiếng trong sạch có thể hội đủ điều kiện. Nhưng cũng giống như vị tể tướng, quan thủ kho cũng lắc đầu từ chối .Và tuyên bố trước mặt mọi người rằng, ông cũng đã có một lần gian lận trong chuyện tiền bạc...

Không còn tìm được người nào có thể thực hiện được bí quyết trồng cây ấy, nhà Vua định cầm hạt giống đến cho vào lỗ đã đào sẵn. Nhưng ông cũng chợt nhớ rằng lúc còn niên thiếu, ông cũng có lần đánh cắp một báu vật của vua cha...

Lúc bấy giờ, người tử tội chỉ vì ăn cắp thức ăn mới chua xót thốt lên: "Các Ngài là những kẻ quyền thế cao trọng. Các ngài không hề thiếu thốn điều gì. Vậy mà các ngài cũng không thể trồng được hạt giống này, bởi vì các ngài cũng đã hơn một lần lấy của người khác. Còn tôi một con người khốn khổ, chỉ lỡ lấy thức ăn của người khác. Để ăn cho đỡ đói qua ngày, thì lại bị các ngài nghị án treo cổ...".

Nhà Vua và cả triều thần nghe như xốn xáo trong lương tâm. Ông ra lệnh phóng thích cho người ăn trộm.

 

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28
Bài học cuối cùng


Một nhà hiền triết dẫn một toán học trò của mình đi ngao du khắp chốn trên đời. Trong vòng 10 năm trời thầy trò họ theo nhau đi hầu hết các nước, gặp gỡ hầu như tất cả những người có học vấn. Lúc này thầy trò họ đã trở về, người nào người nấy kinh luân đầy một bụng kinh nghiệm đầy mình. Trước khi vào thành, nhà hiền triết ngồi nghỉ trên một bãi cỏ ở ngoại thành, nói với học trò của mình:

"Mười năm ngao du, các con đều đã trở thành kẻ sĩ học rộng hiểu nhiều. Lúc này đây, sự học sắp kết thúc ta sẽ giảng cho các con bài học sau cùng".

Các học trò kéo đến ngồi vây quanh nhà hiền triết. Một lát sau, nhà hiền triết hỏi: Hiện chúng ta đang ngồi ở đâu?

Các học trò đồng thanh trả lời rằng đang ngồi trên bãi cỏ hoang ở bên ngoài thành. Nhà hiền triết lại hỏi:

Trên bãi cỏ hoang này có cây gì mọc lên? Học trò đồng thanh đáp, trên bãi hoang mọc toàn cỏ dại ạ!

Nhà hiền triết nói: Đúng! Trên bãi cỏ hoang này mọc toàn cỏ dại. Bây giờ ta muốn biết bằng cách gì để trừ hết thứ cỏ dại này đi?

Các học trò nhìn nhau hết sức ngạc nhiên, họ thực sự không ngờ rằng.. nhà hiền triết xưa nay vốn chỉ đi sâu nghiên cứu những điều huyền bí của cuộc sống. Vậy mà trong bài học sau cùng này lại hỏi một vấn đề giản đơn như thế.

Một người trong toán học trò lên tiếng trước: "Dạ thưa thầy, chỉ cần có một cái xẻng thôi là xong hết ạ!"

Nhà hiền triết khe khẽ gật đầu.

Một người học trò khác như phát hiện ra điều gì mới, nói tiếp: "Dạ thưa thầy, đốt lửa để diệt cỏ cũng là một cách rất hay đấy ạ!"

Nhà hiền triết im lặng mỉm cười, ra hiệu gọi một người khác.

Người học trò thứ ba nó: "Thưa thầy, rắc vôi lên cũng có thể diệt được hết tất cả các giống cỏ đấy ạ!".

Tiếp ngay sau đó là người học trò thứ tư anh ta nói: “Diệt cỏ phải trừ tận gốc, chỉ cần nhổ được rễ lớn là xong hết!”.

Các học trò đã lần lượt nói hết suy nghĩ của mình, nhà hiền triết đứng dậy nói:

"Bài học hôm nay đến đây là hết, các con hãy về đi. Rồi theo cách mình nghĩ, mỗi người hãy diệt cỏ ở một mảnh đất trên bãi hoang này.

Nếu không diệt được cỏ, một năm sau quầy lại đây ta nói chuyện sau".

Một năm sau, mọi người quay trở lại. Có điều khác là bãi cỏ năm trước không còn đầy cỏ dại nữa, mà đã trở thành cánh đồng ngô lúa xanh tươi.

Toán học trò lại ngồi quây quần gần ruộng lúa, chờ nhà hiền triết tới nhưng chờ mãi vẫn không thấy ông tới.

Mấy năm sau nhà hiền triết ấy qua đời, những người học trò cũ của ông đã chỉnh lý lại những tài liệu. Luận thuyết mà ông nêu ra, thấy ở một chương cuối ông đã tự ghi thêm vào một câu:

"Muốn diệt hết cỏ dại ở bãi hoang, chỉ có một cách hay nhất. Đó là hãy trồng cấy mùa màng lên đấy".

Cũng như vậy, muốn để linh hồn không phải buồn lo tản mạn, thì cách duy nhất là hãy chiếm cứ nó bằng những đức tính tốt".

cute_smiley29.gif
 

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28
CÓ và KHÔNG


Có một vị cư sĩ đến học đạo và thỉnh vấn Trí Tạng thiền sư như sau:

“Xin hỏi thiền sư thiên đường và địa ngục có hay không?”.

Thiền sư trả lời “có”.

Ông ta hỏi tiếp: “xin hỏi Phật và Bồ tát có không?”

- “Có”

- “Xin hỏi có nhân quả báo ứng không?”

- “Có”
Ông ta hỏi bất cứ điều gì, Trí Tạng thiền sư đều trả lời “có”.

Sau khi nghe xong vị cư sĩ này cảm thấy hoài nghi liền phản ứng rằng: “Thiền sư! Ngài nói sai rồi”.

Thiền sư ôn tồn đáp: “Tôi nói sai ở đâu?”

Vị cư sĩ cao giọng nói “con đã hỏi Kinh Sơn thiền sư và Ngài đều nói "không"”.

- "Nói “không” như thế nào?"

- "Con hỏi: có nhân quả báo ứng không? Kinh Sơn thiền sư nói “không”

Có Phật Bồ tát không? trả lời “không”

Có thiên đường địa ngục không? cũng nói “không”

Và con hỏi những gì thì Kinh Sơn thiền sư đều trã lời “không”. Nhưng ngược lại đối với Ngài thì tất cả đều nói “có”."

Trí Tạng thiền sư hiểu rỏ căn tánh và trình độ của vị cư sĩ ở cấp bậc nào rồi và vui vẻ nói:

“Ồ! ông có vợ không?” Vị cư sĩ thưa “dạ có”

Ông có con không?” - “dạ có”

“Ông có tiền của không?” - “dạ có”

“Ông có nhà cửa xe cộ không?” - “dạ có”.

Trí Tạng thiền sư lại hỏi tiếp: “Kinh Sơn thiền sư có vợ không?”

Vị cư sĩ nọ thưa “dạ không”

“Kinh Sơn thiền sư có con không?” - “dạ không”

“Kinh Sơn thiền sư có tiền của nhà cửa không?” - “dạ thưa không”.

Trí Tạng thiền sư kết luận: "vì thế Kinh Sơn thiền sư trả lời với Ông “không”. Ta Trả lời với Ông “có” vì Ông có vợ, con..."
 

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28
Điều đáng sợ nhất trong cuộc sống



Điều đáng sợ nhất trong cuộc sống không phải là cái chết, mà là bị lãng quên, bị xem
... là hạt bụi sau những vầng hào quang rực rỡ

…là khi người bạn yêu dấu nhất từ bỏ tấm chân tình của bạn để chạy theo những điều hư ảo

…là khi người thân quá bận rộn với cuộc sống đã không thể an ủi bạn khi bạn cần được nâng đỡ tinh thần

…là khi dường như không còn ai trên cõi đời này quan tâm tới bạn.

Cuộc đời ai không trải qua đắng cay! Liệu có bao giờ con người ta trở nên độ lượng hơn với chính mình?

Bao giờ con người mới biết quan tâm người khác và giành chút thời gian cho sự giúp đỡ
Mỗi người chúng ta đều có những vai diễn trên sàn diễn vĩ đại của cuộc đời.

Mỗi chúng ta đều có trách nhiệm với những người xung quanh, nói với họ rằng chúng ta yêu mến họ…

Nhưng nếu bạn không quan tâm tới mọi người thì cũng chẳng sao đâu… bạn chỉ bị lãng quên, hững hờ… y như bạn đã từng đối với người khác…

cute_smiley29.gif
 

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28
Khổng Tử và Hạng Thát


Một hôm Khổng Tử ngồi xe cùng đồ chúng đi du ngoạn , giữa đường gặp một số trẻ chơi giỡn, có một đứa không đùa giỡn. Khổng tử dừng xe lại hỏi:

- Riêng ngươi không giỡn là sao?

Tiểu nhi đáp:

- Chơi giỡn không ích , áo rách khó vá. Trên làm nhục dưới đến người trong nhà, ắt có tranh đấu nhọc mà không công vốn không ích nên tôi không giỡn.

Tiểu nhi đáp rồi cúi đầu lượm gạch làm thành.

Khổng tử rất quý bèn hỏi:

- Sao không tránh xe?

- Từ xưa đến nay xe tránh thành , chớ thành tránh xe bao giờ?

Khổng Tử liền xuống xe rồi hỏi rằng:

- Ngươi còn nhỏ sao lại xảo trá vậy?

Tiểu nhi đáp:

- Người sanh ba tuổi phân biệt cha mẹ, thỏ sanh ba ngày chạy cùng mẫu ruộng. Cá sanh ba ngày lội cùng sông hồ, trời sanh tự nhiên có gì xảo trá?

Khổng tử hỏi :

- Ngươi ở làng nào , xóm nào. Họ gì tên gì, tự là gì?

- Tôi ở làng Thường ấp Tệ, họ Hạng tên Thát chưa có tên chữ.

Khổng tử nói:

- Ta muốn cùng ngươi du ngoạn , ý ngươi thế nào?

Tiểu nhi đáp:

- Nhà có cha nghiêm phải nghe theo, nhà có mẹ hiền phải lo nuôi dưỡng. Nhà có anh hiền cần phải thuận theo, nhà có em dại cần phải dạy bảo. Nhà có thầy sáng cần phải lo học, đâu có nhàn rỗi mà du ngoạn.

Khổng tử nói trong xe ta có ba hai con cờ, ta cùng ngươi đánh bạc ý ngươi thế nào?

Tiểu nhi đáp:

- Vua mê cờ bạc , không xem bốn biển. Chư hầu mê cờ bạc hư hại chánh kỉ, nho sĩ mê cờ bạc phế bỏ học vấn. Tiểu nhân mê cờ bạc hư việc nhà , đày tớ mê cờ bạc ắt bị roi vọt. Người nông mê cờ bạc ruộng mùa thất thời, cho nên không cờ bạc.

- Ta muốn cùng ngươi bình thiên hạ , ý ngươi thế nào?

Tiểu nhi đáp :

- Thiên hạ không thế bình: hoặc có núi hoặc có sông hồ hoặc có vương hầu hoặc có tôi tớ, ban bằng núi rừng chim thú ở đâu? Lấp bằng sông hồ cá trạnh về đâu ? trừ bỏ vương hầu dân nhiều thị phi bỏ hết tôi tớ quân tử nhờ ai? thiên hạ mênh mang đâu thế bình được?

Khổng tử hỏi:

- Ngươi biết trong thiên hạ lửa gì không khói, nước gì không cá, núi gì không đá, người nào không vợ, gái nào không chồng, trâu gì không nghé, ngựa gì không con, thế nào quân tử thế nào tiểu nhân? thế nào không đủ thế nào có thừa? thành nào không chợ, người nào không tên chữ?

Tiểu nhi đáp:

- Lửa đóm không khói, nước giếng không cá, núi đất không đá, người tiên không vợ, ngọc nữ không chồng, trâu đất không nghé, ngựa cây không con, hiền là quân tử , ngu là tiểu nhân, ngày xuân không đủ, ngày hạ có thừa, hoành thành không chợ , tiểu nhân không tên chữ.

Khổng tử hỏi ngươi biết cha mẹ thân hay chồng vợ thân ?

Tiểu nhi đáp:

- Cha mẹ thân chồng vợ không thân.

Khổng tử nói:

- Chồng vợ sống đồng chăn, chết đồng huyệt sao gọi là không thân?

Tiểu nhi đáp:

- Người sanh không vợ như xe không bánh, không bánh thì tạo bánh xe mới. Vợ chết bèn cưới vợ mới, con gái nhà hiền ắt có chồng quí, mười gian nhà rộng gác một đòn dông. Ba cửa song sáu cửa sổ không bằng ánh sáng cửa cái, các sao tuy sáng không bằng trăng sáng. Ân cha mẹ không quên vậy.

Khổng tử khen rằng:

- Hiền thay ! Hiền thay!

- Nãy giờ ngài hỏi Thát, Thát mỗi mỗi đều đáp, nay Thát cầu người dạy một lời, cho thát biết thêm xin ngài chớ bỏ: "Vịt ngỗng sao nổi, hồng nhạn sao kêu lớn, tùng lá sao mùa đông vẫn xanh?"

- Vịt ngỗng hay nổi vì có nhiều lông, hồng nhạn kêu lớn nhờ có cổ dài, tùng lá mùa đông vẫn xanh nhờ đặc ruột.

Tiểu nhi nói:

- Không phải vậy! Cá trạnh hay nổi nào có nhiều lông, ếch ễnh ương kêu vang nào có cổ dài, tre trúc mùa đông vẫn xanh nào có đặc ruột.

Tiểu nhi lại hỏi:

- Trên trời bao la có bao nhiêu sao?

Khổng tử nói:

- Nãy giờ bàn việc dưới đất đâu có nói việc trời?

- Tiểu nhi hỏi dưới đất mênh mang có bao nhiêu nhà?

Khổng tử nói :

- Nên luận việc trước mắt đâu nên nói trời luận đất?

Tiểu nhi hỏi :

- Như luận việc trước mắt thì có bao nhiêu lông mày?

Khổng tử cười mà không đáp , day lại kêu các đệ tử nói rằng:

- Hậu sinh khả úy!Nào dè sự cầu học đâu hơn bữa nay.

Rồi lên xe đi .
 

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28
Cái lẽ sống chết


Mạnh Tôn Dương hỏi Dương Tử : "Có kẻ mến đời , yêu thân. Cầu cho không chết có nên không ?"

Dương Tử nói :"Có sống thì phải có chết , lẽ nào mà không chết được ?" -Thế cầu sống lâu có nên không ?

-Lẽ nào sống lâu được ? Người ta không phải thích sống mà sống mãi được , yêu thân mà thân còn mãi được . Vã chăng sống lâu để làm gì ? Thế tình hay dở , xưa cũng như nay . Than thể an nguy , xưa cũng như nay. Việc đời gian khổ , xưa cũng như nay . Biến đổi trị loạn , xưa cũng như nay. Cái gì cũng đã trông thấy , đã từng trải cả rồi. Thì sống trong khoảng trăm năm cũng đủ lấy làm chán , huống còn cầu lấy sống lâu để cho khổ làm gì ?

-Nếu như thế , thì chóng chết còn hơn sống lâu .Ta nên xông vào gươm giáo , nhảy vào nước lửa để chết ngay đi có thỏa không ?

-Không phải thế ! Ðã sinh ra đời , thì lúc sống cứ tự nhiên muốn làm gì thì làm , cho đến lúc chết . Lúc sắp chết cũng tự nhiên , muốn hóa ra gì thì hóa cho đến lúc cùng . Lúc sống lúc chết , lúc nào cũng tự nhiên như không , hà tất phải quan tâm sống lâu hay chóng chết làm gì ?
 

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28
Bức tranh


Ngày xưa, có một họa sĩ tên là Ranga, một người siêu việt, vẽ được rất nhiều kiệt tác đáng ghi nhớ khiến ai cũng đều khen ngợi.

Ông mở một lớp học mỹ thuật để dạy nghề cho mọi người và cũng để tìm đệ tử nối nghiệp. Ông không mấy khi khen ngợi ai, cũng không bao giờ đề cập đến thời gian của khóa học. Ông nói, một học trò chỉ có thể thành công khi ông hài lòng với kỹ năng và hiểu biết của người đó. Ông truyền cho học trò những phương pháp đánh giá, ước định của ông, và chúng cũng độc đáo như những tác phẩm của ông vậy. Ông không bao giờ thổi phồng tầm quan trọng của những bức tranh hay sự nổi tiếng, mà ông luôn nhấn mạnh đến cách xử sự, thái độ với cuộc sống của học trò.

Trong một số lượng lớn học trò, Rajeev là một người có tài nhất, chăm chỉ, sáng tạo,nên anh ta tiếp thu nhanh hơn nhiều so với các bạn đồng môn. Ông Ranga rất hài lòng về Rajeev.

Một ngày kia, sau bao nhiêu cố gắng, Rajeev được ông Ranga gọi đến và bảo:

- Ta rất tự hào về những tiến bộ mà con đã đạt được. Bây giờ là thời điểm con làm bài thi cuối cùng trước khi ta công nhận con thực sự là một họa sĩ tài năng. Ta muốn con vẽ một bức tranh mà ai cũng phải thấy đẹp, phải khen ngợi.

Rajeev làm việc ngày đêm, trong rất nhiều ngày và đem đến trình thầy Ranga một bức tranh tuyệt diệu. Thầy Ranga xem qua rồi bảo:

- Con hãy đem bức tranh này ra đặt ở quảng trường chính, để tất cả mọi người có thể chiêm ngưỡng. Hãy viết bên dưới bức tranh là tác giả sẽ rất biết ơn nếu bất kỳ ai có thể chỉ ra bất kỳ sơ suất nào trên bức tranh và đánh một dấu X vào chỗ lỗi đó.

Rajeev làm theo lời thầy: đặt bức tranh ở quảng trường lớn với một thông điệp đề nghị mọi người chỉ ra những sơ suất.

Sau hai ngày, Ranga đề nghị Rajeev lấy bức tranh về. Rajeev rất thất vọng khi bức tranh của mình đầy dấu X. Nhưng Ranga tỏ ra bình tĩnh và khuyên Rajeev đừng thất vọng, cố gắng lần nữa. Rajeev vẽ một kiệt tác khác, nhưng thầy Ranga bảo phải thay đổi thông điệp dưới bức tranh. Thầy Ranga nói phải để màu vẽ và bút ngay cạnh bức tranh ở quảng trường và đề nghị mọi người tìm những chỗ sai trong bức tranh và sửa chúng lại bằng những dụng cụ để vẽ ấy.

Hai ngày sau, khi lấy tranh về, Rajeev rất vui mừng khi thấy bức tranh không bị sửa gì hết và tự tin đem đến chỗ Ranga. Ranga nói:

- Con đã thành công vào ngày hôm nay. Bởi vì nếu chỉ thành thạo về mỹ thuật thôi thì chưa đủ, mà con còn phải biết rằng con người bao giờ cũng đánh giá bừa bãi ngay khi có cơ hội đầu tiên, cho dù họ chẳng biết gì về điều đó cả. Nếu con luôn để cả thế giới đánh giá mình, con sẽ luôn thất vọng. Con người thích đánh giá người khác mà không nghĩ đến trách nhiệm hay nghiêm túc gì cả. Mọi người đánh những dấu X lên bức tranh đầu tiên của con vì họ không có trách nhiệm gì mà lại cho đó là việc không cần động não. Nhưng khi con đề nghị họ sửa những sơ suất thì không ai làm nữa, vì họ sợ bộc lộ hiểu biết- những thứ mà họ có thể không có. Nên họ quyết định tránh đi là hơn. Cho nên, những thứ mà con phải vất vả để làm ra được, đừng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi đánh giá của người khác. Hãy tự đánh giá mình. Và tất nhiên, cũng đừng bao giờ đánh giá người khác quá dễ dàng.
 

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28
Hai người bệnh


Có hai người đều bệnh nặng cả, nằm trong cùng một phòng ở bệnh viện.

Một người được phép ngồi trên giường mỗi buổi chiều một giờ để cho chất lỏng trong phổi chảy ra.

Giường của anh ở bên cạnh cửa sổ duy nhất của căn phòng,còn người kia phải nằm bẹp liên tục.

Hai người nói chuyện với nhau hàng giờ không ngừng.

Họ nói về vợ con và gia đình, nhà cửa, công ăn việc làm, chuyện đi lính, rồi nay đang được nghỉ phép.

Mỗi buổi chiều, khi người ở giường sát cửa sổ có thể ngồi dậy. Anh mải mê mô tả cho người bạn cùng phòng, tất cả những gì anh thấy được bên ngoài khung cửa sổ.

Người ở giường kia bắt đầu sống những khoảng thời gian một giờ đồng hồ, khi đó thế giới của anh được mở rộng và trở nên sôi nổi nhờ tất cả các sinh hoạt và màu sắc của thế giới bên ngoài.

Khung cửa sổ nhìn ra một công viên có một cái hồ thật xinh.

Bầy vịt và đàn thiên nga chơi đùa trên mặt nước, trong khi mấy đứa bé thả cho các con thuyền giấy trôi đi. Các đôi tình nhân trẻ bước đi tay trong tay giữa các đóa hoa muôn màu muôn sắc và có thể thấy xa xa những đường nét của thành phố in lên chân trời.

Trong khi người ngồi bên cửa sổ mô tả tất cả các chi tiết tuyệt vời đó, người ở phía bên kia nhắm mắt lại và tưởng tượng ra tất cả quanh cảnh mỹ miều đó. Một buổi chiều ấm áp nọ, người ngồi bên khung cửa mô tả một cuộc diễu hành đang đi qua.

Cho dù người kia không nghe được dàn nhạc, anh vẫn có thể thấy qua trí tưởng tượng, trong khi người ngồi bên cửa sổ phác họa ra bằng những lời mô tả.

Từng ngày.. từng tuần.. từng tháng trôi qua.

Vào một buổi sáng, cô y tá trực ban ngày đến để đưa nước cho họ tắm. Thì thấy thân thể bất động của người ở bên cửa sổ, anh đã chết bình an trong khi ngủ.

Cô rất buồn, cô gọi các nhân viên bệnh viện đến đưa thi hài đi.

Ngay sau đó, người kia xin được chuyển đến bên cạnh cửa sổ. Cô y tá vui vẻ chuyển anh đến, và sau khi chắc chắn là anh đã thoải mái cô rời phòng.

Chầm chậm.. khó nhọc, anh tì trên một cùi chỏ để đưa mắt nhìn lần đầu tiên ra thế giới thực bên ngoài.

Anh cố gắng quay người chầm chậm để nhìn ra bên ngoài cửa sổ bên cạnh giường,anh đối diện với một bức tường trơ trụi.

Người ấy mới hỏi cô y tá là điều gì đã thúc ép người bạn quá cố, khiến anh ấy mô tả những điều tuyệt vời như thế ở bên ngoài cửa sổ.

Cô y tá trả lời rằng anh ấy bị mù, nên thậm chí chẳng thấy được bức tường.

Cô bảo: "Có thể anh ta muốn khích lệ anh đó thôi."

cute_smiley29.gif
 

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28
Chôn Chặt Niềm Riêng


Trước đây đã lâu lắm, có Inamuraya Gensuke là một nhà buôn giàu có ở xứ Tamba. Nhà này có một cô con gái tên là Ô Sônô. Ô Sônô rất xinh đẹp và thông minh sáng dạ, cha nàng thấy nếu chỉ cho con gái theo học với các bà thầy ở chốn quê mùa thì tội nghiệp cho nàng, nên mới cho nàng, cùng vài người đầy tớ theo hầu, lên Kyoto để học phép tắc, trau dồi công dung ngôn hạnh của giới thượng lưu thanh nhã với quý bà ở chốn đế đô. Sau khi được dậy dỗ chu đáo, Ô Sônô được gả cho Nagaraya, là một nhà buôn quen biết với cha mình, và sống hạnh phúc được đâu độ bốn năm. Hai vợ chồng sinh được một mụn con trai, nhưng lấy chồng được bốn năm sau thì Ô Sônô bị bệnh qua đời.

Buổi tối sau khi cử hành tang lễ xong xuôi, đứa con trai nhỏ mách rằng đã thấy mẹ nó về ở trên gác. Người mẹ chỉ nhìn con mà nhoẻn miệng cười, chẳng nói chẳng rằng, làm đứa con sợ hãi bỏ chạy. Có mấy tên người nhà đi lên gác, vào căn phòng cũ của Ô Sônô, thì thấy bóng người mẹ hiện ra trong ánh sáng của ngọn đèn nhỏ thắp trước bàn thờ, ai nấy đều giật mình. Họ thấy hình như nàng đứng trước chiếc tủ đựng quần áo đồ dùng của nàng. Đầu và vai nàng thì còn trông thấy rõ, nhưng phần thân thể từ lưng trở xuống gót chân thì mờ nhạt.Cái bóng ấy lờ mờ phản chiếu trong gương như thể hình ảnh của nàng, lại trong suốt như dáng hình in trên mặt nước.Người nhà thấy thế sợ hãi, bỏ ra khỏi phòng, xuống nhà thì thầm to nhỏ.

Bấy giờ mẹ chồng của Ô Sônô mới bảo rằng:

-Đàn bà con gái thường yêu quý từ những vật dụng lặt vặt hàng ngày của mình, nên Ô Sônô cũng rất yêu quý những vật dụng của nàng. Có lẽ nàng trở về tìm những món đồ ấy. Người chết làm như vậy là thường, nếu không đem những thứ của họ lên chùa nơi thờ họ, là không được. Nhà ta nay cũng phải đem những đồ dùng của Ô Sônô lên chùa thì có lẽ hương hồn của nàng mới được nghỉ yên.

Nghe rồi mọi người đều bảo nhau là hãy làm như thế ngay. Thế là sáng hôm sau, họ đem hết quần áo đồ dùng của Ô Sônô lên chùa, trong tủ trống trơn không còn sót một thứ gì nữa. Thế nhưng đêm hôm sau Ô Sônô vẫn trở về, và vẫn đăm đăm nhìn vào tủ như trước. Đêm kế tiếp, rồi đêm kế tiếp, Ô Sônô vẫn còn trở về hằng đêm làm cho cả nhà ai nấy đều hoảng sợ.

Mẹ chồng Ô Sônô bèn lên chùa, kể hết sự tình cho vị hòa thượng trụ trì ngôi chùa nghe, để thỉnh lời khuyên của ngài. Đó là một ngôi thiền tự, vị sư trụ trì là hòa thượng DaiGen, người có sở học rộng mênh mông. Ngài nói:

-Chắc là trong chiếc tủ ấy hay ở gần đó có vật gì mà cô ta rất bận tâm lo lắng.

Bà mẹ chồng già đáp:

-Nhưng thưa ngài, các ngăn tủ đều trống trơn trong tủ chẳng còn gì nữa ạ.

Hòa thượng bảo:

-Vậy thì để ta đến nhà bà và ở trong phòng ấy canh chừng, xem có cách nào không. Trong lúc ta đang canh chừng, bà nhớ dặn gia nhân không ai được vào phòng cho đến khi ta lên tiếng gọi.

Chiều xuống, hòa thượng Daigen bèn tới nhà ấy. Chủ nhà đã sắp sẵn cho hòa thượng ở trong phòng. Hòa thượng một mình vào phòng ngồi tụng kinh. Đồng hồ điểm giờ Tí, rồi quá nửa đêm, vẫn không thấy gì hiện ra. Nhưng chẳng mấy lúc, có bóng của Ô Sônô đột nhiên hiện ra trước tủ, nét mặt buồn bã đôi mắt cứ chăm chú nhìn vào chiếc tủ.

Hòa thượng bèn đọc thần chú, rồi xướng pháp danh của Ô Sônô để nói chuyện với bóng nàng:

-Ta đến đây để giúp con. Con hãy lại gần đây. Chắc là trong chiếc tủ này có vật gì làm con rất bận tâm phải không? Để ta tìm vật ấy cho con nhé?

Đầu của cái bóng lay động, ra chiều đồng ý. Bấy giờ hòa thượng bèn đứng lên, mở ngăn kéo trên cùng của tủ. Trong ngăn kéo trống trơn. Ngài lại mở ngăn kéo thứ hai, thứ ba, rồi thứ tư, để ý tìm tòi cả phía sau và phía dưới ngăn kéo, lại tìm thật kỹ trong từng ngăn một, nhưng ngài chẳng tìm thấy gì cả. Thế nhưng cái bóng của O Sono trước sau như một, vẫn cứ buồn rầu đăm đăm nhìn vào chiếc tủ. Hòa thượng nghĩ bụng “Không biết ta phải làm gì bây giờ đây.”

Bất giác, một ý tưởng chợt hiện lên trong óc ngài:“ Hay là ở phía dưới tấm giấy lót đáy ngăn kéo có giấu cái gì chăng”. Ngài bèn giở giấy lót đáy của ngăn kéo trên cùng, nhưng không thấy gì. Lại giở giấy lót đáy ngăn kéo thứ hai, rồi thứ ba, nhưng vẫn không thấy gì cả. Thế nhưng, đến ngăn kéo thứ tư, thì cái mà ngài đã tìm thấy dưới tấm giấy lót đáy ngăn kéo là một bức thư. Hòa thượng quay hỏi :

-Đây là cái đã làm con bận tâm phải không?

Bóng của Ô Sônô hướng về phía hòa thượng với ánh mắt yếu ớt đăm chiêu hướng về bức thư .
Hòa thượng lại hỏi:

-Ta đốt bức thư này cho con nhé?

Cái bóng cúi rạp xuống trước mặt hòa thượng.

Hòa thượng hứa:

-Ta sẽ đem về chùa đốt ngay đêm nay. Ngoài ta, sẽ không ai được đọc bức thư này.

Cái bóng liền nhoẻn miệng cười, rồi biến mất.

Hòa thượng theo cầu thang xuống nhà. Lúc người nhà đang lo lắng đợi ở tầng dưới trông thấy ngài thì trời cũng vừa hửng sáng. Hòa thượng bảo mọi người:

-Không có gì phải lo cả. Cô ta không bao giờ hiện ra nữa đâu.

Bức thư được đem đốt. Đó là một bức thư tình mà Ô Sônô đã nhận được khi đến Kyoto trao dồi công dung ngôn hạnh. Nhưng trong bức thư ấy viết gì thì chỉ có một mình hòa thượng biết mà thôi. Và bí mật ấy của nàng sau đó đã được chôn kín theo cùng với hòa thượng, khi ngài qua đời.

 

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28
Trang sách cuộc đời


Bạn có biết, mỗi ngày trong đời mình đều mở ra một trang giấy trắng . Rồi ngày qua đi khi một trang đã kín , và tôi không còn thay đổi gì được nữa ... Lần giở lại từng trang, tôi như thấy lại đời mình ... nhiều khi hạnh phúc, nhưng cũng không hiếm lúc buồn đau . Có những kỷ niệm ngọt ngào làm tôi nôn nao . Nhưng cũng có những ký ức, làm tôi chỉ muốn : “Ước gì tôi có thể xé tan chúng. ” Và từ hôm nay, tôi đã tìm được một cách viết khác cho những trang sách khác .

Sach.gif


Dẫu cho khó khăn có bao trùm, nghịch cảnh có bủa vây ... tôi vẫn cố tìm cách pha một màu thật dịu dàng, thật êm ái như thể trời vẫn quang, mưa vẫn tạnh ... để “bức tranh” hôm nay sẽ là hồi ức đẹp ngày mai .Và bạn, hôm nay ... Bạn sẽ viết gì đây?

Tôi sẽ viết sao cho ngày hôm nay sẽ trở thành “tài sản vô giá”, hay thành “hành trang không thể nào quên” để tôi có thể vững bước đến cuối “con đường” cuộc đời . Vì tôi đã có niềm tin, ý chí và sự lạc quan làm bạn đồng hành .Và bạn, bạn sẽ làm gì khi bạn biết mình chỉ còn một ngày để sống?

Tôi sẽ cám ơn Cha Mẹ, người đã ban cho tôi cuộc sống tươi đẹp này . Tôi sẽ nguyện cầu Ơn Trên, xin ban bình an cho hết khắp mọi người, cho những người tôi yêu và không yêu, quen và không quen .Tôi sẽ ngồi lặng hàng giờ nhìn mặt trời mọc, ngắm những tia nắng nhảy nhót buổi sớm mai, nghe gió nhẹ nhàng ve vuốt trên làn da và khẽ đùa trong từng lọn tóc .

Tôi sẽ chạy ùa vào lòng người tôi yêu thương nhất đời để được ấp ôm, để được che chở, để được hôn say đắm nồng nàn . Tôi sẽ ôm ghì lấy những đứa con thiên thần của tôi, mãi đến khi tôi không còn hơi sức nữa .

Xin hãy sống tận hưởng một ngày, như mọi ngày .

Xin hãy làm đầy ký ức bằng những niềm vui và mọi điều tốt đẹp .

Xin hãy đừng làm tổn thương ai, dù chỉ bằng lời nói hay việc làm .

Xin được cùng ai chia vai gánh nặng .

Xin được cùng ai chung tay xây đắp những công trình, không thể để lại ngày mai .

Sẽ không bao giờ là quá muộn để bạn thay đổi cách suy nghĩ, cách sống, cách nhìn.Cách cảm nhận về cuộc đời để khởi đầu một ngày mới, để viết một trang sử mới về đời mình...
 

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28
Truyện ....rất ngắn...rất hay !!!


Chung riêng


Chung một con ngõ hẹp, hai nhà chung một vách ngăn. Hai đứa chơi thân từ nhỏ, chung trường chung lớp, ngồi chung bàn, đi về chung lối. Chơi chung trò chơi trẻ nhỏ, cùng khóc cùng cười, chung cả số lần bị đánh đòn do hai đứa mãi chơi. Đi qua tuổi thơ với chung những kỷ niệm rồi cùng lớn lên…

Uống chung một ly rượi mừng, chụp chung tấm ảnh... cuối cùng khi anh là chú rễ còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa sẽ không còn có gì chung
nữa, anh giờ là riêng của người ta…


Bàn tay
Nga Miên

Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em... mềm mại.

Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.

Tự trách, mấy lâu mình quá vô tình.


Xứ lạ quê người
Trần Ninh Bình

Qua xứ người được vài năm thì ông anh họ của tôi bắt đầu gởi tiền về, giục các con lo học tiếng Anh và vi tính để mai mốt qua đó có thể dễ dàng kiếm việc làm.
Hôm vừa rồi, anh gọi điện về thăm gia đình chúng tôi, tôi hỏi anh có địa chỉ eMail chưa để tiện liên lạc, giọng anh chùng hẳn xuống: ” Suốt ngày hết rửa bát lại dọn bàn trong quán, anh có thì giờ đâu mà biết đến những thứ hiện đại đó hả em?! “.


Tình đầu
Hứa Vĩnh Lộc

Về quê, lần nào cũng vậy, hễ chạy qua ngã ba An Lạc là tôi cho xe chạy chậm hẳn lại, mắt nhìn vào ngôi nhà khuất sau vườn lá. Một lần, đứa con trai mười tuổi của tôi hỏi:

- Ba tìm gì vậy?

- Tìm tuổi thơ của ba.

- Chưa tới nhà nội mà?

- Ba tìm thời học sinh.

- Nội nói, lớn ba học ở Sài Gòn mà?

- À, ba tìm người... ba thương.

- Ủa, không phải ba thương mẹ sao?

- Ừ, thì cũng ... thương.

- Ba nói nghe lộn xộn quá. Con không biết gì cả.

- Ba cũng không biết.

Chỉ có Hồng Hạ biết. Mà Hạ thì hai mươi năm rồi tôi không gặp.


Đánh đổi
Song Vũ

Chị yêu anh vì vẻ lãng mạn và coi thường vật chật. Chị xa anh cũng vì lẽ đó. Nhân chứng của cuộc tình là chiếc xe đạp, nó chở đầy kỷ niệm của một thời yêu nhau.

Mười năm xa cách, anh lao vào cuộc mưu sinh và có một gia sản ít ai bằng.

Tình cờ anh gặp chị tại nhà, nhìn thấy chiếc xe đạp ngày xưa, chị hỏi: anh còn giữ nó? Anh nghẹn ngào: anh làm ra những thứ này mong đánh đổi những gì anh có trên chiếc xe đạp ngày xưa.


Khóc
Bùi Phương Mai

Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa.

Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ.

Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói:

- Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh.

 

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28
Sự Đói


6 giờ chiều

Mẹ đi làm về, mệt nhoài. Nhà vắng lặng. Mẹ lao vào bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, rửa mớ chén đũa tối hôm trước, vứt bỏ các thức ăn thừa trong tủ lạnh.

8 giờ tối

Mẹ lôi tờ bào Việt ngữ cuộn tròn trong giỏ đi làm mẹ mua từ hồi sáng sớm trước khi tới sở, đọc lướt, cũng những tin chán ngấy: chiến tranh, tội phạm, băng đảng, những phát minh khoa học, những thành tựu xa vời khó hiểu...

10 giờ đêm

Những lóa đèn xe lướt qua cửa sổ nhà thưa dần. Mẹ dùng cơm tối, một mình. Sắp sẵn thức ăn cho ngày hôm sau, viết vài chữ cho con gắn lên tủ lạnh.

12 giờ khuya

Con từ thư viện về, mệt nhoài. Ăn chút thức ăn đã nguội, đọc mảnh giấy trên tủ lạnh, vào phòng riêng, đóng cửa.

6 giờ sáng

Mẹ thức dậy, yên tâm khi thấy xe của con đã đậu trước nhà, viết mảnh giấy khác cho con trước khi đi làm.

8 giờ sáng

Con dậy, nhà vắng lặng, bụng đói. Những thức ăn nguội ngày hôm trước xếp ngay ngắn trong tủ lạnh, chợt thèm một thứ gì đó khác hơn, một cái gì đó ấm nóng. Con uể oải đến trường, bụng vẫn đói.

6 giờ chiều

Mẹ về, mệt nhoài. Nhà vắng lặng. Mẹ bắt đầu những công việc bất di bất dịch của một buổi chiều tối bình thường, rửa mớ chén đũa tối hôm trước, vứt bỏ các thức ăn thừa trong tủ lạnh, nấu những món ăn mới, đọc báo Việt ngữ, ăn cơm một mình, sắp thức ăn cho ngày hôm sau, viết vài dòng cho con trước khi đi ngủ.

12 giờ khuya

Con về, đói, cơn đói của những ngày trước tích tụ. Con nhìn những mớ thức ăn nguội sắp ngay ngắn trong tủ lạnh, thức ăn thừa mứa, nhưng con vẫn thèm một thứ gì đó khác hơn, ấm hơn. Con không ăn gì, về phòng riêng, đóng cửa.

...​


Mẹ bàng hoàng, trước cánh cửa tủ lạnh mở toang, với những hộp thức ăn nguội còn nguyên vẹn xếp ngay ngắn, con nằm bất động.

Mẹ đưa con vào bệnh viện, đã quá trễ. Con chết, trên giấy khai tử, ở chỗ phải ghi lý do qua đời, chỉ vỏn vẻn một chữ: Đói.

 

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28

Một ông Tây, sinh ra và sống thời niên thiếu ở thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang, năm 1975 trở về quê cha đất tổ bên Pháp. Cuối tháng 10-2011 ông Tây trở lại thành phố Mỹ Tho tìm thăm những người thân còn ở lại Việt Nam. Nhưng trớ trêu thay, ông Tây lại bị những người ruột già máu mủ hắt hủi ra đường vì…cái tội nghèo.


Chuyến trở về quê mẹ đầy cay đắng

Trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, người dân phường 4, phường 5, phường 6 thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) hay gặp một ông Tây suốt ngày mặc quần jean, áo thun bạc màu, chân mang dép lê lẹp xẹp đi bộ lang thang khắp các con đường trong khu vực.

Nhiều lúc người ta thấy ông Tây đi bộ mệt, vào ngồi thu lu trong một quán cà phê cóc, gọi ly trà đá uống giải khát, nét mặt buồn rười rượi. Những người hiếu kỳ xúm vào thăm hỏi, ông Tây trả lời mọi chuyện trơn tru bằng tiếng Việt.

Từ những câu chuyện của ông Tây, nhiều người biết người đàn ông quốc tịch Pháp về thành phố Mỹ Tho thăm quê mẹ, thăm người chị ruột và những đứa em cùng mẹ khác cha, nhưng cuối cùng lại bị người thân hắt hủi ra đường, đi lang thang trong tình cảnh đói khát, bệnh tật, không nơi nương tựa.

Đầu tháng 3-2012, theo chỉ dẫn của những người dân phường 5 thành phố Mỹ Tho, tôi tìm gặp ông Tây đang tá túc ở tiệm sửa xe gắn máy của ông Trương Văn Hùng ở số 682 đường Lý Thường Kiệt, phường 5 thành phố Mỹ Tho.

Vẫn quần jean, áo thun bạc màu, chân mang dép lê, nhưng thần thái ông Tây đã tươi tỉnh, tóc tai không còn bù xù như những ngày sống lang thang ở thành phố Mỹ Tho.

Ông Tây khoe, sau những nổ lực nhờ chính quyền giúp đỡ, Sở Ngoại vụ tỉnh Tiền Giang đã cử cán bộ tìm hiểu sự việc của ông và ngày 14-3-2012 sẽ cho xe ô tô đưa ông từ thành phố Mỹ Tho lên sân bay Tân Sơn Nhất để lên máy bay về Pháp quốc.

“Vé máy bay tôi nhờ bà chị ruột mua xong rồi, nhưng bà chị tôi không biết gì nên mua vé mắc quá. Tôi đọc báo thấy Vietnam Airline đang khuyến mãi vé đi Paris chỉ có 15,5 triệu đồng tiền Việt Nam, vậy mà bà chị tôi lại đi mua vé máy bay của hãng Quatas tốn 750 USD, thật là lãng phí”, ông Tây càm ràm.

Ngồi nhâm nhi bình nước trà cùng vợ chồng ông Hùng chủ tiệm sửa xe, ông Tây trầm ngâm kể chuyện cuộc đời và chuyến trở về thăm quê mẹ đầy cay đắng.

Ông Tây tên thật là Daniel Jean Claude Buzit, sinh năm 1959 tại thành phố Mỹ Tho, từ nhỏ mọi người thường gọi là Daniel, không có cái tên Việt nào. Daniel còn nhớ rành rẽ, cha ông là dân Pháp chính gốc, còn mẹ ông là người Việt, quê ở phường 4 thành phố Mỹ Tho hiện nay.

Hồi trước cha của Daniel phục vụ trong quân đội Pháp đóng tại Việt Nam, sau khi giải ngũ thì chuyển qua làm công nhân cho Chi nhánh hãng bia Con Cọp (bia BGI hiện nay) ở tại Mỹ Tho, nên cả gia đình của ông sinh sống ở phường 4 thành phố Mỹ Tho.

Ông Tây còn nhớ, hồi xưa chi nhánh hãng bia nơi cha ông làm việc nằm ở góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lê Thị Hồng Gấm hiện nay, nơi đó bây giờ không còn vết tích gì và trên nền chi nhánh bia ngày xưa hiện giờ là Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh Tiền Giang.

“Ông bà già tôi sống với nhau sinh được 3 người con gồm một người chị hiện đang sống tại thành phố Mỹ Tho, tôi và một người em.

Cha tôi làm việc ở Việt Nam một thời gian thì hồi hương về Pháp, lúc đó ông định mang cả gia đình vợ con cùng về, nhưng không hiểu sao mẹ tôi không chịu đi, nên cha tôi về Pháp một mình. Sau đó mẹ tôi ở Mỹ Tho lấy chồng khác, sinh thêm được mấy người em cùng mẹ khác cha với tôi.

Ở bên Pháp cha tôi cũng có vợ khác, đến năm 1975 khi tôi đã 16 tuổi thì cha tôi đón tôi qua Pháp sinh sống. Hiện nay tôi ở tiểu bang 57 gần thành phố Metz, làm công nhân trong một xí nghiệp”, Daniel cho biết như vậy.

Ông Tây Daniel nói, ở bên Pháp ông rất muốn về Việt Nam thăm lại quê mẹ, nhưng công việc vất vả không có thời gian, lương bổng lại eo hẹp nên không có điều kiện để về.

Tuy vậy, lâu lâu dành dụm được ít tiền, ông Tây Daniel lại ra bưu điện gửi măng-đa về Việt Nam cho chị em xoay xở mua sắm vật dụng sinh hoạt, sửa sang nhà cửa.

“Gần đây nhất là năm 1992 tôi dành dụm được 4.500 Franc gửi về cho đứa em cùng mẹ khác cha sửa lại ngôi nhà ở đường Đống Đa, phường 4 thành phố Mỹ Tho, nơi mẹ tôi sinh sống đến lúc qua đời. Bên Pháp đi làm kiếm tiền khó lắm nên không phải lúc nào cũng có dư tiền để gửi về Việt Nam”, ông Tây ngồi bần thần nhớ lại.

Lần này về Việt Nam để thăm quê ngoại là nhờ có giấy của bác sĩ bên Pháp yêu cầu ông phải đi nghỉ để dưỡng bệnh và phải về Việt Nam dưỡng bệnh là tốt nhất.

“Nguyên nhân là thế này. Hồi nhỏ lúc còn ở Mỹ Tho tôi cùng bạn bè hay nghịch phá, leo trèo. Lúc đó Mỹ Tho còn vườn tược nhiều lắm. Lần nọ tôi leo lên cây vú sữa hái trái thì bị trượt chân té đập đầu xuống đất bất tỉnh nhân sự, rất lâu người ta mới tìm thấy tôi và đưa về nhà, từ đó tôi hay bị nhức đầu.

Sau khi sang Pháp định cư và đi làm, thêm một lần tôi bị tai nạn lao động trúng ngay chỗ bị té lúc trước, nên nhiều năm nay mỗi khi trời trở lạnh là đầu tôi lại đau nhức như búa bổ.

Chính vì vậy mà mùa đông năm 2010 ông bác sĩ Pháp sau khi cho tôi nghỉ làm việc để dưỡng bệnh đau đầu, biết tôi quê mẹ ở Việt Nam nên khuyên tôi nên về bên này nghỉ ngơi dưỡng bệnh vì điều kiện thời tiết ở Việt Nam ấm áp, rất tốt cho sức khỏe của tôi, trong khi ở Pháp và khắp châu Âu nơi nào mùa đông cũng khắc nghiệt, nhiệt độ âm từ 10 đến 20 độ C, không tốt cho cái đầu đau nhức của tôi”, ông Tây Daniel nhớ lại.

Hỏi tại sao Daniel về Việt Nam thăm quê mẹ và dưỡng bệnh chỉ có một mình, không có vợ con đi theo chăm sóc bệnh tật, ông Tây cười buồn hiu, nói: “Đến năm 2005 qua mai mối, sự giới thiệu của người thân, tôi mới cưới vợ.

Vợ tôi là người Việt Nam, quê ở tỉnh Trà Vinh. Sau khi sang Pháp sống với tôi, cô ta không chịu đi làm gì hết, bắt tôi đi làm nuôi cô ta và còn vay mượn nợ nần tùm lum của những người quen, nên hai chúng tôi đang làm thủ tục ly hôn, chắc trong tháng 3-2012 Tòa án bên Pháp sẽ giải quyết. Hai vợ chồng tôi chưa có đứa con nào”.

Bi kịch của Daniel bắt đầu khi cuối tháng 10-2010 ông mua vé máy bay về Việt Nam. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, Daniel được những đứa em cùng mẹ khác cha đón về thành phố Mỹ Tho.

Về đến Mỹ Tho, Daniel sinh sống ở nhà người em trai cùng mẹ khác cha trong căn nhà trên đường Đống Đa.

Ông Tây dự định về Mỹ Tho cho tiền người em lợp lại mái tôn và lót gạch bông cho ngôi nhà ẩm thấp, nóng nực, ăn cái tết Việt, ở chơi một thời gian rồi trở về Pháp làm việc khi thời tiết đã ấm lên.

Nhưng cuộc đời thật éo le, chưa đầy một tháng sau thì người em trai cùng cha khác mẹ cương quyết đuổi ông anh Daniel ra khỏi nhà, còn người chị ruột cũng không chấp nhận cho đứa em đang cù bơ cù bất về nhà tá túc.

Theo nhiều người dân quen biết với Daniel kể lại, sở dĩ có chuyện người thân của ông Tây đuổi ông ra đường là vì tháng 11-2010 Daniel bất ngờ đâm đơn đến Công an phường 4 và Công an thành phố Mỹ Tho yêu cầu điều tra vụ ông bị mất trộm tài sản ngay tại nhà người em cùng mẹ khác cha trên đường Đống Đa.

Ông Tây Daniel một mực cho rằng chính người em cùng mẹ khác cha là thủ phạm lấy cắp số tiền 2.000 Euro và 3 triệu đồng Việt Nam của ông cất trong ví, vì toàn bộ giấy tờ tùy thân vẫn còn y nguyên.

Sau khi Daniel đâm đơn đến cơ quan công an, người em trai dứt khoát không cho ông sống trong nhà trong khi người chị ruột cũng làm ngơ, nên ông Tây phải khăn gói đi tìm nơi ở trọ. Qua giới thiệu của mấy tay “cò nhà trọ”, Daniel thuê một căn phòng của bà C. ở khu phố 7, phường 6 thành phố Mỹ Tho với giá 1,1 triệu đồng/tháng.

Bà C. còn nhận nấu cơm cho ông Tây ăn ngày hai bữa với giá 1,2 triệu đồng/tháng, nhưng bắt buộc ông Tây phải đưa trước ba tháng tiền thuê nhà tổng cộng là 3,3 triệu đồng và tiền ăn ứng trước là 2,9 triệu đồng.

Những tưởng thuê được căn phòng trọ thì sẽ yên thân sống nốt quảng thời gian ít ỏi trên quê mẹ và chờ cơ quan công an làm rõ việc mất trộm tài sản.

Nhưng chỉ sau 3 tuần ông Tây Daniel đã phải rời bỏ phòng trọ vì sinh hoạt cá nhân quá bất tiện, bà chủ nhà cho ăn uống thiếu thốn không xứng với đồng tiền bỏ ra, hơn nữa còn buộc ông Tây hạn chế sử dụng nước, chuyện vệ sinh cá nhân thì hết sức tồi tệ.

Nhưng sự đời như trêu ngươi người sa cơ lỡ vận, chỉ mới thuê trọ được 3 tuần rồi ra đi nhưng khi ông Tây yêu cầu chủ nhà trọ hoàn lại số tiền ứng trước còn dư tổng cộng khoảng 4,5 triệu đồng để Daniel đi tìm nơi trọ khác thì bà C. chỉ chịu trả lại 1,5 triệu đồng, còn 3 triệu thì bà ta cương quyết không trả.

Đòi tiền chủ nhà trọ hoài không được, một lần nữa ông Tây Daniel lại phải viết đơn gửi đến công an phường nhờ can thiệp.

Nhưng sau nhiều lần hòa giải mà bà C. vẫn không chịu trả tiền cho Daniel, chính quyền phường 6 thành phố Mỹ Tho cho biết ông Tây chỉ còn cách làm đơn khởi kiện bà C. ra tòa để phân xử. Tới nước này thì ông Tây Daniel đành chào thua, xem như trắng tay.

Hết tiền, không chốn dung thân, ông Tây Daniel sống lang thang khắp các con đường ở khu vực phường 4, phường 5, phường 6 thành phố Mỹ Tho. Sau khi xài hết những đồng tiền cuối cùng trong túi, ông Tây Daniel lột chiếc đồng hồ đang đeo trên tay đem đi cầm nhưng không ai nhận

Cuối cùng một người thương tình cầm chiếc đồng hồ cho ông Tây với giá 500.000 đồng, giao hẹn khi nào ông có tiền thì cứ đến lấy lại đồng hồ, không tính tiền lãi gì hết.

Nhưng rồi 500.000 đồng cuối cùng cũng hết veo, ông Tây Daniel lâm cảnh đói thì xin cơm, xin nước độ nhật qua ngày, đêm về thì ngủ bất kỳ nơi nào có thể ngả lưng.

Người dân thành phố Mỹ Tho vốn nổi tiếng hiền lành chất phác và hay thương người, hết sức ngạc nhiên khi thấy một ông Tây sống lang thang ngoài đường, nói rành tiếng Việt và thường xuyên xin cơm ăn, nước uống, nên họ xúm nhau hỏi chuyện và khi biết được hoàn cảnh éo le của ông thì mỗi người đều sẵn lòng ít nhiều giúp đỡ Daniel trong cơn khốn khó.

Và rồi trong cơn hoạn nạn cùng cực, ông Tây Daniel bất ngờ nhận được sự giúp đỡ chí tình của những người Việt mới quen ở thành phố Mỹ Tho dù họ không hề thân thích ruột rà mà thoạt nghe cứ tưởng như là chuyện… cổ tích giữa đời thường.


Tấm lòng của những người nhân hậu

Ngồi nói chuyện với tôi bên chiếc bàn nhỏ trước tiệm sửa xe gắn máy của ông Trương Văn Hùng, ông Tây Daniel nói nếu không có sự cưu mang của những người dân thành phố Mỹ Tho tốt bụng thì giờ này chưa biết số phận của ông sẽ ra sao.

Hỏi thăm, tôi được biết việc gia đình vợ chồng ông Hùng và những người dân xung quanh tiệm sửa xe của ông giúp đỡ, cưu mang ông Tây Daniel trong cơn khốn khó thật tình cờ nhưng hết sức cảm động.

Ông Hùng kể, trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, em ruột của ông là anh Trương Huệ Minh bất ngờ dẫn ông Tây Daniel đến nhà chơi, rồi kể rõ ngọn nguồn chuyến về thăm quê mẹ đầy bi kịch của ông Tây, nói thẳng là hiện nay Daniel đang bị bệnh, hết tiền, không nơi nương tựa, phải lang thang xin cơm ăn, nước uống.

Lúc đầu vợ chồng ông Hùng hết sức ngạc nhiên, không biết vì sao anh Minh lại…quen với một ông Tây nghèo khó lang thang không nhà không cửa.

Sau đó anh Minh kể, khoảng tháng 11-2011 nhiều lần đi uống cà phê anh thấy Daniel thường ngồi chung quán, nói tiếng Việt sành sõi nên hai bên bắt chuyện làm quen.

Sau khi biết Daniel là quê ngoại ở Mỹ Tho, về Việt Nam để dưỡng bệnh và thăm quê, ăn Tết Nguyên đán, nên thường cùng nhau uống cà phê sáng.

Một thời gian, anh Minh chú ý thấy ông Tây Daniel không gọi cà phê như thường ngày mà chỉ kêu một ly trà đá rồi… “ngồi đồng” trong quán để giết thời gian nên lấy làm lạ, gặng hỏi.

Cật vấn mãi ông Tây Daniel mới buồn rầu bày tỏ chuyện bị mất trộm tiền, bị người thân đuổi ra khỏi nhà không cho tá túc, sau đó đi thuê nhà trọ thì tiếp tục bị lừa hết tiền, lâm cảnh không nơi nương tựa, đói lên đói xuống.

Cám cảnh người bạn mới quen, trong lúc anh Minh lại sống một mình ở căn nhà nhỏ trong một khu yên tĩnh tại phường 5, anh Minh không ngần ngại cho ông Tây Daniel về ở tạm một thời gian.

Riêng chuyện ăn uống của ông Tây thì anh Minh lo không xuể nên dẫn Daniel ra nhà ông Hùng…nhờ giúp đỡ.

Sau khi nghe anh Minh kể đầu đuôi sự việc hoàn cảnh éo le của ông Tây, vợ chồng ông Hùng cũng mủi lòng cám cảnh, nên dù nghề sửa xe gắn máy thu nhập chẳng bao nhiêu, hoàn cảnh kinh tế gia đình còn nhiều eo hẹp, không bà con thân thích gì hết nhưng hai vợ chồng ông Hùng quyết định cưu mang, giúp đỡ ông Tây qua cơn khốn khó.

Vợ ông Hùng kể, từ khi nhận giúp đỡ ông Tây Daniel, mỗi ngày hai vợ chồng ông đều lo cho ông Tây ngày ba bữa ăn sáng, trưa, chiều, gia đình ăn gì thì ông Tây ăn nấy, như người thân trong nhà.

Những lúc trái gió trở trời ông Tây đổ bệnh, ông Hùng đích thân đi mua thuốc cho ông Tây uống, kêu người cạo gió, giác hơi cho Daniel. Hàng ngày, khi nào mệt và ban đêm thì ông Tây lội bộ từ tiệm sửa xe của ông Hùng về nhà của anh Minh ngủ.

Còn lúc khỏe thì ngồi suốt ở tiệm sửa xe vừa xem ông Hùng hành nghề vừa chuyện trò đủ thứ chuyện trên đời.

Lúc đầu những người dân xung quanh và bạn bè của ông Hùng rất ngạc nhiên khi thấy hai vợ chồng ông tự nhiên lo lắng cơm nước, thuốc thang cho một ông Tây ở đâu như trên trời rớt xuống.

Nhưng sau khi hỏi han biết được chuyện đời éo le của Daniel, mọi người cũng chung tay góp sức cùng vợ chồng ông Hùng đùm bọc ông Tây, dù giữa họ chẳng có mối quan hệ thân thích nào và họ cũng không cần ông Tây phải trả ơn, trả nghĩa. Người thì cho 50.000 đồng, kẻ thì cho 100.000 đồng để ông Tây có tiền chi xài lặt vặt.

Nhiều hôm hai vợ chồng ông Hùng bận đi đám tiệc không lo được cơm nước cho Daniel, bà vợ của ông Hùng vẫn chu đáo gửi tiền cho ông Tây ở nhà ăn cơm bình dân. “Nhiều lần vợ chồng tôi đi đám tiệc Daniel đòi đi theo chơi vì ở nhà một mình thì buồn.

Vợ chồng tôi cũng muốn cho ông Tây đi nhưng bây giờ xe cộ ngoài đường ghê quá, tai nạn nhiều, chở ông Tây đi thì không có gì khó, nhưng lỡ có chuyện gì xảy ra thì sẽ rất phiền phức vì Daniel là người nước ngoài, nên từ chối mà trong bụng áy náy lắm.

Hôm Tết Nguyên đán, Daniel ăn tết cùng với gia đình tôi”, bà vợ ông Hùng cho biết. Nhưng cảm động nhất là trường hợp ông Chung Văn Tư, ở phường 7 thành phố Mỹ Tho, người bạn già của ông Hùng.

Ông Tư cuộc sống còn túng thiếu, ở chung nhà trọ với người con gái, hàng ngày phải đi bán vé số mưu sinh.

Lần nọ ghé tiệm sửa xe gắn máy của ông Hùng chơi, thấy ông Tây Daniel ngồi thu lu một góc, hỏi chuyện thì được ông bạn già cho biết hoàn cảnh trớ trêu của ông Tây, nên ông Tư cũng hết lòng giúp đỡ.

Hôm ông Tây Daniel phải xuống Công an Tiền Giang gia hạn passport, ông Tư là người tình nguyện lấy chiếc xe gắn máy cà tàng của mình chở Daniel đi. Đến nơi làm thủ tục xong xuôi, phải đóng tiền lệ phí gia hạn là 275.000 đồng nhưng lúc đó trong túi ông Tây chỉ còn đúng 100.000 đồng.

Daniel loay hoay không biết phải làm sao, ông Tư thấy vậy liền vét hết tiền số tiền đang có trong túi đưa cho ông Tây đóng lệ phí, rất may là vừa đủ số tiền 275.000 đồng, khiến ông Tây vô cùng xúc động.

Ông Hùng còn nhớ như in hôm 21-2-2012, sau một thời gian được những người tốt bụng ở thành phố Mỹ Tho cưu mang hồi phục sức khỏe, ông Tây Daniel quyết định tìm đến Tòa Tổng lãnh sự Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh để nhờ giúp đỡ trong cơn khốn khó, nhưng trong túi lại không có tiền.

Chính vợ chồng ông Hùng và những người hàng xóm tốt bụng đã gop góp mỗi người vài chục ngàn cho Daniel làm lộ phí, còn ông Tư lại một lần nữa tình nguyện lấy chiếc xe gắn máy 50 phân khối đã cũ nát của mình chở ông Tây vượt quãng đường dài hơn 140 km cả hai lượt đi về để đến Tòa Tổng lãnh sự Pháp nhờ giúp đỡ.

Những người dân xung quanh tiệm sửa xe của ông Hùng nói rằng, ngày hôm đó nhìn cảnh một ông già tóc bạc phơ ì ạch đèo một ông Tây dáng vẻ tiều tụy trên chiếc xe gắn máy cà tàng để tìm đường về Pháp, nhiều người cảm thấy mủi lòng.

Nhưng thật đáng buồn, chuyến đi ấy kết quả không được như mong đợi của Daniel và những người dân tốt bụng ở thành phố Mỹ Tho.

Ông Tây kể, khi lên đến Tổng lãnh sự quán Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh trình bày sự việc, các nhân viên ở đây đều hết sức thông cảm với hoàn cảnh trớ trêu của Daniel nhưng cho biết hiện nay họ không có chính sách hay bất kỳ khoản kinh phí nào để giúp đỡ ông Tây khốn khổ.

Vậy là ông Tây lại trở về thành phố Mỹ Tho tiếp tục sống trong sự cưu mang, đùm bọc của những người tốt bụng.

Vợ chồng ông Hùng nói, thấy hoàn cảnh của Daniel khổ quá, có người thân mà bị họ ruồng bỏ vì không có tiền, nên cưu mang làm phước chứ chẳng hề vụ lợi gì hết. Mà nói thật ông Tây Daniel ngoài hai bàn tay trắng thì có tài sản gì để mà vụ lợi ?

Giữa lúc con đường về Pháp quốc của ông Tây Daniel đang mù mịt không lối thoát thì tình cờ một vận may đến với ông. Ông Hùng kể, tiệm sửa xe của ông có một khách quen là phóng viên của tờ báo địa phương.

Một lần anh này đến tiệm ông Hùng để sửa xe, nhìn thấy ông Tây Daniel ngồi thu lu buồn bã trong góc tiệm bèn hỏi thăm.

Khi nghe vợ chồng ông Hùng và nhiều người hàng xóm kể lại câu chuyện trớ trêu, bi kịch của ông Tây, anh phóng viên này chụp ảnh ông Tây và viết bài kể lại câu chuyện của Daniel trên báo địa phương.

Sau đó nhờ bài viết này mà Sở Ngoại vụ Tiền Giang mới biết có một ông Tây đang sống lang thang khốn khổ ở thành phố Mỹ Tho và được những người dân tốt bụng cưu mang, đùm bọc.

Sở Ngoại vụ Tiền Giang đã cử cán bộ đến tiệm sửa xe của vợ chồng ông Hùng để tìm hiểu cặn kẽ sự việc, tiếp xúc trực tiếp với Daniel, sau đó đề nghị đưa ông Tây về Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh sinh sống chờ Sở Ngoại vụ làm thủ tục giúp ông trở về Pháp.

Cũng nhờ bài báo của anh phóng viên này mà người chị ruột của ông Tây Daniel hồi tâm, tìm đến tiệm sửa xe của vợ chồng ông Hùng tìm em, nhưng ông Tây nhất định sống với những người dân đã cưu mang mình trong cơn khốn khó.

Trước tình cảnh đó, người chị của ông Tây đành chấp nhận, lâu lâu mang thức ăn đến cho ông và cho mọi người biết Daniel còn gửi bà giữ một số tiền đủ để mua vé máy bay trở về Pháp.

Sau khi Sở Ngoại vụ Tiền Giang hoàn tất mọi thủ tục để ông Tây Daniel được quay về Pháp, người chị của ông đã mua vé máy bay cho ông bay vào ngày 14-3-2012.

Bây giờ thì Daniel vui lắm, vì chỉ còn vài ngày nữa là lên máy bay về Pháp.

Tranh thủ những ngày còn ở lại Mỹ Tho, ông Tây đi xin số điện thoại của những người từng cưu mang, giúp đỡ mình để liên lạc.

“Tôi về Pháp chuyến này để giải quyết hai việc quan trọng: thứ nhất là ra tòa ly hôn với người vợ, thứ nhì là nhận công việc mới. Nhưng khi rảnh rỗi, có tiền mua vé máy bay tôi sẽ trở lại Mỹ Tho thăm những người đã giúp đỡ, cưu mang tôi lúc khó khăn hoạn nạn, ơn đó tôi không bao giờ quên”, Daniel nói.

Riêng chuyện tài sản bị mất, Daniel nói cứ để công an điều tra sự việc, nhưng cũng còn may mắn là những tên trộm chỉ lấy tiền còn giấy tờ tùy thân và 3 tấm bằng lái xe của ông (Daniel có bằng lái mô tô, xe ô tô và xe tải nhẹ) chúng không vứt bỏ.

Nếu mất hết giấy tờ thì chuyện làm thủ tục trở về Pháp quốc của ông sẽ rất nhiêu khê, phức tạp.

Còn những người tốt bụng đã cưu mang giúp dỡ ông Tây lang thang trong suốt những tháng qua thì cười rất tươi, nói dẫu sao trời cao cũng còn có mắt, câu chuyện éo le của Daniel cuối cùng cũng kết thúc có hậu.

 

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28
Một người thợ xây dựng thâm niên chuẩn bị về hưu. Ông kể với người chủ thầu về những dự định từ bỏ công việc và sống thanh nhàn với người vợ trong suốt quãng đời còn lại. Dù sẽ không còn có dịp kiếm thêm tiền, nhưng ông cần phải nghỉ ngơi. Mọi thứ rồi cũng sẽ ổn thôi.

Người chủ thầu rất tiếc khi phải thấy một công nhân tận tâm của mình phải ra đi, bèn hỏi ông có thể xây một ngôi nhà nữa như một sự chiếu cố đặc biệt không? Người thợ xây đáp "vâng", nhưng ngay chính trong lúc đó dễ dàng nhận thấy ông đã không còn để tâm vào công việc. Ông làm việc hời hợt và sử dụng những nguyên liệu xoàng. Thật đáng tiếc khi ông đã kết thúc sự nghiệp của mình theo cách đó.

Khi công việc hoàn tất, người chủ thầu đến và trao chìa khóa cho cửa cho người thợ xây: "Đây là căn nhà của bác, và đó là món quà tôi tặng cho bác".

Một cú sốc, một sự xấu hổ vô cùng! Nếu ông biết được đang xây ngôi nhà cho chính mình thì ông đã xây dựng nó hoàn toàn khác rồi. Bây giờ đây ông phải sống trong một căn nhà ông đã xây dựng không ra làm sao cả.

Điều đó cũng giống với chúng ta. Chúng ta xây dựng cuộc sống của mình trong sự xao lãng, đối phó hơn là hành động, sẵn lòng làm qua loa chứ không tối ưu. Vào những thời điểm quan trọng, chúng ta đã không nổ lực hết mức, thế rồi chúng ta bị sốc khi nhìn lại tình huống do chính mình tạo ra, và nhận ra rằng chúng ta đang sống trong ngôi nhà do chúng ta xây dựng. Nếu sớm nhận ra, chúng ta đã thực hiện khác đi rồi.

Hãy nghĩ về bạn như người thợ xây. Hãy nghĩ về căn nhà của bạn. Mỗi ngày bạn đóng một chiếc đinh, dựng một tấm ván hoặc xây một bức tường. Hãy xây dựng trong sự tận tâm. Đó là cuộc sống duy nhất mà bạn xây dựng. Dù bạn chỉ sống thêm có một ngày nữa, thì cái ngày ấy cũng phải được sống trong tử tế và tự trọng. Cuộc sống là một dự án do chính mình thực hiện. Cuộc sống của bạn hôm nay là kết quả của những thái độ và sự chọn lựa của bạn trước đây. Cuộc sống mai hậu của bạn sẽ là kết quả của những lựa chọn và thực thi của bạn hôm nay.
 

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28

Trong cuộc sống ngày nay, xin đừng quên rằng còn tồn tại lòng nhân ái. Đây là một câu chuyện có thật, chúng tôi gọi là "Câu chuyện bát mì". Chuyện xảy ra cách đây năm mươi năm vào ngày 31/12, một ngày cuối năm tại quán mì Bắc Hải Đình, đường Trát Hoảng, Nhật Bản.




Đêm giao thừa, ăn mì sợi đón năm mới là phong tục tập quán của người Nhật, cho đến ngày đó công việc làm ăn của quán mì rất phát đạt. Ngày thường, đến chạng vạng tối trên đường phố hãy còn tấp nập ồn ào nhưng vào ngày này mọi người đều lo về nhà sớm hơn một chút để kịp đón năm mới. Vì vậy đường phố trong phút chốc đã trở nên vắng vẻ.


Ông chủ Bắc Hải Đình là một người thật thà chất phát, còn bà chủ là một người nhiệt tình, tiếp đãi khách như người thân. Đêm giao thừa, khi bà chủ định đóng cửa thì cánh cửa bị mở ra nhè nhẹ, một người phụ nữ trung niên dẫn theo hai bé trai bước vào. Đứa nhỏ khoảng sáu tuổi, đứa lớn khoảng 10 tuổi. Hai đứa mặc đồ thể thao giống nhau, còn người phụ nữ mặc cái áo khoác ngoài lỗi thời.


- Xin mời ngồi!


Nghe bà chủ mời, người phụ nữ rụt rè nói:


- Có thể... cho tôi một... bát mì được không?


Phía sau người phụ nữ, hai đứa bé đang nhìn chăm chú.


- Đương nhiên... đương nhiên là được, mời ngồi vào đây.


Bà chủ dắt họ vào bàn số hai, sau đó quay vào bếp gọi to:


- Cho một bát mì.


Ba mẹ con ngồi ăn chung một bát mì trông rất ngon lành, họ vừa ăn vừa trò chuyện khe khẽ với nhau. "Ngon quá" - thằng anh nói.


- Mẹ, mẹ ăn thử đi - thằng em vừa nói vừa gắp mì đưa vào miệng mẹ.


Sau khi ăn xong, người phụ nữ trả một trăm năm mươi đồng. Ba mẹ con cùng khen: "Thật là ngon! Cám ơn!" rồi cúi chào và bước ra khỏi quán.


- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ - ông bà chủ cùng nói.


Công việc hàng ngày bận rộn, thế mà đã trôi qua một năm. Lại đến ngày 31/12, ngày chuẩn bị đón năm mới. Công việc của Bắc Hải Đình vẫn phát đạt. So với năm ngoái, năm nay có vẻ bận rộn hơn. Hơn mười giờ, bà chủ toan đóng cửa thì cánh cửa lại bị mở ra nhè nhẹ. Bước vào tiệm là một người phụ nữ dẫn theo hai đứa trẻ. Bà chủ nhìn thấy cái áo khoác lỗi thời liền nhớ lại vị khách hàng cuối cùng năm ngoái.


- Có thể... cho tôi một... bát mì được không?


- Đương nhiên... đương nhiên, mời ngồi!


Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai như năm ngoái, vừa nói vọng vào bếp:


- Cho một bát mì.


Ông chủ nghe xong liền nhanh tay cho thêm củi vào bếp trả lời:


- Vâng, một bát mì!


Bà chủ vào trong nói nhỏ với chồng:


- Này ông, mình nấu cho họ ba bát mì được không?


- Không được đâu, nếu mình làm thế chắc họ sẽ không vừa ý.


Ông chủ trả lời thế nhưng lại bỏ nhiều mì vào nồi nước lèo, ông ta cười cười nhìn vợ và thầm nghĩ: "Trông bà bề ngoài khô khan nhưng lòng dạ cũng không đến nỗi nào!"


Ông làm một tô mì to thơm phức đưa cho bà vợ bưng ra. Ba mẹ con ngồi quanh bát mì vừa ăn vừa thảo luận. Những lời nói của họ đều lọt vào tai hai vợ chồng ông chủ quán.


- Thơm quá!


- Năm nay vẫn được đến Bắc Hải Đình ăn mì thật là may mắn quá!


- Sang năm nếu được đến đây nữa thì tốt biết mấy!


Ăn xong, trả một trăm năm mươi đồng, ba mẹ con ra khỏi tiệm Bắc Hải Đình.


- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ!


Nhìn theo bóng dáng ba mẹ con, hai vợ chồng chủ quán thảo luận với nhau một lúc lâu.


Đến ngày 31/12 lần thứ ba, công việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn rất tốt, vợ chồng ông chủ quán bận rộn đến nỗi không có thời gian nói chuyện. Đến 9g30 tối, cả hai người đều cảm thấy trong lòng có một cảm giác gì đó khó tả. Đến 10 giờ, nhân viên trong tiệm đều đã nhận bao lì xì và ra về. Ông chủ vội vã tháo các tấm bảng trên tường ghi giá tiền của năm nay là “200đ/bát mì” và thay vào đó giá của năm ngoái “150đ/bát mì”. Trên bàn số hai, ba mươi phút trước bà chủ đã đặt một tờ giấy "Đã đặt chỗ". Đúng 10g30, ba mẹ con xuất hiện, hình như họ cố chờ khách ra về hết rồi mới đến. Đứa con trai lớn mặc bộ quần áo đồng phục cấp hai, đứa em mặc bộ quần áo của anh, nó hơi rộng một chút, cả hai đứa đều đã lớn rất nhiều.


- Mời vào! Mời vào! - bà chủ nhiệt tình chào đón.


Nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của bà chủ, người mẹ chậm rãi nói:


- Làm ơn nấu cho chúng tôi... hai bát mì được không?


- Được chứ, mời ngồi bên này!


Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai, nhanh tay cất tờ giấy "Đã đặt chỗ" đi, sau đó quay vào trong la to: "Hai bát mì".


- Vâng, hai bát mì. Có ngay.


Ông chủ vừa nói vừa bỏ ba phần mì vào nồi.


Ba mẹ con vừa ăn vừa trò chuyện, dáng vẻ rất phấn khởi. Đứng sau bếp, vợ chồng ông chủ cũng cảm nhận được sự vui mừng của ba mẹ con, trong lòng họ cũng cảm thấy vui lây.


- Tiểu Thuần và anh lớn này, hôm nay mẹ muốn cảm ơn các con!


- Cảm ơn chúng con? Tại sao ạ?


- Chuyện là thế này: vụ tai nạn xe hơi của bố các con đã làm cho tám người bị thương, công ty bảo hiểm chỉ bồi thường một phần, phần còn lại chúng ta phải chịu, vì vậy mấy năm nay mỗi tháng chúng ta đều phải nộp năm mươi ngàn đồng.


- Chuyện đó thì chúng con biết rồi - đứa con lớn trả lời.


Bà chủ đứng bên trong không dám động đậy để lắng nghe.


- Lẽ ra phải đến tháng ba năm sau chúng ta mới nộp hết nhưng năm nay mẹ đã nộp xong cả rồi!


- Hả, mẹ nói thật đấy chứ?


- Ừ, mẹ nói thật. Bởi vì anh lớn nhận trách nhiệm đi đưa báo, còn Tiểu Thuần giúp mẹ đi chợ nấu cơm làm mẹ có thể yên tâm làm việc, công ty đã phát cho mẹ một tháng lương đặc biệt, vì vậy số tiền chúng ta còn thiếu mẹ đã nộp hết rồi.


- Mẹ ơi! Anh ơi! Thật là tốt quá, nhưng sau này mẹ cứ để con tiếp tục nấu cơm nhé.


- Con cũng tiếp tục đi đưa báo. Tiểu Thuần chúng ta phải cố gắng lên!


- Mẹ cám ơn hai anh em con nhiều!


- Tiểu Thuần và con có một bí mật chưa nói cho mẹ biết. Đó là vào một ngày chủ nhật của tháng mười một, trường của Tiểu Thuần gửi thư mời phụ huynh đến dự một tiết học. Thầy giáo của Tiểu Thuần còn gửi một bức thư đặc biệt cho biết bài văn của Tiểu Thuần đã được chọn làm đại diện cho Bắc Hải đảo đi dự thi văn toàn quốc. Con nghe bạn của Tiểu Thuần nói mới biết nên hôm đó con đã thay mẹ đến dự.


- Có thật thế không? Sau đó ra sao?


- Thầy giáo ra đề bài: “Chí hướng và nguyện vọng của em là gì?” Tiểu Thuần đã lấy đề tài bát mì để viết và được đọc trước tập thể nữa chứ. Bài văn được viết như sau: "Ba bị tai nạn xe mất đi để lại nhiều gánh nặng. Để gánh vác trách nhiệm này, mẹ phải thức khuya dậy sớm để làm việc". Đến cả việc hàng ngày con phải đi đưa báo, em cũng viết vào bài nữa. Lại còn: "Vào tối 31/12, ba mẹ con cùng ăn một bát mì rất ngon. Ba người chỉ gọi một tô mì, nhưng hai vợ chồng bác chủ tiệm vẫn cám ơn và còn chúc chúng tôi năm mới vui vẻ nữa. Lời chúc đó đã giúp chúng tôi có dũng khí để sống, khiến cho gánh nặng của ba để lại nhẹ nhàng hơn". Vì vậy Tiểu Thuần viết rằng nguyện vọng của nó là sau này mở một tiệm mì, trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất ở Nhật Bản, cũng sẽ nói với khách hàng của mình những câu như: "Cố gắng lên! Chúc hạnh phúc! Cám ơn!"


Đứng sau bếp, hai vợ chồng chủ quán lặng người lắng nghe ba mẹ con nói chuyện mà nước mắt lăn dài.


- Bài văn đọc xong, thầy giáo nói: anh của Tiểu Thuần hôm nay thay mẹ đến dự, mời em lên phát biểu vài lời.


- Thật thế à? Thế lúc đó con nói sao?


- Bởi vì quá bất ngờ nên lúc đầu con không biết phải nói gì cả, con nói: "Cám ơn sự quan tâm và thương yêu của thầy cô đối với Tiểu Thuần. Hàng ngày em con phải đi chợ nấu cơm nên mỗi khi tham gian hoạt động đoàn thể gì đó nó đều phải vội vả về nhà, điều này gây không ít phiền toái cho mọi người. Vừa rồi khi em con đọc bài văn thì trong lòng con cảm thấy sự xấu hổ nhưng đó là sự xấu hổ chân chính. Mấy năm nay mẹ chỉ gọi một bát mì, đó là cả một sự dũng cảm. Anh em chúng con không bao giờ quên được... Anh em con tự hứa sẽ cố gắng hơn nữa, quan tâm chăm sóc mẹ nhiều hơn. Cuối cùng con nhờ các thầy cô quan tâm giúp đỡ cho em con."


Ba mẹ con nắm tay nhau, vỗ vai động viên nhau, vui vẻ cùng nhau ăn hết tô mì đón năm mới rồi trả 300 đồng, nói câu cám ơn vợ chồng chủ quán, cúi chào và ra về. Nhìn theo ba mẹ con, vợ chồng ông chủ quán nói với theo:


- Cám ơn! Chúc mừng năm mới!


Lại một năm nữa trôi qua.


Bắc Hải Đình vào lúc 9g tối, bàn số hai được đặt một tấm giấy "Đã đặt chỗ" nhưng ba mẹ con vẫn không thấy xuất hiện.


Năm thứ hai rồi thứ ba, bàn số hai vẫn không có người ngồi. Ba mẹ con vẫn không thấy trở lại. Việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn như mọi năm, toàn bộ đồ đạc trong tiệm được thay đổi, bàn ghế được thay mới nhưng bàn số hai thì được giữ lại y như cũ.


"Việc này có ý nghĩa như thế nào?" Nhiều người khách cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh này nên đã hỏi. Ông bà chủ liền kể lại câu chuyện bát mì cho mọi người nghe. Cái bàn cũ kia được đặt ngay chính giữa, đó cũng là một sự hy vọng một ngày nào đó ba vị khách kia sẽ quay trở lại, cái bàn này sẽ dùng để tiếp đón họ. Bàn số hai "cũ" trở thành "cái bàn hạnh phúc", mọi người đều muốn thử ngồi vào cái bàn này.


Rồi rất nhiều lần 31/12 đã đi qua.


Lại một ngày 31/12 đến. Các chủ tiệm lân cận Bắc Hải Đình sau khi đóng cửa đều dắt người nhà đến Bắc Hải Đình ăn mì. Họ vừa ăn vừa chờ tiếng chuông giao thừa vang lên. Sau đó, mọi người đi bái thần, đây là thói quen năm, sáu năm nay. Hơn 9g30 tối, trước tiên vợ chồng ông chủ tiệm cá đem đến một chậu cá còn sống. Tiếp đó, những người khác đem đến nào là rượu, thức ăn, chẳng mấy chốc đã có khoảng ba, bốn chục người. Mọi người rất vui vẻ. Ai cũng biết lai lịch của bàn số hai. Không ai nói ra nhưng thâm tâm họ đang mong chờ giây phút đón mừng năm mới. Người thì ăn mì, người thì uống rượu, người bận rộn chuẩn bị thức ăn… Mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện, từ chuyện trên trời dưới đất đến chuyện nhà bên có thêm một chú nhóc nữa. Chuyện gì cũng tạo thành một chuỗi câu chuyện vui vẻ. Ở đây ai cũng coi nhau như người nhà.


Đến 10g30, cửa tiệm bỗng nhiên mở ra nhè nhẹ, mọi người trong tiệm liền im bặt và nhìn ra cửa. Hai thanh niên mặc veston, tay cầm áo khoác bước vào, mọi người trong quán thở phào và không khí ồn ào náo nhiệt trở lại. Bà chủ định ra nói lời xin lỗi khách vì quán đã hết chỗ thì đúng lúc đó một người phụ nữ ăn mặc hợp thời trang bước vào, đứng giữa hai thanh niên.


Mọi người trong tiệm dường như nín thở khi nghe người phụ nữ ấy nói chầm chậm:


- Làm ơn... làm ơn cho chúng tôi ba bát mì được không?


Gương mặt bà chủ chợt biến sắc. Đã mười mấy năm rồi, hình ảnh bà mẹ trẻ cùng hai đứa con trai chợt hiện về và bây giờ họ đang đứng trước mặt bà đây. Đứng sau bếp, ông chủ như mụ người đi, giơ tay chỉ vào ba người khách, lắp lắp nói:


- Các vị... các vị là...


Một trong hai thanh niên tiếp lời:


- Vâng! Vào ngày cuối năm của mười bốn năm trước đây, ba mẹ con cháu đã gọi một bát mì, nhận được sự khích lệ của bát mì đó, ba mẹ con cháu như có thêm nghị lực để sống. Sau đó, ba mẹ con cháu đã chuyển đến sống ở nhà ông bà ngoại ở Tư Hạ. Năm nay cháu thi đỗ vào trường y, hiện đang thực tập tại khoa nhi của bệnh viện Kinh Đô. Tháng tư năm sau cháu sẽ đến phục vụ tại bệnh viện tổng hợp của Trát Hoảng. Hôm nay, chúng cháu trước là đến chào hỏi bệnh viện, thuận đường ghé thăm mộ của ba chúng cháu. Còn em cháu mơ ước trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất Nhật Bản không thành, hiện đang là nhân viên của Ngân hàng Kinh Đô. Cuối cùng, ý định nung nấy từ bao lâu nay của chúng cháu là hôm nay, ba mẹ con cháu muốn đến chào hỏi hai bác và ăn mì ở Bắc Hải Đình này.


Ông bà chủ quán vừa nghe vừa gật đầu mà nước mắt ướt đẫm mặt. Ông chủ tiệm rau ngồi gần cửa ra vào đang ăn đầy miệng mì, vội vả nhả ra, đứng dậy nói:


- Này, ông bà chủ, sao lại thế này? Không phải là ông bà đã chuẩn bị cả mười năm nay để có ngày gặp mặt này đó sao? Mau tiếp khách đi chứ. Mau lên!


Bà chủ như bừng tỉnh giấc, đập vào vai ông hàng rau, cười nói:


- Ồ phải... Xin mời! Xin mời! Nào bàn số hai cho ba bát mì.


Ông chủ vội vàng lau nước mắt trả lời:


- Có ngay. Ba bát mì.

o O o​


Thật ra cái mà ông bà chủ tiệm bỏ ra không có gì nhiều lắm, chỉ là vài vắt mì, vài câu nói chân thành mang tính khích lệ, động viên chúc mừng. Với xã hội năng động ngày nay, con người dường như có một chút gì đó lạnh lùng, nhẫn tâm. Nhưng từ câu chuyện này, tôi đi đến kết luận rằng: chúng ta không nên chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh xung quanh, chỉ cần bạn có một chút quan tâm dành cho người khác thì bạn có thể đem đến niềm hạnh phúc cho họ rồi. Chúng ta không nên nhỏ nhoi ích kỷ bởi tôi tin trong mỗi chúng ta đều ẩn chứa một tấm lòng nhân ái. Hãy mở kho tàng ấy ra và thắp sáng nó lên dù chỉ là một chút ánh sáng yếu ớt, nhưng trong đêm đông giá rét thì nó có thể mang lại sự ấm áp cho mọi người.
 

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28
Đây là một câu chuyện cảm động từ một trận động đất lớn tại Mỹ năm 1989. Cơn chấn động chết người này đã làm nhiều người tử vong chỉ trong chưa đầy bốn phút.

Trong cơn hỗn loạn của trận động đất, có một người cha đang chạy xe đến trường để đón con trai mình. Khi ông tới nơi thì ngôi trường đã tan thành bình địa.

Đứng quan sát những gì còn sót lại của ngôi trường, người cha nhớ lại lời hứa với con trai: “Dù có xảy ra chuyện gì đi nữa, cha vẫn sẽ luôn bên con”. Nước mắt bắt đầu trào ra từ khóe mắt ông. Cảnh vật sao trông vô vọng quá, nhưng ông không thể thất hứa với con được. Nhớ phòng học của con trai nằm ở cuối góc bên phải của ngôi trường, ông vội chạy tới và bắt đầu đào bới đống đổ nát.

Khi ông đang đào, những người cha người mẹ đau khổ khác cũng vừa chạy đến kêu gào thảm thiết: “Trời ơi con trai tôi!”, “Ôi con gái của tôi!”. Họ vừa cố kéo người cha ra khỏi đống đổ nát vừa nói: “Đã quá trễ rồi!”, “Chúng chết cả rồi!”, “Ông không thể làm gì được nữa đâu!”, “Về nhà đi!”. Ngay đến viên cảnh sát và người lính cứu hỏa cũng khuyên ông tốt hơn hết là nên về nhà. Ông nói với những người đã ngăn cản mình: “Mọi người có tính giúp tôi không?”. Họ không trả lời ông và ông lại tiếp tục đào bới, quăng từng viên gạch ra ngoài để cứu con trai mình.Người đàn ông này cứ đào bới như thế suốt tám tiếng đồng hồ, rồi 12 tiếng, rồi 24 tiếng và rồi đến 36 tiếng. Cuối cùng, ở tiếng thứ 38, khi ông đẩy được viên đá lớn nhất ra ngoài, ông nghe giọng nói của con trai. Ông thét gọi tên con “Armand!” và có tiếng trả lời ông: “Có phải cha không? Con đây nè cha!”.

Rồi cậu bé nói thêm: “Con bảo mấy bạn đừng lo lắng. Con nói với tụi nó nếu cha còn sống, nhất định cha sẽ tới cứu con và khi cha cứu con, tụi nó cũng sẽ được cứu. Cha đã từng hứa với con “dù có xảy ra chuyện gì đi nữa, cha sẽ vẫn luôn bên con!” và cha đã ở đây. Cha đã giữ lời!”.
 

Daisyleon

Active member
Joined
Oct 25, 2011
Messages
897
Points
28

Có một loài chim mà khi lớn lên, muốn bay được thì phải ăn thịt chim mẹ. Và tất nhiên, chim mẹ luôn mong một ngày nào đó chim con có thể tự mình cất cánh bay cao; Vì thế chim mẹ đã không do dự tình nguyện để chim con ăn thịt mình…


hinh_anh_dong_vat_chim_sau-800x600.jpg


Thuở ấy con còn nhỏ lắm, chưa hiểu hết được ý nghĩa của câu chuyện. Mỗi lần Mẹ kể xong, con thường ôm lấy Mẹ “phán xét”:

- Chim mẹ thật ngốc nghếch Mẹ nhỉ, sao lại để chim con ăn thịt? Mà chim con cũng thật vô tình, sao nỡ ăn thịt chim mẹ?!

Mẹ cười thật hiền:

- Ừ, tất cả chim mẹ đều ngốc nghếch thế con ạ!

Nói với con đấy mà như không phải nói với con đấy, lại như nói với chính Mẹ vậy. Chỉ đến giờ, khi trưởng thành con mới thực sự hiểu hết ý nghĩa của câu chuyện về loài chim vô tình ngày xưa Mẹ kể.

Con chưa làm mẹ, chưa có sự trải nghiệm như Mẹ nhưng cuộc sống của Mẹ, của những người xung quanh đã giúp con hiểu được nhiều điều. Cô bạn thân, sinh con chưa được 3 tháng than phiền không hiểu sao tóc dạo này hay rụng! Đi khám, bác sĩ bảo đó là hiện tượng bình thường. Sau khi sinh con, khí huyết thuyên giảm, thêm vào đó còn phải cho con bú, phần lớn dinh dưỡng đều được con trẻ hấp thụ nên… Chợt nhớ đến Mẹ, tóc Mẹ không còn được dày, không còn óng mượt như thời con gái. Lỗi do con, tại con tất cả phải không Mẹ? Da Mẹ cũng sạm đi, dáng vẻ “thắt đáy lưng ong” thuở nào cũng không còn sau khi sinh con. Tại con, tại con tất cả phải không Mẹ? Trong những đêm không ngủ của Mẹ, có bao nhiêu đêm Mẹ thức vì con? Có lẽ nhiều, nhiều lắm, Mẹ nhỉ?!

Trẻ mới sinh giờ giấc ăn ngủ thất thường. Ngày ngủ, đêm khóc quấy. Nhất là khi trẻ mọc răng sữa, đau ốm. Mẹ đã thức trông con bao nhiêu đêm rồi Mẹ yêu ? Mắt Mẹ quầng thâm vì thiếu ngủ, những vết chân chim ngày một dày, ngày một nhiều lên, bao nhiêu phần là do con hả Mẹ ? Trong cuộc đời của Mẹ đã có biết bao nhiêu cây số “đi bộ trong đêm” để ru con ngủ ? Ba kể hồi nhỏ có lần con sốt mọc răng, ai bế, ai dỗ cũng không được, ngoài Mẹ và suốt mấy đêm liền Mẹ đã phải thức ôm con đi đi lại lại trong nhà (vì cứ dừng lại, con liền khóc!). Từ khi sinh con cho đến khi con khôn lớn, chưa có ngày nào, giờ nào Mẹ thôi lo lắng cho con.

Người ta thường bảo tình yêu của cha mẹ đối với con cái thật đáng kính. Với con, tình thương của Bố Mẹ dành cho chúng con còn thật đáng thương nữa ! Không thương sao được khi những gì tốt nhất, đẹp nhất Bố Mẹ đều dành cho con. Không thương sao được khi Mẹ ăn không dám ăn, mặc không nỡ mặc, tất cả chỉ muốn để dành cho chúng con ! Không thương sao được khi có món ăn ngon nào Mẹ cũng nhắc “khổ thân con gái, đi học xa những món ngon thế này lại không được ăn!”… Không thương sao được khi Mẹ luôn nhắc “con gái đã xa nhà một tuần”, “con gái đã đi được hai tháng mười hai ngày”, “còn hai tháng nữa con nó sẽ về chơi Tết”…

Con đã lấy đi của Mẹ tuổi thanh xuân, lấy đi của Mẹ nhan sắc! Con đã trả lại Mẹ được gì, ngoài những vết chân chim bên khóe mắt của Mẹ, đã đền nghĩa Mẹ được gì, ngoài những lo toan chồng chất lo toan trên vai Mẹ? Mẹ có khác chi chim mẹ “ngốc nghếch”, hy sinh cả đời cho chúng con? Và con, con cũng đâu khác chim con “vô tình”!

Cầu mong những chim mẹ “ngốc nghếch” đều có được những chim con “vô tình” nhưng lại thật… có tình! Cầu mong những chim con đó có thể sải cánh thật rộng, bay thật cao, thật xa như tấm lòng chim mẹ hằng mong đợi.
 
Top Bottom